Mã hóa là một chủ đề nóng trong thế giới ứng dụng nhắn tin tức thời. Một số ứng dụng thực hiện cách tiếp cận nghiêm túc hơn đối với khía cạnh bảo mật – như Telegram và WhatsApp – trong khi những công cụ khác vẫn thiếu các tính năng về mặt này.
Ngay cả Messenger của Facebook, vốn từng được coi là một tùy chọn kém bảo mật, cũng đã triển khai chức năng mã hóa và nhà phát triển của ứng dụng đã thể hiện sự chú ý cao hơn đến bảo mật.
Tất cả người dùng đều được hưởng lợi từ việc sử dụng tin nhắn mã hóa. Vì vậy bạn nên hiểu rõ về các khái niệm cơ bản và việc tất cả những điều này sẽ tác động đến cá nhân bạn như thế nào.
Bạn đang xem: Ứng dụng nhắn tin mã hóa là gì? Chúng có thực sự an toàn không?
Cách thức hoạt động của tin nhắn được mã hóa
Nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến mã hóa. Có nhiều yếu tố khác nhau được chỉ ra là lý do cho sự quan tâm ngày càng tăng lên này, nhưng điều quan trọng là phải hiểu cách các ứng dụng này hoạt động và những gì chúng mang lại cho người dùng.
Theo truyền thống, các ứng dụng nhắn tin tức thời hoạt động bằng cách truyền tin nhắn giữa những người dùng thông qua việc sử dụng máy chủ làm điểm trung gian. Có nghĩa là, khi bạn gửi tin nhắn đến một trong những người liên hệ của mình, tin nhắn thực sự được gửi đến một trong các máy chủ của công ty, sau đó sẽ chuyển tiếp đến người nhận dự định.
Một vấn đề rõ ràng với thiết lập này là bất kỳ ai có quyền truy cập vào các máy chủ đó đều có khả năng chặn liên lạc và thậm chí sửa đổi chúng ngay lập tức.
Ngoài ra, kẻ xâm nhập thực sự không cần phải tự mình truy cập vào máy chủ của công ty. Miễn là tin tặc có thể tự “chèn” mình vào bất kỳ điểm nào trong chuỗi liên lạc, chúng có thể có được cùng một mức độ tiếp cận.
Điều này có nghĩa là mạng WiFi bị xâm phạm có thể làm lộ nội dung tin nhắn của bạn và chuyển tiếp chúng đến các bên thứ ba, nếu bạn đang sử dụng một ứng dụng không được mã hóa.
Các ứng dụng nhắn tin mã hóa giải quyết vấn đề này bằng cách mã hóa những tin nhắn của người dùng từ đầu đến cuối. Điều đó có nghĩa là ứng dụng mã hóa (tức là xáo trộn) tin nhắn trước khi gửi chúng đến máy chủ và người nhận sẽ giải mã chúng ở phía họ một cách cục bộ. Ngay cả các nhà điều hành của công ty cũng không thể truy cập bất kỳ thông tin liên lạc nào của bạn, miễn là các key mã hóa không bị thay đổi.
Tại sao các ứng dụng tin nhắn tức thời trở nên phổ biến?
Cách đây một thập kỷ, mã hóa không phải là vấn đề được quan tâm nhiều (ít nhất là đối với hầu hết người dùng), nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Ngày nay, mọi người ít tin tưởng hơn vào bên thứ ba trong việc giữ an toàn cho dữ liệu.
Những trường hợp nghiêm trọng như vụ rò rỉ Snowden dường như càng củng cố thêm quan niệm đó hơn nữa. Người dùng thích sử dụng tin nhắn mã hóa theo mặc định, vì họ hiểu rằng đó là một lựa chọn có cấp độ an toàn cao hơn tất cả những hình thức liên lạc khác, trong trường hợp có người khác đang theo dõi.
Ngoài ra còn có những lo ngại như cơ quan thực thi pháp luật thu giữ thiết bị cá nhân trong quá trình điều tra, các sân bay yêu cầu quyền truy cập vào thiết bị để đi quốc tế và nhiều sự cố khác đã khiến ngày càng nhiều người khám phá các lựa chọn trên thị trường nhắn tin mã hóa.
Và đúng như mong đợi, thị trường này cũng đã tăng trưởng rất nhiều. Nhiều người đã bắt đầu mong đợi khả năng mã hóa được cung cấp theo mặc định tại thời điểm này và mọi thứ có thể sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đó.
Tại sao bạn nên quan tâm đến mã hóa?
Điều này dẫn đến câu hỏi là bạn có nên quan tâm đến các ứng dụng nhắn tin mã hóa hay không. Nói chung, bạn có thể cho rằng miễn là mình không gửi bất kỳ nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp nào, thì việc có sử dụng tin nhắn mã hóa hay không cũng không quan trọng.
Nhưng sự thật không phải vậy. Nhắn tin mã hóa có nghĩa là tin tặc không thể chặn liên lạc của bạn và trích xuất các chi tiết như thông tin thanh toán hoặc dữ liệu cá nhân có thể được sử dụng để truy cập tài khoản.
Nếu xét đến thực tế rằng hầu hết các ứng dụng nhắn tin phổ biến hiện nay đều có khả năng mã hóa, thì việc tránh chúng tại thời điểm này là việc vô nghĩa. Tất cả những công việc nặng nhọc đều diễn ra ở phía sau và bạn không phải tự mình làm bất cứ điều gì cả, kể cả khi thiết lập ban đầu.
Có thể có một số trở ngại cần vượt qua nếu bạn muốn tận dụng các tính năng mã hóa nâng cao hơn, nhưng đối với nhu cầu của hầu hết mọi người, điều đó không cần thiết.
Các ứng dụng nhắn tin được mã hóa có thực sự an toàn không?
Những ứng dụng này thực sự có thể giữ an toàn cho việc liên lạc của bạn không? Không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát là có hay không. Điều quan trọng là phải hiểu rằng mã hóa, giống như tất cả các công nghệ khác, có những hạn chế và nhược điểm của nó.
Ví dụ, nếu các key mã hóa đã từng bị xâm phạm, kẻ tấn công có thể có khả năng dễ dàng truy cập thông tin liên lạc của bạn. Điều quan trọng cần nhớ là bạn không có quyền kiểm soát thực sự đối với việc triển khai mã hóa thực tế đó.
Điều này có nghĩa là một ứng dụng có thể đang nói dối về việc mã hóa thông tin liên lạc của bạn và rất khó để tìm ra sự thật. Bạn có thể thực hiện một số phân tích trên mạng để tìm ra loại dữ liệu nào đang được truyền, nhưng điều đó có thể không cho bạn biết bất kỳ thứ gì hữu ích.
Ví dụ, nếu ứng dụng có backdoor cung cấp quyền truy cập vào key mã hóa cho các nhà phát triển, thì điều này sẽ làm mất tác dụng của mọi nỗ lực trong việc giữ an toàn cho liên lạc của bạn.
Cuối cùng, nếu bạn không quan tâm đến mã hóa, điều đó thường vẫn ổn. Chỉ cần nhớ rằng có thể xảy ra một số hậu quả khi sử dụng các ứng dụng lỗi thời với những biện pháp khai thác bảo mật mà bạn có thể không lường trước được ngay lập tức. Mặt khác, đặt quá nhiều tin tưởng vào các nền tảng mã hóa cũng không hẳn là tốt, vì nó khiến bạn gặp rủi ro nghiêm trọng khi mất cảnh giác trong những cuộc trò chuyện.
Tốt nhất là giữ thế trung lập, tận dụng những gì mà các ứng dụng này cung cấp, nhưng đừng tin tưởng thái quá đối với bất kỳ điều gì mà bạn không muốn thấy bị công khai trực tuyến.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp