Đề bài: Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Bài văn mẫu Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Trong số các tác phẩm viết về đề tài người nông dân, “Lão Hạc” của Nam Cao là một trong những truyện ngắn tiêu biểu và đạt được sự thành công ở giá trị nội dung cũng như nghệ thuật. Bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, xây dựng tình huống truyện và hình tượng nhân vật, tác giả Nam Cao đã lưu lại trong trang văn những ý niệm vô cùng sâu sắc, độc đáo của quan niệm nghệ thuật về con người. Đó là quan niệm về “đôi mắt” nhìn đời, nhìn người và đánh giá con người.
Bạn đang xem: Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Quan niệm nghệ thuật là một trong những khái niệm quen thuộc thể hiện quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của người nghệ sĩ, hay nói cách khác: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình” (Trần Đình Sử, (1993), Dẫn luận Giáo trình Thi pháp học, Nxb ĐH sư phạm thành phố Hồ Chí Minh). Như vậy, thông qua việc việc xây dựng hình tượng nghệ thuật, các nhà văn, nhà thơ sẽ thể hiện quan niệm nghệ thuật riêng của bản thân, in đậm dấu ấn nhân sinh quan cá nhân và tạo nên phong cách sáng tác riêng biệt. Đối với nhà văn Nam Cao, quan niệm của ông về con người luôn được thể hiện rõ qua vấn đề “đôi mắt” và vấn đề lập trường, thái độ và trách nhiệm của người trí thức.
Trong tác phẩm “Lão Hạc” – một tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân nghèo, quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả đã được thể hiện trực tiếp thông qua những câu văn bình luận, đánh giá về đôi mắt – vấn đề cách nhìn và quan điểm đối với việc đánh giá con người: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố gắng mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương…”. Đó là suy ngẫm của nhân vật ông giáo trước thái độ của người vợ khi thị đánh giá về lão Hạc: “- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ!”. Trong tác phẩm, lão Hạc là nhân vật chính với những vẻ đẹp về phẩm chất như yêu thương con cái, giàu đức hi sinh, hiền lành, lương thiện và giàu lòng tự trọng. Tuy nhiên, trong mắt của những người xung quanh, lão chỉ là một kẻ “gàn dở” và “ngu ngốc”, bởi khi “không cố gắng mà hiểu” thì con người không thể phát hiện những vẻ đẹp bị che lấp của người khác. Khi sống trong sự nghèo khổ đến cùng cực thì “cái bản tính tốt của người ta” – sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia sẽ bị “những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Như vậy, qua dòng suy ngẫm của ông giáo, nhà văn Nam Cao đã khái quát một quan niệm nghệ thuật về con người thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Đó chính là cách đánh giá và ứng xử với những người xung quanh bằng đôi mắt của tình thương, sự quan tâm, thấu cảm và lòng vị tha.
Quan niệm nghệ thuật về con người được bộc lộ qua những suy ngẫm của ông giáo đã thể hiện rõ đôi mắt, trái tim nhân đạo của Nam Cao. Nhà văn nhìn đời, nhìn người bằng đôi mắt cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia. Bởi vậy, tác giả luôn có ý thức đi tìm “cái bản tính tốt đẹp của người ta bị những lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Đồng thời, quan niệm nghệ thuật về con người được bộc lộ trong lão Hạc còn thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật tiến bộ và mang tính hệ thống trong các sáng tác của nhà văn Nam Cao. Không ít lần, nhà văn đã thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này, đặc biệt là qua tác phẩm “Đôi mắt”. Tác giả đã nhấn mạnh để khẳng định người nghệ sĩ cần thấu hiểu đời, hiểu người, khám phá con người ở phương diện của những điều tốt đẹp và tích cực bằng đôi mắt của tình thương. Như vậy, “đôi mắt” trong sự tương quan và mối quan hệ với vấn đề cách nhìn, cách đánh giá mang tính nhân đạo, nhân văn cao đẹp đã được tác giả Nam Cao thể hiện trực tiếp thông qua các hình tượng nghệ thuật.
Như vậy, thông qua tác phẩm “Lão Hạc”, chúng ta có thể thấy được quan niệm nghệ thuật về cách đánh giá con người của tác giả. Vấn đề “đôi mắt” gắn với tình thương, sự quan tâm, lòng tin đã chi phối đến những tác phẩm của nhà văn Nam Cao và có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc trong mọi thời đại.
—————-HẾT—————-
Bên cạnh việc tìm hiểu Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, các em có thể tham khảo thêm: Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, Phân tích diễn biến, tâm trạng lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó Vàng, Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục