Yết Kiêu là ai?
Yết Kiêu (1242-1303; chữ Hán: 歇驕) tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Cùng với Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng, Yết Kiêu là một trong 5 tùy tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương. Yết Kiêu có công giúp nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13. Ông là gia nô trung thành và cận vệ đắc lực của Trần Hưng Đạo.
Thân thế và sự nghiệp của Yết Kiêu
Người Hải Dương, con ông Phạm Hữu Hiệu và bà Vũ Thị Duyên, quê tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Quê mẹ của ông ở làng Đồng Nổi (nay là làng Song Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Yết Kiêu cùng với Dã Tượng đã lập nhiều chiến công hiển hách. Cả hai cùng từng xông pha trận mạc, và xả thân cứu chủ tướng là Hưng Đạo Vương thoát khỏi trùng vây của giặc Nguyên Mông. Với chiến công, vua Trần đã phong tướng và tước Hầu cho Yết Kiêu: “Triều Trần Hữu Tướng Đệ Nhất Bộ Đô Soái Thủy Quân, tước Hầu”.
Thuở nhỏ nhà nghèo, cha mất sớm, nhưng có tài lội lặn rất giỏi, được Hưng Đạo Vương thu nhận làm gia tướng. Vì có tài bơi lặn nên đặt tên là Yết Kiêu.
Điều kỳ lạ đầu tiên xảy ra khi Yết Kiêu 16 tuổi. Tương truyền vào đêm thanh vắng, khi Yết Kiêu ra bến sông gánh nước, vừa đến bến, ông thấy đôi trâu trắng đang húc nhau chí tử. Thấy thế, ông liền cầm đòn gánh xông liền vào giãn hai con trâu ra (Nếu ông không can ngăn, chắc chắn sẽ có con chết, con bị thương…). Ông vừa can ngăn xong, hai con trâu liền chạy xuống sông và biến mất. Nhìn quanh không thấy, ông tiếp tục quẩy gánh xuống sông lấy nước. Để lấy được nước trong, ông dùng đòn gánh khua khua mặt nước như mọi lần. Lạ thay, khi chiếc đòn gánh vừa chạm xuống mặt nước, nước sông liền giãn ra hai bên. Thấy lạ, ông cầm chiếc đòn gánh lên xem thì thấy hai chiếc lông dính ở đầu đang tỏa ánh hào quang. Nghĩ đây là điềm lành nên ông nuốt hai chiếc lông trắng ấy vào bụng. Sau khi nuốt xong, ông đi xuống nước như đi ở trên cạn.
Năm 1258, nước Đại Việt bị giặc Mông Cổ phía Bắc lăm le xâm lược, nghe tiếng loa truyền tìm người ra giúp nước, Phạm Hữu Thế quyết định lên đường tòng quân. Ông được tuyển vào thủy quân của nhà Trần. Cũng trong năm ấy, triều đình mở nhiều hội thi để chọn người tài, trong đó đấu vật được xem là cuộc thi quan trọng nhất để chọn người tài theo cạnh Trần Hưng Đạo.
Tương truyền trong cuộc thi đấu vật, những ai tham gia đấu vật với Đô Châu, gia nhân đấu vật giỏi của Trần Ích Tắc đều mất mạng. Thấy thế, Yết Kiêu liền xông vào ứng đấu. Thay vì quật ngã Đô Trâu, ông nhấc bổng hắn lên, sau đó làm cho hắn ngã ngửa bụng lên trời. Sau khi thắng, Yết Kiêu tha chết cho Đô Châu. Cảm phục tấm lòng của Yết Kiêu, Đô Châu quỳ lạy người trẻ tài cao. Thế nên, trong đền Quát hiện nay có linh vật ông Phỗng Đá đang quỳ lạy. Sau cuộc vật, Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo mời làm gia nô và dần trở thành danh tướng thủy quân tài giỏi.
Năm 1285, giặc Mông Cổ chính thức đổ bộ sang xâm lược nước ta. Nhà Trần dùng kế sách sơ tán bỏ nhà không để đánh lừa giặc. Trong kế hoạch đó, Yết Kiêu được Trần Hưng Đạo cử đi bảo vệ hai vua Trần cùng đoàn thuyền rồng hoàng tộc, sơ tán về Nam Định bằng đường sông. Trên đường đi gặp gió to, sóng lớn nước sông chảy xiết làm đoàn thuyền rồng bị chao đảo như muốn chìm xuống lòng sông. Để tìm hiểu nguyên nhân, Yết Kiêu liền lặn xuống đáy sông. Sau khi biết do con Giảo Long quậy phá, ông liền tâu vua xin được giết Giảo Long trừ hại cho dân. Giết xong Giảo Long, ông xách đầu nó lên tâu vua, từ đó ông giữ làm trọng thần trong triều.
Đến tháng 12/1285, quân Nguyên lại tiến đánh Đại Việt lần thứ 2. Yết Kiêu được giao nhiệm vụ cản thuyền giặc để bảo toàn cho vua rút quân. Trong lúc nguy khốn quân giặc đông gấp bội, tự nhiên có một con cá rất lớn lao tới. Yết Kiêu đã nhảy lên lưng cá và biến mất vào lòng sông sâu. Một lần khác, để cản đường giặc giúp Trần Hưng Đạo chạy đi, một mình ông ở lại ngăn cản. Trong lần này, ông bị giặc bắt, trói trên thuyền. Bắt được ông, tướng giặc tra hỏi: “Nước Nam có bao nhiêu người tài như ngươi”. Ông liền trả lời là rất nhiều, ông chỉ là người kém nhất nên mới sa vào tay chúng.
Tiếp đó, chúng hỏi ông làm cách gì để mời họ đến, vừa hay ông thấy trên trời có đàn hạc đang bay lượn liền nói: “Các anh ta không thấy ta về nên đến tìm kìa”. Nghĩ có thể bắt được nhiều người nữa, tướng giặc liền cởi trói cho Yết Kiêu để ông mời họ xuống. Vừa cởi được trói, ông liền ôm tướng giặc nhảy xuống sông. Nhờ biệt tài đi dưới nước như đi trên cạn, Yết Kiêu được triều đình nhà Trần trọng dụng.
Các câu chuyện về Yết Kiêu
Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi.
Tương truyền, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước. Sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, Phạm Hữu Thế thấy hai con trâu trắng húc nhau liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu biến mất, Hữu Thế thấy còn hai chiếc lông còn dính vào đòn ống, đặt xuống nước, nước rẽ ra làm đôi.
Cho đây là lông trâu thần, ông liền nuốt vào bụng. Từ đấy, Phạm Hữu Thế có thân thể hùng cường, trí lực, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như ở trên đất bằng vậy.
Sự lạ lùng ấy ứng với bức hoành phi trong đền Quát “Thiên cổ dị nhân” (từ trước tới nay mới có người lạ thường như vậy). Thực ra, đây là một cách lý giải tài bơi lội của Phạm Hữu Thế để làm tăng thêm tính phi thường của viên tướng xứ Đông này, khẳng định tài bơi lội của ông như do thần linh mang lại.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng) đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).
Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền giặc rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và buộc dây đút lút lại. Những cuộn giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây.
Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc. Đến gần sáng khi đã đục đủ số thuyền đã định, Yết Kiêu liền kéo dây khiến những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi về địa điểm an toàn.
Có lần, Yết Kiêu bị vây bắt ở bãi sông. Ông núp mình dưới những bụi cây mọc lúp xúp và tránh sự lùng sục gay gắt của giặc. Chúng dùng kiếm đâm vào bụi cây, trúng đùi Yết Kiêu. Yết Kiêu cắn răng chịu đựng, khi kẻ thù rút kiếm ra, ông cố gắng chịu đau và dùng tay lau vết máu dính trên lưỡi kiếm để kẻ thù không phát hiện thấy mình…
Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử sang Nguyên triều đi sứ, mong nối lại hoà khí với nước mạnh hơn mình mà mang lại hoà bình cho nhân dân đất Việt. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử làm tướng hộ vệ Lê Đỗ.
Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa Nguyên triều vốn rất xinh đẹp cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới.
Trở về đất nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, đã báo tin Yết Kiêu qua đời khi công chúa Nguyên triều mới đi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt.
Công chúa vô cùng thương xót Yết Kiêu, bèn thuê người tạc tượng mình thả xuôi sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông và cầu nguyện: “Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng”, rồi gieo mình từ đàn cầu siêu xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng nhẩy xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa…
Yết Kiêu mất ngày 28 tháng chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì quê ông là đền Quát. Khu đền đã trải qua hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII- XVIII được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn. Khu di tích đền Quát được xếp hạng quốc gia (28-1-1989).
Lễ hội đền Quát thường diễn ra vào rằm tháng giêng và rằm tháng tám. Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương lại trở về vùng sông nước Hạ Bì, trước là lễ tạ thành hoàng Yết Kiêu, sau là dự hội làm bánh, hội đua thuyền … Tại lễ hội có lễ tế công chúa Nguyên triều, và phải là những cô gái chưa chồng mới được tham gia lễ rước.