Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm
Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm
Bài làm:
Về với Hà Nội yêu dấu, ai cũng một lần muốn ghé thăm Hồ Gươm xinh đẹp, nơi từng đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cảnh vật huy hoàng đều đã nhuốm màu của thời gian. Nhưng mặt hồ vẫn trong xanh, như một tấm gương ngọc, yên bình nằm giữa vòng tay của thủ đô, in sâu trong ký ức người dân nơi đây với câu chuyện Sự tích Hồ Gươm.
Bằng những lời văn ly kỳ, hấp dẫn Sự tích Hồ Gươm đã khái quát một cách ngắn gọn về công cuộc chống quân Minh xâm lược, qua đó ca ngợi sự anh hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc của quân dân ta thuở bấy giờ. Chi tiết tặng gươm là biểu trưng cho tư tưởng tuân mệnh trời đã có từ hàng ngàn năm nay, trời cao có mắt, vốn rất sáng suốt, hễ là việc chính nghĩa thì thần phật sẽ giúp đỡ, phù hộ bằng một cách nào đó, và người làm việc chính nghĩa luôn chiến thắng mặc dù có phải gặp nhiều khó khăn vất vả. Đây cũng là mô típ và kết cấu thường thấy trong văn học phương Đông, rất đặc sắc, những kiến thức lịch sử dễ dàng đi sâu lòng người đọc người nghe và để lại ấn tượng sâu sắc, cho ta những bài học đạo đức đầy tính nhân văn.
Thuở ấy, giặc Minh nhân lúc nhà Hồ trong cơn nhiễu loạn, mượn cớ sang nước ta với âm mưu xâm lược, đồng hóa biến nước ta thành thuộc địa của chúng, dưới sự đàn áp, bóc lột tàn nhẫn của quân giặc đời sống nhân dân vô cùng khốn đốn, khổ cực, nghĩ mà đau xót. Nghĩa quân Lam Sơn lúc bấy giờ, đứng đầu là chủ tướng Lê Lợi đã đứng lên khởi nghĩa, tuy nhiên trong những năm đầu, nghĩa quân gặp rât nhiều khó khăn. Lực lượng còn non yếu, chưa có người tài ra giúp sức, thiếu quân lương, vũ khí, luôn phải lẩn trốn, tránh bị quân Minh phát hiện để chờ kế lâu dài.
Biết được tình cảnh ấy, lại khâm phục lòng yêu nước, anh hùng của nghĩa quân mà tiêu biểu là Lê Lợi, Long Quân bèn cho mượn gươm thần để giúp nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh. Tuy nhiên, ở đời muốn có được thành tựu thì cần phải chịu chút thử thách, Long Quân không chọn cách đưa gươm trực tiếp cho Lê Lợi, mà lại khéo léo thông qua Lê Thận, vốn là một người chài cá, quanh năm lam lũ, qua ba lần vớt được gươm, chàng trai này đã nhận ra có điểm diệu kỳ bèn giữ lại sau ắt có chỗ dùng tới, quả là nhìn xa trông rộng. Không biết sự kiện vớt gươm có ảnh hưởng gì đến chí hướng của Lê Thận hay không nhưng không lâu sau anh đã gia nhập nghĩa quân và trở thành tướng tài dưới trướng của Lê Lợi, lập rất nhiều công lao, cuộc chiến cũng thuận lợi hơn vì có những người tài giúp sức.
Trong một lần ghé nhà Lê Thận, Lê Lợi bỗng phát hiện lưỡi gươm phát sáng ở một góc nhà, trên đó còn có chữ “Thuận Thiên”, dịch ra là thuận theo ý trời, muốn nói rằng gươm này là được trời ban tặng, để giúp làm việc chính nghĩa. Giữa không gian tăm tối ấy, gươm bỗng phát sáng rực rỡ, có lẽ đã nhận ra vị minh quân Lê Lợi, vầng sáng ấy là sự cổ vũ từ thần linh, tổ tiên, tỏ rõ con đường chống quân xâm lược vốn đang khó khăn ngặt nghèo. Chi tiết ly kỳ này có thể xem là điềm báo đầu tiên cho sự thành công vang dội của công cuộc chống quân Minh xâm lược. Tuy có điểm thần kỳ nhưng vì chưa có chuôi nên gươm vẫn phải nằm chờ, chờ một thời cơ chín muồi hơn.
Ít lâu sau, trong một trận đánh quân ta thất thế phải rút lui, trên đường tháo chạy Lê Lợi vô tình thấy trên ngọn cây có một chuôi gươm nạm ngọc đang phát sáng trong rừng, bằng đầu óc nhanh nhạy và trí nhớ của một vị minh quân Lê Lợi lập tức nghĩ đến lưỡi gươm có chữ “Thuận Thiên” ngày đó ở nhà Lê Thận. Từ đó gươm đã có chuôi, phát huy được sức mạnh cường đại, đưa nghĩa quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khiến quân Minh nhiều phen kinh hồn bạt vía, cuối cùng bại trận thảm hại mà trở về nước. Gươm là biểu trưng cho sức mạnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trên thuận trời cao, dưới hợp ý dân, việc Lê Thận vớt được lưỡi gươm ở dưới sông, Lê Lợi lại nhận được chuôi ngọc ở trên rừng là ẩn ý sâu xa về sự dung hòa hai yếu tố sông và núi là biểu trưng cho “địa lợi” đồng thời là sự hòa hợp giữa nhân dân và nghĩa quân. Chi tiết gươm và chuôi vừa khít mang ý nghĩa của sự đoàn kết, tương trợ, gắn bó không rời giữa quân và dân ta, cả nước một lòng dẹp tan giặc Minh.
Con đường nhận gươm cũng trải qua nhiều gian nan giống với việc chinh chiến chống quân Minh xâm lược, có câu “dục tốc bất đạt”, chuyện gì cũng cần có một con đường và kế sách vẹn toàn, cái gì có một cách dễ dàng thì khó bền lâu, bởi ta thường không xem trọng. Đây cũng có thể xem là bài học mà Long Quân muốn gửi gắm cùng với việc ban gươm thần để giúp nghĩa quân chiến thắng kẻ thù, đem về hòa bình và độc lập cho Đại Việt.
Dẹp tan quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, một năm sau khi đất nước đã ổn định, Long Quân sai Rùa thần lên đòi Lê Lợi trả lại gươm, ý muốn nói phúc trạch tổ tiên, thần linh đã giúp đỡ giữ nước, về sau công cuộc cai trị chỉ còn trông cậy vào sự nỗ lực của bậc minh quân như Lê Lợi và các trung thần cùng nhau gánh vác. Ánh sáng le lói nằm sâu dưới lòng hồ, sau khi rùa ngậm gươm biến mất như là ánh hào quang của chiến tích huy hoàng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mãi mãi vẫn còn in sâu trong tâm trí nhân dân Đại Việt ta. Lê Lợi trả gươm đại diện cho lòng yêu mến hòa bình, ý muốn sống trong thanh bình, an cư lạc nghiệp của nhân dân ta, gươm đã về với nơi linh thiêng, hy vọng tổ tiên sẽ mãi phù hộ cho đất nước, cho dân tộc được thịnh vượng, không phải sống trong cảnh lầm than, đổ máu.Sự tích Hồ Gươm là một truyện mang nhiều yếu tố kỳ ảo, gắn liền với lịch sử dân tộc trong cuộc kháng chiến với quân Minh xâm lược của Lê Lợi. Truyện là niềm tự hào, đồng thời ca ngợi tinh thần anh dũng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, tấm lòng kiên cường ấy đã cảm động đến tổ tiên, thần linh, được thần linh phù hộ giúp đỡ vượt qua khó khăn. Hồ Tả Vọng đổi tên thành Hồ Gươm, như nhắc nhở con dân ta tuyệt đối không thể quên những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời phản ánh khát vọng hòa bình, cùng tinh thần cảnh giác cao độ với những thế lực đang nhòm ngó nước ta.
——————-HẾT———————-
Để củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về truyện Sự tích Hồ Gươm, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Em hãy đóng vai Lê Lợi kể lại truyện sự tích Hồ Gươm, Kể tóm tắt truyện Sự tích Hồ Gươm, Phân tích truyền thuyết Sự tích hồ Gươm, Trong vai Rùa Vàng, hãy kể lại câu chuyện Sự tích Hồ Gươm
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục