Phân tích quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
Phương thức sản xuất là gì?
Phương thức sản xuất là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng tạo ra cách thức sản xuất trong một giai đoạn nhất định trong lịch sử. Được biết đến là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật, phương thức sản xuất biểu thị cách thức mà loài người thực hiện trong công cuộc sản xuất vật chất trong những giai đoạn lịch sử trước kia. Cùng với sự vận động của lịch sử loài người, cũng như tiến trình phát triển của mỗi xã hội cụ thể, kéo theo đó là sự thay đổi của phương thức sản xuất. Trong quá trình thay đổi đó, các mặt kinh tế, xã hội… Sẽ chuyển hóa sang một chất mới.
Do đó, nhờ vào sự phát triển của phương thức sản xuất đặc trưng của từng giai đoạn của xã hội mà ta có thể phân biệt được sự khác biệt, đặc trưng của từng thời đại kinh tế mà loài người đã trải qua.
Lực lượng sản xuất là gì?
Lực lượng sản xuất là mối quan hệ của con người với tự nhiên hình thành trong quá trình sản xuất. Trình độ của lực lượng sản xuất thể hiện ở trình độ khống chế tự nhiên của con người. Đó là kết quả năng lực thực tiễn của con người tác động vào tự nhiên để tạo ra của cải vật chất đảm bảo sự tồn tại và phát triển của loài người.
Trong cấu thành của lực lượng sản xuất, có thể có một vài ý kiến nào đó khác nhau về một số yếu tố khác của lực lượng sản xuất, song suy cho cùng thì chúng đều vật chất hóa thành hai phần chủ yếu là tư liệu sản xuất và lực lượng con người. Trong đó tư liệu sản xuất đóng vai trò là khách thể, còn con người là chủ thể.
Tư liệu sản xuất được cấu thành từ hai bộ phận đó là đối tượng lao động và tư liệu lao động. Thông thường trong quá trình sản xuất phương tiện lao động còn được gọi là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Trong bất kỳ một nền sản xuất nào công cụ sản xuất bao giờ cũng đóng vai trò là then chốt và là chỉ tiêu quan trọng nhất. Hiện nay công cụ sản xuất của con người không ngừng được cải thiện và dẫn đến hoàn thiện, nhờ thành tựu của khoa học kỹ thuật đã tạo ra công cụ lao động công nghiệp máy móc hiện đại thay thế dần lao động của con người. Do đó công cụ lao động luôn là độc nhất, cách mạng nhất của lực lượng sản xuất.
Bất kỳ một thời đại lịch sử nào, công cụ sản xuất bao giờ cũng là sản phẩm tổng hợp, đa dạng của toàn bộ những phức hợp kỹ thuật được hình thành và gắn liền với quá trình sản xuất và phát triển của nền kinh tế. Nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất và trực tiếp nhất là trí tuệ con người được nhân lên trên cơ sở kế thừa nền văn minh vật chất trước đó.
Nước ta là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều nơi mà con người chưa từng đặt chân đến nhưng nhờ vào tiến bộ của KHKT và quá trình công nghệ tiên tiến con người có thể tạo ra được sản phẩm mới có ý nghĩa quyết định tới chất lượng cuộc sống và giá trị của nền văn minh nhân loại. Chính việc tìm kiếm ra các đối tượng lao động mới sẽ trở thành động lực cuốn hút mọi hoạt động của con người.
Tư liệu lao động dù có hiện đại đến đâu nhưng tách khỏi con người thì nó cũng không phát huy tác dụng của chính bản thân. Chính vậy mà Lê Nin đã viết: “lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”. Người lao động với những kinh nghiệm, thói quen lao động, sử dụng tư liệu sản xuất để tạo ra của cải vật chất. Tư liệu sản xuất với tư cách là khách thể của lực lượng sản xuất, và nó chỉ phát huy tác dụng khi nó được kết hợp với lao động sống của con người. Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Sự nghiệp phát triển kinh tế đặt con người lên vị trí hàng đầu, vị trí trung tâm thống nhất tăng trưởng kinh tế với công bằng khoa học và tiến bộ xã hội”.
Người lao động với tư cách là một bộ phận của lực lượng sản xuất xã hội phải là người có thể lực, có tri thức văn hóa, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm và thói quen tốt, phẩm chất tư cách lành mạnh, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm cao trong công việc. Trước đây do chưa chú trọng đúng mức đến vị trí của người lao động, chúng ta chưa biết khai thác phát huy mọi sức mạnh của nhân tố con người. Đành rằng năng lực và kinh nghiệm sản xuất của con người còn phụ thuộc vào những tư liệu sản xuất hiện có mà họ đang sử dụng. Nhưng tích cực sáng tạo của họ đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Quan hệ sản xuất là gì?
Quan hệ sản xuất là một trong những phạm trù của triết học để chỉ mối quan hệ giữa những người lao động với nhau trong quá trình sản xuất.
Quan hệ sản xuất bao gồm các quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, quan hệ về tổ chức, quản lý và quan hệ về phân phối thành phẩm làm ra. Đây là mối quan hệ do chính con người tạo ra, nhưng sự hình thành và tiến trình phát triển của nó thì diễn ra một cách khách quan mà không phụ thuộc vào ý chí của con người.
Theo Triết học Mác Lênin thì quan hệ sản xuất được xác định thông qua ba mặt, gồm:
– Quan hệ giữa con người với con người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất, hay còn được gọi là quan hệ sở hữu.
– Quan hệ giữa người với người trong hoạt động tổ chức, quản lý xã hội, hay còn được gọi là quan hệ tổ chức và quản lý.
– Quan hệ giữa người với người trong việc phân chia, lưu thông thành phẩm đã tạo ra, hay còn được gọi là quan hệ phân phối lưu thông.
Trong đó thì quan hệ sở hữu sẽ chiếm vị trí tuyệt đối và được xác định là điểm đặc trưng cho từng giai đoạn của xã hội.
Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt của phương thức sản xuất, chúng tồn tại không tách rời nhau, tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng, tạo thành quy luật sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất – quy luật cơ bản nhất của sự vận động, phát triển xã hội.
Khuynh hướng chung của sản xuất vật chất là không ngừng phát triển. Sự phát triển đó xét đến cùng là bắt nguồn từ sự biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động.
Trình độ lực lượng sản xuất trong từng giai đoạn lịch sử thể hiện trình độ chinh phục tự nhiên của con người trong giai đoạn lịch sử đó. Trình độ lực lượng sản xuất biểu hiện ở trình độ của công cụ lao động, trình độ, kinh nghiệm và kĩ năng lao động của con người, trình độ tổ chức và phân công lao động xã hội, trình độ ứng dụng khoa học vào sản xuất.
Gắn liền với trình độ lực lượng sản xuất là tính chất của lực lượng sản xuất. Trong lịch sử xã hội, lực lượng sản xuất đã phát triển từ chỗ có tính chất cá nhân lên tính chất xã hội hóa. Khi sản xuất dựa trên công cụ thủ công, phân công lao động kém phát triển thì lực lượng sản xuất chủ yếu có tính chất cá nhân. Khi sản xuất đạt đến trình độ cơ khí, hiện đại, phân công lao động xã hội phát triển thì lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa.
Sự vận động, phát triển quá trình sản xuất quyết định và làm thay đổi quan hệ sản xuất cho phù hợp với nó. Khi một phương thức sản xuất mới ra đời, khi đó quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là một trạng thái mà trong đó quan hệ sản xuất là hình thức phát triển của lực lượng sản xuất.
Trong trạng thái đó, tất cả các mặt của quan hệ sản xuất đều tạo địa bàn đầy đủ cho lực lượng sản xuất phát triển. Điều đó có nghĩa là, nó tạo điều kiện sử dụng và kết hợp một cách tối ưu giữa người lao động và tư liệu sản xuất và do đó lực lượng sản xuất có cơ sở để phát triển hết khả năng của nó.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất đến một trình độ nhất định làm cho quan hệ sản xuất từ chỗ phù hợp trở nên không phù hợp. Khi đó quan hệ sản xuất trở thành “xiềng xích” của lực lượng sản xuất, kiềm hãm lực lượng sản xuất phát triển.
Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, nhưng quan hệ sản xuất cũng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất quy định mục đích sản xuất, tác động đến thái độ con người trong lao động sản xuất, đến tổ chức phản công lao động xã hội, đến phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ,… và do đó tác động đến sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật phổ biến tác Động trong toàn bộ quá trình lịch sử nhân loại. Sự thay thế phát triển của lịch sử nhân loại từ chế độ công xã nguyên thủy, qua chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản chủ nghĩa và đến xã hội cộng sản tương lai là do sự tác động của hệ thống các quy luật xã hội, trong đó quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp