Kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống và kinh nghiệm thực hiện chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân của cha ông, Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương và ban hành chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự với công dân. Những công dân trong độ tuổi có thể phục vụ được trong lực lượng vũ trang, có sức khỏe đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là “nghĩa vụ vẻ vang” của mỗi công dân Việt Nam. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để tham gia nghĩa vụ quân sự là điều kiện về sức khỏe. Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về các điều kiện này, đặc biệt trả lời cho câu hỏi: Thị lực kém có đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự không?, trong bài viết dưới đây, THPT Ngô Thì Nhậm sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành để có những phân tích cụ thể nhất.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại:
Cơ sở pháp lý:
– Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
– Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.
– Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng ban hành.
1. Khái quát về điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ công dân trước nhà nước và xã hội, là nghĩa vụ vinh quang của mỗi công dân trong độ tuổi và có đủ các điều kiện để thực hiện nghĩa vụ quân sự trước Tổ quốc, nhân dân. thực hiện nghĩa vụ của công dân góp phần xây dựng quân đội chính quy, hiện đại để phòng thủ đất nước trong bối cảnh tình quốc tế phức tạp, nguy cơ đe doạ độc lập, chủ quyền…. ; góp phần vào việc rèn luyện thế hệ trẻ có bản lĩnh vững vàng trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp và đồng thời giữ vững truyền thống cách mạng, anh hùng của cha ông.
Công dân không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ quân sự mà muốn thực hiện được phải có cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành. Công dân có đủ các điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự và dù có mong muốn được thực hiện thì tự họ không thể thực hiện được nghĩa vụ. Nó phải có các cơ quan, đơn vị tổ chức việc thực hiện nghĩa vụ ấy, trong đó, vai trò đặc biệt quan trọng là hoạt động của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc tuyển quân, giao quân, nhận quân.
Điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự là những điều kiện do pháp luật quy định, mà chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện đó thì công dân mới có thể tham gia nghĩa vụ quân sự, theo đó, tại Khoản 1, Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự đưa ra 04 tiêu chuẩn:
(1) Lý lịch rõ ràng. Đây là điều kiện liên quan đến nhân thân của công dân, quá trình học tập, công tác và các mối quan hệ gia đình, đây cũng là điều kiện để loại trừ các đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự, chẳng hạn: công dân bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
(2) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều kiện này thường được đánh giá dựa trên sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, tức là công dân không vi phạm pháp luật, không có hành vi chống đối chính quyền, có tư tưởng, đạo đức tốt. Việc đánh giá điều kiện này thực tế không thực sự quá khắt khe mà chủ yếu dựa trên cảm quan cơ bản.
(3) Có trình độ văn hóa phù hợp. Tiêu chuẩn này được hướng dẫn tại Khoản 4, Điều 3, Thông tu 148/2018/TT-BQP, cụ thể:
“a) Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
b) Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.“
Nhìn chung, tiêu chuẩn về trình độ văn hóa không quá khắt khe và thông thường tiêu chuẩn này đều có thể thực hiện được.
(4) Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
Trong phần này, tác giả phân tích kỹ hơn điều kiện về “sức khỏe” tham gia nghĩa vụ quân sự. Đây là điều kiện quan trọng nhất và quyết định đến “chất lượng đầu vào” tại các đơn vị tiếp nhận, đồng thời đây cũng là lí do làm giảm thiểu số lượng công dân nhập ngũ trong thời gian gần đây.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 148/2018/TT-BQP, Khoản 3 Điều 4:
“3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.“
Việc phân loại công dân có sức khỏe 1, 2, hay 3 phụ thuộc vào quá trình kiểm tra và được căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại. Tiêu chuẩn sức khỏe này phải được xây dựng dựa trên yếu tố chuyên môn trong y tế, cùng với đó là sự đánh giá thực tế về sức phát triển của thể chất con người, đồng thời, trong quá trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì chủ thể thực hiện khám phải đảm bảo thực hiện đúng nghiệp vụ chuyên môn, khách quan và thể hiện đúng biểu điểm theo quy định của pháp luật.
2. Thị lực kém có đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự không?
Trả lời cho câu hỏi: Thị lực kém có đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự không? Trước hết, cần xem xét đến việc cắt nghĩa như thế nào là “thị lực kém”, thực tế, việc xếp loại tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự còn phụ thuộc vào các chỉ tiêu khác, vì vậy, nếu để nhận định rằng, thị lực kém không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự là không chính xác. Phân tích kỹ hơn về nội dung này như sau:
– Trường hợp thị lực kém được xác định khi “công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ)” . Đây là trường hợp mà công dân chắc chắn không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
+ Cận thị được định nghĩa là tình trạng khúc xạ của mắt trong đó các tia sáng song song đi vào mắt được hội tụ ở trước võng mạc khi mắt ở trạng thái nghỉ không điều tiết. Độ cận thị được đo bằng đi ốp (D) với dấu “-” phía trước. Đi ốp là nghịch đảo của tiêu cự (đo bằng mét) của một thấu kính. Theo quy ước thông thường, dấu “-” được gán cho thấu kính lõm phân kỳ các tia sáng đi qua nó.
+ Mắt viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật nằm ở phía sau của võng mạc
Việc xác định rõ về trường hợp này cũng hoàn toàn hợp lý do mắt là bộ phận có vai trò quan trọng, việc có tật khúc xạ về mắt khiến người nhập ngũ khó có thể tham gia huấn luyện, đào tạo, mặc dù được sử dụng kính phù hợp.
– Trường hợp thị lực kém mà tật khúc xạ về mắt, trong đó cận thị dưới 1,5 diop, viễn thị dưới 1,5 diop thì trường hợp này vẫn đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ quân sự, nếu sức khỏe đạt loại 1, 2, và 3.
Như vậy, thị lực kém có thể không đạt đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự, việc nhận định đủ hay không đủ phải phụ thuộc vào các chỉ tiêu khác. Từ đây, trách nhiệm của người thực hiện khám nghĩa vụ quân sự được đặt ra, trong đó phải xác định được chính xác tình trạng mắt của công dân để đưa ra các quyết định đúng đắn.
Hiện nay Việt Nam được xem là một trong những nước có tỷ lệ tật khúc xạ rất cao, theo số liệu điều tra của các nhà nghiên cứu tại nhiều tỉnh thành phố thì trong những năm gần đây tỷ lệ tật khúc xạ gia tăng rất nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tổng động viên tham gia nghĩa vụ quân sự.
Nhận xét chung về tình hình tham gia nghĩa vụ quân sự, về chất lượng tuyển quân, những năm gần đây, các tiêu chí về chính trị, văn hóa, sức khỏe cao hơn so với thời kỳ chiến tranh giải phóng, nhưng so với mặt bằng chung của thanh niên trong độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự thì chất lượng còn hạn chế, do phần lớn thanh niên trúng tuyển Nghĩa vụ quân sự là con em lao động, gia đình nghèo, học lực và trình độ văn hóa hạn chế, không thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, không có việc làm ổn định. Sau khi anh em hoàn thành Nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, đời sống, việc làm cũng rất khó khăn. Tình hình trên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của thanh niên nhập ngũ cũng như động cơ phấn đấu của quân nhân trong quá trình tại ngũ.