Đề bài: Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn
Chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn
Bạn đang xem: Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn
I. Dàn ý Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyên Hồng và đoạn trích “Trong lòng mẹ”, nêu nhận định “Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn”:+ Nhà văn Thạch Lam từng đưa ra nhận định: “Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn” .+ Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích trong hồi kí “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng là một minh chứng cho sự xuất hiện của “nhà văn” có trong một tác phẩm.
2. Thân bài
– Giải thích và phân tích nhận định- Chứng minh nhận định qua tác phẩm:
+ Hồi kí được xây dựng dựa trên chất liệu là những kí ức, trải nghiệm tuổi thơ của tác giả→ Mỗi sự việc, tình tiết trong câu chuyện đều chân thực, xúc động…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn tại đây.
II. Bài văn mẫu Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn (Chuẩn)
Bàn về mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật với người nghệ sĩ sáng tạo ra nó, nhà văn Thạch Lam từng đưa ra nhận định: “Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn”. Quả thực vậy, qua mỗi tác phẩm, độc giả không chỉ đón nhận một thế giới nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ được “nhào nặn” bởi bàn tay người nghệ sĩ mà còn có cảm nhận được màu sắc tư tưởng, tình cảm của nhà văn được gửi gắm trong thế giới ấy. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích trong hồi kí “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng là một minh chứng cho sự xuất hiện của “nhà văn” có trong một tác phẩm.
Trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của câu nhận định “Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn”. “Nhà văn” đầu tiên trong lời nhận định chính là chủ thể người cầm bút, người dùng tài năng và tâm huyết để kết tinh lại trong những tác phẩm nghệ thuật, “nhà văn” thứ hai lại là cách nói hình tượng của tư tưởng, tình cảm, quan niệm của nhà văn được gửi gắm, phản ánh qua tác phẩm. Hiểu một cách đơn giản nhất, lời nhận định của nhà văn Thạch Lam đã khẳng định dấu ấn cá nhân của mỗi tác giả trong tác phẩm của mình, đây cũng là nét đặc sắc hình thành nên phong cách, nên “chất” riêng biệt trong mỗi nhà văn.
Tác phẩm văn học cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật, là đứa con tinh thần của người cầm bút. Tác phẩm của nhà văn chứa đựng tài năng, sự sáng tạo, từ tính cách đến nhân cách và quan niệm, chiêm nghiệm về cuộc đời của chính tác giả viết nên tác phẩm ấy. Khi sáng tác nên một tác phẩm, nhà văn đã đưa vào đó ít nhất là một cái nhìn, một quan niệm, một cái tôi của chính mình, hay chính trong tác phẩm nghệ thuật ấy sẽ phản chiếu chính “nhà văn” với tư tưởng, tình cảm rất chân thực và mang những sắc màu cá nhân. Để có thể hiểu hơn về nhận định trên chúng ta hãy cùng đặt nó vào trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng. Đây là đoạn trích được trích từ tập hồi kí “Những ngày thơ ấu”, một tập hồi kí đầy xúc động về những kí ức ngày thơ ấu của cậu bé Nguyên Hồng kể về những ngày tháng cay đắng, tủi cực khi thiếu mẹ và tình yêu thương cháy bỏng của cậu bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh. Nhà văn Nguyên Hồng không kì công xây dựng hay kể lại câu chuyện của ai khác mà ông dùng chính những kí ức tuổi thơ của mình để xây dựng nên tác phẩm. Nhân vật chú bé Hồng trong truyện không ai khác chính là tác giả, ông đã gửi gắm những suy nghĩ, cảm xúc và tình cảm của mình vào nhân vật. Dù là lúc độc thoại, đối thoại với người cô và khi đối thoại với mẹ, tất cả đều là những cảm xúc chân thật nhất, sâu sắc và thấm thía nhất, chẳng khác là bao với một câu chuyện mà nhà văn Nguyên Hồng kể về cuộc đời của mình. Hoàn cảnh đáng thương của một chú bé mồ côi cha phải sống xa mẹ, thiếu vắng tình thương nhưng lại vô cùng thấu hiểu, cảm thông và yêu thương vô bờ mẹ của mình chính là tiền đề cho tấm lòng nhân ái của Nguyên Hồng. Trải qua những kí ức tuổi thơ buồn tủi, cay đắng nhưng điều đó không hình thành những ám ảnh, những uất hận với cuộc đời mà tạo thành cơ sở để nuôi dưỡng tình yêu thương, tấm lòng đồng cảm của một Nguyên Hồng với con người. Trong suốt nghiệp cầm bút của mình, Nguyên Hồng đặc biệt quan tâm đến những con người nhỏ bé, bất hạnh mà tiêu biểu nhất là phụ nữ và trẻ em, chẳng những thế mà ông được mệnh danh là “Nhà văn của phụ nữ và trẻ em”.
Trong tác phẩm “Trong lòng mẹ” nhà văn Nguyên Hồng đã đưa người đọc trở về tuổi thơ của cậu bé Hồng với bao cung bậc cảm xúc, từ đồng cảm, xót xa đến xúc động khôn nguôi trước tình cảm trong sáng, thiêng liêng của cậu bé Hồng với mẹ của mình. Có thể nói, qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” nói riêng, hồi kí “Những ngày thơ ấu” nói chung, nhà văn Nguyên Hồng đã tự bộc lộ chân thực, cảm động thế giới nội tâm, đời sống tình cảm của mình trước mắt độc giả. Nói cách khác, với “Những ngày thơ ấu”, Nguyên Hồng không chỉ đơn thuần là sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mà còn là nơi gửi gắm những tình cảm, những hồi ức xót xa mà cũng đẹp đẽ của chính mình, quả đúng như Thạch Lam đã nói: “Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn”.
—————-HẾT—————-
Bên cạnh bài Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Mỗi tác phẩm của nhà văn đều có ít nhiều nhà văn, các em có thể tham khảo thêm: Chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em qua đoạn trích Trong lòng mẹ, Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Qua đoạn trích Trong lòng mẹ, chứng minh nhận định: Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn, Phân tích nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục