Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)
1. Mở bài
– Sơ lược về tác giả và tác phẩm.
2. Thân bài
a. Cảnh căn nhà tranh bị gió thu phá trong sự bất lực của tác giả “Tháng tám…mương sa”:– Dùng phương thức tự sự để kể lại câu chuyện của chính ngôi nhà tranh nhà mình, từ đó bộc lộ sự dữ dội và mạnh mẽ của cơn gió lốc mùa thu.- Sự dữ dội và mạnh mẽ ấy được tác giả biểu đạt trông qua các từ có sắc thái biểu cảm cao như “rải khắp”, “treo tót”, “quay lộn”, từ đó độc giả có thể hình dung được tình trạng khốn đốn, tan đàn xẻ nghé của ngôi nhà tranh mới lợp không bao lâu.- Giọng tự sự xen sự buồn phiền, bất lực của tác giả độc giả từ đó có thể dễ dàng nhận ra sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng với nỗi khốn đốn vất vả của Đỗ Phủ lúc bấy giờ.
b. Nỗi xót xa bất lực của tác giả trước sự đổ đốn nhân phẩm của nhân dân trong cảnh khốn cùng “trẻ con…lòng ấm ức”:– Trẻ con không biết kính già yêu trẻ, không có tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người khác trái lại lại nhè đương lúc người ta gặp hoạn nạn, già yếu để trở thành phường đạo tặc, thừa nước đục thả câu. => Nhìn lại viễn cảnh lực bất tòng tâm của Đỗ Phủ người ta lại càng cảm thán không thôi.- “Môi khô miệng cháy gào chẳng được” thể hiện sự cùng kiệt về sức lực, sự ốm yếu của chính bản thân tác giả, cũng như nỗi ấm ức, xót xa trước số phận của cuộc đời.- Nỗi xót xa của tác giả trước thực trạng cuộc sống gia đình “Mền vải….cho chót”:+ Gia cảnh nghèo khó của tác giả không chỉ hiện lên qua “mền vải lâu năm lạnh tựa sắt” mà còn thông qua cả hình ảnh tấm “lót nát”.+ Trời vẫn cứ “dày hạt mưa, mưa mưa chẳng dứt” mặc kệ rằng “Đầu giường dột dột chẳng chừa đâu”.=> Những nỗi khốn khó vất vả xưa cũ trong cơn loạn lạc đem đến cho Đỗ Phủ nhiều phiền muộn, từ đó giấc ngủ cũng ít đi, nay lại gặp cảnh bần hàn cơ cực giấc ngủ lại càng không đến, chịu rét, chịu lạnh mắt trân trân nhìn cảnh ướt át của căn nhà tranh mà lòng không khỏi ngao ngán, bất lực.
c. Mong ước về ngôi nhà lý tưởng và nhân cách cao đẹp của tác giả: “Ước được…chết rét cũng được”:– Từ thực cảnh cửa nhà tan hoang của mình, tác giả đã mong rằng bản thân có một căn “nhà rộng muôn ngàn gian”, để trở thành nơi che mưa chắn gió cho tất thảy kẻ nghèo hèn khốn khổ trong thiên hạ, mang những điều kiện lý tưởng rằng “gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn”.- Sẵn sàng hy sinh bản thân, chỉ cần có ngôi nhà kia “sừng sững dựng trước mắt”, thì bản thân ông với căn lều nát chịu chết rét cũng cam lòng.=> Tấm lòng nhân hậu, vị tha, đức tính cao thượng của tác giả trước cuộc đời, trước nỗi khốn khó của nhân dân, biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, quả thực vô cùng đáng trọng đáng mến.- Liên tưởng sâu xa hơn, ta cũng có thể hiểu ngôi nhà muôn ngàn gian mà Đỗ Phủ nhắc đến, chính là một quốc gia thái bình thịnh trị, vững bền tựa bàn thạch, không bị nhiễu loạn bởi loạn trong, giặc ngoài, từ đó nhân dân ấm no, ai cũng được có cho mình một căn nhà để an cư lạc nghiệp, sẽ chẳng còn căn nhà tranh khốn khổ nào bị gió thu thổi phá tiêu điều như này nữa.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Đỗ Phủ (712-770), cùng với Lý Bạch được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng như trong thời Đường thịnh trị, với tài năng và đức độ tuyệt vời của mình nên thế gian phong cho ông danh hiệu Thi Thánh và Thi Sử. Tuy nhiên thật đáng buồn rằng dẫu có tài năng, đức độ đến vậy, nhưng suốt cả cuộc đời Đỗ Phủ hầu như sống trong đau khổ và truân chuyên. Ông từng mong có một chức quan để giúp dân giúp nước, nhưng lại không được trọng dụng, thêm việc loạn An Lộc Sơn, điều này khiến ông chán nản từ quan rồi lui về ở ẩn để bảo vệ gia đình. Năm 760, được sự giúp đỡ của bạn bè, ông dựng được một căn nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa, phía Tây Thành Đô, tuy nhiên mới được mấy tháng thì bị gió phá tung mất. Tức cảnh sinh tình, nhà thơ đã sáng tác Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, một phần để bày tỏ nỗi uất ức buồn rầu trước khốn cảnh, nhưng quan trọng nhất vẫn là bộc lộ tấm lòng nhân đạo, vị tha và cao thượng, trước viễn cảnh khổ đau của nhân dân nói chung.
Trong ấn tượng của nhiều người, mùa thu chắc hẳn là mùa của cơn gió heo may se se lạnh, của lá vàng rơi xào xạc, lãng mạn trữ tình, thế nhưng trong thơ của Đỗ Phủ mùa thu không hề hiền dịu như những gì người ta vẫn nghĩ. Gió thu ở đây là hẳn một cơn bão tố, thét gào, chứa đựng đầy hiểm nguy, khiến con người nhìn trông cảnh tan tác mà bất lực.
“Tháng tám, thu cao, gió thét gào,Cuộn mất ba lớp tranh nhà taTranh bay sang sông rải khắp bờ,Mảnh cao treo tót ngọn rừng xaMảnh thấp quay lộn vào mương sa.”
Đỗ Phủ đã dùng phương thức tự sự để kể lại câu chuyện của chính ngôi nhà tranh nhà mình, từ đó bộc lộ sự dữ dội và mạnh mẽ của cơn gió lốc mùa thu. Sự dữ dội và mạnh mẽ ấy được tác giả biểu đạt trông qua các từ có sắc thái biểu cảm cao như “rải khắp”, “treo tót”, “quay lộn”, từ đó độc giả có thể hình dung được tình trạng khốn đốn, tan đàn xẻ nghé của ngôi nhà tranh mới lợp không bao lâu. Mảnh thì bày qua cả sông rải lung tung bên bờ bên kia, mảnh lại bị gió cuốn lên tít tận rừng ca rồi nằm vắt vẻo trên ngọn cây, mảnh khác thê thảm hơn thì bị gió dập vào những mương nước, tan nát không còn gì. Một ngôi nhà tranh vốn đã yếu gầy lại gặp cơn gió dữ thì chắc mẩm cũng chẳng còn lại chi, với giọng tự sự xen sự buồn phiền, bất lực của tác giả độc giả từ đó có thẻ dễ dàng nhận ra sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng với nỗi khốn đốn vất vả của Đỗ Phủ lúc bấy giờ.
Trong những câu thơ tiếp sự đau đớn xót xa của tác giả không chỉ nằm ở sự bất lực khi căn nhà bị gió thu phá mà còn là ở nỗi buồn bã khi thấy tình cảnh nhân dân khốn đốn, dẫn đến sự suy đồi đạo đức, tình trạng cướp giật hiện hữu khắp nơi, lễ nghĩa đã không còn được giáo dục một cách cẩn thận.
“Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,Cắp tranh đi tuốt vào luỹ treMôi khô miệng cháy gào chẳng đượcQuay về, chống gậy lòng ấm ức”
Trẻ con không biết kính già yêu trẻ, không có tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người khác trái lại lại nhè đương lúc người ta gặp hoạn nạn, già yếu để trở thành phường đạo tặc, thừa nước đục thả câu. Nỡ lòng cướp đi những bó tranh bay tán loạn từ nhà của Đỗ Phủ rồi chạy biến vào lũy tre làng mà không một chút ăn năn. Chợt nghĩ thời buổi ấy, loạn An Lộc Sơn nó khủng khiếp đến nhường nào mà đến độ người ta tranh cướp cả cái mái tranh của nhau, cả trẻ con cũng trở thành phường đầu trộm đuôi cướp, không có tôn ti trật tự, không được giáo dục đường hoàng? Nghĩ mà xót xa, nhìn lại viễn cảnh lực bất tòng tâm của Đỗ Phủ người ta lại càng cảm thán không thôi “Môi khô miệng cháy gào chẳng được” thể hiện sự cùng kiệt về sức lực, sự ốm yếu của chính bản thân tác giả, cũng như nỗi ấm ức, xót xa trước số phận của cuộc đời. Nghĩ lại căn nhà tranh tan tác, nghĩ đến cảnh đạo đức nhân dân xuống cấp trầm trọng tác giả chỉ biết “Quay về, chống gậy lòng ấm ức”.
Trở lại với căn nhà bị gió thu phá tanh bành, tác giả không khỏi cảm thấy đau đớn và bất lực trước thực trạng cuộc sống khốn khó của gia đình, con cái, bản thân lại ốm yếu già nua phải trông nhờ vào bạn bè.
“Mền vải lâu năm lạnh tựa sắtCon nằm xấu nết đạp lót nátĐầu giường nhà dột chẳng chừa đâuDày hạt mưa, mưa mưa chẳng dứt.Từ trải cơn loạn ít ngủ nghêĐêm dài ướt át sao cho trót?”
Vốn dĩ rằng căn nhà tranh nguyên lành cũng đã chẳng ấm áp gì cho cam, nay lại bị gió thu tàn phá cho toang hoác cả ra thì tấm mềm vải lâu năm lại càng trở nên lạnh lẽo, cái lạnh ấy được tác giả dùng cảm giác khi chạm vào “sắt” để diễn tả, lạnh đến ghê người. Gia cảnh nghèo khó của tác giả không chỉ hiện lên qua “mền vải lâu năm” mà còn thông qua cả hình ảnh tấm “lót nát”, nghĩ thực cảnh ấy ai mà không cảm thấy xót xa, uất ức cho đặng. Thế nhưng trời nào có thương cho kẻ tài năng đức hạnh là Đỗ Phủ, trời vẫn cứ “dày hạt mưa, mưa mưa chẳng dứt” mặc kệ rằng “Đầu giường dột dột chẳng chừa đâu”. Những nỗi khốn khó vất vả xưa cũ trong cơn loạn lạc đem đến cho Đỗ Phủ nhiều phiền muộn, từ đó giấc ngủ cũng ít đi, nay lại gặp cảnh bần hàn cơ cực giấc ngủ lại càng không đến, chịu rét, chịu lạnh mắt trân trân nhìn cảnh ướt át của căn nhà tranh mà lòng không khỏi ngao ngán, bất lực.
Từ chính những nỗi đau đớn, xót xa ấy tác giả đã bộc lộ niềm mong ước của bản thân, thế nhưng đó không phải là mong ước vụ lợi cho cá nhân mà là niềm mong ước mang hạnh phúc đến cho muôn dân.
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gianChe khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoanGió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn!Than ôi! bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắtRiêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”
Từ thực cảnh cửa nhà tan hoang của mình, tác giả đã mong rằng bản thân có một căn “nhà rộng muôn ngàn gian”, để trở thành nơi che mưa chắn gió cho tất thảy kẻ nghèo hèn khốn khổ trong thiên hạ, những con người có cùng hoàn cảnh đau thương như bản thân mình. Ngôi nhà ấy không chỉ rộng lớn, mà còn mang những điều kiện lý tưởng rằng “gió mưa chẳng núng, vững như thạch bàn” không sợ bất kỳ một thiên tai nào tàn phá, có như thế nhân dân mới được an giấc ngủ ngon, chứ chẳng phải chịu cảnh ẩm ướt, rét lạnh như mình. Cứ ngỡ rằng, ước mơ ấy tác giả cũng tự dành cho mình một phần hưởng, thế nhưng không, ông lại nguyện rằng chỉ cần có ngôi nhà kia “sừng sững dựng trước mắt”, thì bản thân ông với căn lều nát chịu chết rét cũng cam lòng. Điều đó cho ta thấy tấm lòng nhân hậu, vị tha, đức tính cao thượng của tác giả trước cuộc đời, trước nỗi khốn khó của nhân dân, biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Chỉ cần nhân dân được ấm no hạnh phúc, bản thân ông dẫu có hy sinh cũng chẳng xá chi ngại ngần. Tấm lòng ấy quả thực vô cùng đáng trọng đáng mến. Nếu liên tưởng sâu xa hơn, ta cũng có thể hiểu ngôi nhà muôn ngàn gian mà Đỗ Phủ nhắc đến, chính là một quốc gia thái bình thịnh trị, vững bền tựa bàn thạch, không bị nhiễu loạn bởi loạn trong, giặc ngoài, từ đó nhân dân ấm no, ai cũng được có cho mình một căn nhà để an cư lạc nghiệp, sẽ chẳng còn căn nhà tranh khốn khổ nào bị gió thu thổi phá tiêu điều như này nữa.
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá là một bài thơ hay và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Phủ, với bút pháp nhân đạo sâu sắc có ảnh hưởng sâu rộng tới nền thi ca Trung Quốc sau này. Bài thơ mở đầu là sự bất lực, đau xót trước viễn cảnh ngôi nhà tranh bị gió thu phá, cùng cảnh nhân dân loạn lạc, sau đó vượt qua tất cả những nỗi uất ức, đớn đau tác giả đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình với một ước mơ về căn nhà lý tưởng, thể hiện tấm lòng biết hy sinh và suốt đời lo nghĩ cho dân cho nước của một tâm hồn cao thượng được người đời mệnh danh là Thi Thánh.
—————-HẾT——————-
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá là thi phẩm đặc sắc của Thi Thánh Đỗ Phủ, tìm hiểu thêm về những đặc sắc và giá trị của bài thơ, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Tấm lòng nhân ái của nhà thơ Đỗ Phủ trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục