Đề bài: Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí
Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí
Bạn đang xem: Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí
I. Dàn ý Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ Đồng chí và khổ thơ cuối cùng của bài
2. Thân bài
* Không gian chiến đấu khắc nghiệt, hiểm nguy:– “Rừng hoang” : không gian rừng núi rộng lớn, hoang vu- “sương muối”: điều kiện thời tiết khắc nghiệt mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt.=> Điều kiện chiến đấu gian khổ, khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập.
* Vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí:– “Đứng cạnh bên nhau”: Những người lính kề vai sát cánh để làm nhiệm vụ: canh gác, bảo vệ tổ quốc.- “Chờ giặc tới”: Tinh thần cảnh giác, luôn chủ động chờ giặc, sẵn sàng chiến đấu cao.-> Tình đồng chí vẫn tỏa rạng ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất=> Những khó khăn, thách thức của hoàn cảnh không làm những người lính sờn lòng nản chí mà ngược lại, càng gian khổ thì họ càng quyết tâm, tình cảm đồng đội đồng chí cũng càng thêm gắn bó.
* Hình ảnh “Đầu súng trăng treo”– Hình ảnh thơ vô cùng lãng mạn, nó vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.- Nghĩa tả thực: Trời càng về khuya, mặt trăng như càng xuống thấp, nhìn từ xa vầng trăng ấy như treo trên mũi súng của những người lính.
– Nghĩa biểu tượng:+ Trăng là cái đẹp thuộc về tự nhiên, nó biểu tượng cho vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, cho hòa bình, tự do.+ “súng” lại là phương tiện của chiến tranh, mang sức mạnh hủy diệt.-> Vầng trăng cũng như người tri kỉ, người đồng hành trong cuộc kháng chiến gian khổ.-> Hình ảnh “đầu súng trăng treo” còn thể hiện khát vọng, ước mơ về một tương lai hòa bình, tự do của những người lính.
3. Kết bài
Cảm nghĩ chung
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí (Chuẩn)
Chính Hữu là nhà thơ-chiến sĩ tiêu biểu trong phong trào thơ ca kháng chiến giai đoạn chống thực dân Pháp. Ông viết không nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều rất đặc sắc khi tái hiện sống động không gian chiến trường và “chất lính” đậm nét của những người chiến sĩ. Xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Chính Hữu có thể kể đến bài thơ Đồng chí. Đồng chí được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất viết về người lính trong kháng chiến chống Pháp khi xây dựng thành công vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí. Vẻ đẹp ấy được thể hiện xuyên suốt bài thơ, đặc biệt trong những khổ thơ cuối nó được khái quát để trở thành biểu tượng đẹp đẽ của tình đồng chí qua một hình ảnh thơ đặc sắc.
Đêm nay rừng hoang sương muốiĐứng cạnh bên nhau chờ giặc tớiĐầu súng trăng treo
Khổ thơ cuối đã mở ra trước mắt người đọc không gian núi rừng rộng lớn, hoang vu “rừng hoang”. Không gian ấy không chỉ vắng lặng, tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập mà còn vô cùng khắc nghiệt khi có sương muối lạnh buốt da buốt thịt. Những người chiến sĩ làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, họ không chỉ phải đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt bằng những chiếc áo “rách vai”, với “quần có vài mảnh vá”, “chân không giày” mà còn luôn trong trạng thái cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao với kẻ thù. Khó khăn là vậy, hiểm nguy là vậy thế nhưng tình đồng chí vẫn tỏa rạng ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất:
“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”
Những khó khăn, thách thức của hoàn cảnh không làm những người lính sờn lòng nản chí mà ngược lại, càng gian khổ thì họ càng quyết tâm, tình cảm đồng đội đồng chí cũng càng thêm gắn bó. Trong bất kì hoàn cảnh nào họ cũng kề vai sát cánh bên nhau để chiến đấu, cũng là để truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng đội, xua đi cái lại giá của thời tiết. “Chờ giặc tới” đã thể hiện tinh thần chủ động đợi giặc, sẵn sàng chiến đấu của những anh bộ đội cụ Hồ.
“Đầu súng trăng treo”
Câu thơ cuối ngắn gọn mà giàu giá trị biểu đạt, đây cũng được coi là câu thơ kết tinh cho giá trị của cả bài thơ, là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình đồng chí. Đầu súng trăng treo là một hình ảnh thơ vô cùng lãng mạn, nó vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Trời càng về khuya, mặt trăng như càng xuống thấp, nhìn từ xa vầng trăng ấy như treo trên mũi súng của những người lính. Trăng là cái đẹp thuộc về tự nhiên, nó biểu tượng cho vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, cho hòa bình, tự do. Trong khi đó “súng” lại là phương tiện của chiến tranh, mang sức mạnh hủy diệt. Sự kết nối kì diệu giữa hai vật trăng-súng tưởng chừng không hề liên quan đến nhau lại mang ý nghĩa biểu đạt vô cùng sâu sắc. Trong cảm nhận của những người chiến sĩ, vầng trăng cũng như người tri kỉ, người đồng hành trong cuộc kháng chiến gian khổ. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” còn thể hiện khát vọng, ước mơ về một tương lai hòa bình, tự do của những người lính. Sự xuất hiện của cặp hình tượng vầng trăng-khẩu súng đã xua đi cái dữ dội, khắc nghiệt của chiến tranh, mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy lãng mạn, thơ mộng. Câu thơ cũng gợi ra tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của những người lính.
Như vậy, trong khổ thơ cuối cùng nhà thơ Chính Hữu đã mở ra không gian chiến đấu đầy khắc nghiệt, hiểm nguy nơi rừng thiêng nước độc, đồng thời cũng khép lại bức tranh về tình đồng chí bằng những hình ảnh thật đẹp, thật lãng mạn. Cái gian khó, hiểm nguy của cuộc chiến đấu không làm chùn bước những người lính mà ngược lại nó như một phép thử để làm sâu sắc hơn quyết tâm chiến đấu và tình cảm yêu thương, gắn kết giữa họ.
—————HẾT————-
Trên đây chúng tôi vừa cùng các em Phân tích khổ cuối bài Đồng Chí, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của tình đồng chí, các em không nên bỏ qua: Thuyết minh về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí, Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về đoạn cuối bài thơ Đồng chí, Cảm nhận về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Phân tích hình tượng đầu súng trăng treo trong Đồng chí và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục