Đề bài: Tả một giàn cây leo
Bạn đang xem: Tả một giàn cây leo
10 bài văn mẫu Tả một giàn cây leo
I. Dàn ý Tả một giàn cây leo
1. Mở bài
Giới thiệu về giàn cây leo em định tả (Giàn mướp)
2. Thân bài
– Đặc điểm:+ Mướp hương là loại mướp nhỏ nhưng rất thơm và ngon+ Thường thu hút ong bướm tới hút mật
– Cách gieo trồng:+ Dùng hạt mướp của những quả mướp già gieo xuống nơi đất mềm.+ Thường xuyên chăm sóc, giữ độ ẩm cho đất à mướp sẽ vươn lên thành cây non…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Tả một giàn cây leo tại đây.
II. Bài văn mẫu Tả một giàn cây leo
1. Tả một giàn cây leo: Tả giàn mướp
Nhà em có một mảnh vườn nho nhỏ được bố mẹ em dùng để trồng những loại rau củ và cây ăn quả. Có diện tích không to lắm, thế những mảnh vườn ấy lại là nơi hội tụ của biết bao nhiêu loại cây mà bố mẹ em trồng: nào xà lách, súp lơ, bắp cải, xoài ổi,… nhưng em thích nhất vẫn là giàn mướp hương mà bố mẹ em thường trồng vào đầu mùa hè. Và đó cũng chính là nơi mà tuổi thơ của em lớn lên cùng tình cảm của bố mẹ vun trồng, chăm sóc.
Mướp hương là loại mướp nhỏ nhưng rất thơm và ngon. Chính vì vậy cho nên mướp hương thường thu hút ong bướm tới. Nếu không được bảo vệ cẩn thận thì những quả mướp hương nhỏ xinh sẽ rất dễ bị ong châm và hỏng. Hồi còn nhỏ, mẹ em thường bảo một câu rằng: trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt mướp. Vào những ngày đầu hè, bố em thường lấy những hạt giống của những quả mướp già từ những năm trước để lại rồi gieo xuống chỗ đất mềm xốp, ẩm ướt để cho chúng có thể vươn lên những mầm xanh cho nhanh lớn. Bố còn lấy những đoạn tre nhỏ, rào xung quanh chỗ trồng mướp để tránh cho những chú gà bới đất hay những chú chó tinh nghịch chạy qua sẽ làm hỏng cây non. Qua đôi bàn tay chăm sóc của bố, những cây mướp nhỏ nhanh chóng chui ra khỏi mặt đất rồi vươn mình đón những ánh nắng đầu tiên. Thời gian chúng lớn cũng rất nhanh so với những loại cây khác, chẳng mấy chốc, cây mướp nhỏ đã bắt đầu mọc những tua dài màu xanh và dần quấn tới những cành cây gần nó. Thời gian này, bố thường sẽ bắt đầu làm những giàn ở phía bên trên để cho những dây quấn được bám vào và phát triển. Giàn được làm chống bởi bốn thanh sắt ở bốn phía, phía trên có những cành tre được chẻ một cách cẩn thận và được xếp thành những hình vuông nhỏ cho mướp có thể leo lên. Ngày qua ngày, những cành mướp đã xanh tốt với những đoạn tua chắc khỏe bám vào giàn.
Những bài văn Tả một giàn cây leo hay nhất
Phía trên, những bông hoa bắt đầu nở, màu vàng rực rỡ như màu nắng cùng mùi thơm đã thu hút những chú ong mật và cả những đàn bươm bướm tới đây tìm mật và bay lượn. chỉ ít ngày sau khi hoa nở, những quả non bắt đầu nhú ra từ nhụy. Những quả non ấy lớn lên nhanh lắm các bạn ạ. Mẹ còn dặn dò em là khi nhìn mướp thì không được chỉ tay hay sờ vào vì như thế sẽ làm mướp bị thui chột từ bé và không thể thành quả. Vì vậy, những lúc như thế, em chỉ có thể nhìn ngắm chúng từ một góc và háo hức chờ đợi cho tới lúc mướp trở thành những quả to và dài. Khi nhỏ, mướp vẫn còn những tàn hoa màu nâu ở bên dưới. Sau đó, những tàn hoa ấy không còn thì chúng bắt đầu lớn dần ra và dài dần ra. Bên ngoài lớp vỏ là một lớp lông nhỏ và mịn như thể chúng không hề thấm nước vậy. đây là khoảng thời gian mình phải bảo vệ cho mướp nhiều nhất vì nếu bị ong chích thì chúng sẽ bị hỏng hết và không thể nào ăn được. Khi những quả mướp lớn dần, màu xanh chuyển sang đậm hơn và có thể ngắt xuống ăn được. Nếu để mướp trên cây lâu quá thì chúng sẽ bị già và khô, lớp vỏ dày và không còn ăn được nữa, chỉ có thể lấy xơ mướp rửa bát và lấy hạt phơi trồng cho những năm sau.
Mướp là một loại quả có rất nhiều công dụng. Không chỉ có thể xào nấu với thịt mà mướp còn được cho chung vào món canh cua cùng rau đay, rau mùng tơi cũng rất ngon nữa. Đó cũng mang tình thương của cha mẹ dành cho chúng em, bởi thế, với em, cây mướp cũng chính là một kỉ niệm của tuổi thơ thật là đẹp.
———————-HẾT BÀI 1—————————
Sau khi đã Tả một giàn cây leo các em có thể đi vào Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát hoặc tham khảo Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em nhằm củng cố kiến thức của mình.
2. Tả một giàn cây leo: Tả giàn thiên lí
Sân nhà em được che rợp một giàn thiên lí.
Năm ngoái chữa nhà, lát lại cái sân, một vài thứ có thể đổi thay, nhưng cái giàn thiên lí thì bà và mẹ cô giữ, nhất định giữ lại. Giàn thiên lí này do chú Trọng bắc, ba gốc thiên lí do chú Trọng trồng, trước khi chú đi vào chiến trường miền Nam thời đánh Mĩ. Chú đi mãi, không bao giờ về nữa.
Sáu cái cột tre ngày xưa chú bắc, nay đã bị ải, bố em đã thay bằng những ống nước bằng kẽm không gỉ. Cái giàn được chằng bằng dây thép, có sợi to bằng chiếc đũa, có sợi nhỏ bằng cọng rơm nay vẫn còn nguyên và bền chắc. Dây thép đan dọc ngang, mỗi ô giàn vuông vắn, mỗi bề nhỉnh hơn gang tay người lớn. Chú Trọng thật khéo tay, các ô giàn đan đều tăm tắp.
Giàn thiên lí xanh tươi bốn mùa. Ba gốc thiên lí nằm ở mép sân, mỗi gốc cách nhau 4 mét. Thiên lí là giống cây leo, cành, nhánh thiên lí bằng ngón tay út, bằng cọng rạ, cái vòi thiên lí chỉ bằng cọng rơm. Nhưng gốc thiên lí màu nâu thẫm, màu xanh rêu lại to bằng cổ tay người lớn. Lá thiên lí tựa lá khoai, mỏng hơn, xanh nhạt hơn. về mùa xuân, lá thiên lí xanh biếc một màu, che kín mặt giàn. Tháng ba là mùa hoa thiên lí. Có nhà thơ nào đã viết mà cô danh ca Huế vẫn hát vẫn ngâm: “Trên giàn thiên lí bóng xuân sang”? Hoa thiên lí kết thành chùm, mỗi chùm có ba bốn hoa. Hoa thiên lí có 5 cánh như năm ngôi sao xếp đều xòe ra xung quanh đài hoa xinh xinh như cái chuông nhỏ bằng ngọc màu xanh rêu, xanh lơ; nhụy hoa màu vàng nhạt. Hương thiên lí ngan ngát vào ban mai, nồng nàn về chiều, thoang thoảng trong sương đêm. Nhiều bữa, tỉnh giấc giữa đêm khuya, em cảm thấy cả ngôi nhà êm đềm như bao bọc bằng hương thiên lí, tâm hồn nhẹ lâng lâng.
Bài văn tả giàn thiên lí
Ngày nào, mẹ và bà cũng hái hoa thiên lí bày lên đĩa đặt lên bàn thờ. Bà nói nhỏ nhẹ, nước mắt ứa ra: “Con ơi! Trọng ơi! Giàn thiên lí nở hoa mà con cứ đi mãi không về…”. Hoa thiên lí để xào với lòng gà, xào với thịt bò, hay nấu canh. Món nào bà và mẹ nấu cũng ngon, ăn suốt mùa hè vẫn không chán. Với bà, hoa thiên lí là cây nhà lá vườn, ai đến chơi bà cũng biếu một gói để về thắp hương, nấu canh. Với mẹ thì hoa là đặc sản, mỗi tuần mẹ hái hai lần, môi lần ba, bốn cân, mẹ đưa lên chợ thị xã bán. Tiền bán hoa thiên lí góp lại có năm được trên một triệu, mẹ dùng để mua sắm mọi thứ làm giỗ ông, giỗ chú Trọng.
Mùa hè, ngồi dưới giàn thiên lí mát lắm. Những đêm thu, ngồi dưới giàn thiên lí để ngắm trăng, thật tuyệt. Ánh trăng lọc qua màu lá thiên lí xanh ngời ngời.
Mẹ vẫn sai em đem nước vo gạo ra tưới cho gốc cây thiên lí. Cuối năm, bố thay đất, bón phân chuồng, bón đạm cho ba cây thiên lí. Đã trên 30 năm mà giàn thiên lí của gia đình vẫn tươi tốt, xanh ngăn ngắt.
Cuối thu, mùa hoa thiên lí vãn. Bầy ong đến hút nhụy hoa, tìm mật hoa cũng thưa thớt dần. Thỉnh thoảng mới thấy một hai con ong bầu đen nhánh chập chờn lượn qua lượn lại. Nhưng giàn thiên lí vẫn xanh. Với bà, với mẹ, giàn thiên lí là tình nhớ thương, nỗi đợi chờ. Với em, giàn thiên lí là mảnh trời năm tháng tỏa mát tâm hồn và ngôi nhà be bé xinh xinh ngào ngạt hương hoa.
Năm nay, xuân đến sớm. Mùa xuân đã về. Mùa hoa thiên lí lại dâng hương.
3. Tả một giàn cây leo: Tả giàn mướp hương
Quê em nằm ở vùng nông thôn, cách khá xa vùng đô thị nhộn nhịp, huyên náo. Quê em tuy nghèo nhưng cuộc sống lại vô cùng yên bình, êm ả, người dân quê em ai cũng rất hòa đồng, thân thiện. Tuy không có những thứ đồ vật đắt tiền, những loại đồ ăn sang trọng nhưng những đồ ăn dân giã quê hương em thì không hề thua kém bất cứ món đặc sản nào. Một trong những đặc trưng của quê em, đó là các loại nông sản, các loại rau quả sạch, tươi, ngon. Nhắc đến các loại quả phục vụ cho bữa ăn của con người thì không thể không kể đến quả mướp hương.
Mướp hương là một loại cây leo, rất dễ trồng và cho rất nhiều quả. Ở quê em, bố mẹ em cũng như các bác hàng xóm đều trồng ở vườn nhà mình từ một đến hai giàn mướp. Để cho cây mướp phát triển tươi tốt và cho nhiều trái quả thơm thì mọi người đều phải chuẩn bị những giàn bằng tre, gỗ để cho cây mướp leo lên và phát triển, vì thân mướp rất mềm, không vững chắc được như các cây xoài, cây cam…, nếu không có những giàn chống đỡ thì cây mướp không thể phát triển và không cho những trái mướp tươi ngon được. Ngoài trồng mướp ở các giàn thì mọi người quê em còn trồng mướp gần các cây cao, như cây nhãn, cây vải, hay gần những bờ rào, những bức tường. Ở những nơi này thì cây mướp vẫn có thể leo lên và phát triển được, lại không mất nhiều công sức cho việc mắc giàn. Tuy nhiên, việc thu hoạch mướp sẽ khó khăn hơn so với trồng ở giàn.
Mướp có thân mềm và rất nhỏ, thân mướp chỉ to khoảng một chiếc đũa ăn cơm, nhưng nó lại có khả năng phát triển rất dài và leo bám vào giàn, lá của cây mướp có hình tim, đường vân lá nổi lên rất rõ. Lá mọc dọc khắp thân của cây mướp, lá mướp còn được mọi người quê em dùng để lau đi nhựa mít, vì nhựa mít nhiều và dính, lá mướp lại có khả năng lấy đi những thứ nhựa dính đó, giúp cho múi mít thơm, ngon và sạch nhựa hơn. Một bộ phận nữa không thể thiếu của cây mướp đó chính là hoa mướp, hoa mướp rất thơm, đặc biệt là của loại mướp hương, ngoài quả thì hoa mướp cũng được nhiều người hái để nấu canh. Và phần quan trọng nhất, có giá trị nhất của cây mướp đó chính là quả mướp. Quả mướp được mọc ra từ những bông hoa, sau khi trưởng thành thì quả mướp to chừng bằng cổ tay.
Những quả mướp này dùng để nấu canh rất ngon, đặc biệt là món canh cua. Món ăn này em và mọi người trong gai đình đều rất yêu thích, đặc biệt là vào ngày hè, món ăn này càng trở nên ngon lành hơn. Quả mướp tuy là một loài quả dân dã nhưng nó lại có thể chế biến ra những món ăn vô cùng ngon miệng. Cây mướp là một loại cây được trồng phổ biến ở tất cả các vùng quê trên lãnh thổ Việt Nam, tuy không có giá trị cao về kinh tế nhưng lại rất có giá trị trong đời sống sinh hoạt, trong bữa ăn hàng ngày của mọi người.
4. Tả một giàn cây leo: Tả giàn nho
Vườn nhà bác Châu ở quê em rộng hơn mẫu Tây. Những giàn nho đều tăm tắp, hàng nghìn chùm nho mọng nước treo lủng lẳng.
Cây nho có thể to bằng ngón chân cái, bằng cổ tay người lớn, màu nâu đen. Cây nho có thể dài tới ba, bốn chục mét leo trên giàn. Lá nho to hơn bàn tay xòe, có từ ba đến năm chục mũi răng nhọn như chiếc quạt lụa màu xanh. Quả nho hình trứng, nhỏ tròn, bên trong chứa nhiều nước.
Nho chín vỏ có màu đỏ, màu tím, màu trắng sữa, được phủ một lớp bột sáp. Nho tươi, nhiều nước, hạt nhỏ, thơm giòn, vị ngọt. Có loại quả nho to bằng quả cà pháo. Khi nho chín, mùi thơm lan tỏa khắp vườn thật là thanh mát.
Nho để ăn tươi, để làm rượu nho. Nho được trồng nhiều ở Ninh Thuận quê em. Bác Châu cho biết nho Mĩ quả to, nho Tân Cương, Trung Quốc là ngon nhất, có giá trị kinh tế cao nhất.
Ngày nào em cũng đi qua vườn nho bác Châu để đến trường. Mùa nho chín, chim sâu kéo đến vườn nho hót ríu ran. Đàn chim sâu nhỏ bé là chiến sĩ bảo vệ vườn nho của bác Châu.
Tả một giàn cây nho
5. Tả một giàn cây leo: Tả giàn dưa chuột
Nhà em có trồng rất nhiều các loại cây leo nhưng em thích nhất là giàn dưa chuột mẹ em trồng ở vườn. Mẹ em làm giàn dưa chuột bằng những thanh tre dài bốn mét, khung giàn được xếp theo hình chữ A.
Mới ngày nào, những cây dưa chuột còn nhỏ xíu, dưới bàn tay mẹ em chăm sóc những cây dưa chuột lớn lên từng ngày. Chỉ sau một tháng cả giàn dưa chuột đã xanh mướt vướn những chiếc lá xinh xinh đón gió. Em rất thích ngắm giàn dưa chuột nhà em vào sáng sớm, những chiếc tua cuốn và những chiếc lá rung rinh trong sớm mai, những hạt sương long lanh đọng trên lá như những viên ngọc. Cả khu vườn buổi sáng như bừng sáng trong ánh nắng có thể nhờ thế mà những cây dưa chuột lớn nhanh như thổi.
Chẳng mấy chốc một màu vàng đã đan xen giữa một màu xanh mướt. Hoa dưa chuột có màu vàng tươi nhỏ xíu thu hút những chú ong bé và các chị bướm bay rập rờn. Số lượng hoa dần dần ngày một nhiều trên những kẽ lá, cả giàn dưa bây giờ ngập tràn cánh hoa vàng. Những quả dưa đầu tiên bé xíu thi nhau chồi ra đón chào ngày mới. Chúng to dần từ bằng ngón tay, rồi đến bằng quả chuối xanh, những quả to bằng quả chuối tây thẳng tắp mẹ em bắt đầu thu hoạch. Quả nào quả nấy thẳng tắp, quả có màu xanh xen lẫn sọc trắng nhỏ, chúng lúc lỉu trên khắp giàn. Sáng nào, em cũng dậy thật sớm để ra vườn phụ mẹ bắt sâu và hái dưa về ăn. Giàn dưa nhà em rất sai quả mẹ sai em mang biếu họ hàng, hàng xóm. Ai cũng khen dưa nhà em vừa ngọt vừa giòn.
Em rất thích giàn dưa nhà em, em sẽ chăm chỉ chăm sóc chúng thất tốt để giàn dưa lúc nào cũng sai quả và không bị sâu bệnh.
6. Tả một giàn cây leo: Tả giàn mướp
Gần giếng nước, bố em trồng hai gốc mướp hương. Cây đã leo lên giàn và đang đơm hoa, kết trái. Em rất thích giàn cây leo này.
Bố vun đất thành một hố chậu rồi gieo hạt mướp. Hạt nẩy lá mầm bé xíu rồi lớn rất nhanh. Lúc đầu gốc chỉ bé bằng ngón út thế mà giờ đã to hơn ngón chân cái. Dây mướp to bằng ngón tay cái, bám chặt cây đỡ, bò lên giàn. Thân cây càng lên cao, càng nhỏ dần nhưng bám vào giàn rất chắc.
Thân dây mướp cũng như lá, đều có lông sờ rám tay. Dây mướp leo đến đâu, lá mọc ra đến đó. Lá mướp rất đẹp, lá có năm khía chụm lại ở cuống lá. Gần gốc, lá mướp to bằng bàn tay người lớn, càng lên cao, lá cũng nhỏ dần. Ngọn của dây mướp mảnh dẻ nhưng quấn chặt giàn, nâng đỡ năm bảy trái mướp lớn. Hoa mướp màu vàng ươm, xòe năm cánh tròn xoay quanh nhụy hoa, đều như tranh vẽ. Hạt mướp gieo xuống đất độ một tháng thì cây đã leo kín giàn và ra hoa. Hoa mướp có màu vàng như hoa cúc. Những bông hoa mướp tỏa hương mời gọi ong bướm đến. Ong bướm làm ông mai, bà mối để hoa thụ phấn cho quả nhỏ xíu bằng ngón tay.
Trái mướp lớn lên rất nhanh, thon thon bằng cổ tay em, dài từ ba mươi xăng-ti-mét đến năm mươi xăng-ti-mét. vỏ của quả mướp hơi cứng nhưng thịt của quả mềm, ngậm nước. Hoa mướp khô lại, quắp ở chóp đuôi của quả mướp. Giống mướp bố em trồng là mướp hương nên cả hoa và quả của nó đều có mùi thơm. Quả mướp xắt nhỏ, xào lên thì hương thơm lan tỏa ngào ngạt khắp nhà. Mùi hương của mướp như mùi thơm của nếp, mùi mướp thơm ngào ngạt, lâng lâng gợi cho em cảm giác thèm ăn một chén cơm nóng với mướp xào, nếu có thêm chút rau hành hay cá khô thì ngon tuyệt.
Giàn mướp điểm hoa vàng trên nền lá biếc, trái treo lủng lẳng trên giàn che mát sân giếng. Bố lúc gieo hạt chỉ muốn đủ quả để ăn, giờ thì tiện lợi hơn nên bố bảo sẽ trồng thêm một gốc bầu nậm nữa để mướp có bầu, có bạn. Bầu và mướp luân phiên cải thiện bữa ăn của gia đình em làm cả nhà rất vui.
Bố mới gieo hạt bầu. Cả nhà háo hức chờ bầu leo lên giàn, thế là mướp sẽ có bầu, có bạn. Em rất thích ngắm giàn mướp điểm hoa, đậu trái. Giàn mướp làm cảnh sắc ngôi nhà thân yêu của em tươi mát và sung túc thật dễ thương.
7. Tả một giàn cây leo: Tả giàn lá mơ
Vườn nhà ông em được mệnh danh là xứ sở của các loài cây, nó xuất phát từ sự đa dạng trong các loài cây mà ông trồng, từ cây ăn quả đến cây rau. Trong số tất cả các loài cây ấy, em thích nhất là giàn cây lá mơ của ông.
Cây lá mơ là loại cây thuộc nhóm thân leo, vậy nên giàn lá mơ nhà ông em lúc nào cũng um tùm lá. Giàn cây không quá to mà chỉ chiếm một phần nhỏ của góc vườn. Từ gốc cây trở lên, những cành cây nhỏ đua nhau mọc ra, quấn lấy từng thanh tre nứa trên giàn như cuộc chạy đua không có hồi kết. Vậy nên, trên giàn, thanh tre nào thanh tre nấy đều chi chít những sợi cành cuốn chặt lấy.
Lá mơ nở um tùm, chen nhau đón ánh sáng mặt trời, lấp kín những khoảng trống trên giàn. Từng chiếc lá vừa nhỏ, vừa to, chi chít nhau, tạo thành những khóm cây lớn đung đưa trong gió. Ông em kể rằng, ngày ông mới trồng cây lá mơ này, nó còn bé lắm, ban đầu chỉ lưa thưa một vài lá nhỏ, rồi dần dần phát triển đến ngày hôm nay. Giàn cây lá mơ ấy có thể nói chính là niềm tự hào của ông em.
Tả giàn lá mơ nhà em
Lá mơ mềm mại, hai mặt lá có màu khác nhau, mặt trước có màu xanh ngắt, mặt sau lại có màu đỏ thẫm, trên mặt lá có lớp bông mỏng mềm mại và những đường gân lá nổi lên rõ nét như những chiếc xương cá. Lá mơ có mùi thơm nhè nhẹ, do đó mà khi đứng dưới giàn cây ấy, ta có thể dễ dàng ngửi thấy hương thơm thoang thoảng, dễ chịu trong không gian.
Mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng ra, mùi hương ấy lại càng tỏa ra xung quanh, khiến người ta dù ở cách đó cũng ngửi thấy. Đã bao năm qua, ngày ngày lúc nào cây lá mơ cũng um tùm lá. Ông em thường nói lá mơ nhiều quá nên ông ăn không xuể, chỉ biết để đó coi như tạo không gian, đôi khi ông lại hái một ít đem đi biếu hàng xóm xung quanh.
Giàn lá mơ ấy giờ đây như một cái mái hiên nhỏ nơi góc vườn của ông em, để tận dụng sự thuận lợi của giàn lá mơ ấy, ông đã đặt một bộ bàn ghế ngay dưới giàn cây. Do đó, bây giờ nó là nơi lí tưởng để nghỉ ngơi, để che nắng, che mưa, đặc biệt vào những ngày hè oi ả, ngồi dưới bóng râm của giàn cây lá mơ, tận hưởng những cơn gió mát lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn.
Cây cứ ngày một lớn hơn, ngày một nhiều lá hơn, nó không chỉ mang đến nguồn thực phẩm bổ ích mà còn tạo một không gian lí tưởng cho vườn nhà ông em. Bất kì một loài cây nào cũng vậy, chúng đều có những đặc điểm riêng, vẻ đẹp riêng. Giàn cây lá mơ nhà ông em cũng vậy, nó đẹp mà đặc biệt. Em mong cây sẽ luôn phát triển tươi tốt để ngày một to lớn hơn, um tùm hơn.
8. Tả một giàn cây leo: Tả giàn bầu
Bầu ơi thương lấy bí cùngTuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Câu ca dao trên khiến em nhớ đến giàn bầu của chú ở quê. Năm học vừa qua, em đạt kết quả học tập rất cao. Bố mẹ cho về quê chú chơi một tháng, em có dịp quan sát giàn bầu xanh mát ấy.
Thân bầu không to, chỉ bằng ngón chân cái; thế mà chúng phát triển rất mạnh mẽ. Từ bốn chiếc cột, bốn cây bầu mọc lên. Chúng quấn quanh cột và trườn lên phía trên. Bên trên, giàn tre nứa hình ô vuông quả trám được gác lên các cột đã ken đặc lá, dây leo cùng quả bầu.
Bầu thuộc họ cây leo. Chúng như chàng cao bồi miền Tây chuyên quăng dây rất tài tình. Sợi dây như sợi nhớ mà em dùng thả diều. Dây bầu lò xo xoắn đến đâu thì thân bầu sẽ bò đến đấy. Lá bầu to cỡ phiến quạt. Lá có màu xanh và túa ra nhiều lông.
Quả bầu treo lủng lẳng trên giàn trông rất dễ thương. Chúng giống những hũ rượu của thiên nhiên. Chú thường nấu canh bầu với tép hoặc xúc trứng vịt. Em ăn vào cảm thấy ngọt và mát.
Em thích giàn bầu của chú lắm. Chúng vừa cho bóng mát vừa cho quả ngon.
9. Tả một giàn cây leo: Tả giàn hoa giấy
Khi những ve sầu cất lên bài ca quen thuộc báo hiệu một mùa hè sôi động đã về cũng là lúc giàn hoa giấy trước cổng nhà em vào độ nở hoa đẹp nhất. Thật thú vị khi được ngắm cây hoa giấy vào thời điểm này.
Từ xa nhìn lại trông giàn hoa giấy như một tấm thảm rực rỡ nhiều màu sắc. Rễ cây ăn sâu vào lòng đất. Có một điều rất lạ là sau một thời kì cây trổ lá, người ta phải làm cho mảnh đất cằn cỗi hơn bởi mảnh đất càng cằn cỗi thì cây giấy càng trổ nhiều hoa.
Gốc cây hoa giấy to, màu nâu giản dị trông xù xì và chắc chắn. Từ gốc cây tỏa ra các nhánh cành mảnh mai uốn lượn điệu đàng trên mái cổng. Cành giấy có rất nhiều gai nhọn, chính những chiếc gai này khiến cho loài cây này trông mềm mại mà không hề yếu đuối.
Tả giàn hoa giấy
Lá hoa giấy màu xanh thẫm, trông như muôn ngàn trái tim đang rung rung trong gió. Những bông hoa giấy kết thành từng chùm làm trĩu xuống cả nhánh cành mảnh mai. Hoa giấy đẹp nhất trong ánh nắng chói chang của mùa hè. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.
Những bông hoa giấy nở bung rực rỡ như đang trải cả lòng mình dưới nắng hè. Những cánh hoa thật màu hồng cánh sen, mỏng mảnh, có lẽ vì vậy mà người ta gọi nó là hoa giấy. Mùi hương hoa giấy thoảng nhẹ đến mức ngỡ như không có và chỉ những chú ong chú bướm tinh tế mới có thể nhận ra được.
Hàng ngày, ong, bướm, những người bạn thân thiết của hoa giấy vẫn ghé thăm, làm khung cảnh ngôi nhà của em càng trở nên đẹp hơn.
10. Tả một giàn cây leo: Tả giàn gấc
Nhà em có rất nhiều cây leo có thể kể ra đó chính là bầu, bí, mướp,… Nhưng em vẫn thích nhất là giàn gấc mà bố em cũng đã chăm sóc và trồng ngay sau nhà.
Khung giàn giấc bố em làm thật tỉ mỉ. Giàn gấc được làm bằng tre dài năm mét, rộng hai mét. Mới hôm nào, cây gấc như còn nhỏ xíu, chỉ mấy hôm sau, ngọn của cây gấc dường như cũng đã bò khắp giàn. Tay gấc như lớn hơn, chắc chắn hơn so với những loại cây dây leo cùng loại như mướp hay bầu.
Mới chiều hôm nay, tay gấc chỉ dài khoảng năm phân mà sáng mai tay đã dài mười năm phân quấn chặt vào giàn. Em như thấy được nó cũng thật là kì lạ. Quay đi quay lại chỉ cần một thời gian ngắn thôi thì em như đã thấy được chẳng mấy chốc một màu xanh tươi đã phủ kín mặt giàn.
Khi dây gấc leo khắp giàn thì cũng là lúc gấc bắt đầu ra hoa. Hoa gấc có màu trăng trắng trông rất đẹp và dịu dàng. Chúng như mời gọi ong bướm đến hút mật. Rồi quả gấc như bé xíu thi nhau chồi ra như muốn mở lời chào ngày mới. Quả gấc mới đầu nhỏ cũng giống như quả chanh vậy và nó lại được bao bọc chắc chắn rồi chúng cứ lớn dần, lớn dần.
Tả giàn gấc
Gấc nhà em ra rất sai quả và ai ai cũng thích ngắm nhìn những trái gấc như thật tròn trịa này. Mỗi quả to gần bằng cái tích pha chè xanh của mẹ nhưng tròn hoặc hình bầu dục. Quả gấc bên ngoài có vô số cái gai nhọn hoắt, nếu ai không may mà đụng vào thì rất đau tay, vặt gấc cũng cần phải cẩn thận. Khi gấc chín thì có thể để đó rất lâu ngày và người ta hay dùng gấc để nấu xôi.
Xôi gấc được biết đến chính là một trong những loại xôi truyền thống của dân tộc ta, mùi vị lại thơm ngon và có màu đỏ tươi như đem lại may mắn nếu như ta nấu xôi gấc để thắp hương. Em rất thích cây gấc nhà em và thỉnh thoảng em cũng ra vườn cùng bố vun đất cũng như bắt sâu hại cho cây thêm xanh tốt và cho nhiều trái chín thơm.
——————-HẾT———————-
Để có thêm những hiểu biết và kĩ năng viết bài tả giàn cây leo, các em có thể tham khảo thêm: Tả giàn bầu, giàn bí, Tả cây hoa giấy, Tả một giàn dây leo, Tả cây vú sữa trong vườn nhà em.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục