Đề bài: Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà
Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà
Bạn đang xem: Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà
I. Dàn ý Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Chiếc lược ngà và chi tiết vết sẹo (vết thẹo) trong truyện.
2. Thân bài
a. Khái quát ngắn gọn về khái niệm và ý nghĩa của các chi tiết nghệ thuật:+ Chi tiết nghệ thuật có thể hiểu là những tình tiết, yếu tố nhỏ lẻ xuất hiện trong tác phẩm.+ Chi tiết nghệ thuật không chỉ góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm mà còn lí giải, minh bạch cho những dụng ý nghệ thuật độc đáo của nhà văn.
b. Chi tiết vết sẹo trong truyện “Chiếc lược ngà”:
– Xuất hiện 3 lần trong tác phẩm:+ Lần 1: Khi ông Sáu gặp lại bé Thu sau nhiều năm xa cách+ Lần 2: Trong lời giải thích của ngoại về nguồn gốc của vết sẹo+ Lần 3: Trong giây phút chia ly, khi ông Sáu chia tay gia đình để lên đường làm nhiệm vụ.
– Ý nghĩa của chi tiết vết sẹo:+ Vết sẹo là nút thắt quan trọng cho toàn bộ câu chuyện: Là nguồn cơn gây ra thái độ bướng bỉnh của bé Thu và là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình yêu của bé Thu dành cho ba.+ Vết sẹo tạo nên sự kịch tính, hấp dẫn cho cốt truyện+ Góp phần bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện.
- Ông Sáu là một người ba thương con nhưng cũng là một người lính yêu nước, ông sẵn sàng rời xa gia đình thân yêu, chấp nhận đối mặt với những hiểm nguy và cả cái chết để đấu tranh cho độc lập của dân tộc.
- Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh nhưng cũng là một người con yêu cha tha thiết, mãnh liệt.
+ Chi tiết vết sẹo còn góp phần thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
- Chiến tranh đã đẩy bao gia đình vào cảnh li tán, nó không chỉ gây ra những đau đớn, mất mát về thể xác mà còn mang đến những bi kịch về tinh thần.
- Chiến tranh không thể hủy diệt được tình cảm gia đình thiêng liêng, cao đẹp.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của chi tiết vết sẹo với nội dung tư tưởng của truyện ngắn.
II. Bài văn mẫu Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà (Chuẩn)
“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là truyện ngắn cảm động về tình cảm gia đình trong chiến tranh. Câu chuyện của bé Thu và ông Sáu trong truyện đã khơi dậy ở người đọc những tình cảm ấm áp mà thiêng liêng nhất về tình cha con. Thành công của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong tác phẩm này không chỉ bởi tài năng xây dựng cốt truyện xuất sắc mà còn bởi chính những chi tiết nghệ thuật độc đáo, mang tính nút thắt cho toàn bộ câu chuyện.
Chi tiết nghệ thuật có thể hiểu là những tình tiết, yếu tố nhỏ lẻ xuất hiện trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật không chỉ góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm mà còn lí giải, minh bạch cho những dụng ý nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Tài năng của nhà văn được khẳng định thông qua việc xây dựng những chi tiết nhỏ để truyền tải được những tư tưởng, thông điệp lớn trong tác phẩm của mình. Nguyễn Quang Sáng trong Chiếc lược ngà cũng đã thành công khi xây dựng được một chi tiết đặc sắc có khả năng “chuyên chở” những giá trị, tư tưởng đắt giá nhất của toàn bộ tác phẩm.
Chi tiết vết sẹo được Nguyễn Quang Sáng đưa vào truyện ngắn Chiếc lược ngà hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên mà lại là dụng ý nghệ thuật đặc biệt của nhà văn. Vết sẹo là nguồn cơn gây ra thái độ bướng bỉnh, chối từ của bé Thu với ông Sáu và cũng là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình yêu của bé Thu dành cho người ba chưa từng gặp mặt của mình.
“Vết thẹo dài trên má phải” là vết tích mà chiến tranh để lại trên thân thể của ông Sáu. Trong truyện, hình ảnh vết sẹo xuất hiện ba lần, lần thứ nhất là trong giây phút ông Sáu gặp lại bé Thu sau nhiều năm xa cách. Thế nhưng, trái ngược với sự vui sướng, nghẹn ngào của ông Sáu khi gặp con, bé Thu lại “giật mình tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng rồi bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên “má, má” khi nhìn thấy một khuôn mặt lạ lẫm, có phần đáng sợ bởi sự xuất hiện của vết sẹo dài “đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ” bên má phải của ông Sáu. Có thể thấy chính vết sẹo đã gây ra mọi hiểu lầm khiến bé Thu không chịu nhận cha, bởi ông Sáu không giống với người ba trong bức ảnh mà Thu đã thấy. Sự hiểu lầm diễn ra trong suốt những ngày ông Sáu nghỉ phép, bé Thu không chịu gọi ông Sáu là ba, từ chối mọi hành động quan tâm của ông Sáu mà đỉnh điểm là hành động hất cái trứng khỏi bát cơm khi được ông Sáu gắp cho.
Lần thứ hai hình ảnh vết sẹo được nhắc đến, đó là bé Thu được bà ngoại giải thích về nguồn gốc của vết sẹo trên mặt ba là do “đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương”. Lắng nghe câu chuyện của bà, Thu chợt hiểu ra mọi thứ, những khúc mắc trong lòng bé được hóa giải, Thu nhận ra người đàn ông luôn quan tâm, yêu thương mình trong những ngày qua chính là người ba mà mình thương nhớ lâu nay. Sự thay đổi trong tâm lí của bé Thu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng tinh tế tái hiện thông qua sự trầm ngâm và tiếng thở dài “Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Đến đây không ai biết được bé Thu sẽ ứng xử như thế nào, liệu bé có nhận ba hay không vì chỉ ngày mai thôi ông Sáu phải lên đường vào chiến trường, kết thúc những ngày nghỉ phép.
Câu chuyện như vỡ òa trong sự xúc động, nghẹn ngào trong giây phút bé Thu nhận ba. Đây cũng là lần thứ ba hình ảnh vết sẹo xuất hiện, bé Thu ôm chầm lấy cổ ba, gọi ba và “hôn cùng khắp, hôn cả vết thẹo” trên mặt ba. Nếu lần đầu xuất hiện vết thẹo gây ra những hiểu lầm, tạo ra khoảng cách giữa bé Thu và ông Sáu, lần thứ hai xuất hiện hóa giải mọi hiểu lần thì lần cuối xuất hiện, vết sẹo lại làm bừng sáng bức tranh ấm áp, thiêng liêng của tình cha con.
Vết sẹo đã tạo nên sự kịch tính, hấp dẫn cho cốt truyện và hơn hết đây cũng chính là chi tiết nghệ thuật quan trọng nhất làm bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện. Ông Sáu là một người ba thương con nhưng cũng là một người lính yêu nước, ông sẵn sàng rời xa gia đình thân yêu, chấp nhận đối mặt với những hiểm nguy và cả cái chết để đấu tranh cho độc lập của dân tộc. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh nhưng cũng là một người con yêu cha tha thiết, mãnh liệt.
Không chỉ vậy, chi tiết vết sẹo còn góp phần thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Vết sẹo là minh chứng sống động nhất cho sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh. Chiến tranh đã đẩy bao gia đình vào cảnh li tán, nó không chỉ gây ra những đau đớn, mất mát về thể xác mà còn mang đến những bi kịch về tinh thần. Thế nhưng dù chiến tranh có ác liệt đến đâu, dẫu nó có thể hủy diệt tất cả, thậm chí cả mạng sống của con người thế nhưng lại không thể hủy diệt được tình cảm gia đình thiêng liêng, cao đẹp.
Chỉ với một chi tiết vết sẹo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đưa người đọc hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và cuối cùng khi mọi thứ được sáng tỏ thì cảm xúc vỡ òa trong sự xúc động về tình cảm cha con. Vết sẹo là chi tiết nghệ thuật đặc sắc giúp bộc lộ vẻ đẹp của các nhân vật đồng thời là nơi truyền tải những tư tưởng, thông điệp sâu sắc của nhà văn: Trong cái dữ dội của chiến tranh, tình cảm gia đình vẫn hiện lên thật đẹp, thật đáng trân trọng. Quả đúng là “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”!
—————-HẾT——————
Cùng với Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà, để cảm nhận vẻ đẹp của tình cảm gia đình trong chiến tranh được thể hiện qua truyện ngắn, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà, Nghị luận về truyện ngắn Chiếc lược ngà, Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà, Phân tích cách kể chuyện của tác giả truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục