Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu nào? Yêu cầu nào là quan trọng nhất? Tại sao?
Trả lời:
– Đảm bảo tính pháp lí: Xây dựng KHGD của giáo viên cần theo đúng các văn bản hướng dẫn của ngành, đảm bảo các điều lệ được quy định, phù hợp và góp phần hiện thực hóa KHGD của nhà trường, của tổ chuyên môn.
– Đảm bảo tính thực tiễn: Mỗi nhà trường phổ thông được đặt trong một bối cảnh khác nhau về tình hình kinh tế xã hội, về tài chính, về nguồn lực và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, khi xây dựng KHGD của cá nhân, GV cần phải phân tích điều kiện thực tế để xác định mục tiêu phù hợp, xác định được phương thức thực hiện khả thi và tìm kiếm nguồn hỗ trợ để thực hiện công việc hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra.
– Đảm bảo sự cụ thể, rõ ràng của nhiệm vụ, mục tiêu và kế hoạch hành động: Trong đó kế hoạch phải được xác định với tính hướng đích cao, tức là kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hoặc thậm chí kế hoạch của từng nhiệm vụ, từng tháng, từng tuần… phải được tạo lập thật rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm từng giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình.
– Đảm bảo tính vừa sức: Việc xây dựng KHGD của giáo viên cần đảm bảo tính vừa sức. Tính vừa sức thể hiện ở việc phân tích điểm mạnh, hạn chế và những yếu tố khác của cá nhân GV có ảnh hưởng đến mức độ và tiến độ thực hiện công việc. Vì vậy, thông qua việc lập kế hoạch cá nhân, bao gồm những nội dung chính như: xác định cụ thể những nhiệm vụ cần làm, biện pháp thực hiện công việc và thời hạn hoàn thành công việc sẽ giúp GV nhìn lại tổng thể các nhiệm vụ, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hoàn thành các nhiệm vụ; từ đó ưu tiên việc nào trước, việc nào sau, đệ trình xin giảm bớt nhiệm vụ nào nhằm đảm bảo mục tiêu chung của tổ chuyên môn, của nhà trường.
– Đảm bảo tính khoa học: Xây dựng KHGD của giáo viên là một hoạt động của cá nhân trong hoạt động giáo dục, những kế hoạch được đề ra cần phải dựa trên những nguyên lí, nguyên tắc của khoa học giáo dục, tùy theo từng độ tuổi, từng cấp học khác nhau mà có những lí thuyết khác nhau về hoạt động giáo dục.
– Đảm bảo tính đồng bộ và lịch sử cụ thể: Nguyên tắc này được thể hiện, KHGD của cá nhân GV phải thống nhất với KHGD chung của nhà trường, bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch là khâu đầu tiên của hoạt động giáo dục, song khâu này là dựa vào kết quả kiểm tra đánh giá của năm học trước, vì thế, GV cần căn cứ vào tính lịch sử cụ thể của từng năm học để có kế hoạch phù hợp, cũng như huy động các nguồn lực, đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế những bất cập của năm học trước và phát huy những điểm mạnh trong năm học tiếp theo.
Tất cả các yêu cầu này đều quan trọng như nhau, do việc xây dựng KHGD của giáo viên cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố như trên