Đề bài: Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao
Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao
Bạn đang xem: Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao
I. Dàn ý Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao (Chuẩn)
1. Mở bài
– Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng 8.- Cùng với Đời Thừa, Chí Phèo thì Lão Hạc cũng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu và xuất sắc nhất của Nam Cao ghi dấu ấn sáng rõ trong sự nghiệp sáng tác của ông, nội dung chính là tấn bi kịch của nhân vật Lão Hạc.
2. Thân bài* Bi kịch làm cha:– Là người cha nghèo khổ, vợ mất sớm, không có tiền cưới vợ cho con, con phẫn chí bỏ đi làm phu cao su biền biệt.- Lão Hạc phải chịu cảnh thui thủi một mình.- Thương con nên ở nhà cố gắng làm lụng dành dụm tiền cho con => Lao lực, vất vả nên sinh bệnh.- Bệnh tật đã tiêu hao gần hết số tiền ông dành dụm được, mùa màng bị thiên tai tàn phá, ông lão lại thất nghiệp vì sức đã yếu không ai thuê…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao (Chuẩn)
Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng 8. Với quan điểm sáng tác “nghệ thuật vị nhân sinh” Nam Cao chọn viết về tài người nông dân và người tri thức trong xã hội cũ. Các tác phẩm của ông lúc nào cũng được đào sâu, tìm kỹ và phân tích thật cặn kẽ những tấn bi kịch về cuộc đời của nhân vật, đặc biệt là với biệt tài miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc các tác phẩm của ông lại càng trở nên sâu sắc và có giá trị hơn cả. Cùng với Đời Thừa, Chí Phèo thì Lão Hạc cũng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu và xuất sắc nhất của Nam Cao ghi dấu ấn sáng rõ trong sự nghiệp sáng tác của ông. Với những bi kịch trong cuộc đời của nhân vật chính là Lão Hạc, sự nghèo đói, khổ cực đã dằn vặt ông già tội nghiệp cả về thể xác lẫn tinh thần, từ đó độc giả lại càng thấm thía về sự tàn khốc của chế độ cũ, của chiến tranh những năm đất nước chờ giải phóng.
Lão Hạc vốn là một nông dân bình thường, cuộc sống dẫu nghèo khó thế nhưng chí ít ông cũng không đến mức thảm hại bởi ông là người chăm chỉ làm ăn, cần cù, lương thiện. Thế nhưng có lẽ số phận và cái chế độ xã hội nghiệt ngã đã đẩy cuộc đời của một ông lão già cả, tốt bụng ấy vào đường cùng, cuộc đời ông có hai cái bi kịch lớn nhất ấy là bi kịch làm cha và bi kịch làm người. Đọc những truyện ngắn của Nam Cao, người ta luôn có một nhận định chung rằng tất cả cách nhân vật chính đều lương thiện và chính cái lương thiện ấy đã khởi nguồn mọi bi kịch, dẫu là nghịch lý nhưng cuộc đời của người nông dân, của người trí thức nghèo trước cách mạng chính là như vậy, đau đớn và xót xa vô cùng.
Trước hết nói về tấn bi kịch làm cha, nhà Lão Hạc là gia đình đơn thân, vợ lão mất sớm, chỉ còn mình lão với cậu con trai và một mảnh vườn nhỏ. Cậu con trai lớn lên, muốn cưới vợ nhưng khốn nỗi nhà gái thách cưới cao quá mà lão lại chẳng có tiền, chính cái nghèo đã trực tiếp khởi đầu mọi sự bất hạnh trong cuộc đời lão. Việc con trai lão bất đắc chí, buồn rầu vì không cưới được vợ quyết tâm bỏ quê đi làm phu trong đồn điền cao su cũng khiến lão đau đớn và bất lực không thôi. Lão thương con, chán chường bởi bản thân bất tài không lo nổi cho con 100 đồng cưới vợ, rồi con lão bỏ đi, lão thui thủi một mình trong nỗi cô đơn trống vắng của một ông lão già cả, đẵng đẵng chờ con hết kỳ đi phu trở về mà con vẫn cứ biền biệt nơi xa, thậm chí đến lúc chết ông cũng chẳng được nhìn con lần cuối! Tấm lòng của người cha thật đáng quý muôn phần, vợ lão mất sớm thế nên lão làm thay cả phần của vợ để yêu thương con trai, dẫu rằng chẳng bao giờ lão nói ra. Ở nhà lão thay con trông nom vườn tược, bòn được ở mảnh vườn ấy bao nhiêu lão cũng đem cất riêng cho con, còn phần ăn của mình lão lại đi làm thuê, làm mướn để kiếm lấy. Có lẽ rằng cái món tiền 100 đồng bạc cưới vợ đã ám ảnh và tình yêu thương con vô bờ bến đã thôi thúc lão phấn đấu và nỗ lực gấp đôi người khác vì con.
Thế nhưng sự đời oái oăm, chắc vì lao lực quá độ mà lão lăn ra ốm một trận “2 tháng 18 ngày”, bao nhiêu tiền tích cóp của ông lão tội nghiệp gần như đổ hết vào thuốc thang, và sau ấy lão yếu hơn hẳn không còn xốc vác được như trước nữa, đâm ra thất nghiệp chẳng ai mướn. Rồi mảnh vườn duy nhất cũng bị bão táp tàn phá, không thu được đồng nào, có thể nói hàng loạt bất hạnh và xui xẻo đang đổ ập lên đôi vai của một người nông dân lương thiện và yêu con sâu sắc khiến ông phải khổ sở chống chọi. Có thể nói rằng chính lòng thương con sâu sắc đã dựng lên một tấn bi kịch lớn cho cuộc đời Lão Hạc, trên nền cái bi kịch nghèo khó, cái đói rình rập cuối cùng lão quyết định bán con chó mà lão hằng yêu thương, rồi chết, chấm dứt cuộc đời mà lão cho là đã tàn tạ và vô dụng. Đối với lão sống mà không làm ra tiền, lại còn ăn và cả phần của con thì chi bằng chết đi để lại đất, để lại tiền cho con hưởng dụng là lựa chọn sáng suốt mà lão có thể làm được cho con. Người ta thấy thật xót xa và tội nghiệp cho một người cha, một kiếp làm người đau đớn, khổ cực của Lão Hạc, trước lúc chết vẫn lo lắng đâu vào đấy, nhờ ông giáo giữ đất hộ cho con, để không ai còn tơ tưởng đến nó nữa.
Một tấn bi kịch khác của Lão Hạc ấy chính là bi kịch làm người, lão sống lương thiện, thậm chí bị người ta ghét vì lương thiện quá, con lão đi xa chỉ để lại 3 đồng bạc và một con chó vàng mà ông âu yếm gọi nó là Cậu Vàng. Con chó ấy đã bầu bạn cùng ông suốt gần 4 năm giời, xua đi nỗi trống vắng khi nhớ con trai, ông cưng chiều, yêu thương nó tựa như một đứa con cầu tự. Thế nhưng chính cái đói nghèo, khốn khó đã ép ông phải bán Cậu Vàng, mà có phải ông bán để lấy tiền ăn đâu, 5 đồng ấy góp với 25 đồng ông còn lại, là tiền ma chay của chính ông, ông không muốn liên lụy hàng xóm, hay ăn phạm vào mảnh vườn của con trai. Chính cái chu toàn và lương thiện của Lão Hạc đã giày vò ông những ngày cuối đời, từ trong cái hình ảnh “Mặt lão đột nhiên co rúm lại . Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” khiến người đọc bị ám ảnh bởi một nỗi đau quặn thắt, đầy xót xa, tội nghiệp của lão. Đó là con chó mà lão hết lòng thương yêu, Lão Hạc trong sự lương thiện, đớn đau vô cùng đã tự chửi mình là “khốn nạn”, cho rằng bản thân đã tệ hại đến mức đi lừa một con chó, lão cứ đinh ninh rằng Cậu Vàng đang trách lão, khiến lão day dứt không thôi. Lão Hạc sống lương thiện và đau đớn thế nhưng người ta vẫn trách ông là kẻ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, bỉ ổi, nghĩ mà xót xa. Rồi cảnh lão chết cũng khiến người ta bàng hoàng, chẳng hiểu sao lão lại chọn cái chết vật vã và đau đớn như vậy, một nắm bả chuột khiến lão quằn quại 2 giờ liền, đó là một cách kết thúc sinh mạng cực đoan và khủng khiếp vô cùng. Bởi con người thường sợ đau đớn và cái chết, chết trong đau đớn lại càng đáng sợ hơn cả, thế nhưng nghĩ thật kỹ thì người ta cũng hiểu tại sao Lão Hạc làm như vậy. Có lẽ vì bả chó không tốn tiền, cũng có lẽ ông đang tự trừng phạt bản thân sau tội lỗi mà mình đã gây ra cho Cậu Vàng chăng? Một con người lương thiện thế, đạo đức thế nhưng kết cục thật quá bi thương và tàn khốc.
Cuộc đời Lão Hạc là những tấn bi kịch chất chồng, tất cả những nghèo khó, bệnh tật, đớn đau về cả thể xác lẫn tinh thần ông đều phải gánh lấy, mà chung quy lại ấy cũng là xuất phát từ tấm lòng của một người cha, của một con người quá đỗi lương thiện. Đọc Lão Hạc người ta thấy thấm thía và xót xa về một kiếp người khốn khổ, là đại diện cho số phận những người nông dân ở chế độ cũ, cái nghèo, cái đói dồn ép họ đến đường cùng, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần buộc họ phải chọn cho mình cái chết để giải thoát.
——————-HẾT———————
Bài văn mẫu Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao đã giúp các em hiểu hơn về tình cảnh đáng thương của người nông dân trong xã hội xưa. Tiếp đó các bạn có thể tìm hiểu chi tiết về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo cũng như quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao qua bài: Tình cảnh của người nông dân qua truyện ngắn Lão Hạc,Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Phân tích diễn biến, tâm trạng lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó Vàng.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục