Đề bài: Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Bạn đang xem: Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
I. Dàn ý Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.- Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ
2. Thân bài
a. Giới thiệu về nội dung sơ lược, ý nghĩa của bài thơ.
b. Ý nghĩa của các cặp câu thơ:+ Câu 1+2: Thái độ bình thản, lạc quan của người tù, vào nhà tù như nghỉ ngơi.+ Câu 3+4: Là “khách không nhà”, là “người có tội” giữa thế gian nhưng vẫn hiên ngang sống.+ Câu 5+6: Mộng ước “kinh bang tế thế” giúp đời cứu nước vẫn luôn nung nấu, tràn đầy tin tưởng.+ Câu 7+8: Niềm tin lạc quan vào tương lai của sự nghiệp của mình.
c. Thuyết minh về nghệ thuật:+ Được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, tám câu, mỗi câu bảy chữ.+ Phan Bội Châu đã thể hiện nhuần nhuyễn các quy định nghiêm ngặt về luật bằng trắc cũng như các quy định khác trong bài thơVD: Hai câu thơ đầu: luật bằng trắc thể hiện trong nhị – tứ – lục. Câu 1 là B – T – B (là – kiệt – phong), câu 2 là T – B – T (mỏi – thì – ở).=> Nhịp thơ uyển chuyển, du dương.+ Cách gieo vần hiệp vần ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8+ Giọng điệu thơ hào hùng, mãnh liệt đúng với tinh thần của người chí sĩ yêu nước hiên ngang ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của nhà tù.
d. Thuyết minh về nội dung:– Câu 1+2: Đề: hình ảnh người chiến sĩ yêu nước ung dung trong tù đày:+ Hai câu thơ nhằm giới thiệu về hoàn cảnh của tác giả và thái độ của ông trước hoàn cảnh ấy+ Phan Bội Châu dù rơi vào tù đày nhưng vẫn là người trang nhã, ung dung, đường hoàng. Với ông, vào tù chẳng qua là tạm nghỉ ngơi sau thời gian hoạt động cách mạng mệt mỏi.=> Cho thấy một cốt cách phong lưu, bản lĩnh của một nhà trí thức, tài năng, đức độ hơn người.=> Lời tự bạch của Phan Bội Châu vừa ung dung vừa bỡn cợt, điềm tĩnh, ngạo nghễ, biến việc bị bắt tù từ bị động sang chủ động.
– Câu 3+4: Thực: Làm rõ hoàn cảnh thực tại của nhà thơ:+ Ông tự nhận mình là “khách không nhà”, “người có tội” → hiện lên vẻ đẹp lồng lộng, phóng khoáng giữa thế gian rộng lớn+ Hai câu thơ đối lập: “không – có”: toát lên vẻ điềm tĩnh, lạc quan của con người làm chủ hoàn cảnh.=> Người chí sĩ yêu nước dù trong hoàn cảnh tù đày nhưng vẫn toát lên phong thái của một kẻ phong lưu, ung dung.
– Câu 5+6: Luận: hai câu thơ luận bày khí phách hiên ngang, bất khuất của người anh hùng Phan Bội Châu:+ Hai câu Đề: người anh hùng sa cơ nhưng vẫn bình thản, ung dung, coi chuyện tù tội là vui đùa => hai câu Luận này khí khái của người anh hùng càng được tỏ rõ.+ Mộng ước “kinh bang tế thế”: là mộng ước lớn lao nhất của ông, dù bị tù đày, ông vẫn không quên nghiệp lớn của mình=> Cho thấy một ý chí sắt đá, quật cường
– Câu 7+8: Kết: Sự lạc quan vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp:+ Bị sa cơ nhưng Phan Bội châu coi đó là sự tạm thời, chỉ cần còn người thì sự nghiệp khắc sẽ thành.+ Niềm tin sắt đá, không hề nao núng vì sự nghiệp phía trước, dù bao hiểm nguy khó khăn.
e. Ý nghĩa của bài thơ:– Truyền tải tình yêu nước mãnh liệt, chân thành, nhiệt thành cách mạng.- Bộc lộ một khí phách bất khuất, kiên trung, một ý chí mãnh liệt, ung dung tự tại dù trong ngục tù của người chí sĩ yêu nước- Thái độ sống hiên ngang, vượt lên trên hoàn cảnh- Truyền cho thế hệ sau niềm cảm hứng bất tận.
3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của dân tộc ta vào những năm đầu của thế kỉ XX. Ông từng xuất ngoại sang nhiều nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan để cứu nước, tìm ra con đường sáng cho cách mạng nhưng không thành. Năm 1912, ông bị thực dân Pháp tại Việt Nam kết án tử hình vắng mặt. Đến năm 1913, ông bị quân phiệt Quảng Đông bắt và ra điều kiện với thực dân Pháp lấy ông làm con tin để chúng có thể sử dụng đường tàu xuyên Việt nhưng không thành. Ông bị giam trong nhà ngục Quảng Đông tới tận năm 1917 và thời gian đó cũng là lúc ông sáng tác lên bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác”.
Bài thơ được thể hiện bằng thể thơ quen thuộc Thất ngôn bát cú với giọng thơ hào sảng, lôi cuốn rất mạnh mẽ. Nó như lời bày tỏ phong thái đầy ngạo nghễ, ung dung, khí phách kiên cường và tình yêu nước, niềm tin vào sự nghiệp “kinh bang tế thế” của Phan Bội Châu trước hoàn cảnh ngục tù khổ ải.
Bài thơ được chia ra thành bốn cặp câu thơ Đề – Thực – Luận – Kết như vẫn thường thấy của thể thơ Thất ngôn bát cú này. Cặp câu thơ thứ nhất – Để nêu lên hoàn cảnh của người sáng tác. Ở đây, Phan Bội Châu đã thể hiện một thái độ ung dung, bình thản, lạc quan dù đang ở trong nhà lao của kẻ thù. Sang hai câu thơ tiếp theo – Thực là lời trần tình về hoàn cảnh của mình. Nhà thơ là “khách” giữa thế gian, vậy nên với ông, đâu cũng là “nhà”, dù “là người có tội” thì vẫn hiên ngang sống với khí phách của mình. Tiếp sau là hai câu Luận, ông bày tỏ cái mộng ước cả đời đang theo đuổi “kinh bang tế thế”, giúp nước cứu đời cùng khí phách hiên ngang bất khuất của mình. Cuối cùng, hai câu Kết là lời kết luận đầy lạc quan vào tương lai sự nghiệp của ông, lời khẳng định vững tin vào phía trước dù gian khó, hiểm nguy cũng không từ.
Bốn cặp câu thơ là bốn lời nói, lời tỏ bày đầy hiên ngang, lẫm liệt của Phan Bội Châu, lời khẳng định vào tương lại với sự nghiệp và lòng yêu nước của mình mặc dù ông đi đến đâu cũng bị săn đuổi như một tên tội phạm.
Bài thơ được khắc họa qua thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật – là một thể thơ cổ với tám câu, mỗi câu bảy chữ. Thể thơ này là một trong những thể thơ có luật bằng trắc nghiêm nhặt nhất, có lẽ vì vậy mà nó đã tạo nên những thanh âm uyển chuyển, nhịp nhàng giữa các câu thơ với nhau. Điều này cũng khiến bài thơ có được nhịp điệu du dương như một bản tình ca.
Với bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Phan Bội Châu cũng sử dụng thể thơ này với luật thơ nghiêm ngặt khi gieo vần. Trong thơ Thất ngôn, luật bằng trắc thể hiện nghiêm ngặt theo thứ tự “nhị – tứ – lục phân minh” còn lại có thể tùy biến. Như trong hai câu thơ đầu của bài thơ, Phan Bội Châu, câu thơ thứ nhất được thể hiện là Bằng – Trắc – Bằng (là – kiệt – phong), câu thơ thứ hai được đối lại như sau: Trắc – Bằng – Trắc tức mỏi – thì – ở. Các câu kế tiếp được lặp lại theo đúng thứ tự nêu trên. Điều này đã khiến cho nhịp thơ của bài thơ trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng, du dương như một bản tình ca. Không chỉ vậy, bài thơ còn được viết theo thể 4/3 với giọng điệu chắc nịch, bộc lộ một ý chí lạc quan, kiên cường và bất khuất của người tù yêu nước. Ngoài ra cách giao hiệp vần ở mỗi câu thơ thứ nhất, hai, bốn, sáu, tám cũng được Phan Bội Châu tuân thủ vô cùng chặt chẽ.
Có thể nói, bài thơ là một trong những bài thất ngôn bát cú tiêu biểu nhất của dòng thơ Trung đại Việt Nam, tuân thủ tất cả những quy định dù là nhỏ nhất của thể thơ Đường. Đồng thời lại bộc lộ chí khí của người anh hùng, bậc chính nhân quân tử với tài năng hơn người.
Về nội dung của bài thơ, Phan Bội Châu đã đặt vào đó một hình ảnh đầy cao ngạo, ung dung của người hùng yêu nước. Với cách viết truyền thống của thể thơ này, tám câu thơ chia ra bốn phần đề, thực, luận, kết đã thể hiện tất cả tư tưởng và tài năng của ông.
Mở đầu bài thơ là hai câu đề, như một lời giới thiệu về hoàn cảnh của người viết, cũng là lời bộc lộ thái độ của Phan Bội Châu với hoàn cảnh ấy. Hai câu thơ là hình ảnh của người chí sĩ cách mạng đang ung dung trước hoàn cảnh tù đày:
“Vẫn hào kiệt, vẫn phong lưuChạy mỏi chân thì hãy ở từ”
Có câu thơ nào giới thiệu cảnh mình bị giam hãm lại ung dung đến như vậy chăng? Phan Bội Châu cho rằng, dù giờ đây ông đang bị bắt giam, tù đày thế nhưng vẫn là kẻ ung dung, đường hoàng. Bước chân vào đây, chẳng qua là do ông muốn, ông muốn tạm nghỉ chân bởi con đường hoạt động cách mạng có một chút mỏi mệt. Vẫn phong thái của một nhà nho nhàn tản, ông bị bắt mà chẳng hề mất đi chút nhuệ khí, tinh thần của một người chiến sĩ. Lời thơ bay bổng, nhẹ nhàng, có chút ngạo nghễ, tự khẳng định bản thân minh. Lời thơ chẳng còn là một kẻ bị động mà trái lại trở thành kẻ chủ động trong cuộc bắt bớ của kẻ thù. Một phong thái, cốt cách thật trang nhã, hơn người của một nhà trí thức, một tài năng, một con người đức độ. Qua lời bộc bạch đầy chân thành, hiên ngang ấy, người đọc chúng ta phải cảm phục trước Phan Bội Châu – một con người với nhân cách hơn người, với một sự uy nghi, điềm tĩnh, ngạo nghễ trước kẻ thù, trước cuộc đời, trước cả hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt nữa.
Tiếp theo dòng thơ là hai câu thực – hai câu thơ trình bày cho người đọc thấy rõ về hoàn cảnh thực tại của người viết. Nó đã được Phan Bội Châu viết như thế này:
“Đã khách không nhà trong bốn bểLại người có tội giữa năm châu”
Vẫn là cái phong thái ấy, cái sự ngạo nghễ và cái cười mỉm đầy vui đùa ấy! Ông tự nhận mình là “khách không nhà”, là “người có tội”, thế nhưng ta không thấy toát ra ở đó sự tội lỗi mà lại là một vẻ đẹp khoáng đạt, cao cả trong bốn bể năm châu. Hai câu thơ được đặt vào nghệ thuật đối một có một không toát lên thái độ điềm tĩnh của một con người luôn làm chủ hoàn cảnh của mình. Phan Bội Châu đã chứng minh rằng dù bị quy kết thành kẻ có tội, rơi vào hoàn cảnh “không nhà” thì ông vẫn là một trang nam nhi hào kiệt, đứng sừng sững giữa thế gian, trong bốn bể lồng lộng của tự do. Vượt lên trên hoàn cảnh tù đày, người tù ấy thật hiên ngang, ung dung quá đỗi.
Không chỉ có thái độ ngạo nghễ, ung dung, coi thường hoàn cảnh tù tội, coi đó như một cuộc nghỉ ngơi với giọng điệu thật bông đùa, Phan Bội Châu dù ở trong ngục tối nhưng vẫn bày tỏ cái khí phách hiên ngang, bất khuất, tung hoành khắp bốn bể của mình:
“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tếMở miệng cười tan cuộc oán thù”
Hai tay ông ôm mộng “kinh bang tế thế”, cứu nước giúp đời, cái chí lớn ấy luôn theo ông khắp chốn, dù ở đâu, ông cũng luôn coi đó là ước nguyện to lớn nhất cuộc đời mình. Hai câu thơ luận về khí phách của ông thật khí khái, thật oai phong. Dù tù đày có làm bước chân ông chậm lại thì cái ý chí sắt đá kia của Phan Bội Châu vẫn luôn nung nấu trong lòng, chờ ngày làm nên nghiệp lớn.
Phan Bội Châu giờ đây tạm thời bị thất thế, bị bắt giam thế nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Ông vẫn tin tưởng vào tương lại, vào nghiệp lớn của mình về một tương lai tươi sáng:
“Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệpBao nhiêu nguy hiểm, sợ gì đâu”
Với ông, còn sống là còn khát khao, còn phải chiến đấu, còn phải cống hiến vì sự nghiệp của mình với niềm tin sắt đá và ý chí mạnh mẽ không hề nao núng trước bao hiểm nguy phía trước.
Không chỉ tiêu biểu cho một bài thơ về thể thơ Đường, bài thơ còn phản ánh một ý nghĩa to lớn. Đó là nhiệt tình yêu nước cháy bỏng, mãnh liệt của một nhà chí sĩ cả đời vì sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Sự nhiệt thành ấy xuất phát từ lòng yêu nước, từ tình cảm chân thành, ý chí sắt đá của một trái tim yêu nước nồng nàn. Cùng với đó, chúng ta thấy được một thái độ sống hiên ngang, bất khuất, dù trong hoàn cảnh khó khăn, tăm tối, khốc liệt nhất trong trại giam Quảng Đông. Tinh thần ấy xứng đáng là điều mà thế hệ trẻ chúng ta phải noi theo, phải học tập.
Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác được Phan Bội Châu viết khi bị bắt bớ tại Quảng Đông. Bài thơ được viết bằng giọng điệu hào hùng, thái độ hiên ngang, pha chút ngạo nghễ, có phần cười cợt, bông đùa, nhưng trên hết là phong thái ung dung, điềm tĩnh, khí phách kiên cường vượt lên trên tất cả của người chí sĩ yêu nước thế kỉ XX – Phan Bội Châu.
——————HẾT——————-
Cùng với bài Thuyết minh về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục