Nguyệt thực nửa tối là gì?
Khác với nguyệt thực thông thường, khi xảy ra hiện tượng “nguyệt thực nửa tối”, chiếc bóng của chính Trái Đất sẽ không khiến cư dân sống ở mặt đang tối của nó thấy Mặt Trăng chuyển đỏ như nguyệt thực toàn phần, mà chuyển thành một màu hơi xám, giống như bị phủ tấm voan đen mỏng hay còn được gọi là Mặt Trăng “che mạng đen”.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bên ngoài sáng hơn của bóng Trái Đất, gọi là vùng nửa tối (penumbra). Đây là khu vực mà Trái Đất trông như che khuất một phần đĩa Mặt Trời, không phải toàn bộ. Khi ở trong vùng nửa tối, Mặt Trăng nhận được ít ánh sáng hơn từ Mặt Trời. Với những người quan sát từ Trái Đất, Mặt Trăng trông tối đi nhưng không biến mất hoàn toàn.
Cơ hội ngắm nguyệt thực nửa tối tại Việt Nam
Vào lúc 22h15 tối 5/5 (giờ Việt Nam), nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu và có thể quan sát từ bất cứ nơi nào mà Mặt Trăng ở phía trên đường chân trời, gồm châu Nam Cực, châu Á, Nga, châu Đại Dương, Đông và Trung Phi.
Theo timeanddate.com, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn. Tại TP.HCM, nguyệt thực nửa tối dự kiến sẽ bắt đầu đêm 5/5, đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5.
Hiện tượng nguyệt thực lần này còn được gọi là “mặt trăng hoa”, đặt theo tên các loài hoa nở khắp Bắc bán cầu vào thời điểm này trong năm. Trăng sẽ xuất hiện sáng và tròn trên khắp thế giới vào ngày 5-7/5. Đây là lần nguyệt thực nửa tối sâu nhất cho đến năm 2042. Chỉ một phần của thế giới mới có thể nhìn thấy hiện tượng này.
“Mặt trăng hoa” sẽ di chuyển qua một phần bóng của Trái đất và bị che khuất trong vài giờ. Sự kiện sẽ được hiển thị cho hơn 6,6 tỷ người, theo Timeanddate.com.
Người xem ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Á, Úc, New Zealand và Nam Cực, cũng như Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có thể xem Mặt trăng bị che khuất.
Người dân ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ hoặc hầu hết châu Âu sẽ không quan sát được nguyệt thực nửa tối vì Mặt Trăng sẽ ở dưới đường chân trời trong toàn bộ thời điểm Trái Đất ở trong bóng của Mặt Trăng.