Đề bài: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Bạn đang xem: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
I. Dàn ý Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
1. Mở bài
– Giới thiệu những nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Dữ (đặc điểm con người, sự nghiệp sáng tác,…)- Giới thiệu những nét tiêu biểu về tập truyện “Truyền kì mạn lục” và tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.- Giới thiệu khái quát về vấn đề bàn luận: Những hoàn cảnh đã được sử dụng để miêu tả nhân vật Vũ Nương.
2. Thân bài
– Trong mối quan hệ vợ chồng trước khi Trương Sinh đi lính:+ Vũ Nương hiện lên là một người phụ nữ tính tình “thùy mị, nết na” và có “tư dung tốt đẹp”.+ Biết tính chồng đa nghi nên trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương luôn “giữ gìn khuôn phép” và vì thế cuộc sống vợ chồng luôn êm ấm, hòa thuận.
– Khi Trương Sinh – chồng của nàng đi lính:+ Vũ Nương đã ân cần dặn dò chàng bằng tất cả tình yêu và sự quan tâm của mình.+ Nàng đã ở nhà một mình sinh con, chăm con.+ Nàng chăm sóc mẹ già khi đau ốm, khi mẹ chồng chết lo đám ma chu tất như với chính cha mẹ ruột của mình.
– Khi Trương Sinh đi lính trở về và bị chồng nghi oan:+ Vũ Nương đã nhẫn nhịn, hết lời phân trần, giải thích để chồng hiểu+ Tận cùng của nỗi đau đớn và tuyệt vọng, nàng tìm đến cái chết như một sự minh oan, như một sự chứng minh cho sự trong trắng của mình.+ Trong những năm tháng sống ở thủy cung, nàng vẫn luôn đau đáu trong mình nỗi nhớ chồng, nhớ con, nhớ gia đình, quê hương và luôn khao khát được trả lại danh dự, phẩm giá.
3. Kết bài
Khái quát lại những hoàn cảnh đã được tác giả sử dụng để miêu tả nhân vật Vũ Nương và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Là một trong số những gương mặt tiêu biểu của nền văn học trung đại, Nguyễn Dữ đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm văn học có giá trị, và có thể nói tập truyện “Truyền kì mạn lục” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” lấy gốc từ truyện dân gian “Vợ chàng Trương” là một trong số 20 tác phẩm của tập truyện. Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” người đọc không thể nào quên được hình ảnh nhân vật Vũ Nương – người phụ nữ mang vẻ đẹp toàn vẹn trong xã hội phong kiến. Đặc biệt, nhân vật đã được miêu tả trong nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau, góp phần bộc lộ vẻ đẹp, tính cách của mình.
Trước hết, nhân vật Vũ Nương được đặt trong mối quan hệ vợ chồng trước khi Trương Sinh đi lính. Như chúng ta đã biết, mở đầu tác phẩm, qua lời giới thiệu của tác giả, Vũ Nương hiện lên là một người phụ nữ tính tình “thùy mị, nết na” và có “tư dung tốt đẹp”. Chính bởi vẻ đẹp toàn vẹn giữa nết và sắc ấy đã khiến Trương Sinh cảm mến và xin cưới nàng về nàng vợ. Biết tính chồng đa nghi nên trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương luôn “giữ gìn khuôn phép” và vì thế cuộc sống vợ chồng luôn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc, chưa bao giờ xảy ra bất hòa. Như vậy, trong mối quan hệ với chồng, Vũ Nương hiện lên là người vợ thủy chung, nết na, thùy mị, hết mực thương yêu chồng.
Thêm vào đó, để khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật Vũ Nương, tác giả còn đặt nhân vật vào hoàn cảnh Trương Sinh – chồng của nàng đi lính. Cuộc sống vợ chồng êm ấm, sum vầy chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Trong giây phút chia tay chồng lên đường, Vũ Nương đã ân cần dặn dò chàng bằng tất cả tình yêu và sự quan tâm của mình. Với nàng, nàng luôn đặt gia đình với tất cả hạnh phúc, bình yên lên trên hết chứ không phải là những thứ vinh hoa, áo gấm bên ngoài. Trong lời căn dặn chồng còn cho thấy sự cảm thông bao nỗi vất vả của chồng và ẩn chưa trong đấy cả tình thương, nỗi nhớ của mình. Để rồi, trong hoàn cảnh chồng đi lính, nàng đã ở nhà một mình sinh con, chăm con và chăm mẹ chồng già ốm. Chính trong tình huống ấy vẻ đẹp của nàng đã càng hiện lên rõ nét, nàng chăm sóc mẹ già khi đau ốm, khi mẹ chồng chết lo đám ma chu tất như với chính cha mẹ ruột của mình. Tấm lòng hiếu thảo ấy của nàng với mẹ chồng được thể hiện rõ qua lời trăng trối của mẹ chồng với nàng “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Cuối cùng, Vũ Nương đã được tác giả đặt trong tình huống cao trào, đỉnh điểm đó chính là khi nàng bị chồng nghi oan. Trương Sinh trở về sau những tháng năm đi lính đằng đẵng xa cách, nghe lời con nhỏ, nghi ngờ Vũ Nương không còn chung thủy với mình nàng đã nhẫn nhịn, hết lời phân trần, giải thích để chồng hiểu nhưng dường như chúng chẳng có ý nghĩa gì với chàng Trương. Tận cùng của nỗi đau đớn và tuyệt vọng, nàng tìm đến cái chết như một sự minh oan, như một sự chứng minh cho sự trong trắng của mình. Hành động trẫm mình xuống nước tự vẫn của Vũ Nương chính là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo vệ phẩm giá của chính mình. Để rồi về sau trong những năm tháng sống ở thủy cung, nàng vẫn luôn đau đáu trong mình nỗi nhớ chồng, nhớ con, nhớ gia đình, quê hương và luôn khao khát được trả lại danh dự, phẩm giá.
Tóm lại, trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” tác giả Nguyễn Dữ đã đặt nhân vật Vũ Nương vào trong nhiều hoàn cảnh, tình huống khác nhau, từ đó giúp nhân vật bộc lộ hết vẻ đẹp phẩm giá, nhân cách của mình.
Nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương là đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam xưa khi hội tụ được những vẻ đẹp về phẩm chất nhưng lại có số phận truân chuyên, oan khuất. Tìm hiểu thêm về số phận bất hạnh của Vũ Nương cũng như những nguồn cơn đẩy nàng vào con đường cùng không lối thoát, các em cùng tham khảo: Phân tích bài Chuyện người con gái Nam Xương, Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích và nêu cảm nghĩ về giá trị tố cáo và tinh thần nhân đạo của Chuyện người con gái Nam Xương.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục