Đề bài: Tưởng tượng mình là Xi-mông rồi kể lại câu chuyện Bố của Xi-mông
Bài văn mẫu Tưởng tượng mình là Xi-mông rồi kể lại câu chuyện Bố của Xi-mông
Bạn đang xem: Tưởng tượng mình là Xi-mông rồi kể lại câu chuyện Bố của Xi-mông
Bài làm:
Tôi là Xi-mông, một đứa trẻ chỉ có mẹ mà không có bố. Mẹ tôi đã dành tất cả yêu thương để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm ấy cho tôi nhưng tôi không thể nguôi ngoai đi được nỗi buồn ấy. Đó là khoảng thời gian tuổi thơ đầy ám ảnh với tôi, khi mà cứ đến trường, lũ bạn lại vây quanh tôi và nói: “Ê, ê! Thằng con hoang không có bố!”
Tuổi thơ của tôi là những quãng thời gian buồn bã vô cùng. Đến trường, cứ sau giờ học là lũ bạn trong lớp vây quanh tôi để chế nhạo hỏi bố tôi là ai. Nếu tôi không trả lời được, chúng sẽ coi tôi như một trò đùa và thậm chí là đánh tôi. Ngày hôm nay, khi chuông báo hiệu giờ học kết thúc, chúng lại kéo tôi ra bãi đất hỏi về bố. Chính bản thân tôi, nhiều lần cũng muốn hỏi những câu hỏi như chúng: “Bố tôi là ai?”, “Tại sao không xuất hiện?”…Khi tôi hỏi mẹ, mẹ tôi nhìn tôi với khuôn mặt trầm xuống, mẹ luôn tìm cách lảng tránh câu hỏi ấy của tôi. Chúng đánh, chúng cười nhạo tôi với sự thích thú, hả hê. Sự đau đớn bằng thể xác không bằng sự đau đớn, tủi nhục trong tâm hồn. Một đứa trẻ, ngay cả khi đến trường cũng không được đối xử công bằng, tôi tự hỏi “Tôi có lỗi gì?”.
Tôi chạy một mạch ra bờ sông, những giọt nước mắt lã chã rơi trên mặt. Không còn một suy nghĩ nào khác lúc ấy là việc muốn tìm đến cái chết. Tôi không muốn sống trong nỗi tủi hổ, ê chề, hàng ngày đều phải chịu sự chế nhạo và trở thành thứ mua vui của lũ bạn nữa. Tôi cứ thế khóc, một lúc rất lâu. Nhưng dường như cảnh vật muốn an ủi tôi. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm trên bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Tôi nằm dài trên bãi cỏ và muốn ngủ. Ngủ một giấc thật dài và không dậy nữa cũng được.
Tôi bỗng nhiên nhớ nhà, nhớ mẹ. Tôi lại buồn vô cùng. Tôi lại khóc, khóc to hơn trước. Tôi đau đớn. Tôi quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn tôi. Tôi muốn cầu nguyện nhưng không thể thực hiện được vì tiếng khóc nức nở, nghẹn ứ cổ. Mắt tôi nhòe đi.
Một bàn tay đặt lên trên vai tôi. Một giọng nói vang lên:-Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?Tôi cố gắng dụi dụi đôi mắt đang đỏ hoe nhìn lên. Đó là một bác đã trung tuổi, râu tóc đen, đang nhìn tôi trìu mến. Tôi trả lời bác:-Chúng nó đánh cháu…vì…cháu…cháu…không có bố…không có bố.Gặp bác, tôi như được trút hết nỗi niềm tâm sự của mình. Những nỗi tủi hổ, buồn đau cứ thể chực trào ra. Bác nghe vậy liền nói với tôi:-Sao thế? Ai mà chẳng có bố?Tôi trả lời bác:-Cháu…cháu không có bố. Tôi thấy tim mình đau nhói mỗi khi ai đó hỏi về bố.Bác bỗng nhiên lặng đi. Sau đó, bác nói với tôi:-Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu…một ông bố.
Bác với tôi là hai người xa lạ, chưa từng quen biết nhau. Vậy mà không hiểu sao khi nghe bác nói như vậy tôi lại có cảm giác vô cùng tin tưởng. Tôi có cảm giác như một điều kì diệu gì đó sắp đến với mình, và biết đâu tôi sẽ có được một ông bố như lời bác nói. Tôi sẽ không còn buồn đau, tủi hổ và sẽ không bị lũ bạn cười nhạo, chê trách nữa. Tôi đứng phắt dậy, nắm lấy bàn tay thô ráp nhưng ấm áp của bác. Bác dắt tôi về nhà.
Đến nhà, mẹ tôi xuất hiện với gương mặt xanh xao và nghiêm nghị. Mẹ tôi vốn là một người phụ nữ rất xinh đẹp. Tính cách bà cũng rất mạnh mẽ. Nhưng chỉ vì sự nhẹ dạ cả tin, bà bị phụ bạc. Đó là lí do vì sao mỗi lần khi nhắc đến bố, mẹ tôi đều lảng tránh. Mẹ tôi không muốn nhắc đến người đàn ông phụ bạc ấy nữa. Bà luôn dành cho tôi tình cảm thật đặc biệt như một sự bù đắp cho những thiếu thốn mà tôi phải chịu từ khi còn nhỏ. Bác Phi-lip nhẹ nhàng nói với mẹ tôi:
-Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé lạc ở gần bờ sông.Tôi ngào lên trong sự òa khóc tức tưởi:-Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con…đánh con…tại con không có bố.Mẹ tôi khóc. Tôi biết đó là những giọt nước mắt của sự đau đớn. Tôi chạy đến bác Phi-lip như một vị ân nhân, hỏi bác bằng tất cả sự hi vọng:-Bác có muốn làm bố cháu không?Bác Phi-lip lặng đi. Bác nhìn mẹ tôi. Tôi như một đứa trẻ liều lĩnh và ương bướng:-Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.Bác Phi-lip cười hiền hậu:-Có chứ, bác muốn chứ!
Tôi thấy mình như được sống một lần nữa. Nỗi tủi hổ, đau đớn vừa rồi đã biến mất, thay vào đó là niềm vui của sự hạnh phúc và sung sướng lan tỏa ngập tràn. Tôi nói:-Thế nhé! Bác Phi-lip, bác là bố cháu!
Hôm sau đến lớp, tôi mang theo sự tự hào và hãnh diện. Khi tan học, tôi nói với lũ bạn trêu chọc “Bố tao ấy à? Bố tao là Phi-lip”. Dù chúng có đánh tôi, thì giờ đây tôi cũng không sợ hãi như trước nữa. Vì trong tim tôi đã có hình bóng của một người bố, là bố Phi-lip. Tôi cũng có bố và cũng xứng đáng có một gia đình hạnh phúc như bao đứa trẻ khác.
Bố Phi-lip dọn hẳn đến ở cùng với mẹ con tôi. Tôi thấy mẹ rất vui dù không nói ra. Tôi thầm cám ơn bố Phi-lip vì bố như một luồng ánh sáng chiếu đến cuộc sống đen tối của mẹ con tôi. Đó là thứ ánh sáng thắp lên cho mẹ, cho tôi niềm tin về một gia đình hạnh phúc. Vì trên thế gian này, tôi tin mọi người đều có quyền sống và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
——————-HẾT——————
Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn các em cách viết bài Tưởng tượng mình là Xi-mông rồi kể lại câu chuyện Bố của Xi-mông, để có thêm những gợi ý hay cho bài viết, các em có thể tham khảo thêm: Tóm tắt Bố của Xi-mông, Phân tích nhân vật Phi- lip trong truyện ngắn Bố của Xi- mông, Phân tích nhân vật Xi- mông qua đoạn trích trong truyện ngắn Bố của Xi- mông, Cảm nhận về diễn biến tâm trạng của Xi-mông trong đoạn trích Bố của Xi-mông.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục