Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động mà em và các bạn trong lớp quan tâm bao gồm dàn ý chi tiết cùng 20 bài mẫu được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn sẽ giúp các em có thêm nhiều gợi ý mới lạ để hoàn thiện tốt bài tập làm văn của mình.
Đề bài: Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động mà em và các bạn trong lớp quan tâm
Thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động là kiểu bài người viết dùng phương tiện giao tiếp ngôn ngữ, hoặc kết hợp với phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ, thuyết minh để người đọc hiểu rõ quy tắc hay luật lệ trong một hoạt động. Đó chính là những mục mà người tham gia cần tuân thủ, nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho hoạt động.
Dàn ý viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động
I. Mở bài:
- Nêu tên quy tắc, luật lệ của hoạt động.
- Nếu lí do của việc thuyết minh về quy tắc, luật lệ
II. Thân bài:
– Giới thiệu vắn tắt các mục đích, bối cảnh, thời gian và không gian diễn ra hoạt động và sự cần thiết thực hiện hoạt động theo quy tắc
– Trình bày các điều khoản/ nội dung của quy tắc hay luật lệ.
- Điều khoản/ nội dung 1
- Điều khoản/ nội dung 2
- Điều khoản/ nội dung 3
III. Kết bài:
- Khẳng định ý nghĩa của việc tuân thủ quy tắc, luật lệ.
- Đưa ra khuyến nghị đối với người đọc (nếu có).
10 Bài mẫu Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động mà em và các bạn trong lớp quan tâm hay nhất
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 1
Quy tắc trò chơi Ma Sói
1. Tổng quan cách chơi
Trò chơi chia làm 2 buổi ban ngày và ban đêm. Bắt đầu vào đêm đầu tiên, các vai trò đặc biệt sẽ được quản trò gọi dậy trong đêm, các vai trò như dân làng, cô bé sẽ ngủ suốt đêm cho đến khi trời sáng. Ban ngày là thời gian tất cả cùng thức dậy và cùng nhau thảo luận ai là sói để thực hiện treo cổ (có thể chọn treo cổ hoặc không). Bất cứ ai bị chọn treo cổ sẽ có khoảng thời gian để biện hộ cho mình, sau đó những người bình chọn sẽ biểu quyết là sống hoặc chết, nếu phiếu chết cao hơn, người đó sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi (không được tham gia bất cứ hoạt động nào sau đó, kể cả thảo luận).
Game có thể sẽ xuất hiện thêm phe thứ 3 nếu có các vai trò đặc biệt được người quản trò bỏ vào, càng nhiều người chơi thì sẽ càng nhiều vai trò. Số lượng sói, dân và phe thứ 3 cũng sẽ thay đổi theo số lượng người tham gia chơi.
Trò chơi sẽ kết thúc khi:
- Phe sói có số lượng ngang phe người – Sói Thắng
- Phe sói bị tiêu diệt hết – Người thắng
- Phe thứ 3 thực hiện xong nhiệm vụ của mình – Phe thứ 3 thắng
2. Luật chơi cơ bản
Đêm đầu tiên:
Tất cả người chơi nhắm mắt lại “đi ngủ”. Quản trò lần lượt gọi các chức năng đặc biệt “dậy”, mỗi lần như vậy thì người chơi được gọi sẽ mở mắt “thức dậy”, thực hiện chức năng đặc biệt của mình theo sự hướng dẫn của quản trò trong im lặng và nhắm mắt lại.
Ví dụ: Khi quản trò gọi: “Sói ơi, dậy đi.”, những người chơi được giao cho nhân vật “Sói” để mở mắt và nhìn nhau. Quản trò nói tiếp: “Sói ơi, đêm nay Sói muốn giết ai?”, những người chơi trong vai trò trên sau khi đã thống nhất (trong im lặng) sẽ chỉ tay về phía mục tiêu hay con mồi của mình. Quản trò sẽ ghi nhớ lại các nạn nhân và yêu cầu Sói đi ngủ: “Sói ơi, đi ngủ đi.”.
Quản trò cũng sẽ làm tương tự như vậy đối với các nhân vật khác. Thứ tự gọi tên các nhân vật của quản trò có thể tùy thuộc vào cách xây dựng trò chơi của mọi người.
Ngày đầu tiên:
Quản trò sẽ thông báo người chết và thống nhất mọi người thời gian bàn luận cũng như cách để vote một người bị hành xử. Tuỳ thuộc vào việc cách chơi của bạn có yêu cầu rằng người chết sẽ bị tiết lộ danh tính hay không mà quản trò sẽ tiết lộ danh tính người chết (thường là không). Sau đó, những người sống sót sẽ tranh luận và loại một người chơi nào đó ra mà họ nghĩ là Sói.
VD: Thời gian để bàn luận là 3-5p. Sau đó mọi người sẽ bình chọn người mình cho là sói và người đó sẽ có 30s-1p để thanh minh. Cuối cùng mọi người sẽ cùng đưa ra quyết định muốn cứu hay treo cổ người này.
Những đêm tiếp theo:
Quản trò vẫn gọi các chức năng khả năng đặc biệt dậy và cho họ thực hiện chức năng của mình. Lưu ý nếu chơi theo luật ẩn vai trò, bạn sẽ phải gọi những nhân vật có chức năng đặc biệt đã chết dậy để không ai biết còn bao nhiêu vị trí còn lại.
Những ngày tiếp theo:
Quản trò sẽ thông báo người chết. Người đó tất nhiên sẽ thành hồn ma và không được nói một lời nào hết. Phiên tòa xét xử để tìm ra Ma sói vẫn tiếp tục diễn ra như ngày một.
Kết thúc game:
Game sẽ kết thúc khi người dân giết được hết Sói, hoặc số Sói bằng số dân làng, hoặc phe thứ 3 hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 2
Đập niêu đất là trò chơi không biết có từ bao giờ nhưng đến nay, nó đã trở thành hoạt động không thể thiếu trên quê hương em trong những ngày đầu xuân năm mới.
Đập niêu đất là một trò chơi thú vị. Vì vậy, nó đã thu hút sự tham gia cổ vũ của rất nhiều người. Trò chơi thường được làng em tổ chức vào mồng 4 Tết hàng năm. Trong làng lại có các thôn, xóm nhỏ nên các thôn, xóm sẽ cử ra hai người làm thành một đội chơi tham gia tranh tài.
Để chơi trò chơi, người ta dựng đoạn tre to, chắc khỏe cao khoảng hai mét xuống đất. Sau đó, nối hai cây lại với nhau bằng một đoạn tre nằm ngang. Lúc này ba đoạn tre đã tạo thành hình giống như một cái cổng nhà. Trên thanh tre nằm ngang, ban tổ chức sẽ treo khoảng năm, sáu niêu đất lủng lẳng. Nhiệm vụ của các đội chơi là phải cầm gậy gỗ đập hết các niêu đất đó trong thời gian sớm nhất để giành chiến thắng. Để cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức đã yêu cầu một đội chơi phải có một người cõng một người trên lưng, cả hai người sẽ cùng bị bịt mắt và dựa vào trí nhớ của mình để đập niêu đất.
Để công bằng, các đội chơi sẽ lần lượt chơi và có trọng tài bấm giờ. Mỗi khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội chơi sẽ phải dựa vào trí nhớ của mình và sự chỉ dẫn của dân làng để xác định và tiến đến vị trí của niêu đất; người được cõng trên lưng sẽ cố gắng đập vỡ niêu đất, còn người cõng sẽ cố gắng đứng vững và di chuyển theo sự chỉ dẫn của dân làng. Vì thế, mỗi khi một đội chơi xuất phát là tiếng hò reo, cổ vũ lại vang lên tạo thành một bầu không khí rất vui nhộn.
Sau khi các đội chơi của các thôn, xóm đã chơi xong, người dân trong làng và du khách có thể trực tiếp tham gia trò chơi để tự mình trải nghiệm cảm giác đập niêu đất.
Em rất yêu thích và mong chờ trò chơi đập niêu đất. Trò chơi đã trở thành niềm vui, thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương em. Nó giúp cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn khi tết đến, xuân về và nó cũng làm cho con người ở làng quê trở nên gần gũi, thân thuộc với nhau hơn.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 3
Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.
Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.
Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng. Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực . Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.
Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh dần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.
Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, níu giữ nét đẹp truyền thống này.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 4
Giới thiệu trò chơi: Đời sống văn hoá của con người Việt Nam vốn rất phong phú và đa dạng. Có biết bao nhiêu trò chơi hay thể hiện được những nét đẹp của văn hoá và tâm hồn của người Việt trong số đó bịt mắt bắt dê là trò chơi chúng ta hẳn đều rất quen thuộc.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã có từ rất lâu đời, nó len lỏi trong đời sống văn hoá của dân ta, theo tuổi thơ của chúng ta mà trưởng thành. Ngày trước trong lễ hội trò chơi này được tổ chức dành riêng cho các nam thanh nữ tú. Có hai người chơi chính, họ sẽ được bịt mắt sau đó đi bắt con dê. Con dê được buộc theo một vật phát ra tiếng để người bị bịt mắt dễ dàng nhận biết được. Người xung quanh reo hò cổ vũ khiến không khí trò chơi thêm sôi động, nhộn nhịp. Sau này trò chơi bịt mắt bắt dê đã có nhiều biến thể và đa phần không còn đi tìm dê nữa mà là tìm người.
Miêu tả cách chơi (quy tắc): Hai người chơi sẽ bị bịt mắt và con dê sẽ mang áo tơi lá để khi chuyển động vang lên tiếng sột soạt dễ tìm. Người xem bao gồm cả người lớn và trẻ em sẽ đứng ngoài và cổ vũ. Khi hết lượt không có người nào bắt được dê thì sẽ ra ngoài để người khác vào chơi.
Miêu tả luật chơi: Trò chơi này hiện đã có nhiều biến thể và không phải lúc nào cũng là bịt mắt đi tìm con dê. Tùy theo mỗi vùng miền sẽ có luật chơi, cách chơi khác nhau. Thông thường sẽ có hai luật chơi như sau:
Cách 1:
Cả nhóm sẽ cùng oẳn tù tì để chọn một người xung phong bị bịt mắt. Khi người đó hô đứng lại thì tất cả phải đứng lại, không ai được di chuyển. Người bịt mắt sẽ đi một vòng tròn, bắt một người bất kỳ. Xung quanh tạo ra tiếng động để người bịt mắt không đoán được người bị bắt là ai. Nếu như người bị bịt mắt không phán đoán được đó là ai hoặc không bắt được ai thì tiếp tục hô bắt đầu để cho lượt chơi mới.
Cách 2:
Chọn hai người vào chơi, một người làm dê và một người đi bắt dê. Cả hai sẽ cùng đứng trong một vòng tròn và bịt mắt lại, đứng quay lưng vào nhau. Người làm dê vừa di chuyển vừa kêu be be để người bịt mắt phát hiện phương hướng và đuổi bắt. Nếu người bịt mắt bắt được người giả làm dê thì sẽ thắng cuộc.
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi mang tính giải trí cao, thể hiện được sự nhanh nhạy, khôn khéo của người bắt dê. Tại các dịp hội hè, sự kiện đều thường xuyên tổ chức trò chơi này để mang đến một không khí giải trí vui tươi, bổ ích.
Những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, kéo co hiện đã không còn xuất hiện nhiều như trước. Một thế hệ trẻ nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi game, các trò chơi hiện đại. Thế nhưng, trò chơi bịt mắt bắt dê chắc chắn vẫn luôn được yêu mến, giữ gìn bởi những thế hệ về sau.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 5
Lễ hội là tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:
Dù ai buôn đâu, bán đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Bạn đang xem: Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động mà em và các bạn trong lớp quan tâm (20 Mẫu)
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Câu ca dao như một lời nhắc nhở các tín đồ phật giáo hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.
Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng – Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống… hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.
Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.
Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 6
Đối với học sinh, các hoạt động giải trí vào giờ ra chơi như một hoạt động không thể thiếu sau mỗi giờ học căng thẳng. Ở trường em, đá cầu được cho là hoạt động được yêu thích nhất bởi nó dễ chơi và trang bị ít nên rất nhiều bạn thích chơi nó. Đá cầu cũng là một môn thể thao thường xuất hiện trong các cuộc thi thể thao của nhiều trường bởi nó thể hiện sự dẻo dai và chính xác của người chơi.
Để có thể chơi được cầu chúng ta cần chuẩn bị một cả cầu, một cái lưới để ngăn cách sân thành hai bên. Tùy vào mức độ không gian mà đôi khi không cần quá to, nếu không gian chơi không đủ lớn chúng ta cũng có thể sử dụng vạch kẻ thay cho lưới. Mỗi đội chơi có thể là 1-2 người hoặc nhiều hơn tùy vào số lượng người chơi.
Về quy tắc chơi, hai đội sẽ đứng về phía sân của mình được ngăn bởi vạch kẻ hoặc lưới. Công việc của mỗi người là đá quả cầu từ bên mình sang bên người khác và phải qua vạch mới được tính. Đội còn lại sẽ có trách nhiệm đỡ quả cầu và đá lại đội bên kia. Nếu không đá trúng đội còn lại sẽ được tính điểm. Trong trường hợp không đá qua vạch hoặc lưới thì đội còn lại sẽ được tính điểm. Điểm của mỗi đội sẽ có trọng tài tính và cuộc so tài thường diễn ra trong ba hiệp.
Đá cầu được coi là một môn thể thao tốt cho sức khỏe bởi chúng ta phải hoạt động cơ chân nhiều. Để đá trúng được quả cầu phải sử dụng cả sự dẻo dai và chính xác của cơ thể nên nó được rất nhiều bạn học sinh yêu thích. Dù hiện nay công nghệ phát triển, nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi các trò chơi hay mạng xã hội, nhưng đá cầu vẫn là hoạt động yêu thích không thể thiếu vào mỗi giờ ra chơi.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 7
Giới thiệu trò chơi: Với đời sống văn hóa của con người Việt nam từ bao đời nay là vô cùng phong phú và đa dạng. Trước khi có sự xuất hiện của Internet, các hình thức giải trí game online, những trò chơi dân gian luôn dành được sự yêu thích của rất nhiều người. Một trong những nét đẹp văn hóa ấy là trò chơi kéo co.
Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta. Đây là một trò chơi mang tính đồng đội, tập thể, phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ gái trai. Trò chơi ấy không chỉ phổ biến ở vùng đồng quê, nông thôn mà người dân thành phố cũng có thể tham gia. Đặc biệt trong các dịp lễ hội, thi đua, team building đều không thể có sự vắng mặt của trò chơi kéo co.
Miêu tả cách chơi (quy tắc): Để tổ chức chơi kéo co, người chơi cần chuẩn bị một chiếc dây thừng dài, chắc chắn. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài của dây cho phù hợp. Phần giữa của sợi dây được buộc dấu bằng vải màu. Cách vạch trung tâm về hai phía khoảng một mét là vạch xuất phát của hai đội. Thông thường, mỗi đội chơi thường có 10-15 người ngang sức ngang tài.
Miêu tả luật chơi: Sẽ có một người được cử ra làm trọng tài, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Bên nào kéo phần vải đã được đánh dấu trên dây về nhiều hơn thì sẽ dành chiến thắng. Khi kéo, cũng có rất nhiều luật lệ được đặt ra cho người chơi, như không được phép nằm, đè lên dây, không được phép gian lận. Thông thường, các đội sẽ có những cách bố trí chiến thuật chơi khác nhau, người đội trưởng thường đứng đầu làm chỗ dựa cho các thành viên. Những tiếng hô vang 1…2 được vang lên dõng dạc như một biện pháp khích lệ tinh thần cho các thành viên.
Để phân chia thắng bại công minh, trò chơi thường được chia làm 3 vòng thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài có thể chỉ vài giây cho đến vài phút. Trò chơi đòi hỏi sức bền rất lớn, tinh thần đoàn kết của đồng đội. Trong quá trình chơi, tay có thể dễ bị phồng rộp, đau rát do lực ma sát của dây thừng. Thế nhưng, bỏ qua những mệt mỏi mà cảm giác dành được chiến thắng cũng rất vui vẻ. Trò chơi tuy đơn giản nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, hô hào của cả người chơi và các cổ động viên. Mọi người khi tham gia cổ vũ đều hò hét, khua chiêng đánh trống vang dội để tiếp sức mạnh tinh thần cho người chơi.
Tác dụng của trò chơi: Trò chơi kéo co được sử dụng qua rất nhiều các dịp lễ hội, trại hè. Như các ngày lễ tại trường học, nhà trường cũng thường tổ chức chơi kéo co cho các bạn học sinh, nhằm rèn luyện sức khỏe và tăng tính đồng đội, hợp tác cho các bạn học sinh.
Hiện nay, có rất nhiều trò chơi dân gian đã bị thay thế bởi những trò chơi game hiện đại, cuốn hút. Thế nhưng, trò chơi kéo co chắc chắn vẫn luôn được yêu mến, giữ gìn bởi những thế hệ về sau.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 8
Giới thiệu trò chơi: Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi Chi chi chành chành.
– Miêu tả cách chơi: Người chơi có thể từ 3 người trở lên. Chọn một người đứng ra trước xòe bàn tay ra các người khác giơ ngón trỏ ra đặt vào long bàn tay vào. Người xòe bàn tay đọc thật nhanh:
Chi chi chành chành.
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa chết chương.
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập.
Đọc đến chữ “ập” người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì vào thế chỗ người xòe tay và vừa làm vừa đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.
Tác dụng của trò chơi: giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn cho các bé và không đòi hỏi phải có sân chơi cũng như cần có quá nhiều người chơi.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 9
Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là “bắt dê” chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.
Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.
Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.
Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 10
Từ xưa, các trò chơi dân gian đã giúp con người, đặc biệt là trẻ em giải trí, thư giãn. Một trong những trò chơi thú vị, hấp dẫn nhất mà chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến là cướp cờ.
Trò chơi cướp cờ có quy tắc, luật chơi khá đơn giản. Về số lượng người, trò chơi này không hạn chế. Tuy nhiên, người chơi phải chia làm hai đội nên tổng số người chơi phải là chẵn. Mỗi đội thường có từ ba đến năm thành viên. Một người sẽ được cử làm quản trò.
Không gian chơi thường ở những nơi rộng rãi, thoáng mát và bằng phẳng như sân trường, nhà thể chất… Đầu tiên, người chơi sẽ phải chọn vật làm “cờ”. Đây là vật mà hai bên đội sẽ phải cạnh tranh để giành được. Người chơi thể sử dụng khăn đỏ, cành cây… làm “cờ”. Tiếp đến, người chơi sẽ phải kẻ sân chơi. Giữa sân chơi vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 20 – 25cm. Ở giữa vòng tròn, đặt vật làm cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ hai đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, cách vòng tròn khoảng 6 đến 7m. Đây là vị trí đứng của mỗi đội.
Sau khi chuẩn bị xong, trò chơi sẽ được bắt đầu. Mỗi đội sẽ đứng theo đường đã kẻ. Các thành viên lần lượt điểm danh từ một đến hết và phải nhớ chính xác số của mình. Quản trò đứng giữa sân chơi, là người có vai trò điều khiển, sẽ lần lượt hô các số của các người chơi. Khi quản trò hô tới số nào, thành viên nào ở hai đội có số tương ứng sẽ là được quyền chạy qua vạch tới đường tròn giữa sân để giành lấy “cờ”. Quản trò có thể được phép gọi nhiều số cùng lên. Hoặc gọi hai ba số cùng về. Người đầu tiên cướp được “cờ” phải nhanh chóng chạy lại về vạch xuất phát của đội mình. Người chơi còn lại phải tìm cách đuổi theo và chạm vào người đang cầm “cờ”. Nhưng đảm bảo chỉ được người chơi cùng số mới được chạm vào nhau. Nếu chạm được vào người đó, điểm sẽ thuộc về đội của người chơi đuổi theo. Còn không, để cho đội cướp cờ về đích an toàn, đội cướp cờ giành được điểm. Quản trò tiếp tục tiến hành các lượt chơi tiếp theo. Số lượt chơi sẽ được giới hạn nhất định. Sau một số lượt nhất định, cộng điểm thắng mỗi đội lại. Đội nào giành được nhiều điểm hơn là đội chiến thắng chung cuộc.
Một số lưu ý khi chơi cướp cờ như: Chỉ có người chơi được gọi số đúng với số của mình mới được chạy lên cướp cờ. Người chơi chạy sai số sẽ trừ một điểm vào điểm của đội mình. Nếu người chơi đã qua vạch đích, không được tiến hành đập vào người nữa…
Trò chơi cướp cờ giúp rèn luyện phản xạ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn của mỗi người. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp rèn luyện tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác của mỗi người. Đây là một trò chơi rất hấp dẫn, thú vị.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 11
Những trò chơi giúp con người thư giãn, giải trí. Mỗi trò chơi đều có những quy tắc và luật lệ riêng, trò chơi chuyền cũng vậy.
Chơi chuyền, hay còn gọi là đánh chắt, đánh thẻ là một trò chơi dân gian phổ biến với trẻ em, nhưng chủ yếu là các bạn nữ. Trò chơi này xuất hiện từ rất lâu về trước và có luật chơi khá đơn giản.
Số lượng người chơi c ó thể là một người, hoặc có thể từ hai đến năm người chơi thay phiên nhau. Để chơi chuyền cần chuẩn bị dụng chơi bao gồm mười que nhỏ gọi là que chuyền và một quả nặng. Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài. Quả nặng để chơi chuyền ngày xưa được sử dụng bằng quả cà, quả bưởi còn nhỏ…
Người chơi chuyền chỉ cần ngồi tại chỗ không cần di chuyển. Vì vậy, trò chơi ở bất cứ đâu như trong nhà, lớp học hoặc sân trường… Tuy nhiên trò chơi chuyền có hành động tung và đỡ bóng nên cần tránh các không gian bị vướng ở phía trên, để bóng không đánh trúng.
Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng tên với lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên được học thuộc trước lời đồng dao. Khi chơi, chúng ta sẽ oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi. Ở mỗi lượt, người chơi cần trải qua mười bàn chuyền một tay và mười bàn chuyền hai tay.
Mỗi bàn chuyền một tay cần tiến hành hai hành động là giải que truyền xuống chân và nhặt que truyền. Giải que chuyền là hành động đầu tiên của mỗi bàn. Người chơi sẽ duỗi thẳng một chân, dùng tay ngược lại với chân cầm cả quả nặng và mười que chuyền. Sau đó, người chơi sẽ tung quả nặng lên cao (nhưng không làm rơi que chuyền). Trong lúc quả nặng bay lên không trung, người chơi nhanh chóng dùng tay chải mười que chuyền dọc ống chân đang duỗi. Khi quả nặng rơi xuống, lại nhanh tay dùng chính tay ban đầu để đỡ quả nặng. Tiếp đến, người chơi cần tiến hành nhặt que chuyền. Quả nặng được cầm ở một tay, sau đó tung lên không trung. Trong lúc quả nặng trên không trung, người chơi nhanh chóng dùng chính tay vừa cầm để lấy số que cần nhặt ở mỗi bàn. Sau khi hết mười bàn chuyền một tay, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả năng lên cao, đồng thời dùng hai tay nắm mười que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền này cũng sẽ thực hiện mười lần.
Trò chơi chuyền giúp rèn luyện trí nhớ, tư duy và cùng với đó mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo. Có thể khẳng định, chơi chuyền là một trò chơi bổ ích, thú vị.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 12
Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống văn hóa. Điều đó được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến các trò chơi dân gian.
Bịt mắt bắt dê là một trò chơi đã xuất hiện từ lâu. Trong những bức tranh xưa, chúng ta đã thấy được hình ảnh cô bé, cậu bé đang trò này. Đây là một trò chơi mang tính tập thể cao, với sự tham gia của nhiều người chơi. Cách gọi “bắt dê” cũng có ý nghĩa riêng. Loài dê có bản tính hiền lành, nhút nhát nhưng khá linh hoạt và rất thích vận động. Vì vậy, người bắt được dê cần có sự nhanh nhẹn, tinh ý và chiến thuật. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn.
Trò chơi này thường được chơi ở những nơi rộng rãi, ví dụ như sân trường, công viên… Những người chơi sẽ nắm tay nhau để tạo ra một vòng tròn. Tất cả những người chơi sẽ oẳn tù xì để quyết định xem ai là người làm. Người thua sẽ phải bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy. Những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “đứng lại” thì họ phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Nếu người làm bắt được “dê” và đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi giúp rèn luyện phản xạ, cũng như sự nhanh nhẹn của người chơi. Không chỉ vậy, trò chơi này còn giúp gắn kết mọi người với nhau.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 13
Nhắc đến Mộ Chu là người ta nghĩ tới hoạt động văn hoá dân gian giã bánh giầy phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương và tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ Vua Lê Đại Hành – người có công lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống giành thắng lợi. Từ đó 1 năm 2 lần hội thi giã bánh giầy vào dịp 10/1 và 10/3 âm lịch đã trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Chu Hạ. Lễ hội của dân làng Mộ Chu Hạ không gì hơn ngoài việc ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhớ các vua Hùng dạy dân trồng lúa, nhớ sản vật trời đất ban cho. Hội thi giã bánh giầy là cuộc thi tài thi sức giữa 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc tương đương với 4 dòng họ lớn trong làng.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, ngay từ trong năm các giáp phải đi lấy đá Đông Triều về làm cối giã. Cối làm ra phải mịn mặt, sâu lòng, để được vững vàng trên mặt đất. Chày giã bánh được làm từ cây tre bánh tẻ vừa lên đủ lá, chặt lấy đoạn gốc dài khoảng 1,6m, ba đốt dưới cạo bỏ lớp cật, đầu vót tròn xoa nhẵn. Phần trên chày được sơn đỏ hoặc dán giấy màu.
Chiều ngày mùng 9 tháng Giêng, phần tế lễ diễn ra tại đình làng Mộ Hạ. Trong phần tế lễ có 1 khâu quan trọng của ngày hôm sau liên quan đến giã bánh, đó là đi lấy nước từ Ngã ba sông Hạc đem về. Đây là thứ nước thanh khiết được đựng trong âu gốm đặt lên bàn thờ, dùng để thờ cúng suốt năm. Gạo nếp hoa vàng cũng được ngâm bằng thứ nước này từ đêm mùng 9, trước khi ngâm gạo được chọn kỹ lưỡng, không được lấy tay chọn mà phải dùng đũa, hạt gạo mẩy đều, không nứt vỡ đôi.
Sáng ngày 10 tháng Giêng là vào chính tiệc. Buổi sáng, làm lễ tế báo cáo thần linh, cầu thành hoàng phù hộ cho làng ấm no, thịnh vượng. Sau lễ tế là phần hấp dẫn nhất ngày hội. Khi công tác chuẩn bị của 4 giáp được hoàn tất, chọn giờ hoàng đạo ông chủ lễ đánh hồi trống hiệu lệnh chạy quân xung quanh đình. Sau đó 4 đội tề tựu trước sân thành 4 hàng dọc làm lễ trước khi vào cuộc thi. Ông chủ tế hô to, theo nhịp các vận động viên giãn đều bái theo mệnh lệnh: thiên bái – bái trời, địa bái – bái đất, thánh bái – bái người được thờ. Cuộc thi tài bắt đầu. Khi xôi chín mềm, dẻo dính, hương thơm ngào ngạt thì đổ vào cối rồi bắt đầu giã. Đây là những náo động, gay cấn nhất của cuộc thi, bởi xôi nếp nóng càng giã càng dính đòi hỏi người giã không chỉ khỏe mạnh mà phải thật khéo léo. Tiếng thậm thình hòa vang cùng tiếng chiêng trống thúc giục liên hồi, xung quanh dân làng reo hò náo nhiệt cổ vũ cho giáp của mình mau giành phần thắng.
Chọn 4 giáp mỗi giáp 3 chiếc bánh giầy đẹp nhất đưa vào đền làm lễ rồi lại đem ra để chấm giải. Ngoài yêu cầu về thời gian, bánh đạt giải phải có màu trắng trong, tròn mịn, nây đều. Giáp nào được giải thì năm đó dân làng gặp nhiều may mắn, được mùa ấm no.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn về hình dáng, hương vị. Tục giã bánh giầy truyền thống làng Mộ Chu Hạ đã trở thành nét đẹp văn hoá, truyền thống, nhắc nhở thế hệ tương lai biết trân trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên quê hương đất Tổ.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 14
Trong Hội khỏe Phù Đổng sắp tổ chức ở trường ta, sẽ có trò chơi Nhảy bao bố. Đây là một trò chơi khá mới nên mình xin giới thiệu với các bạn về quy tắc của trò chơi này.
Đầu tiên là về dụng vụ. Để chơi trò này, mỗi người chơi đều cần có một cái bao bố. Bao bố cần phải có kích thước đủ rộng để chúng ta đứng vào bên trong, và chiều cao tối thiểu đến ngang bụng người chơi. Bao bố cần có độ dày nhất định, để khi nhảy không bị rách hoặc bục ra gây cản trở và nguy hiểm cho người bên trong.
Thứ hai là về cách chơi. Các người chơi sẽ đứng ở vạch xuất phát như môn điền kinh. Hai chân để trong bao bố, hai tay cầm sẵn vành bao. Sau tiếng còi của trọng tài, thì dùng sức bật hai chân lên để nhảy về phía trước, sao cho người không rơi ra ngoài bao. Trên đường đua, ai rớt ra khỏi bao bố, thì chỉ việc bước vào lại rồi tiếp tục tiến về đích. Ai cán đích trước thì sẽ là người thắng cuộc.
Cuối cùng, để đảm bảo an toàn khi chơi, thì các bạn cần phải cẩn thận khi nhảy trong bao. Vì trò chơi này khiến hai chân bị giới hạn trong cái bao bố, dễ gây vướng víu, mất cân bằng khi nhảy. Các bạn không nên quá vội vàng hấp tấp khi nhảy, mà cần lấy đà cẩn thận, nhảy thật chắc chắn để đảm bảo an toàn.
Các quy tắc trên là những điều cơ bản nhất của trò chơi nhảy bao bố. Bạn nào cảm thấy hứng thú và muốn thử sức thì nhớ đăng kí tham gia trò chơi này nhé!
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 15
Trong hội trại sắp tới của trường ta, sẽ diễn ra phần thi trò chơi Nhảy dây tập thể. Để mọi người hiểu rõ và nắm được trò chơi này, mình xin giới thiệu các quy tắc và luật lệ của trò chơi này như sau.
Thứ nhất là về dụng cụ. Dụng cụ để chơi trò chơi này là một sợi dây thừng có bề ngang bằng ngón tay cái, dài khoảng 8m đến 10m, do nhà trường cung cấp.
Thứ hai là về người tham gia. Mỗi lớp sẽ cứ 10 bạn học sinh tham gia chơi. Các bạn cần có sức khỏe, sự linh hoạt và sức bền tốt. Về trang phục, thì các bạn sẽ mặc đồng phục thể dục của lớp, chân đi giày thể thao. Các bạn nữ thì buộc tóc gọn gàng để thuận tiện cho việc nhảy dây.
Thứ ba, quan trọng nhất là về luật chơi. Đội sẽ có hai bạn quay dây theo chiều kim đồng hồ. Tám bạn còn lại sẽ lần lượt nhảy vào theo thứ tự. Người trước thành công nhảy vào dây, nhảy tại chỗ được 5 cái thì người thứ hai mới nhảy vào. Cứ như vậy lần lượt đến khi cả 8 thành viên đều đã vào được dây, cùng nhảy tại chỗ 5 lần thì thành công. Đội thành công với số lần thử ít nhất sẽ là đội dành chiến thắng.
Trên đây là những thông tin cơ bản mà các bạn cần biết về trò chơi nhảy dây tập thể này. Bạn nào mong muốn tham gia thì cần nắm rõ để có thể cùng đội thi đấu thành công.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 16
Chiều ngày mai, sau khi tan học, lớp chúng ta sẽ ra sân thể dục, để cổ vũ cho đội bóng lớp ta thi đấu vòng loại trường. Để buổi cổ vũ diễn ra thuận lợi, mình xin gửi đến các bạn một số quy tắc như sau.
Đầu tiên, để tăng tính tập thể, lớp chúng ta sẽ thống nhất cùng mặc áo lớp. Như vậy, nhìn từ dưới sân sẽ có thể nhanh chóng xác định vị trí của lớp và gây ấn tượng với các đội khác.
Tiếp theo, chúng ta sẽ mang theo biểu ngữ “Lớp 7A chiến thắng” do năm bạn ngồi cùng một hàng ngang cầm, và giơ lên mỗi khi hô khẩu hiệu.
Tất nhiên, để tăng bầu không khí, chúng ta sẽ chuẩn bị các câu cổ vũ hô thật to và đồng thanh. Nhằm cổ vũ đội bóng của lớp, và thể hiện sự đoàn kết của tập thể lớp. Nên bạn nào cũng cần phải tập và hô cùng nhau khi cổ vũ.
Cuối cùng, chúng ta sẽ mang theo nước, hoa quả và bánh trái để ăn uống trong lúc cổ vũ. Nhưng cần lưu ý là phải ăn thật gọn gàng, sạch sẽ. Sau khi kết thúc thi đấu thì phải dọn dẹp sạch sẽ trước khi về.
Chỉ cần tuân thủ các quy tắc như vậy thôi, thì lớp chúng ta sẽ có một đội cổ vũ nhiệt tình và thành công.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 17
Chiều thứ bảy tuần này, lớp chúng ta sẽ có hoạt động ghé thăm di tích chùa Một Cột. Để đảm bào có một chuyến đi thành công, mình xin được giới thiệu với các bạn một số quy tắc cần tuân thủ trong chuyến đi lần này.
Đầu tiên, vì chùa là nơi linh thiêng, nên chúng ta cần đảm trang phục lịch sự. Các bạn có thể chọn áo quần tùy theo sở thích, nhưng nhớ là phải kín đáo, gọn gàng nhé.
Tiếp theo, trong quá trình tham quan chùa, chúng ta sẽ phải di chuyển theo sự hướng dẫn của thầy phụ trách. Không ai được tự ý tách đoàn để thực hiện các hoạt động riêng. Bạn nào cần rời đoàn để giải quyết nhu cầu cá nhân thì phải báo với thầy phụ trách.
Đặc biệt, khi di chuyển trong chùa, các bạn phải giữ trật tự, không nên cười đùa lớn tiếng, xô đẩy nhau. Và nhất là không được tự ý động chạm, di chuyển hay làm hư hỏng các đồ vật, cây cối ở trong chùa.
Cuối cùng, các bạn có thể mang theo nước lọc, một ít bánh trái để bổ sung thể lực trong chuyến hành trình.
Hi vọng rằng, cả lớp chúng ta sẽ tuân thủ các quy tắc này và có một buổi tham quan thành công trọn vẹn.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 18
Trường em, vào các hội thi thể thao, luôn có sự xuất hiện của trò chơi kéo co. Vì trò chơi này vừa giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, lại giúp thể hiện tinh thần đoàn kết của tập thể. Bên cạnh đó, trò chơi này còn có quy tắc rất đơn giản nên rất phổ biến và dễ thi đấu. Sau đây, em sẽ giới thiệu về những quy tắc cơ bản nhất của trò chơi này.
Đầu tiên là về dụng cụ để chơi trò kéo co. Trò chơi này chỉ cần một món đồ duy nhất là một sợi dây thừng đủ dài để người hai đội chơi cầm nắm. Sợi dây này cần có kích thước to vừa phải để nắm lúc kéo, lý tưởng nhất là to bằng ba ngón tay. Đặc biệt, sợi dây phải đủ bền để chịu sức kéo của nhiều người cùng lúc, và không có hiện tượng giãn nở.
Thứ hai là về người chơi. Người chơi là các bạn học sinh trong trường, tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, thì thường sẽ tổ chức thi đấu giữa các lớp cùng khối (có cùng độ tuổi) để tránh việc chênh lệch quá lớn giữa các đội thi. Đặc biệt, trường em luôn cho các đội được tự chọn thành viên trong lớp, có cả nam và nữ đều được. Điều đó đã giúp tăng sự đoàn kết trong tập thể lớp. Các bạn tham gia đều là các bạn có sức khỏe, sức bền và thường xuyên rèn luyện thể thao. Các bạn ấy sẽ được cả tập thể lớp ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình khi tham gia thi đấu. Thường trong ngày thi, các bạn sẽ mặc áo lớp, để thể hiện tinh thần tập thể, đồng thời khẳng định được sức mạnh của lớp mình sau những lần chiến thắng.
Cuối cùng, quan trọng nhất chính là cách chơi và giành chiến thắng. Trò kéo co là sự đối đầu giữa hai đội một lần. Số người thi ở cả hai đội phải bằng nhau. Sợi dây kéo co được chia đều, đánh dấu ở chính giữa. Phần đánh dấu trên dây sẽ thẳng với phần vạch kẻ ở trên mặt đất. Sau khi trọng tài ra hiệu bắt đầu trận đấu, cả hai đội sẽ ra sức kéo đội đối phương về phía mình. Sao cho người đầu tiên của đội đó vượt qua vạch kẻ chính giữa là được. Thông thường, các trận đấu diễn ra lâu hay nhanh là tùy thuộc vào sự cân sức của hai đội thi đấu. Sự dằng co diễn ra càng lâu thì mức độ kịch tính của trận đấu càng được đẩy lên cao. Cùng với sự thi đấu của các tuyển thủ, thì đội cũ vũ xung quanh liên tục hò reo tên lớp cũng là một hình thức thi đấu về sự nhiệt tình của tập thể lớp.
Với những quy tắc trên, trò chơi kéo co vô cùng dễ chơi và dễ hiểu. Vì thế, năm nào trường em cũng tổ chức hội thi kéo co cho các bạn học sinh cùng nhau tham gia.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 19
Từ xa xưa, trong các lễ hội của một số làng thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam, nhân dân lao động thường tổ chức hoạt động thi thổi cơm. Các hội thi dân gian này khiến em không khỏi tò mò, yêu thích. Trong đó, em ấn tượng nhất với cuộc thi nấu cơm ở Thị Cấm (Từ Liêm – Hà Nội) bởi chính những quy định, luật lệ độc đáo.
Để diễn lại câu chuyện gắn liền với một vị tướng thời vua Hùng thứ 18 – Phan Tây Nhạc, nhân dân làng Thị Cấm đã mở hội thi nấu cơm vào dịp đầu năm. Có thể thấy, cuộc thi diễn ra trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, trong không khí rộn ràng của những ngày Tết Nguyên đán.
Khi tham gia hội thi, các đội sẽ được phát nguyên liệu gồm: thóc, củi. Trong quá trình cuộc thi diễn ra, mười thành viên của đội phải tự tay làm tất cả mọi việc. Muốn có hạt gạo trắng thơm, mỗi đội phải xay thóc rồi giã, giần và sàng. Tiếp đến, các thành viên cần nhanh tay tạo ra lửa và nhanh chân đi kiếm nước. Những hoạt động này đòi hỏi người chơi phải đoàn kết, đồng lòng đồng sức ở cả ba bước thi.
Bước đầu tiên của hội thi là làm gạo. Sau tiếng trống lệnh báo hiệu, các đội chơi cần khẩn trương đổ thóc vào xay để loại bỏ vỏ. Tiếp đến, tiến hành giã, giần, sàng giúp gạo được sạch sẽ. Bước thứ hai là tạo lửa và lấy nước. Trước tiên, thành viên trong đội sẽ cọ hai thanh nứa già vào nhau để tạo lửa. Muốn lửa bén cháy hơn, các đội cần áp bùi nhùi rơm khô gần hai thanh nứa kia. Về hoạt động đi lấy nước, mọi người phải di chuyển tới vị trí cách đó khoảng 1 km. Nước thường được chuẩn bị sẵn trong bốn cái be bằng đồng. Sau khi hoàn thành bước này, đội nào tạo ra lửa, lấy xong nước và về đích trước là đội chiến thắng.
Cuối cùng, bước ba là thi nấu cơm. Đội thắng cuộc là đội nấu chín xong đầu tiên. Cơm phải derp mềm, ngon và thơm. Cơm của đội ấy sẽ dùng để cúng tế thần.
Có thể nói, hội thi nấu cơm ở làng Thị Cấm đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về. Hội thi là dịp để người dân tưởng nhớ về vị tướng Phan Tây Nhạc và vui chơi, tụ họp đầu năm.
Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động – Mẫu 20
Kéo co là một trò chơi dân gian được nhiều người yêu thích. Nó có sự phổ biến một phần nhờ quy tắc chơi rất đơn giản và dễ nắm bắt.
Thứ nhất là về dụng cụ để chơi. Thông thường, cần có một sợi dây đủ dài cho mọi người cùng nắm, tùy vào số lượng người chơi. Sợi dây đó cần có đủ độ bền, không giãn nở để đảm bảo công bằng trong lúc kéo. Sợi dây sẽ được chia làm hai, chính giữa buộc sợi dây màu đỏ để làm tín hiệu chia đôi không gian của hai đội.
Thứ hai là về người chơi. Người chơi của trò kéo co không hề có giới hạn, chỉ cần số người của hai đội cân bằng với nhau là được. Điều này sẽ do chính hai đội thi tự thỏa thuận với nhau hoặc do ban tổ chức cuộc thi đưa ra yêu cầu. Những người chơi cần đảm bảo về sức khỏe và sức bền vì đây là trò chơi cần rất nhiều về sự khỏe khoắn và dẻo dai.
Thứ ba là cách chơi. Hai đội sẽ nắm vào phần dây, kéo căng sợi dây ra thành một đường thẳng. Phần chính giữa sợi dây đã được đánh dấu, sẽ nằm thẳng với phần vạch kẻ ở trên mặt đất, chia hai đội thành hai phần lãnh thổ. Sau tiếng còi của trọng tài, hai đội sẽ dùng sức để kéo đội đối phương sang phía lãnh thổ đội mình. Chỉ cần người đầu tiên của đội đối phương bị kéo vượt qua phần vạch kẻ ban đầu, thì chiến thắng đã ngã ngũ.
Các quy tắc chơi ấy vừa đơn giản lại dễ thực hiện, không đòi hỏi nhiều nên đã giúp trò kéo co phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
*********************
Trên đây là 20 bài mẫu Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động mà em và các bạn trong lớp quan tâm. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thiện bài tập làm văn của mình thêm sinh động, hay nhất.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục