Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của M.Goroki: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”
Suy nghĩ về câu nói của M.Go-rơ-ki: Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống
Bạn đang xem: Suy nghĩ về câu nói của M.Go-rơ-ki: Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống
I. Dàn ý Suy nghĩ về câu nói của M.Go-rơ-ki: Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về câu nói của Go-rơ-ki
2. Thân bài
* Giải thích câu nói:– “Sách” là nơi ghi chép, lưu giữ tri thức nhân loại về thế giới- “kiến thức”: hiểu một cách đơn giản là những hiểu biết về con người, xã hội có được thông qua quá trình học tập, tích lũy.- “con đường sống” là con đường tốt đẹp cũng là con đường tất yếu mà con người cần chinh phục để làm chủ cuộc sống.=> Chỉ có kiến thức mới có thể giúp con người chinh phục, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống và hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
* Vai trò của sách:– Sách là một thế giới kiến thức vô cùng rộng lớn, chứa đựng những tinh hoa của nhân loại, là tinh thần của người viết.-> Hiểu về bản thân, hiểu về thế giới con người mới có thể làm chủ cuộc sống, hướng đến những điều tốt đẹp- Đọc sách đem cho ta nhiều hiểu biết, tri thức về thế giới và hiểu về chính bản thân mình- Đọc sách còn rèn cho chúng ta đức tính kiên nhẫn, bởi đọc thì phải ngẫm nghĩ chiêm nghiệm- Sách hướng con người đến những ước mơ, bồi dưỡng tình cảm, giáo dục thẩm mĩ.
* Liên hệ thực tiễn:– Giới trẻ chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của việc đọc sách- Tình trạng lười đọc sách, mải đắm chìm vào những trò tiêu khiển: game, mạng xã hội…
* Đề xuất giải pháp:– Chủ động, tích cực đọc sách- Xây dựng kế hoạch, thời gian đọc sách khoa học- Tham gia vào các câu lạc bộ sách,…
3. Kết bài
Cảm nhận chung
II. Suy nghĩ về câu nói của M.Go-rơ-ki: Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống (Chuẩn)
M. Go-rơ-ki đã từng có một câu nói rất hay về sách: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Đó là một quan điểm rất tuyệt, rất chính xác khi nói về sách, bởi không phải ai cũng thấu hiểu và trân trọng sách như thế. Là một người thích đọc sách, tôi lại càng trân trọng và thêm tâm đắc về câu nói ấy.
Sách là tinh hoa của loài người, là sản phẩm trí tuệ bậc nhất. Sách không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã có từ lâu đời, gồm rất nhiều dạng khác nhau. Nhưng thông dụng nhất và được định nghĩa nhiều nhất có lẽ là sách giấy, thứ sách được đóng thành tập thành quyển, ngay ngắn gọn gàng, đẹp mắt. Sách là một thế giới kiến thức vô cùng rộng lớn, chứa đựng những tinh hoa của nhân loại, là tinh thần của người viết. Đọc sách đem cho ta nhiều hiểu biết lớn, ví như đọc Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ta có cái nhìn thật sâu sát về một thời lịch sử oanh liệt của dân tộc, không những thế đó còn là những bài học quý giá về cách làm người của các cố nhân xưa. Rồi thì đọc Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài ta lại gần như được bước về thủ đô những năm tháng xưa kia, ở đó có người dân chân chất, có cái đói khổ những năm 1945, thảm thương, rồi lại biết về những phong tục thật hay của dân tộc. Đọc mà vừa khóc vừa cười, bởi vì cái tinh thần của tác giả nó chân thực và sâu sắc quá. Hoặc đọc bất cứ cuốn sách nào, lĩnh vực gì cũng đều rất bổ ích, đọc sách về thế giới tự nhiên, về du lịch cho ta những hiểu biết về thế giới xung quanh, đọc những cuốn tiểu thuyết kinh điển cho chúng ta những bài học tình cảm thật lớn, bao gồm tình yêu, tình thân, tình bạn, tĩnh nghĩa giữa con người với con người,… Đôi khi chúng ta đọc sách chỉ để giải trí ví dụ như đọc vài cuốn truyện tranh, đó cũng là một cách bồi bổ cho tâm hồn hữu hiệu. Ở lứa tuổi học sinh, thứ sách đọc nhiều nhất có lẽ là sách giáo khoa, ai cũng phải đọc, phải học, đó là những kiến thức sẽ nâng bước ta vào đời, đưa ta đến những mục tiêu gần nhất, những tác phẩm văn học mà chúng tìm hiểu, cái nào cũng thật ý nghĩa có những giá trị nhân văn cao lớn, hướng con người đến một xã hội tốt đẹp hơn. Hơn thế nữa, đọc sách còn rèn cho chúng ta đức tính kiên nhẫn, bởi đọc thì phải ngẫm nghĩ chiêm nghiệm, còn nếu đọc để lấy trang lấy bài thì đó chẳng phải là đọc. Người đọc sách chân chính luôn có gì đó điềm tĩnh và am hiểu hơn người khác, họ cũng học được tính khiêm tốn lễ độ từ văn thư, tựa như một nhà nho thuở xưa, một khí chất rất thanh cao, đẹp đẽ. Chẳng thế ở nước ngoài người ta rất coi trọng việc đọc sách, họ xem sách như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là công cụ để rèn luyện trí tuệ, họ đọc bất cứ khi nào rảnh.
Có nhiều người từ chối đọc sách, vì cho rằng tốn thời gian, lại chẳng được mấy tác dụng, đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Bởi hơn tất cả chẳng nơi đâu cho chúng ta kho tàng kiến thức vô tận như thế, đó là tinh hoa của cả hàng triệu bộ não làm ra, là những gì trân quý nhất. Bởi những nhà viết sách chân chính sẽ chẳng bao giờ đưa thứ tầm thường vào sách của mình cả, đó là nỗi nhục, nỗi hổ thẹn với lương tâm nghề nghiệp. Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa con người thường chú tâm vào những thứ vô bổ như mạng xã hội, game, dành phần lớn thời gian rảnh cho chúng mà không biết chán. Họ tự thu mình lại trong thế giới của bản thân mình, không có ham muốn tiếp thu kiến thức mới, thích được lười biếng. Nhưng đó chính là đang giết bản thân mình bởi con người có vận động thì mới phát triển còn cứ ì lại thì chỉ còn bước đường duy nhất là tàn lụi, lay lắt với một tâm hồn khô héo. Không có kiến thức, không có kỹ năng thì thế giới này liệu có chấp nhận các bạn? Men-đen-lê-ép đã tìm ra quy luật chọn lọc của thế giới tự nhiên, thì loài người cũng thế, dần xã hội sẽ chỉ chấp nhận những con người cầu tiến, có ích cho xã hội, biết dùng kiến thức mình học được để xây dựng đất nước, phát triển xã hội, chứ chẳng để tâm đến kẻ “lười” bao giờ, vì không xứng đáng.
Vậy ta lấy kiến thức từ đâu? Câu trả lời rõ ràng nhất và gần nhất chính là sách, những thứ chúng ta học được trên trường còn quá ít, bản thân mỗi con người cần có ý thức tự trau dồi thêm. Sách là một nguồn tài liệu vô cùng rộng mở và có sẵn, sao ta lại phải tiếc một số tiền nhỏ để mua sách mà không hề do dự khi ném chúng vào những buổi đàn đúm vô vị? Đọc sách nào cũng được, sách nào cũng hay cũng tốt, không cần phải gò ép, ta thích gì đọc đấy, kiến thức sẽ tự rộng mở trong tâm hồn tươi trẻ của chính chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải đề phòng những thứ văn học “rác” tiêm nhiễm thói hư tật xấu, những suy nghĩ tiêu cực, đó không được và không thể gọi là sách được.
Thế nên, các bạn ạ, trong lúc còn trẻ, cuộc sống mới chỉ bắt đầu chúng ta hãy nhân cơ hội mà tìm đọc thật nhiều sách, hãy trau dồi và hoàn thiện bản thân. Đôi khi chỉ là những phút lắng lại tâm hồn. Hãy trân trọng và yêu sách như chính người thân của mình, bởi sách thực sự rất quý giá và đáng được tôn trọng, sách chính là ánh đèn soi đường cho ta đến với một thế giới nhiều màu sắc đẹp đẽ, cho ta một cuộc sống tâm hồn giàu có và phong phú nhất.
———————-HẾT———————
Ngoài bài làm văn mẫu Suy nghĩ về câu nói của M.Goroki: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”, thầy cô và học sinh tham khảo thêm các bài làm văn mẫu như Nghị luận Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người, Giải thích câu nói “Học đi đôi với hành”, Giải thích câu Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người hay rất nhiều những bài làm văn mẫu hay cùng hướng dẫn cụ thể khác. Các bạn hãy cùng tìm hiểu và trau dồi kiến thức, ngôn ngữ để đáp ứng nhu cầu làm văn hiệu quả nhất.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục