Noah là ai?
Noah là vị tộc trưởng cuối cùng trước thời Đại Hồng thủy, thọ 950 năm.
Ngày nay chỉ cần nói với ai đó về một người sống 200 tuổi chứ chưa nói đến 900, họ đã lập tức hoài nghi và khẳng định con người sao có thể sống lâu vậy được. Tuy nhiên trên thực tế, một số văn tự cổ cho thấy điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Kinh Thánh, trong lịch sử cổ đại, có 10 vị tộc trưởng từng sống rất lâu trên Trái đất trước khi cơn Đại Hồng thủy quét qua. Và Methuselah là vị tộc trưởng có tuổi thọ cao nhất khi sống tới 969 tuổi.
Methuselah là ông nội của Noah. Noah được nhắc đến trong kinh Cựu Ước, sách Khải huyền, kinh Tân Ước, ngoài ra còn được đề cập trong các sách Phúc âm của Matthew, Phúc Âm Luca, Thư tín cho người Do thái, Peter thứ nhất và Peter thứ 2,…
Theo Tanach (bộ quy điển của Kinh thánh Hebrew) và Kinh Thánh, Noah cùng với vợ, các con trai là Shem, Ham, Japheth, và các cô con dâu là những người sống sót sau trận Đại Hồng thủy do Thiên Chúa giáng xuống để hủy diệt hậu duệ của Adam và Eva, vì đạo đức của họ đã băng hoại.
Khi Noah được 600 tuổi, Đức Chúa Trời đã khai thị cho ông xây dựng một chiếc thuyền lớn bằng gỗ phủ nhựa đường để bảo vệ ông và gia đình, cũng như các loài động vật trong trận lụt.
Điều đặc biệt là Noah cũng được các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham coi là cha đẻ của nhân loại.
Theo các văn tự cổ, Noah là người thứ 10 và cuối cùng trong các tộc trưởng có tuổi thọ lâu đời: Noah qua đời sau trận lụt 350 năm ở tuổi 950. Kinh thánh và các văn tự cổ khác giải thích Noah là người đàn ông có tuổi thọ cao thứ 3 vượt qua cả Adam (thọ 930 tuổi). Tương ứng với tuổi thọ của mình, ông đã có ba người con sau tuổi 500.
Mặc dù một số học giả từ chối thừa nhận sự tồn tại của trận Đại Hồng thủy, nhưng cho đến nay, người ta đã phát hiện nhiều bằng chứng về trận lũ lớn này. Nhiều nhà khảo cổ chỉ ra rằng từng có một trận lụt rất lớn xảy ra vào khoảng 5.000 đến 7.000 năm trước. Trận lụt đã ảnh hưởng đến các vùng đất khác nhau có phạm vi kéo dài từ Biển Đen cho đến những vùng đất được xem là cái nôi của nền văn minh nằm giữa lưu vực sông Tigris và Euphrates.
Vào ngày 20/6/1987, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công nhận vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi Ararat tại độ cao 2.000m so với mực nước biển ấy là con tàu của Noah.
Các văn tự cổ còn cho biết về sau, các con trai của Noah trở thành tổ tiên của nhân loại mới. Tuy nhiên, đạo đức của thế hệ này lại ngày càng tụt dốc, đặc biệt là khi họ dám xây dựng tòa tháp Babel ở thành cổ Babylon để cạnh tranh với Thiên Chúa.
Đạo đức tụt dốc sẽ đẩy con người tiếp tục đến vực thẳm tội lỗi. Và Đức Chúa Trời sẽ lặp lại lịch sử để trừng phạt con người. Kết quả là thay vì ban đầu tất cả đều nói chung một ngôn ngữ thì nay họ không thể hiểu nhau vì ngôn ngữ bị chia ra làm nhiều thứ tiếng. Con người cũng bị phân tán khắp nơi trên Trái đất. Tòa tháp Babel cũng vì thế mà đành dang dở.
Quay trở lại tuổi thọ của các tộc trưởng trước thời kỳ Đại Hồng thủy, theo sách Sáng Thế Ký, tuổi thọ của họ lần lượt là: Adam 930 năm, Seth 912, Enos 905, Kenan 910, Mahalalel 895, Jared 962, Enoch 365 (không chết mà được Đức Chúa Trời đưa đi), Methuselah 969, Lamech 777, Noah 950.
Thực tế này đặt ra một số câu hỏi. Những người được gọi là tộc trưởng có tuổi thọ lâu đời kia là ai? Làm sao họ có thể sống hàng trăm năm tuổi? Phải chăng họ khác với con người bình thường?
Điều kỳ lạ là bằng chứng về tuổi thọ siêu dài của con người cũng từng được ghi chép trong nhiều văn tự cổ khác nhau.
Ví dụ, trong Danh sách Vua Sumer miêu tả rõ ràng như sau: “Sau khi vị vua hạ xuống từ thiên thượng, vương quyền sẽ ngự ở Eridug. Ở Eridug, Alulim trở thành vua, ông đã trị vì trong suốt 28.800 năm. Vua Alaljar trị vì trong 36.000 năm. Tổng cộng hai vị vua này trị vì trong 64.800 năm”.
Danh sách Vua Sumer mô tả 8 vị vua đã cai trị trên Trái đất tổng cộng 241.200 năm, từ khi xuất hiện vương quyền có “nguồn gốc từ Thiên Thượng” cho đến thời điểm Đại Hồng thuỷ quét qua Trái đất.
Có thể thấy, nhiều nguồn tư liệu lịch sử khác nhau đã mô tả con người từng có tuổi thọ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Nhưng con người ngày nay không thể sống lâu đến thế.
Một số học giả cho rằng con người trước đây có thể đã từng thọ đến hàng ngàn năm, nhưng tới thời điểm sau nạn hồng thuỷ, vì đạo đức trở nên xuống cấp, nên Chúa Trời đã rút ngắn tuổi thọ của họ lại. Như trong Sáng Thế Ký 6:3 từng nói: “Và sau đó Chúa đã nói, ‘Thánh Linh của ta sẽ không tranh đấu với con người mãi mãi, vì hắn cũng là xác thịt; tuy nhiên đời người sẽ là 120 năm’”.