Đề bài: Phân tích hồi thứ mười bốn để chứng minh nhận xét: Hoàng Lê nhất thống chí… những trang viết thực và hay
Phân tích hồi thứ mười bốn
Bạn đang xem: Phân tích hồi thứ mười bốn để chứng minh nhận xét: Hoàng Lê nhất thống chí… những trang viết thực và hay
Bài làm:
Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử biết bao thăng trầm, có những sự kiện lớn được lưu vào sổ sách cũng như dựa vào đó làm nguồn cảm hứng cho các nhà văn. Và thời kì những năm cuối thế kỉ XVIII cuối thế kỉ XIX, đã có sự kiện lớn, và đã được các nhà văn Ngô gia văn phái ghi chép lại thông qua tác phẩm ” Hoàng Lê nhất thống chí”. Có nhận xét rằng: “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, có thể nói cảm hứng yêu nước và tự hào dân tộc nhiều khi đã lấn át cả thái độ thiên vị với triều đình Lê. Điều đó đã mang lại những chi tiết thực và hay. Ta có thể thấy rõ điều đó qua hồi 14 của tác phẩm.
Ngô gia văn phái là tập hợp các anh em nhà họ Ngô làm việc cho triều đình nhà Lê. Khi ấy triều đình nhà Lê đang ở thế suy tàn, thối nát,vì vậy nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy và tiêu biểu là phong trào Tây Sơn của anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Các nhà văn họ Ngô đã tái hiện lại một cách chân thực nhất và khách quan nhất về thời kì ấy.
Hồi thứ 14, tác giả đã phác họa lại một cách sinh động nhất về chiến thắng lẫy lừng của Nguyễn Huệ cùng với đó là sự thất bại thảm hại của quân Thanh và vua Lê bán nước. Như đã biết, tác giả họ Ngô làm việc cho triều Lê chắc hẳn phải thiên vị vua tôi, phải coi thường nghĩa quân của Nguyễn Huệ – coi đó là giặc cỏ, nhưng thông qua hồi thứ 14 này, ta có thể thấy rằng họ nhìn mọi sự việc diễn ra vô cùng khách quan, nhận diện được đâu là tốt, xấu. Chính vì vậy, mà những trang lịch sử được viết ra đã mang lại những chi tiết “thực và hay” đến thế.
Nổi bật nhất trong hồi 14 này đó hình ảnh người anh hùng áo vải cầm quân đầy tài năng, đó chính là Nguyễn Huệ. Ông có cái nhìn tổng quan về thời cuộc, biết nhìn xa trông rộng, tính toán chính xác trong từng bước đi. Khi nghe tin quân Thanh đã kéo đến thành Thăng Long mà không tốn một chút công sức, ông tức giận lắm, nhưng ông vẫn không hề nao núng, mà quyết muốn cầm quân đi ngay. Chỉ trong vòng một tháng, ông đã làm được bao nhiêu việc, từ tế cáo trời đất, lên ngôi vua và lấy hiệu Quang Trung, bởi ông muốn có được lòng tin của dân, lấy danh nghĩa để dẹp loạn phương Bắc. Liền tiếp đó, ông đã cầm quân đi ngay, trên đường đi ông không ngừng tuyển thêm binh sĩ tinh nhuệ, đào tạo để thành đội quân. Những việc làm đó thật nhanh chóng, kiên quyết cho thấy được sự quyết liệt và sáng suốt của nhà vua Quang Trung. Ông họp bàn với các tướng sĩ đưa ra các chiến lược vậy mà ông đã có một cái nhìn khẳng định “sau mười ngày sẽ đại phá được quân Thanh”. Thêm vào đó, ông còn nghĩ cách để hòa hoãn, tìm cách ngoại giao lại với quân Thanh bởi ông cho rằng đất nước cần phải được yên ổn, xây dựng phát triển, xây dựng lực lượng, tạo những đội quân mạnh cho chính đất nước mình.
Từ trước cuộc chiến hay kể cả khi bước vào cuộc chiến, Quang Trung đã chứng minh được mình là một nhà quân sự tài ba. Ông có một tài năng dùng binh như thần. Ông điều quân thần tốc đi từ Huế vào ngày 25 tháng Chạp đến Nghệ An vào ngày 29 tháng Chạp vượt qua 350km đường lẫn cả núi đèo, rồi ra đến Tam Điệp. Trong cuộc hành trình ấy ông còn tổng duyệt binh và đến 30 tháng Chạp đội quân đã đến thành Thăng Long. Điều ngạc nhiên là tất cả đội quân của ông đều đi bộ. Trải qua bao khó khăn gian khổ trên cuộc hành trình dài mà đội quân của ông vẫn chỉnh tề, cờ nào đội đấy vẫn nghiêm chỉnh, điều này càng khẳng định thêm tài cầm quân của ông. Điều đó càng dễ hiểu khi đội quân đến thành Thăng Long và đánh tan quân giặc trước dự kiến đó hai ngày. Ông tự mình chỉ huy, xuất thân ra trận cùng các binh lính của mình và đã đạt được thành công như mong đợi. Đồn Hà Hồi phải đầu hàng, Ngọc Hồi thì bị đập nát, Sầm Nghi Đống phải tự tự, hàng vạn quân giặc đã phải bỏ mạng. Tôn Sĩ Nghị thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên… cứ nhắm hướng bắc mà chạy”. Một khung cảnh náo loạn của bọn giặc cướp nước, đó là cái giá mà bọn chúng phải trả vì tội xâm lược, phá hạnh phúc bình yên của dân tộc khác.
Bọn Việt gian bán nước cũng phải chịu số phận tủi nhục không kém, trên đường bỏ chạy, chúng hóa thành bọn cướp, cướp thuyền của dân để chạy trốn sang bên phía Bắc mà lánh nạn.
Hồi thứ 14 vô cùng đặc sắc bởi nó đã vẽ nên khung cảnh toàn diện nhất của cuộc chiến, nó nêu lên một chiến thắng vẻ vang của dân tộc,và cũng là lời nhắc nhở, cảnh cáo đến những kẻ ngoại xâm, hay bán nước sẽ phải trả giá cho những tội lỗi mà chúng đã làm. Bằng tài năng kể chuyện, nhà văn họ Ngô đã miêu tả chân thực từng nhân vật cũng như các sự kiện cao trào và vô cùng hấp dẫn. Vì vậy “Hoàng Lê nhất thống chí” xứng đáng sống mãi với lịch sử của dân tộc. Nó mãi mãi là những trang viết “thực và hay”.
————————-HẾT——————————-
Hoàng Lê nhất thống chí là những ghi chép khách quan về sự thống nhất của vương triều nhà Lê. Tìm hiểu về những đặc sắc của tác phẩm, đặc biệt là hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu tuyển chọn khác như: Phân tích và nêu cảm nghĩ về hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích nhân vật Quang Trung trong đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, Nét đẹp về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ qua Hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí, Giới thiệu một vài nét về Hoàng Lê nhất thống chí và tóm tắt hồi thứ 14
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục