Đề bài: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
Bạn đang xem: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
I. Dàn ý Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
1. Mở bài
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:- Giới thiệu tác giả: Tô Hoài được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi với nhiều tác phẩm đã trở thành “món ăn” tinh thần của các bạn nhỏ.- Giới thiệu tác phẩm: “Bài học đường đời đầu tiên” rút từ tập “Dế Mèn phiêu lưu ký” là một đoạn trích để lại rất nhiều ấn tượng với bạn đọc.
2. Thân bài
a. Đánh giá chung:– Đoạn trích rút từ tập “Dế Mèn phiêu lưu ký”- Có 2 phần: đi từ miêu tả ngoại hình, hành động, tính cách của nhân vật → câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên.
b. Phân tích:
– Ngoại hình: đôi chân với bộ móng nhọn hoắt, đôi càng mẫm bóng, “hai cái răng lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp”… → Vẻ đẹp ngoại hình: cường tráng, khoẻ khoắn.- Hành động: đạp phanh phách vào ngọn cỏ, đưa cả hai chân lên vuốt râu…→ Tính cách ngạo mạn, tự kiêu của Dế Mèn.
– Thái độ của Dế Mèn với Dế Choắt:+ Lúc đầu thì chế giễu, gọi bạn hàng xóm của mình Dế Choắt khi thấy Dế Choắt gầy gò, ốm yếu hơn mình.+ Ngông nghênh, ngạo mạn, xì hơi một cái thật dài khi Dế Choắt nhờ vả mình.+ Coi thường, gọi Dế Choắt là “mày”.+ Ngạo mạn cố tình trêu tức chị Cốc dẫn đến cái chết đau thương của Dế Choắt.+Ân hận trước cái chết của Dế Choắt. → bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
c. Nhận xét về giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích
– Bằng việc sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá → hình ảnh Dế Mèn trở nên chân thực, sống động: Đẹp, khỏe khoắn nhưng tính tình kiêu căng, ngạo mạn.- Ý nghĩa của đoạn trích: phải luôn biết giúp đỡ mọi người xung quanh mình.
II. Bài văn mẫu Phân tích Bài học đường đời đầu tiên
Người ta vẫn thường gọi Tô Hoài là nhà văn của thiếu nhi bởi những tác phẩm của ông suốt một thập kỷ qua đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của rất nhiều em nhỏ. “Dế Mèn phiêu lưu ký” là một trong những sáng tác rất nổi tiếng của ông mà hầu như bạn nhỏ nào cũng biết đến. Đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” được rút từ tác phẩm này đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.
Đoạn trích có hai phần. Tô Hoài đã đi từ hình dáng, tính cách, hành động của Dế Mèn rồi từ đó mở ra cho người đọc câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn sau cái chết của Dế Choắt. Toàn bộ đoạn trích được kể bằng ngôi thứ nhất, là lời kể của Dế Mèn khiến cho câu chuyện trở nên vô cùng chân thật nhưng cũng không kém phần sinh động, hấp dẫn.
Mở đầu đoạn trích là các chi tiết miêu tả hình dáng của Dế Mèn với một đôi càng “mẫm bóng” cùng “những cái móng vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt”. Cả người Dế Mèn “rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn”. Nó có một cái đầu “to ra và nổi từng tảng, rất bướng”. Hai cái răng thì đen nhánh và “lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc” cùng với sợi râu “dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Chỉ bấy nhiêu nét phác hoạ thôi cũng đủ thấy sự tỉ mỉ và tinh tế trong miêu tả của nhà văn Tô Hoài. Qua từng câu, từng chữ, hình ảnh một chú Dế Mèn ngạo mạn, cường tráng cứ thế dần hiện ra trước mắt người đọc. Cùng với việc sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ cùng với những nét miêu tả đẹp mắt, Dế Mèn còn hiện lên như một chàng trai trẻ đầy sức sống, vừa tự tin vừa tự hào về bản thân mình. Không chỉ vậy, hành động của Dế Mèn cũng được miêu tả sinh động không kém. Với những cái móng vuốt nhọn hoắt của mình, khi muốn thử sự lợi hại của chúng, nó lại “co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ”. Dế Mèn còn tự miêu tả mình bằng giọng điệu thế này: “Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu”, “thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái”. Ngoại hình đẹp mắt cũng những hành động ngạo mạn vừa thể hiện được vẻ cường tráng vừa cho thấy tính cách điệu bộ kiêu căng của chú dế mới lớn này.
Với việc sử dụng những từ ngữ vô cùng độc đáo như: “mẫm bóng”, “nhọn hoắt”, “hủn hoẳn”, “dài bóng mỡ”, “ngoàm ngoạp”… đoạn văn miêu tả hình dáng, hành động của Dế Mèn được coi là đoạn miêu tả hết sức đặc sắc, độc đáo bởi ta chỉ cần thay thế một từ thôi thì hình ảnh chú dế mới lớn sẽ không còn hiện ra với dáng vẻ bắt mắt như vậy nữa. Vậy mới thấy Tô Hoài không chỉ có khả năng quan sát tinh tế mà còn là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ miêu tả. Nhưng cái tài của nhà văn còn ở chỗ đằng sau việc miêu tả ngoại hình, hành động ta còn thấy được hết cái tính cách của nhân vật. Đằng sau cái dáng vẻ ưa nhìn, khoẻ khoắn còn là cái vẻ kiêu căng, tự phụ đến mức nó tự nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Chính những suy nghĩ, cùng sự ngạo mạn đó đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc và đó cũng chính là những bài học đầu tiên của Dế Mèn.
Câu chuyện bắt đầu từ thái độ coi thường của Dế Mèn đối với Dế Choắt. Thấy anh bạn hàng xóm của mình trông gầy gò, ốm yếu, nó không những không đồng cảm, chia sẻ mà còn gọi bạn của mình là Dế Choắt một cách đầy chế giễu. Rồi khi Dế Choắt nhờ vả Dế Mèn, nó hếch răng lên, xì hơi một cái rõ dài đầy ngông nghênh và không coi ai ra gì. Không những vậy, Dế Mèn còn quắc mắt, mắng Dế Choắt, thể hiện rất rõ giọng điệu khinh rẻ, nhạo báng Dế Choắt: “Chú mày sinh sống quá cẩu thả, chú mày có lớn mà chẳng có khôn, chú mày hôi như cú mèo, im cái điệu khóc mưa dầm sùi sụt ấy đi, giương mắt lên mà xem tao trêu con mụ Cốc đây này”. Với việc xây dựng một nhân vật hoàn toàn đối lập với Dế Mèn về ngoại hình và sức lực, Tô Hoài càng làm nổi bật lên cái vẻ ngạo mạn, kiêu căng, không coi ai ra gì của Dế Mèn.
Cái dáng vẻ yếu đuối, gầy gò của Dế Choắt không hề khiến cho một anh chàng mới lớn, khoẻ khoắn như Dế Mèn phải bận tâm cho đến khi hành động dại dột của nó đã dẫn đến cái chết thương tâm cho Dế Choắt. Nó đã ngông cuồng trêu tức chị Cốc một phần là bởi cái tính ngỗ nghịch của mình nhưng mặt khác còn là để chứng minh cho Dế Choắt thấy mình chẳng hề nể sợ ai: “Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa!”. Ngông nghênh là thế nhưng khi thấy chị Cốc nổi giận, nó lập tức chui vào hang sâu để lẩn trốn để rồi người chịu hậu quả lại là Dế Choắt. Cái vẻ gầy gò, ốm yếu của Dế Choắt khiến nó không thể chịu được khi cái mỏ của chị Cốc cứ thế giáng xuống và mãi cho đến tận khi chị Cốc đi rồi Dế Mèn mới dám mò ra. Khi thấy bạn của mình không thể dậy được nữa cùng với những lời trăng trối, Dế Mèn đã vô cùng đau khổ, ân hận. Nó nhận ra những sai lầm của mình cùng tính ngông nghênh, ngạo mạn của bản thân. Cái chết của Dế Choắt chính là bài học đường đời đầu tiên vô cùng đắt giá của nó.
Có thể thấy bằng việc sử dụng hàng loạt những biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá Tố Hữu không chỉ tái hiện lại câu chuyện một cách chân thực, sống động mà còn để lại một bài học vô cùng sâu sắc không chỉ với Dế Mèn mà còn với cả độc giả. Qua lỗi lầm đã gây ra cho Dế Choắt, chú Dế Mèn kiêu ngạo cũng rút ra cho mình bài học sâu sắc: Không nên kiêu căng, hống hách, cần phải suy nghĩ trước khi làm, tránh gây ra những tai họa cho người khác cũng như chính bản thân mình.
Đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” không chỉ mang đến bài học sâu sắc cho Dế Mèn mà còn là bài học chung cho tất cả chúng ta về thái độ sống: cần yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh, cần sống khiêm tốn không kiêu ngạo, coi thường người khác.
————————HẾT————————-
Bài học đường đời đầu tiên là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất trong tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, cùng tìm hiểu về những nét đặc sắc của đoạn trích, bên cạnh bài Phân tích Bài học đường đời đầu tiên, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay thuộc chương trình Ngữ văn lớp 6 khác như: Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên, Sơ đồ tư duy bài học đường đời đầu tiên, Tóm tắt Bài học đường đời đầu tiên, Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Bài học đường đời đầu tiên.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục