Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác
Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Võ Quảng và tác phẩm “Vượt thác”
2. Thân bài
– Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trên dòng sông Thu Bồn+ Vẻ đẹp khung cảnh hai bên bờ sông: bãi dâu bạt ngàn,,…+ Khi thuyền đi qua vùng đồng bằng: vẻ đẹp êm đềm, hiền hòa, tấp nập thuyền bè+ Vẻ đẹp dòng sông nơi thượng nguồn: nhiều thác ghềnh, núi cao hiện ra trước mặt.+ Đoạn sông có thác nước: thác nước chảy dữ, vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội+ Sau khi vượt qua thác Cổ Cò: dòng sông chảy quanh co
– Bức tranh lao động của con người trên dòng sông Thu Bồn+ Hình ảnh con thuyền của Dượng Hương Thư+ Vẻ đẹp khỏe khoắn của Dượng Hương Thư: cởi trần, người như một pho tượng đồng đúc,…+ Hành động đưa thuyền vượt thác: co người phóng sào, ghì chặt ngọn sào, rút sào,…+ Tâm trạng và khí thế vượt thác cho thấy tinh thần hăng say lao động
3. Kết bài
Nêu cảm nhận của em về đoạn văn “Vượt thác”
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác
Nhà văn Võ Quảng – người chuyên viết truyện cho thiếu nhi nổi tiếng với hai tác phẩm truyện là “Quê nội” và “Tảng Sáng” kể về cuộc sống làng quê ven sông nơi quê hương Quảng Nam của tác giả. Vẻ đẹp phong phú, hùng vĩ của con sông Thu Bồn cùng với hình ảnh lao động mạnh mẽ đầy nhiệt huyết của con người đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực, sống động trong đoạn văn “Vượt thác” trích trong truyện “Quê nội”.
Đoạn văn “Vượt thác” ghi lại hành trình chèo thuyền vượt thác của Dượng Hương Thư, chú Hai, Cù Lao và tác giả lên thượng nguồn lấy gỗ về xây dựng trường làng, thuyền đi đến đâu bức tranh thiên nhiên tươi đẹp hiện ra đến đó, khung cảnh thiên nhiên trên dòng sông Thu Bồn giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Với sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, tài năng miêu tả chân thực, sống động của tác giả cùng với vị trí quan sát ngay trên chiếc thuyền đã mang đến những cảm nhận rõ nét cho người đọc về thiên nhiên hai bên bờ sông từ hạ nguồn ngược lên thượng nguồn. Khi dòng sông chảy ở miền đồng bằng đó là lúc thuyền đến ngã ba sông “chung quanh là những bãi dâu trải bạt ngàn đến tận những làng xa tít”, một màu xanh non bao trùm tràn đầy sức sống, trên nền xanh tươi ấy là sự nhộn nhịp của thuyền bè xuôi dòng “những thuyền chất đầy cao tươi, dây mây, dầu rái… chở mít, chở quế”. Càng về phía thượng nguồn, vườn tược càng um tùm “những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước”, trước mặt hiện ra những núi cao chắn ngang tầm nhìn, khi đến Phường Rạnh thuyền chuẩn bị vượt thác. Có thể cảm nhận rõ, khung cảnh thiên nhiên trước con thác là một vẻ đẹp hiền hòa, trù phú và mênh mông, bát ngát, giàu sức sống. Bên cạnh đó là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của thác nước Cổ Cò “nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”, nước không phải là “chảy” mà như tên bắn “phóng” giữa những vách đá, ta cảm nhận được độ cao, độ dốc như dựng đứng của thác nước. Khi vượt qua thác, cảnh vật lại trở về với vẻ yên bình, nhẹ nhàng với “dòng sông chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững” phóng tầm mắt ra xa hơn là “những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước”, kết thúc một bức tranh thiên nhiên nhưng lại mở ra một bức tranh mới, bức tranh của Trung phước với “đồng ruộng mở ra”. Trên nền bức tranh sơn thủy hữu tình của dòng sông Thu Bồn là bóng dáng của con người lao động, cụ thể là hình ảnh của Dượng Hương Thư và mọi người đang chèo thuyền vượt thác. Con thuyền của dượng Hương cũng được miêu tả rất sinh động “cánh buồm nhỏ căng phồng” hay “thuyền rẽ sóng lướt bon bon” được ví như con người biết thương biết nhớ “như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp”, trong khi vượt thác, con thuyền oằn mình chống trả lại sức mạnh của dòng nước “thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống”, nhưng nó cũng giống con người, rất kiên cường, dũng mãnh vượt qua thác nước. Dượng Hương Thư hiện lên với một vẻ đẹp ngoại hình rất cường tráng “như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa…”, dượng Hương được tác giả ví như “hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ”, vẻ đẹp của dượng Hương khi vượt thác càng đẹp và khác biệt so với dượng Hương khi ở nhà “lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạt””, những động tác dứt khoát “thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt”, với những tính từ miêu tả, so sánh ấn tượng và những động từ mạnh ta cảm nhận được sức mạnh trai tráng lực lưỡng, gan dạ và quyết tâm chiến thắng thác dữ của thiên nhiên, đó cũng là ý chí lao động vượt qua những gian khó, sự giúp sức của chú Hai hay Cù Lao cũng cho thấy sự đoàn kết, cùng chèo chống con thuyền vượt qua đoạn thác, hình ảnh của Dượng Hương Thư nói riêng và của cả đoàn thuyền nói chung chính là vẻ đẹp của người lao động chăm chỉ, cần cù và đầy sức mạnh của người dân Quảng Nam.
Đi theo hành trình con thuyền của Dượng Hương Thư người đọc đã được tham quan cảnh hai bên bờ sông Thu Bồn qua những vùng địa hình khác nhau, đoạn văn “Vượt thác” không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Quảng Nam mà còn tô đậm vẻ đẹp của con người lao động nơi đây, vẻ đẹp hùng dũng và sức mạnh vượt lên trên những gian khổ khắc nghiệt của tự nhiên.
————————-HẾT————————
Vượt thác là tác phẩm đặc sắc của nhà văn Võ Quảng viết về vẻ đẹp của bên bờ sông Thu Bồn, cùng với đó là vẻ của con người lao động, tìm hiểu về tác phẩm, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác, các em không thể bỏ qua: Soạn văn Vượt thác, Sơ đồ tư duy vượt thác, Cảm nhận về thiên nhiên và con người lao động qua văn bản vượt thác của nhà văn Võ Quảng, Nét đặc sắc của phong cảnh thiên nhiên được miêu tả trong Sông nước Cà Mau và Vượt Thác.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục