Đề bài: Tả cây đa cổ thụ làng em
Văn mẫu Tả cây đa cổ thụ ở làng em, trường em
Bạn đang xem: Tả cây đa cổ thụ làng em
I. Dàn ý Tả cây đa cổ thụ làng em (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về cây đa cổ thụ
2. Thân bài
* Vị trí của cây đa ( Ở cổng làng, sân đình, trước cổng nhà,…)* Hình dáng:+ To sớn, đứng sừng sững như người khổng lồ+ Cao 5-6 mét+ Lớp vỏ xù xì, cành cây to+ Cây đa có tán rộng, lá mọc xum xuê, xanh mướt+ Lá to hình bầu dục+ Rễ to bám chắc vào mặt đất.
* Ý nghĩa của cây đa:- Đối với làng:+ Chứng kiến bao thế hệ sinh ra, lớn lên.+ Nhân chứng cho cuộc kháng chiến khốc liệt+ Là nơi tụ họp, trò chuyện của người dân làng
– Đối với chúng em:+ Gắn liền với những kí ức về tuổi thơ+ Là nơi vui chơi của trẻ con chúng em mỗi khi chiều về
3. Kết bài
– Cây đa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của dân làng- Nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ tươi đẹp
II. Bài văn mẫu Tả cây đa cổ thụ làng em
1. Tả cây đa cổ thụ làng em, mẫu số 1 (Chuẩn):
Ở cổng làng em có trồng một cây đa cổ thụ, cây đa to lớn đứng sừng sững với tán cây to lớn tựa như người mẹ hiền dang tay che chở cho ngôi làng nhỏ của em.
Cây đa đã cùng ngôi làng nhỏ của em trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua những ngày chống Pháp, chống Mĩ ác liệt. Bà em kể từ khi bà còn rất nhỏ thì cây đa đã vững chãi đứng ở đó rồi. Cây đa to lớn, thân cây to như cột đình, chúng em thường nắm tay nhau ôm vòng quanh thân cây nhưng đều không xuể. Lớp vỏ xù xì màu nâu sậm gợi ra vẻ rêu phong, cổ kính. Từ thân cây mọc ra rất nhiều cành cây to lớn, tỏa ra các hướng che phủ cả khoảng không gian rộng lớn. Vào mùa hè, dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, cây đa với những tán cây to lớn như chiếc ô khổng lồ che rợp bóng râm, vì vậy gốc đa chính là nơi nghỉ ngơi lí tưởng cho các bác, các cô sau những giờ lao động mệt mỏi, là nơi trẻ con chúng em cùng nhau vui đùa mỗi khi chiều về. Cây đa có bộ rễ lớn bám chặt vào đất để tạo ra sự chắc chắn cho cây, những chiếc lá đa to, hình bầu dục mọc san sát vào nhau. Chúng em thường nhặt những chiếc lá đa rụng để chơi gấp lá, đồ hàng…
Cây đa như một chứng nhân lịch sử cùng ngôi làng nhỏ của em trải qua bao thăng trầm của thời đại, cây đa vẫn sừng sững đứng đó lặng lẽ chở che cho ngôi làng, cây đa là người bạn tuổi thơ đã cùng chúng em tạo nên nhiều kỉ niệm đẹp đẽ.
2. Tả cây đa cổ thụ làng em, mẫu số 2 (Chuẩn):
Ở giữa sân đình làng em trồng một cây đa cổ thụ, thân cây cao vút với những tán lá rộng uy nghi như một người hùng của làng.
Đi từ xa, dù chưa thấy cổng làng nhưng em đã thấy được ngọn cây cao lớn với những chiếc lá xanh rì của cây đa. Thân cây đa to lớn mà vòng tay của 2 người lớn ôm không xuể, thân cây cao vút mọc ra những cành cây to, chắc khỏe. Vỏ cây màu nâu sậm pha thêm chút rêu xanh gợi vẻ cổ kính, lâu đời. Cây đa có bộ rễ khổng lồ bám chặt vào mặt đất như những con rắn khổng lồ. Điều đặc biệt nhất ở cây đa là bên cạnh bộ rễ chính bằng gỗ, cây đa còn có những rễ phụ mềm mại rủ xuống từ ngọn cây làm cho cây đa vừa có vẻ chắc chắn, to lớn vừa có nét mềm mại, thơ mộng. Những chiếc lá đa to bằng bàn tay người lớn mọc đan xen vào nhau tạo ra bóng râm lớn cho sân đình.
Dưới gốc đa là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa của làng em, đó là những buổi hội họp, là những lễ hội đình đám trong năm. Cây đa mang đến bóng mát giúp bà con quê em thư giãn, giải lao sau khi lao động vất vả, không những thế, cây đa còn như người bạn thân cùng những đứa trẻ quê như em trải qua thời gian tuổi thơ đẹp đẽ. Chúng em đã cùng nhau chơi đuổi bắt, đánh chắt đánh chuyền dưới gốc cây mỗi khi chiều về.
Em yêu cây đa làng em, cây đa đã trở thành một phần không thể thiếu của ngôi làng, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của làng quê nghèo của em.
3. Tả cây đa cổ thụ làng em, mẫu số 3 (Chuẩn):
Làm nên vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của làng quê em không chỉ có giếng nước, sân đình mà còn có cây đa cổ thụ đã hơn một trăm tuổi.
Cây đa làng em được trồng ở cuối làng, cây đa sừng sững đứng đó qua năm tháng, mang tán cây của mình ra để che chắn cho ngôi chùa nhỏ bên dưới. Gốc đa to lớn, xù xì, thân cây cao vút như chạm đến trời xanh. Cây đa có nhiều cành, lá cây to mọc san sát vào nhau nên ngôi chùa nhỏ và khoảng đất lớn xung quanh cây đa luôn râm mát. Quả đa màu nâu đậm, to bằng trái cà. Vào mùa đa chín, trên cây xuất hiện rất nhiều chim sáo, những con sáo sậu, sáo đen mỏ vàng cất tiếng hót làm rộn rã cả một góc trời.
Vào mùa hè các bác nông dân thường ngồi nghỉ ngơi bên gốc đa, những cậu bé chăn trâu sau khi thả trâu ăn cỏ trên bãi cũng kéo nhau vào gốc đa ngồi thổi sáo, gấp máy bay.
Cây đa đã chứng kiến bao đổi thay của làng em qua các thế hệ. Cây đa như người bạn cũng như một chứng nhân lịch sử của làng em.
4. Tả cây đa cổ thụ làng em, mẫu số 4:
“Quê hương là gì hở mẹ Mà cô giáo dạy phải yêuQuê hương là gì hở mẹ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Quê hương hai tiếng gọi thân thương mà bình dị. Nghĩ về quê hương là nghĩ đến những lũy tre xanh rì rầm, là cánh đồng lúa bát ngát, là dòng sông tắm mát trưa hè.Và không thể không nhắc đến hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những điều thân thuộc của làng quê yêu dấu. Quê em cũng có một cây đa cổ thụ và nó trở thành một dấu ấn đẹp đẽ trong tâm hồn em.
Cây đa không biết có tự bao giờ, em nghe nội bảo nó có từ lâu lắm rồi. Đa mọc sừng sững, đứng oai vệ như một người hùng. Nó đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ sinh ra và lớn lên trưởng thành xa quê lập nghiệp rồi trở về. Cây đa cũng là nhân chứng tiêu biểu của cuộc chiến tranh tàn ác của Pháp và Mỹ xâm lược nước ta. Cây đa mọc đầu làng, bên cạnh đồng lúa, dưới gốc đa có giếng nước kề cạnh .Thân cây cao khoảng năm, sáu mét, gốc cây to bảy tám người ôm chưa hết một vòng. Cây khoác lên mình màu da nâu đặc trưng, vỏ cây sần sùi, xù xì những vết xước, một vài vết “thẹo ” kí ức của chiến tranh. Cây có nhiều cành, cành nào cũng to, khoẻ, chắc nịch như bắp tay người dũng sĩ vươn mình che chở ngôi làng. Cây có tán lá rộng, lá mọc xùm xuê, xanh mướt. Tán lá như một chiếc ô khổng lồ giữa bầu trời. Lá đa to bản, có hình bầu dục và có nhiều gân trên mặt lá, mỗi chiếc lá trong như một bàn tay người lớn. Rễ đa to, mọc lổm chổm trên mặt đất , trườn mình ra như những chú rắn khổng lồ đi tìm nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Rễ cây bám chắc vào lòng đất, những ngày gió lớn hay mưa bão cũng không làm quật được sức chiến đấu kiên cường của cây đa. Trái lại, càng làm cho nó thêm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đa ra quả vào mùa hạ, quả đa chín ngọt và có vị hơi chan chát.
Cây đa gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ em và với dân làng. Đó là những lần em cùng lũ bạn chơi trốn tìm, chuyền thẻ, bịt mắt bắt dê,…. vô cùng vui vẻ dưới gốc đa. Là những trưa hè nóng nực, cô bác trong làng ra ngồi dưới gốc đa hóng mát, trò chuyện cùng nhau. Là những ngày vất vả mệt nhọc với vụ mùa, bác nông dân lại cùng đa làm bạn, nghỉ ngơi, thưởng thức vị mát của những cơn gió nồm thổi qua. Là hình ảnh bác trâu già thông thả nằm dưới gốc đa mơ màng lim dim nhai cỏ. Là những chiều về, tụi nhỏ chúng em thả diều, bắt bóng cùng tiếng chim ríu rít trên cành như khúc nhạc tuổi thơ. Là những trưa hè, đa cùng em soi mình dưới mặt nước trong vắt . Là những đêm rằm dưới ánh trăng tròn vành vạnh bóng đa toả bóng mình xuống mặt đất huyền ảo đẹp đẽ đến lạ kì. Và cả những lần hờn đỗi em lại tìm đến gốc đa như một người bạn tâm tình để được vỗ về an ủi.
Cây đa tượng trưng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai.Cây đa mang lại vẻ bình yên cho làng quê. Nó như một nét văn hoá của làng quê Việt, mang vẻ đẹp cổ kính và gần gũi, cần được trân trọng và giữ gìn.
“Cây đa gọi gió đếnCây đa vẫy chim về Đa một ngày một lớnVà nuôi thêm nhiều ve ….”
Cây đa quê hương đi vào hồn thơ của biết bao thì nhân một cách tự nhiên và bình dị như thế. đẹp đẽ bên gốc đa mãi là điều đẹp đẽ nhất trong tâm trí em.
———————HẾT————————
Cùng với việc tham khảo văn mẫu Tả cây đa cổ thụ làng em, các em có thể tìm đọc thêm các bài văn mẫu hay và rèn luyện khả năng viết văn mô tả của mình như: Tả một cây bàng đang đổi lá giữa mùa thu, Tả một cây ăn quả đang trong mùa quả chín, Tả cây phượng vĩ và tiếng ve vào mùa hè, Viết đoạn văn ngắn tả thân cây mía,…
Cây đa là một cây tỏa bóng mát, gần gũi với chúng ta. Nếu đề bài yêu cầu Tả Cây có bóng mát thì các em có thể dựa vào bài tả về cây đa đại thụ này để lập dàn ý, viết bài.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục