Đề bài: Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng
Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng
Bạn đang xem: Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng
I. Dàn ý Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Nguyên Hồng (đặc điểm về con người, cuộc đời, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,…)- Giới thiệu khái quát về đoạn trích “Trong lòng mẹ” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, chủ đề, những đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật,…)- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Những so sánh hay trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.
2. Thân bài
– Phép so sánh “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.+ Phép so sánh là một câu văn dài, bao gồm nhiều vế, kết hợp với việc sử dụng hàng loạt các động từ mạnh được sử dụng theo mức độ tăng tiến “cắn”, “nhai”, “nghiến”+ Cấu trúc hai vế, một vế là một vật trừu tượng, vô hình với một bên là những vật hữu hình, cụ thể có thể cầm, nắm và cảm nhận.+ Phép so sánh này không chỉ diễn tả tâm trạng căm phẫn, tức giận của bé Hồng mà ẩn sau đó chính là tình yêu thương mẹ sâu sắc của bé Hồng.
– Phép so sánh “Nếu người quay lại là người khác, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”.+ Phép so sánh mang ý nghĩa giả định, đầy mới lạ và có giá trị to lớn trong việc thể hiện tâm trạng của nhân vật bé Hồng.+ Bóng dáng, hình ảnh của người mẹ khi xuất hiện trước cặp mắt và nỗi niềm chờ mong trông đợi, mỏi mòn của đứa con cũng giống như dòng suối trong suốt chảy dưới bóng râm đang dần xuất hiện trước con mắt gần rạn nứt, tuyệt vọng của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc khô hạn, oi ả và nóng nực.+ Diễn tả rõ nét nỗi khao khát, chờ mong được gặp mẹ, khao khát tình mẹ đến tột cùng trong nỗi lòng của đứa trẻ mồ côi, đã suốt một thời gian dài không được gặp mẹ.
3. Kết bài
Khái quát giá trị, ý nghĩa của việc sử dụng những so sánh đặc sắc trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của đoạn trích “Trong lòng mẹ” và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng (Chuẩn)
Được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ, Nguyên Hồng luôn hướng ngòi bút của mình tới cuộc sống của những người cùng khổ mà ông nhất mực yêu thương, quý mến. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích từ tập hồi kí “Những ngày ấu thơ” kể về những năm tháng tuổi thơ cơ cực, cay đắng của chính tác giả là một trong số những tác phẩm như thế. Một trong số yếu tố góp phần vào thành công của đoạn trích “Trong lòng mẹ” chính là việc sử dụng những phép so sánh độc đáo, đặc sắc, giàu giá trị.
Trước hết, so sánh độc đáo được sử dụng trong đoạn trích chính là phép so sánh “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Có thể dễ dàng nhận thấy phép so sánh là một câu văn dài, bao gồm nhiều vế, kết hợp với việc sử dụng hàng loạt các động từ mạnh được sử dụng theo mức độ tăng tiến “cắn”, “nhai”, “nghiến” đã diễn tả một cách sâu sắc sự căm phẫn đến tột cùng của bé Hồng. Thêm vào đó, phép so sánh với cấu trúc hai vế, một vế là một vật trừu tượng, vô hình với một bên là những vật hữu hình, cụ thể có thể cầm, nắm và cảm nhận. Với những nét độc đáo đó, biện pháp so sánh này không chỉ diễn tả tâm trạng căm phẫn, tức giận của bé Hồng mà ẩn sau đó chính là tình yêu thương mẹ sâu sắc của bé Hồng.
Thêm vào đó, một phép so sánh để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc đó chính là “Nếu người quay lại là người khác, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”. Đây là một phép so sánh mang ý nghĩa giả định, đầy mới lạ nhưng có giá trị to lớn trong việc thể hiện tâm trạng của nhân vật bé Hồng từ sự hi vọng đến sự tuyệt vọng đến đỉnh điểm. Bóng dáng, hình ảnh của người mẹ khi xuất hiện trước cặp mắt và nỗi niềm chờ mong trông đợi, mỏi mòn của đứa con cũng giống như dòng suối trong suốt chảy dưới bóng râm đang dần xuất hiện trước con mắt gần rạn nứt, tuyệt vọng của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc khô hạn và nóng nực. Và để rồi, với việc sử dụng phép so sánh này tác giả đã diễn tả một cách chân thực và rõ nét nỗi khao khát, chờ mong được gặp mẹ, khao khát tình mẹ đến tột cùng trong nỗi lòng của đứa trẻ mồ côi, đã suốt một thời gian dài không được gặp mẹ, không được sà vào vòng tay yêu thương, ấm áp của mẹ. Nỗi khao khát ấy lớn đến mức nếu như người phụ nữ kia không phải là mẹ thì đứa bé tội nghiệp ấy sẽ thất vọng biết bao nhiêu, rồi nó sẽ ngã quỵ xuống như những “người bộ hành ngã gục giữa sa mạc khô hạn và nóng nực”.
Tóm lại, đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã sử dụng nhiều biện pháp so sánh độc đáo, góp phần thể hiện rõ những nét tâm trạng của nhân vật bé Hồng trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Đồng thời qua đó cũng giúp người đọc thấy được tài năng của nhà văn Nguyên Hồng.
——————HẾT——————-
Trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”, để làm nổi bật tình yêu mẹ của cậu bé Hồng, nhà văn Nguyên Hồng đã đưa vào nhiều đoạn so sánh đặc sắc. Bài Phân tích những so sánh hay trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng đã giúp các em chỉ ra những đoạn văn so sánh đồng thời phân tích tác dụng của nghệ thuật so sánh với việc thể hiện nội dung của tác phẩm. Bên cạnh đó, tìm hiểu chi tiết về đoạn trích để hiểu hơn về những tuyến nhân vật như: cậu bé Hồng, bà cô bé Hồng, mẹ bé Hồng, các em hãy cùng tham khảo: Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Phân tích nhân vật bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ, Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục