Đề bài: Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt
Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt
Bạn đang xem: Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt
I. Dàn ý Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt (Chuẩn)
1. Mở bài
Bài thơ thần” Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là một bài thơ bất hủ của non sông, gieo vào lòng người những cảm xúc thiêng liêng khó tả.
2. Thân bài
– Khẳng định hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta:+ Sông núi của nước Nam, của nhân dân Đại Việt+ Nước Nam có vua Nam đứng đầu, cai trị- Ranh giới ấy đã được định sẵn, có sách trời chứng giám và chấp thuận…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích bài Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt (Chuẩn)
Nền văn học yêu nước của nước ta được phát triển qua nhiều thời kỳ và được biểu hiện bởi muôn màu, muôn vẻ. Đó là những truyền thuyết về cội nguồn dân tộc, là những câu ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, là những truyện ngắn thấm đẫm tinh thần cách mạng, quyết chí đấu tranh vì tự do dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử văn học ấy, không thể không nhắc đến thơ ca trung đại với những áng thơ bất hủ của non sông, gieo vào lòng người những cảm xúc thiêng liêng khó tả. Bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là một bài thơ như thế.
“Sông núi nước Nam vua Nam ởRành rành định phận tại sách trờiCớ sao lũ giặc sang xâm phạmChúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Mở đầu bài thơ, tác giả khẳng định hùng hồn về chủ quyền, ranh giới lãnh thổ của dân tộc ta:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở”
Núi sông, đất trời nước Việt là của con dân Đại Việt, do người dân Đại Việt làm chủ, quyết định. Đó là điều tất yếu, điều mà ai cũng phải công nhận và tuân theo. Ranh giới ấy đã được định sẵn, có sách trời chứng giám và chấp thuận:
“Rành rành định phận tại sách trời”
Bằng ý thức mạnh mẽ và lòng tự tôn dân tộc, tác giả đã khẳng khái cất lên tiếng thơ hào sảng khẳng định chắc chắn về lãnh thổ nước ta. Lãnh thổ ấy có từ bao đời, người Việt đã cùng nhau chung sống, bảo vệ và gây dựng lên phong tục, văn hoá mang bản sắc của mình. Trời cao đã chứng giám cho chủ quyền thiêng liêng ấy, nền chủ quyền được ghi lại “sách trời”, đó là chân lí không ai có thể phủ nhận, không ai có thể xâm phạm. Nước Nam có quyền được hưởng hoà bình và sống trong cảnh an yên. Nhưng lũ giặc ngạo mạn lại ngang nhiên chớp đi quyền tự do ấy, chúng bành trướng lãnh thổ khiến nhân dân không khỏi phẫn uất, căm thù tội ác ấy :
” Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm”
Hai tiếng “Cớ sao?” ấy là lời thắc mắc cũng là lời định tội rõ ràng cho hành vi ngang ngược của chúng. Quân giặc gạt bỏ đi những đạo lý hiển nhiên, “rành rành”, chúng xâm phạm đến đất Việt cũng là phạm đến lẽ trời, luật người. Đó là tội ác “không thể dung tha”, cướp đi sự sống của người khác là hành động tàn nhẫn, cướp đi dân tộc, quê hương họ là hành động phi nghĩa. Cậy thế mạnh mà làm càn là quân bạo ngược, ngang tàng. Những hành động và ý nghĩ của chúng đều đáng bị lên án. Quy luật tự nhiên: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” một lần nữa được đưa vào văn học như một sự khẳng định về điều tất yếu của những kẻ gian dối, làm điều ác nhũng nhiễu nhân dân, xâm phạm dân tộc:
” Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Lời cảnh tỉnh gửi đến bọn tàn quân hung bạo kia, rồi các người cũng sẽ bị trừng trị đích đáng. Chưa bao giờ tội ác có thể ngang nhiên hoành hành và tồn tại lâu dài cả, quân sĩ và nhân dân nước Nam sẽ cùng nhau một lòng dẹp tan. Đó là một cái kết đích đáng mà các ngươi phải nhận lấy, những kẻ coi thường đạo lý, vô lương tâm, vô nhân cách rồi sẽ bị trừng trị mà thôi.
Trên sông Như Nguyệt nơi đền thờ hai vị giang thần, Lý Thường Kiệt đã dõng dạc cất lên bài thơ “Nam quốc Sơn hà” vang dội núi sông. Mỗi lời cất lên là tiếng lòng của muôn vạn người hướng về dân tộc, mỗi chữ viết ra chứa chan một lòng yêu nước khôn nguôi và nỗi căm thù giặc sâu sắc. Tiếng thơ khơi dậy khơi dậy lòng yêu nước thiết tha, tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ, cổ vũ cho ý chí quyết tâm của binh sĩ. Tiếng thơ đanh thép ấy khiến cho quân giặc phải nao núng, ý chí bị lung lay, nhuệ khí suy sụp. Chúng hoảng loạn, khiếp sợ, nhục nhã đến đớn hèn. Cũng từ ấy mà quân ta giành được những chiến trận hiển hách, thắng lợi trong vinh quang và tự hào vô kể.
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” qua bao thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi lần đọc bài thơ trong em lại khôn nguôi nỗi tự hào vì những trang sử vẻ vang của dân tộc, thôi thúc em học tập, rèn luyện để sau này có thể trở thành người công dân tốt xây dựng quê hương đất nước mình xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông mình.
——————-HẾT——————-
Sông núi nước Nam có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam, tìm hiểu về nội dung và giá trị của bài thơ, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Sông núi nước Nam, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Sông núi nước Nam, Cảm nghĩ về bài Sông núi nước Nam, Truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc qua Sông núi nước Nam, Qua hai bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh, chứng minh nhận định…
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục