Bài tập 1: Phân tích sự đổi vai và luân phiên lượt lời trong hoạt động giao tiếp trên. Những đặc điểm của giao tiếp ở dạng ngôn ngữ nói thể hiện qua những chi tiết nào trong đoạn trích (chú ý lời kể chuyện của tác giả và lời của các nhân vật)?
Trả lời
Lượt lời: Lão Hạc và ông giáo luân phiên lượt lời để đối thoại với nhau, trong đó, lão Hạc bắt đầu nói trước, rồi tới ông giáo.
Từ ngữ: Các từ ngữ được sử dụng rất đa dạng, linh hoạt, gần gũi với cuộc sống đời thường.
Giọng điệu của nhân vật cũng rất đa dạng, biến đổi để phù hợp với cảm xúc và tâm trạng của nhân vật.
Ngoài ra, nhân vật còn sử dụng những câu tỉnh lược, những câu cảm thán bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp như Khốn nạn,…ông giáo ơi! …nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Bài tập 2: Các nhân vật giao tiếp có vị thế xã hội, quan hệ thân sơ và những đặc điểm gì riêng biệt? Phân tích sự chi phối của những điều đó đến nội dung và cách thức nói trong lượt lời đầu tiên của lão Hạc.
Trả lời
Vị thế xã hội: Ông giáo là thuộc tầng lớp tiểu tư sản trí thức, là người có hiểu biết, có tri thức nhưng vì hoàn cảnh nên phải chuyển về sống tại làng. Còn lão Hạc thuộc tầng lớp nông dân, nghèo, ít hiểu biết.
Quan hệ thân sơ: ông giáo và lão Hạc không phải là người thân, họ hàng với nhau nhưng lại là hàng xóm của nhau, thân thiết và tin tưởng nhau.
Những đặc điểm riêng biệt: Lão Hạc là người lớn tuổi hơn ông giáo (qua cách xưng hô lão – ông)
Bài tập 3: Hãy phân tích nghĩa sự việc và nghĩa tình thái trong câu: “Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết”
Trả lời
- Nghĩa sự việc: Thông báo sự việc con chó đã chết
- Nghĩa tình thái: Thể hiện sự tiếc nuôi, hối hận và tình thương của lão Hạc với con chó; đồng thời cũng để thấy sự ngạc nhiên bất ngờ khi sự thực được vỡ lẽ (bấy giờ…mới biết)
Bài tập 4: Trong đoạn trích có hoạt động giao tiếp ở dạng nói giữa hai nhân vật, đồng thười khi người đọc đọc đoạn trích (hoặc cả truyện lão Hạc) lại có một hoạt động giao tiếp nữa giữa nhà văn Nam Cao và người đọc. Hãy chỉ ra sự khác biệt giữa hai hoạt động giao tiếp đó.
Trả lời
- Hoạt động giao tiếp giữa lão Hạc và ông giáo là hoạt động giao tiếp được diễn ra trực tiếp (dạng nói). Tức là hai nhân vật có thể trực tiếp trao đổi với nhau thông qua các lượt lời, sự trao đổi các hành động, cử chỉ.
- Hoạt động giao tiếp giữa nhà văn Nam Cao với người đọc là hoạt động giao tiếp gián tiếp (dạng viết). Tức là nhà văn và người đọc không trực tiếp nói chuyện, trao đổi với nhau, mà thông qua ngôn ngữ, hình ảnh, hình tượng trong tác phẩm, người đọc có thể hiểu được tư tưởng và tình cảm cũng như những quan niệm về cuộc sống, con người mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm.