Nguyễn Viết Xuân là ai?
Nguyễn Viết Xuân (20 tháng 1 năm 1933 – 18 tháng 11 năm 1964) là một chiến sĩ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được biết đến nhiều qua khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù! Bắn!” trong Chiến tranh Việt Nam.
Sự nghiệp của Nguyễn Viết Xuân
Nguyễn Viết Xuân sinh năm 1934, người làng Ngũ Kiên, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm lên 7 tuổi anh đã phải đi giúp việc trong thời gia dài suốt 10 năm. Khi vừa tròn 18 tuổi anh đã đi từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do, rồi xin đi bộ đội. Nhập ngũ tháng 11/1952, lúc đầu anh làm chiến sỹ trinh sát, rồi tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, sau làm chính trị viên đại đội. Bất kỳ ở cương vị nào anh cũng luôn nêu cao tinh thần quyết tâm chống giặc xâm lược, bảo vệ tổ quốc, xung phong đi đầu, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh đã cùng với đồng đội dũng cảm chiến đấu, không ngại hi sinh gian khổ góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch. Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Nguyễn Viết Xuân với vai trò là một bí thư chi bộ, một chính trị viên đại đội pháo cao xạ đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên quyết tiến công địch. Và câu chuyện về anh, về biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã diễn ra trong trận đánh địch ngày 18/11/1964. Trong trận chiến đấu này, Mĩ huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng Chalo thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình. Ngay đợt đầu, 3 chiếc máy bay F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội Nguyễn Viết Xuân. Loạt đạn đầu tiên của khẩu đội 3 đã đón đánh chiếc đi đầu, bọn địch đổi hướng tấn công và tập trung oanh tạc vào khẩu đội 3, cả trận địa nổ súng giòn giã. Một chiếc máy bay trong tốp đã bốc cháy giữ dội, nhưng chiếc khác đã phóng một loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm Nguyễn Viết Xuân đã lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc tỏ rõ khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”.
Giữa làn bom đạn địch, tiếng hô dõng dạc của anh vang lên trên trận địa đã trở thành khẩu hiệu khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn đơn vị và trên khắp các chiến trường đánh Mĩ. Trận chiến vừa tạm dứt anh đi khắp các khẩu đội để nắm bắt tình hình động viên chiến sĩ, tuy nhiên máy bay địch lại bất ngờ nhả liên tiếp các loạt bom xuống trận địa, anh bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải, nhưng Nguyễn Viết Xuân đã yêu cầu y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân cho đỡ vướng. Anh nói “Tôi không việc gì” và căn dặn y tá không được cho mọi người biết. Anh vẫn tỉnh táo theo dõi cuộc chiến, biểu dương kịp thời các chiến sĩ lập công. Sau trận chiến ác liệt, anh cảm thấy mình không qua khỏi nên đã chỉ định người thay thế mình chỉ huy trận địa, phân công chăm sóc các đồng đội bị thương, bàn giao công việc tỉ mỉ rõ ràng, dặn dò kỹ càng về việc chấp hành Nghị quyết của Chi bộ và nêu một số đề nghị về công tác phát triển Đảng, Đoàn và khen thưởng trong đơn vị.
Khi hi sinh anh là thiếu úy, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14, pháo cao xạ, sư đoàn 325, quân khu IV, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân (1/1/1967) cùng nhiều huy chương và bằng khen khác.
30 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, nỗi đau của chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Nhưng tên của các bậc cha anh như Nguyễn Viết Xuân và hàng triệu con người khác vẫn mãi được nhắc đến như một bản trường ca bất diệt. Những con người đã dù biết khi ra đi sẽ “xương tan, thịt nát” nhưng vẫn “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” để chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp đó là giành độc lập cho dân tộc.
Đời tư của Nguyễn Viết Xuân
Ông kết hôn với một người cùng xóm là bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1934) khi chưa tròn 18 tuổi. Hai ông bà sinh được hai con là Nguyễn Viết Lai và Nguyễn Thị Lâm.
Vinh danh Nguyễn Viết Xuân
Nguyễn Viết Xuân được phong tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì, sáu bằng khen và giấy khen. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhiều đường phố tại các đô thị Việt Nam được đặt tên ông như đường Nguyễn Viết Xuân ở trung tâm Đồng Hới, Quảng Bình; phố Nguyễn Viết Xuân tại Hạ Long, Quảng Ninh (từ đường Trần Phú đến cống Giáp Khẩu); phố Nguyễn Viết Xuân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội (từ phố Lê Trọng Tấn đến phố Nguyễn Ngọc Nại); phố Nguyễn Viết Xuân tại thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh (từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Huyền Quang); phố Nguyễn Viết Xuân tại Đà Nẵng (từ Tống Duy Tân đến Tân Trào), ngoài ra còn các con đường ở thành phố Nam Định, Nam Định, thành phố Phủ Lý, Hà Nam; thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế; Kon Tum, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang,… Tại chính quê hương Vĩnh Phúc, đường Nguyễn Viết Xuân là một trong những đường dài ở Vĩnh Yên, và tên ông cũng được đặt cho rất nhiều trường học trong tỉnh.
Ông được ca ngợi trong thơ của Xuân Sách, sau đó nhạc sĩ Huy Du phổ thơ này thành bài hát “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (1967).
Điều ước giản dị của gia đình anh hùng Nguyễn Viết Xuân
Xã Ngũ Kiên (huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc) hiện lên với khung cảnh bình yên của ngôi làng ven đê, với một con đường nhỏ chạy giữa những cánh đồng xanh rì lúa mới. Vùng quê giàu truyền thống yêu nước ấy đã sinh ra Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với lời kêu gọi chiến đấu bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
49 năm đã trôi qua kể từ ngày người anh hùng ấy hy sinh, trong căn nhà nhỏ giữa ngôi làng êm đềm nằm ven đê tả ngạn sông Hồng, bà Nguyễn Thị Thanh đã tần tảo khuya sớm nuôi dưỡng hai người con trưởng thành và yên bề gia thất. Cuộc đời kiên cường nhưng hết sức bình dị của bà cứ dịu dàng trôi đi bằng những ký ức sâu nặng về người chồng anh hùng đã hy sinh gần nửa thế kỷ.
Người anh hùng bước ra từ câu chuyện lịch sử
Nhập ngũ tháng 11.1952, ban đầu Nguyễn Viết Xuân là chiến sĩ trinh sát, rồi tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, sau làm chính trị viên đại đội. Bất kỳ ở cương vị nào, anh cũng xung phong đi đầu, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh đã cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, không ngại hy sinh, gian khổ, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, đơn vị của anh làm nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng. Năm 1964 bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta, Nguyễn Viết Xuân với vai trò là một bí thư chi bộ, một chính trị viên đại đội pháo cao xạ, đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên quyết tiến công địch.
Tiêu biểu là trận đánh địch ngày 18.11.1964. Trong trận chiến đấu này, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng Chalo thuộc miền tây tỉnh Quảng Bình. Cả trận địa nổ súng giòn giã, ta đánh trả quyết liệt, một chiếc trong tốp bay của địch trúng đạn bốc cháy, nhưng một chiếc khác đã phóng một loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc tỏ rõ khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”
Giữa làn bom đạn địch, tiếng hô dõng dạc của anh vang trên trận địa đã trở thành khẩu hiệu khích lệ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn đơn vị và trên khắp các chiến trường đánh Mỹ. Lưới lửa của đại đội vây chặt lũ máy bay Mỹ. Một chiếc nữa đã phải đền tội ác. Trận chiến đấu vừa tạm dứt, anh đi khắp các khẩu đội để nắm tình hình động viên quyết tâm tiếp tục chiến đấu.
Máy bay địch lại ập đến, chúng điên cuồng bắn phá trận địa của đại đội. Nguyễn Viết Xuân bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải. Nhưng anh vẫn thản nhiên bảo y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân, bỏ chân đi cho đỡ vướng. Đồng chí nói: “Tôi không việc gì” và căn dặn y tá không được cho mọi người biết. Sau trận chiến đấu ác liệt, anh chỉ định người thay thế, phân công người chăm sóc các đồng đội bị thương, bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ, rõ ràng.
Trong nhật ký của liệt sĩ Trần Đình Khang (nay là hiện vật của Bảo tàng Phòng không – Không quân) – một chiến sĩ trong đại đội do Nguyễn Viết Xuân làm chính trị viên – kể lại: “Hồi 11 giờ ngày 18.11.1964 giặc Mỹ đã cho máy bay đi bắn phá người dân lương thiện, chúng ta bắt đầu chiến đấu với nó. Ta chiến thắng, giặc Mỹ thua. 3 chiếc máy bay phải đền tội rơi cạnh trận địa. Trận thứ 3, hồi 2 giờ 5 phút chiều, viên đạn 20 ly đã nổ, làm cho đồng chí Nguyễn Viết Xuân giập nát đôi chân. Tôi, Tình, Xuân ngồi trong một hầm mà chỉ đồng chí Xuân bị hy sinh. Khi ấy chúng tôi rất thương, quyết trả thù cho đồng chí, nghe những lời Xuân nói: “Nhằm thẳng vào quân thù mà bắn!!!” thúc giục lòng căm thù càng cao”.
Những dòng ký ức ít ỏi về người chồng, người cha anh hùng
Khi hy sinh, Nguyễn Viết Xuân là thiếu uý, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, sư đoàn 325, Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân được truy tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào ngày 1.1.1967.
Đọc “Truyện kể lịch sử” từ khi còn học tiểu học, rồi qua sách báo. Đó là tất cả những gì tôi biết về một người anh hùng chiến trận. Một buổi chiều hè, nắng đã nhạt dần trên những nếp nhà ngói thâm nâu, tôi tìm đến thăm gia đình người anh hùng, thắp một nén hương rồi lặng nghe những câu chuyện đời hết sức bình dị của bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1934) – vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân.
Nguyễn Viết Xuân sinh năm 1934, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Lên 7 tuổi, ông đã phải sống cuộc đời ở đợ cho gia đình địa chủ suốt 10 năm. Kết hôn từ khi chưa đầy 18 tuổi, hai ông bà cùng trang lứa với nhau, hai nhà ở cùng một xóm, chỉ cách nhau “cái giậu mồng tơi”. Quãng thời gian hơn 10 năm sau khi thành vợ thành chồng cũng là khoảng thời gian ông cống hiến trọn đời mình cho đất nước. Hai lần được nghỉ phép về quê nhà với vài ngày ngắn ngủi không đủ để người vợ hiền có một ký ức đầy đủ và dày dặn về chồng mình. Ký ức của bà dừng lại đột ngột và bị gián đoạn.
Trước tiên là lúc hai ông bà nên duyên chồng vợ. Thuở ấy, quê hương Ngũ Kiên vẫn còn bị thực dân Pháp cai trị. Ngày cưới, làng vẫn còn có tục trao nón đón rước dâu, giã giò, đốt pháo… Tròn 18 tuổi, ông dũng cảm vượt vùng tạm chiếm ra vùng tự do, xin đi bộ đội, bà ở lại quê nhà ngày đêm ngóng đợi tin chồng. Lúc hy sinh, Nguyễn Viết Xuân mới tròn 30 tuổi.
Đôi mắt buồn xa xăm, bà Thanh vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngẫm ngợi kể: “Ông ấy đi chiến đấu, ít về nhà đến nỗi mà khi hy sinh bao nhiêu năm rồi, tôi cũng chưa một lần mơ thấy ông ấy. Gần 50 năm rồi, ông ấy cứ trẻ mãi trong cái ảnh kia, tôi thì già đi, suốt ngày mở mắt ở kia mà có nói câu nào với tôi đâu! Hy sinh một tháng thì đơn vị về báo tử. Lúc ấy, tôi đương có bầu cô Lâm được 5 tháng. Ông ý về phép lần cuối cùng tháng 6 năm 1964…”
Ngày bấy giờ, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, toàn dân, toàn quân cũng đánh Mỹ. Tấm gương chiến đấu anh dũng quên mình vì nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Viết Xuân được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị rất cảm phục, lời kêu gọi bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” vang khắp các trận địa. Cả đại đội 3 pháo cao xạ đã dấy lên một cao trào thi đua, kiên quyết chiến đấu lập công, trả thù cho người chính trị viên yêu quý của mình.
Trong lúc ấy, quê hương Vĩnh Tường quặn lòng hy sinh một người con anh hùng. Đau đớn, thương tiếc nhưng phải kìm lại dòng nước mắt, phải giấu kín nỗi đau trong lòng bởi đất nước còn chiến tranh, người còn ngã xuống. Người phụ nữ trẻ tê tái trong nỗi đau mất chồng, đứa con trai mới tròn 4 tuổi, đứa còn trong bụng mẹ, không bao giờ được gặp bố một lần. Ký ức ngày ông hy sinh ùa về, bà Thanh kể: “Ôi trời ơi. Ông ấy hy sinh, tôi rụng rời, hàng năm trời tôi có làm được cái gì đâu mà. Ốm đau triền miên. Lúc đó thằng lớn mới 4 tuổi, tôi có thai 5 tháng, cô Lâm còn chưa ra đời cơ mà. Chỉ nghĩ được nước làm sao sống để mà nuôi con nữa thôi”
Nhắc đến chuyện đời giản dị của người anh hùng, cả người vợ hiền và người con trai của ông đều không giấu được những hụt hẫng và mất mát. Dường như, nỗi đau của họ là có quá ít ký ức về chồng, về cha mình. Đôi mắt của anh Nguyễn Viết Lai – con trai của anh hùng Nguyễn Viết Xuân – như trĩu xuống, hai tay ôm vào má như giấu giếm một nỗi đau bất chợt dội về từ xa xăm nào đó: “Lúc bố hy sinh, tôi còn nhỏ quá, không nhớ được gì về ông cả. Sau này đi học thì mới được biết ít nhiều về ông qua sách vở. Rồi bạn bè cũng thì thầm: kia là con của anh hùng đấy. Nhưng tôi thì lủi đi vì tôi không còn bố nữa”.
Lúc ra đi, dứt bỏ quãng đời của người đi ở, đến với cách mạng, người trai trẻ Nguyễn Viết Xuân chỉ có độc bộ quần áo rách trên người. Lần cuối cùng về thăm gia đình, trước khi trở lại chiến trường, Nguyễn Viết Xuân còn căn dặn nếu sinh đứa con thứ hai là con gái thì phải đặt tên là Lâm để ghi nhớ quãng đời sống gắn bó với chiến trường, với rừng núi trong đời người lính. Tháng 2.1965, cô gái Nguyễn Thị Lâm ra đời. Và người con gái ấy đã không bao giờ được gặp người cha anh hùng của mình lấy một lần.
“Hãy cho ông ấy được gần con cháu”
Lúc rời quê hương ra đi và khi đồng đội mang những di vật trở về quê nhà, tất cả cũng chỉ gói gọn trong hai chữ “giản dị”. Một quyển nhật ký chính trị viên, đôi dép caosu, một bi đông nước, một con dao, cái thước, vài mẩu giấy tờ nho nhỏ, tấm chăn sờn hay bộ quần áo lính đã bạc màu. Thế rồi, tất cả trở thành những kỷ vật vô giá đối với mảnh đất quê hương này. Ai ghé thăm xã Ngũ Kiên cũng hy vọng có một ngày, một gian nhà tưởng niệm sẽ được dựng lên, những kỷ vật của người anh hùng đã hy sinh quả cảm cho đất nước sẽ được gìn giữ và trưng bày một cách trang trọng hơn. Lớp lớp các thế hệ học sinh ở ngôi trường mang tên Nguyễn Viết Xuân sẽ được nghe kể câu chuyện không bao giờ cũ về một con người anh hùng.
Bà Nguyễn Thị Thanh đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Lúc nào bà cũng ngẫm ngợi, mỗi khi năm hết Tết về là thêm một mùa xuân nữa ông xa nhà, xa con cháu. Ngần ấy năm, bà chỉ được thắp hương, vun vén mộ phần của ông có hai lần. Bà buồn rầu kể: “Năm 1979, tôi được đi một lần, đến năm 1987 lại được tỉnh Vĩnh Phúc đưa đi một lần nữa bằng ôtô. Giờ thì tôi không đi được nữa vì yếu rồi, mấy trăm cây số, lại phải đi bằng tàu. Gia đình tôi muốn đưa hài cốt ông ấy về quê nhà. Sao mà khó thế? Hãy cho ông ấy được gần con, gần cháu”. Tình người thì trăm năm hãy còn nhưng tâm nguyện chưa thành nên lúc nào nỗi lo cũng canh cánh trong lòng người mẹ già suốt đời tần tảo. Đó là nỗi buồn, nỗi lo chính đáng của bất cứ người còn sống nào đối với người thân đã khuất.
Anh Nguyễn Viết Lai tâm sự: “Phần mộ của bố tôi ở mãi nghĩa trang Tiên Hóa (tỉnh Quảng Bình) ấy. Gia đình muốn đưa ông về quê nhà mà chính quyền còn chưa đồng ý. Chúng tôi đã gửi đơn đến Sở LĐTBXH của hai tỉnh mấy lần mà không được. Dù sao bố tôi cũng là một anh hùng, nếu gia đình tự đưa về thì không phải lẽ. Chúng tôi muốn xin chính quyền đưa đón ông về đàng hoàng, nhưng tỉnh đây không giới thiệu cho đi mà tỉnh trong đấy cũng không cho đưa về. Bố tôi đã xa gia đình mấy chục năm rồi. Bây giờ hòa bình rồi, hãy để bố tôi được về gần gia đình, được trở về quê nhà”.
Mỗi năm, đến ngày giỗ của ông, bà và các con phải ngậm ngùi thắp nén hương mà hướng lòng về miền Trung xa xôi. Mong ước cuối cùng khi về già của bà Thanh là được đón hài cốt của ông trở về quê nhà để con cháu được thường xuyên hương khói, tận hiếu với người đã khuất. Việc ấy, gia đình rất cần sự giúp đỡ của các ban ngành, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Quảng Bình để người anh hùng ấy có một sự trở về xứng đáng. Mong sao, UBND hai tỉnh sớm làm việc, thống nhất để có thể đưa mộ phần Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân trở về quê nhà như tâm nguyện của gia đình liệt sĩ.
Viết đến đây, tôi lại nhớ, có một nhạc sĩ đã viết về làng quê ấy, con người ấy với những ca từ da diết như thế này: “Qua đất trung du xanh màu lá biếc, quê anh yêu dấu tím đỏ đồi sim, chân bước đi xa lòng còn ở lại, quê hương anh đấy ngỡ quê hương mình…”. Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng ở nơi quê hương yên bình ấy, xóm làng, gia đình và những người thân yêu vẫn luôn chờ đợi sự trở về nơi an nghỉ cuối cùng, trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của người anh hùng chiến trận.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp