Đề bài: Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn
Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn
Bạn đang xem: Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn
Bài làm:
Nguyễn Trãi (1380-1442) là một vị anh hùng dân tộc, một nhà quân sự tài ba, danh nhân văn hóa thế giới. Ông cũng là một tác giả lớn trong nền văn học của dân tộc, với nhiều tác phẩm in đậm tài hoa và tỏa sáng một nhân cách cao đẹp. Bài thơ “Côn Sơn Ca” của ông là một tác phẩm như vậy. Đây là bài thơ mà ông sáng tác trong thời gian về ở ẩn Côn Sơn, sống giữa vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, non nước hữu tình nơi này. Nhân vật “ta” trong bài thơ xuất hiện trong vẻ đẹp ấy:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm…Trong màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn”
Khi đọc và cảm nhận bài thơ, điều đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được là một bức tranh thiên nhiên rất nên thơ. Thể thơ lục bát ngọt ngào đã mở ra trước mắt ta phong cảnh Côn Sơn. Đó là âm thanh “suối chảy rì rầm” êm êm ru hồn người. Đó là “đá rêu phơi” trầm mặc cổ kính. Đó còn là “thông mọc như nêm” xanh rì mát rượi, và “bóng trúc râm” hiền hòa như người quân tử chân phương… Cảm nhận thiên nhiên từ thính giác, thị giác đã đem lại ấn tượng một vùng quê thanh bình, nguyên sơ, rất đỗi trong lành và yên tĩnh.
Đó chính là cái nền để nhân vật “ta” xuất hiện. Ta thấy nhà thơ sử dụng một nghệ thuật đối xứng giữa cảnh và người: Côn Sơn có tiếng “suối chảy” thì “ta nghe”. Nghe là một động từ thể hiện sự thưởng thức âm thanh của thiên nhiên, âm thanh ấy qua tai nghe của nhà thơ như trở thành “tiếng đàn cầm”. Cách so sánh tài hoa một âm thanh của thiên nhiên với âm thanh của nhạc cụ vừa gợi tả được cái hay của tiếng đàn, vừa bộc lộ tình yêu thiên nhiên của “ta”, tức là nhà thơ Ngyễn Trãi. Và khi Côn Sơn đẹp với những “đá rêu phơi” thì “ta” sẽ ngồi trên đá ấy để thưởng thức cái êm ái và ngắm nhìn cảnh vật khoáng đạt xung quanh. Thiên nhiên đem đến cho người thưởng thức vẻ hùng tráng của những dáng thông cao, lúc đó, nhân vật “ta” sẽ “nằm” dưới bóng thông mà ngắm mây trời phía trên những tán lá kim tươi đẹp. Cảm giác ấy có lẽ thật sảng khoái và tuyệt vời. Rồi trong rừng Côn Sơn còn có trúc xanh râm mát, như bày sẵn cho nhân vật “ta” có cảm hứng để “ngâm thơ nhàn”, để mơ màng cho thời gian qua đi trong yên ả, và ngẫm nghĩ những lẽ đời, ngẫm nghĩ mãi vể đạo của người quân tử, trong một thời kỳ mà xã hội phong kiến còn nhiều nhiễu nhương.
Thế đấy, nhân vật “ta” và thiên nhiên Côn Sơn như hòa làm một. Một loạt động từ: nghe, ngồi, nằm, ngâm… miêu tả hành động của nhân vật trữ tình, mà đó cũng là sự thể hiện một tâm thế tự chủ, thoải mái, sảng khoái của một thi sĩ yêu thiên nhiên và thưởng thức thiên nhiên bằng tất cả trái tim mình. Cảnh đẹp Côn Sơn đem thi hứng tràn đầy vào tâm hồn nhà thơ, thôi thúc nhân vật trữ tình khao khát hòa với thiên nhiên làm một. “Ta” cũng trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh Côn Sơn, làm đẹp thêm cho vẻ trong lành và khoáng đạt của nơi này.
Bài thơ “Côn Sơn Ca” không phải chỉ hay và đẹp ở ý và tình, nó là sự thể hiện sâu sắc nhất về một tâm hồn trong sạch, thanh thản, giàu xúc cảm, một nhân cách đẹp, vĩ đại, sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Nhân vật “ta” không phải chỉ là một nhà thơ yêu thiên nhiên thuần túy, mà còn là một bậc túc nho có khí tiết thanh cao, đang sống cuộc đời ẩn dật, nhưng chẳng phải là lánh việc đời. Bậc túc nho ấy đang có những giờ phút lắng đọng tâm hồn để chiêm nghiệm, và khi có cơ hội lại ra giúp nước giúp đời.
Có thể nói, nhân vật “ta” trong bài thơ đã giúp chúng ta thấy được một nét đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, con người tài hoa, vĩ đại, đầy nhiệt huyết với dân với nước. Ta càng yêu vẻ đẹp của quê hương đất nước mình, nơi sinh ra những con người cao cả như thế.
——————-HẾT———————
Trên đây các em đã cùng tìm hiểu về Nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn, để cảm nhận được bức tranh thiên nhiên núi rừng Côn Sơn cũng như vẻ đẹp của Nguyễn Trãi được thể hiện trong bài thơ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn để thấy được tình yêu thiên nhiên của người thi sĩ, Cảm nhận khi đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi, Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi và Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục