MediaTek Dimensity 9000 vừa có màn ra mắt gây tiếng vang lớn trong thế giới công nghệ. Đây là con chip di động đầu tiên trong phân khúc cao cấp được sản xuất trên quy trình 4nm, sở hữu nhân Cortex-X2 hiệu năng cao hoàn toàn mới của ARM, và cũng là chipset đầu tiên sử dụng GPU Mali G710. Đáng chú ý hơn cả, Dimensity 9000 cũng là hệ thống SoC di động đầu tiên hỗ trợ RAM LPDDR5X.
Vậy LPDDR5X là gì mà nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy? Và nó có gì vượt trội hơn so với chuẩn LPDDR5 thường?
RAM LPDDR5X là gì?
LPDDR5X là tiêu chuẩn mới nhất trong công nghệ RAM dành cho thiết bị di động, và chỉ mới được giới thiệu vào đầu năm 2021. Tiêu chuẩn này chủ yếu nhằm mục đích cải thiện khả năng truyền dữ liệu trên các chip RAM được sử dụng trên những SoC di động hàng đầu, chẳng hạn như Dimensity 9000, và các model khác đến từ dòng sản phẩm Samsung Exynos và Qualcomm Snapdragon.
Bạn đang xem: RAM LPDDR5X là gì? Tốt hơn LPDDR5 thường như thế nào?
Mặc dù hiệu quả sử dụng thực tế, cũng như mức cải thiện cụ thể mà chuẩn LPDDR5X mang đến trên thiết bị di động vẫn chưa được khẳng định do sản phẩm thương mại vẫn chưa ra mắt thị trường. Nhưng về lý thuyết, những cải tiến mà LPDDR5X mang lại so với LPDDR5 là tương đối rõ ràng và đáng giá.
RAM LPDDR5X so với RAM LPDDR5
Tuy được giới thiệu vào đầu năm, nhưng phải tới tháng 7 vừa qua, tổ chức thương mại bán dẫn JEDEC mới chính thức công bố LPDDR5X là sự phát triển của thế hệ Dynamic Random Access Memory(DRAM) mới nhất – tức là LPDDR5. Nói cách khác, LPDDR5X là một bản nâng cấp của LPDDR5. Tiêu chuẩn mới được thiết kế cho khả năng tăng tốc độ xử lý dữ liệu từ 6400 Megabit/giây (Mbps) lên 8533Mbps, tương ứng với mức cải thiện 33%, và đồng thời kéo theo độ trễ thấp hơn 25%.
Chuẩn LPDDR5 tuy cũ hơn nhưng cũng chỉ vừa mới được giới thiệu vào đầu năm 2020 với Qualcomm Snapdragon 865. Trong khi các thiết bị đầu tiên hỗ trợ chuẩn LPDDR5 chỉ có thể chạy ở tốc độ tối đa 5500Mbps, các nhà cung cấp chipset sau đó đã có thể tận dụng toàn bộ khả năng của LPDDR5, đẩy tốc độ truyền dữ liệu lên 6400Mbps trong những bản cập nhật tiếp theo. Tại thời điểm ra mắt, trọng tâm của LPDDR5 là cải thiện gần 20% hiệu suất năng lượng so với tiêu chuẩn trước đó, LPDDR4X.
Khi công bố tiêu chuẩn LPDDR5X, JEDEC không đưa ra bất cứ yêu cầu nào liên quan đến những cải tiến về hiệu suất. Vì vậy chúng ta có thể mong đợi các nhà sản xuất DRAM sẽ thực hiện những nâng cấp của riêng họ.
Sự xuất hiện của LPDDR5X được kỳ vọng có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường về DRAM di động dung lượng cao trong kỷ nguyên phổ cập kết nối 5G. Đồng thời mang đến một tiêu chuẩn cạnh tranh cao hơn về công suất và hiệu quả trên thị trường DRAM di động.
Theo dự báo của giới chuyên gia, sự phát triển của internet và các ngành công nghiệp tiên tiến đòi hỏi tốc độ cao và khả năng xử lý dữ liệu dung lượng lớn, chẳng hạn như thực tế tăng cường (AR) và Metaverse, đang mở rộng nhanh chóng gần đây. Do đó, sự xuất hiện của các công nghệ xử lý dữ liệu mới, tiên tiến sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo đà phát triển chung, không chỉ trong thị trường truyền thông di động mà còn cả với máy chủ, ô tô và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp