Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba
Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba
Bạn đang xem: Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba
I. Dàn ý Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Viễn Phương, bài thơ Viếng lăng Bác và khổ thơ thứ 3: Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng.
2. Thân bài
* Khung cảnh và không khí thanh tĩnh trong lăng:
– “Giấc ngủ bình yên”: Cách nói giảm nói tránh để giảm bớt nỗi đau đớn, mất mát, đồng thời thể hiện thái độ kính trọng, yêu mến của tác giả dành cho Bác.- “Vầng trăng sáng dịu hiền”: Vừa là hình ảnh tả thực: Ánh đèn điện trong lăng, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ: Vẻ đẹp thanh cao, sáng ngời của Bác tựa ánh trăng dịu hiền.
* Tâm trạng xúc động và nỗi đau của tác giả:
– “Trời xanh” ẩn dụ cho Bác và sự tồn tại vĩnh hằng của Bác trong trái tim con người Việt Nam.- “Nghe nhói ở trong tim” nỗi đau đớn tột cùng của tác giả trước sự ra đi của Người.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ 3 bài thơ Viếng lăng Bác.
II. Những mẫu Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba hay nhất
1. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba, mẫu 1 (Chuẩn)
Theo dòng người vào viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương đã không giấu nổi sự xúc động khi nhìn thấy di hài của Người. Bước vào trong lăng, mọi thứ đều khác so với bên ngoài, khung cảnh và không khí thanh tĩnh hơn. Trong cảm nhận của nhà thơ, Bác như đang chìm trong “giấc ngủ bình yên”. Đây cũng là cách nói giảm nói tránh để giảm bớt nỗi đau đớn, mất mát, đồng thời thể hiện thái độ kính trọng, yêu mến của tác giả dành cho Bác. Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” mà nhà thơ gợi tả ở đây chính là hình ảnh đại diện cho tâm hồn của Bác- một vị lãnh tụ vĩ đại suốt đời vì dân vì nước. “Trời xanh” ẩn dụ cho Bác và sự tồn tại vĩnh hằng của Bác trong trái tim con người Việt Nam. Dẫu biết Bác sẽ sống mãi trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam, thế nhưng tác giả vẫn không tránh khỏi cảm giác mất mát, xót xa trước sự thật đau lòng: Bác đã mãi mãi ra đi. “Nghe nhói ở trong tim” chính là nỗi đau đớn tột cùng của tác giả trước sự ra đi của Người. Dù là Viễn Phương hay bất kỳ ai thì sự ra đi của Bác đều là sự mất mát to lớn, không thể nào bù đắp. Khổ thơ thứ ba đã bộc lộ được thái độ trân trọng, kính yêu và cả niềm xót thương vô hạn của nhà thơ Viễn Phương trước sự ra đi của Bác.
2. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba, mẫu 2 (Chuẩn)
Nếu như khổ thơ 1,2, nhà thơ Viễn Phương tập trung miêu tả khung cảnh xung quanh lăng và dòng người vào viếng lăng Bác thì ở khổ thơ thứ ba, tác giả đã tái hiện lại nỗi xúc động khi vào trong lăng. “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”, đôi câu thơ không chỉ thể hiện rõ cảm nhận của Viễn Phương về khung cảnh bên trong lăng Bác mà còn bộc lộ cảm xúc của nhà thơ. Bên trong lăng dường như không gian và thời gian được ngưng đọng lại, bên trong lăng tất thảy đều là sự thanh tĩnh. Bác nằm trong lăng với dáng vẻ của một người đang chìm trong “giấc ngủ bình yên”. Bên trong lăng ánh sáng dịu nhẹ và trong trẻo tựa ánh trăng. Viễn Phương đã coi đó như “ánh trăng dịu hiền”, thứ ánh sáng kì diệu và thanh khiết như chính vẻ đẹp tâm hồn của Người. “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim !”. Nỗi đau và sự xúc động nghẹn ngào của nhà thơ bộc lộ rất rõ, cảm xúc ấy không thể giấu, không thể kìm nén được. Dẫu biết rằng Bác sống mãi với non sông đất nước và con người, thế nhưng khi đối diện với sự thật đau lòng, nhà thơ vẫn không kìm nén được nỗi mất mát, xót xa. Có thể thấy, cả khổ thơ giọng thơ của Viễn Phương luôn luôn thành kính, trang trọng và trang nghiêm nhưng ẩn sâu trong đó là cả một nỗi buồn vô hạn, nỗi đau xót không thể nguôi ngoai.
3. Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả khi ở trong lăng – khổ thơ thứ ba, mẫu 3 (Chuẩn)
Khi theo dòng người vào lăng Bác, mọi cảm xúc và suy nghĩ của Viễn Phương đã tập trung đổ dồn vào hình ảnh người Cha già vĩ đại của cả dân tộc. Bác dành cả cuộc đời cho dân cho nước. Giờ đây Bác đã có thể nghỉ ngơi, ngủ một giấc bình yên, trong không khí hòa bình độc lập. “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”, Bác nằm trong lăng như người đang ngủ, dòng người vào lăng viếng Bác đều thật nhẹ nhàng, kính cẩn và nghiêm trang để không làm kinh động đến giấc ngủ của Người. Không khí, khung cảnh bên trong lăng vô cùng thanh tĩnh, dường như khi bước qua cánh cửa lăng thì thời gian và không gian đã ngừng trôi, ngưng lại. Sự yên tĩnh bên trong lăng còn được cực tả qua ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo “ánh trăng sáng dịu hiền”. Đồng thời hình ảnh vầng trăng dịu hiền mà Viễn Phương liên tưởng lại gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác, cũng như những vần thơ tràn đầy ánh trăng trong suốt cuộc đời của Người. “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim !”, Bác nằm đó, nghĩa là Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước Việt Nam, sống mãi trong tim mỗi con người Việt, như bầu trời xanh còn mãi với thời gian. Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước và dân tộc, dù lòng tin vẫn như thế nhưng Viễn Phương vẫn không thể không đau xót vì sự ra đi của Bác Hồ. Từ miền Nam xa xôi, sau những tháng năm gian khổ chống Mỹ, cho đến khi Bác đã mất được 7 năm Viễn Phương mới ra lăng viếng Bác, những cảm xúc của ông là lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc nhất, và đó cũng chính là tấm lòng của mọi người đối với Bác Hồ khi vào viếng lăng Bác.
—————-HẾT—————-
Bài thơ Viếng lăng Bác không chỉ thể hiện cảm xúc của riêng tác giả mà còn để lại cho người đọc những xúc cảm vô cùng da diết. Mời các em cùng đọc thêm một số bài văn khác để cảm nhận rõ hơn điều này: Viết đoạn văn ngắn từ 8-12 câu nêu cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác, Viết đoạn văn cảm nhận về cảm xúc của tác giả rời lăng Bác – khổ thơ cuối, Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác, Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục