Đề bài: Suy nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc
Suy nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc
Bạn đang xem: Suy nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc
I. Dàn ý Suy nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Nội dung tác phẩm:– Viết về một người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám- Lão Hạc có vợ mất sớm, đứa con trai vì không có tiền cưới vợ nên phẫn chí đi đồn điền cao su.- Một mình lão sống cùng con chó tên cậu Vàng.- Sau trận ốm liệt giường, lão viết văn tự nhờ ông giáo trông lại mảnh vườn cho đứa con rồi ăn bả chó tự tử.
b. Lão Hạc là một người nông dân nghèo, đau khổ.– Vợ lão mất sớm, bỏ lại lão một mình nuôi con- Đứa con không đủ tiền lấy vợ, bỏ lão ở nhà để đi đồn điền cao su.- Lão sống cùng cậu Vàng trong cảnh đói nghèo và cô độc.- Đến cuối cùng, lão ăn bả chó mà tự tử để giữ lại mảnh vườn cho con trai vì sợ sẽ ăn “phạm” vào nó.- Lên án xã hội phong kiến nửa thực dân đày đọa con người.
c. Lão có tấm lòng trong sáng vô ngần:– Lão yêu thương con vô cùng, dù con lão đã bỏ lão đi xa- Lão dành tình thương của mình cho cậu Vàng, coi nó như đứa cháu nhỏ.- Lão cũng có một lòng tự trọng: không nhờ hàng xóm, ông giáo, …- Lão là hình tượng tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
3. Kết bài:
Kết luận chung
II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc (Chuẩn)
Các tác phẩm của nhà văn Nam Cao trước năm 1945 thường tập trung vào những người nông dân và trí thức nghèo trong xã hội. Trong số đó, tác phẩm lão Hạc viết về người nông dân trước Cách mạng tháng Tám với sự bần cùng, đau đớn. Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc.
Lão Hạc là câu chuyện cuộc đời người nông dân nghèo. Vợ mất, đứa con trai duy nhất vì không đủ tiền cưới vợ mà quyết chí đi đồn điền cao su. Vậy là một mình lão sống côi cút trong căn nhà xiêu vẹo cùng chú chó mang tên cậu Vàng. Lão sống mòn mỏi, bòn từng chút ít từ cái vườn mà lão dành cho đứa con trai. Đến khi biết không thể bòn được thêm nữa, lão đã làm văn tự dặn ông giáo chăm sóc giúp khu vườn, bán cậu Vàng rồi ăn bả chó mà tự tử. Cái chết của lão dữ dội và quằn quại, đau đớn như chính cuộc đời của lão. Lão Hạc là hiện thân của người nông dân trước Cách mạng, tuy nghèo nhưng có một phẩm chất cao đẹp mà dù trong hoàn nào, bi kịch thế nào vẫn luôn giữ gìn một tâm hồn vẹn toàn, trong sáng.
Đọc tác phẩm, điều mà chúng ta thấy ở lão Hạc là cuộc đời đầy bi kịch đau đớn. Vợ mất sớm, để lại cho lão đứa con trai. Nhưng nhà nghèo, đứa con trai đến tuổi lấy vợ lại vì nhà gái “họ thách nặng quá” khiến cho anh phải từ bỏ, từ đó sinh ra phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Đứa con trai duy nhất đi mất, lão côi cút một mình trong căn nhà ọp ẹp, chỉ có một con chó nhỏ – là thứ kỉ vật mà con trai lão mua, làm bạn. Lão Hạc sống trong cái đói nghèo, cái lạnh lẽo và cô đơn của tuổi già. Lão bòn từng củ khoai, từng mớ rau dại, “làm thuê kiếm ăn” mà sống qua ngày. Lão có khu vườn nhỏ, thế nhưng, lão nhất quyết không bán khu vườn ấy, tiền kiếm từ khu vườn, lão cũng “để riêng”, dù có phải “ăn củ chuối”, “ăn sung luộc”, “ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc”.
Tuy vậy, cuộc đời chẳng cho lão có phút giây nào thảnh thơi, phút giây nào được suy nghĩ cho bản thân mình. Cơn ốm kéo dài suốt một tháng đã lấy đi hết những gì lão dành dụm, đẩy lão vào bước đường cùng. Lão “yếu hẳn đi”, công việc cũng bị người khác tranh mất. Tới bước đường ấy, lão quyết bán đi cậu Vàng – là đứa con tinh thần, là chỗ dựa dẫm duy nhất của lão rồi ăn bả chó tự tử. Cái chết của lão cũng vật vã, đau đớn và quằn quại như cuộc đời bi kịch của lão vậy. Cái chết của lão Hạc có thể cũng là một sự giải thoát cho cuộc đời quay quắt trong cái đói nghèo, đau khổ và cô độc của lão. Từ cuộc đời của lão Hạc, người đọc thấy được hàng trăm hàng ngàn những cuộc đời khác của những người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Họ sống trong đói nghèo, trong đày đọa từ xã hội nửa thực dân nửa phong kiến áp bức, bóc lột tới tận xương tuỷ.
Cuộc đời của lão Hạc đau khổ là thế, nhưng tận đến lúc chết, lão vẫn giữ nguyên cho mình một tâm hồn thanh sạch, trong sáng đến vô ngần.
Với người con trai của mình, lão dành hết tất cả yêu thương. Tuy nó đã đi đồn điền cao su và chính lão cũng đã nói “Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?”. Thế nhưng, lão chưa từng nguôi ngoai hi vọng đứa con trai trở về kể cả đến lúc lìa đời. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, “láo yếu đi hẳn”, không còn công việc, không thể kiếm ăn, bòn mãi vào cái vườn của thằng con trai rồi cũng hết. Vậy nên lão đã đưa ra một quyết định đau đớn là từ bỏ cuộc đời này để khỏi “ăn vào cái vườn” dành cho đứa con. Lão viết văn tự nhường lại cho ông giáo, nhờ ông giáo chăm lo khu vườn cho tới khi con lão trở về. Cả cuộc đời lão Hạc sống trong cô độc, đau đớn. lão chết đi là muốn giữ cho mình một nhân cách đẹp, giữ cho đứa con trai con đường sống cuối cùng. Là một người cha, lão thà hi sinh tất cả chứ không muốn đứa con của mình phải khổ cực, đói nghèo. Thế nhưng, cuộc đời dường như chẳng hề thương xót cho hoàn cảnh của lão. Bởi nó đã bắt lão rời xa cuộc đời mà chẳng thể nhìn mặt đứa con duy nhất lần cuối. Tình cảm mà lão dành cho đứa con khiến cho bất cứ ai cũng phải cảm động.
Tình yêu tình thương mà lão dành cho con, không thể đến được với đứa con trai nên lão gửi gắm nó qua cậu Vàng. Lão yêu cậu Vàng vô cùng, cưng nựng nó như cưng nựng một đứa cháu trai, bởi bao nhiêu yêu thương dành cho con, lão dành hết cho nó. Lão cho nó ăn trong bát “như một nhà giàu”, có gì cũng chia sẻ cùng nó. Lão Hạc chăm lo nó hơn ả bản thân mình.
Không chỉ vậy, lão còn là một con người đầy lòng tự trọng. Lão tự trọng với cậu Vàng, với đứa con trai, với ông giáo, với hàng xóm láng giềng. Khi bán cậu Vàng, vốn một con chó được nuôi chỉ để thịt hay bán lấy tiền, ấy vậy mà khi lão Hạc bán cậu Vàng, lão lại ân hận, dây dứt, tự trách bản thân mình “bằng này tuổi đầu còn đi lừa một con chó”. Sự đau xót nó chứa chan trong từng câu chữ mà lão thốt ra và càng đau đớn hơn là những giọt nước mắt của lão. Lúc lão khó khăn nhất, ông giáo đã ngỏ lời giúp đỡ, lão cũng từ chối, bởi lão có tự trọng,biết rằng vợ ông giáo không hề thích mình. Và cả đến cái chết, lão cũng lo tươm tất, không muốn phiền tới bà con. Những đồng bạc mà lão tiết kiệm cả đời, không dám ăn, lại dùng để ma chay cho chính bản thân mình, để không phiền lụy tới ai. Lão sống đến ngày xin Binh Tư ít bả chó đẻ tự tử, để giữ nguyên tấm lòng của mình, trong sáng, thiện lành. Lão nhất quyết không đi vào con đường tha hoá như Chí Phèo, như Mõ, …
Cái chết của lão quả là vật vã, đau đớn như chính cuộc đời lão. Nó là biểu hiện của sự quyết liệt và chân thực nhất của cuộc đời lão Hạc. Có lẽ với lão, chết là một sự giải thoát khỏi một kiếp người dưới đáy của xã hội.
Nam Cao đã dựng lên hình ảnh một lão Hạc cực kì thành công, là một hiện thân của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Họ sống trong bóng tối, dưới đáy của xã hội, sống vật vờ, lay lắt, cô độc giữa cuộc đời. Những đoạn văn miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng xuất sắc, chen lẫn vào đó là những triết lý nhan sinh khiến ta phải suy ngẫm về cuộc đời.
Nhân vật lão Hạc của Nam Cao đã trở thành một hình tượng điển hình, tiêu biểu cho một từng lớp người nông dân hiền lành, chất phác trong xã hội. Và Nam Cao xứng đáng là một nhà văn xuất chúng với tài năng xuất sắc của mình.
————-HẾT——————-
Qua bài viết trên, chúng ta đã hiểu được phần nào về cuộc đời và con người của lão Hạc – một lão nông nghèo nhưng có một tâm hồn vô cùng trong sáng. Bài viết Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, Phân tích diễn biến tâm trạng lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó Vàng sẽ giúp chúng ta càng hiểu sâu hơn về cuộc đời và con người của một hình ảnh mang tính biểu tượng trong dòng văn học hiện thực Việt Nam.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục