Nguyên Phi Ỷ Lan là ai?
Nguyên Phi Ỷ Lan (chữ Hán: 倚蘭, 7 tháng 4, 1044 – 24 tháng 8, 1117) hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu (靈仁皇太后), là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam.
Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, giúp đất nước dưới triều triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều nhà Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương. Tuy vậy, để có thể có quyền hành nhiếp chính đất nước, bà đã mưu kế dựa vào Lý Thường Kiệt, phế truất và sát hại Thái hậu nhiếp chính tiền nhiệm là Thượng Dương Hoàng thái hậu. Việc làm này đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh bà.
Cuộc đời của Nguyên Phi Ỷ Lan
Nguyên Phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông. Bà hai lần buông rèm nhiếp chính thay vua (chồng và con) trị quốc an dân, đắp đê phòng lụt, chống giặc ngoại xâm, chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, giúp dân chăm lo sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa, cấm giết trâu bò, mở kho cứu đói, đổi mệnh cho cung nữ… Công lao đóng góp to lớn của người phụ nữ Kinh Bắc với quốc gia Đại Việt đã được lịch sử ghi danh và đưa vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong lịch sử phong kiến nước nhà.
Theo sử liệu ghi chép, triều Lý có một người phụ nữ nổi tiếng tài năng xuất chúng, tư chất thông tuệ hiếm có, đó là Nguyên Phi Ỷ Lan. Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi, xưa thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội).
Kể rằng, vua Lý Thánh Tông tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi. Mùa xuân năm ấy, nhà vua xa giá đến cầu tự ở chùa Dâu, dọc đường trai gái già trẻ các làng đều nô nức ra rước vua, duy chỉ có người con gái hái dâu chẳng hề bận tâm đến cảnh vui mừng đó. Nàng vừa làm vừa ca hát dưới gốc cây lan. Vua đi qua nghe tiếng hát ngọt ngào, trong trẻo, lại thấy cô thôn nữ dung mạo đoan trang, đối đáp lưu loát, vua xao xuyến cảm mến đưa về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vài năm sau Ỷ Lan sinh hoàng tử Lý Càn Đức, được vua phong làm Thần Phi, sau lại phong là Nguyên Phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu.
Khác với các cung phi, Ỷ Lan không để tâm đến việc trau chuốt nhan sắc, không mang đàn ca lấy lòng vua mà chuyên tâm học hỏi, đọc sách, nghiền ngẫm thi thư, lễ nghĩa để giúp vua việc nước. Chỉ trong thời gian ngắn, triều thần đều kinh ngạc, khâm phục trước sự hiểu biết uyên thâm nhiều mặt của bà. Với trí thông minh, suy nghĩ sắc sảo, thấu tình đạt lý, Ỷ Lan trở thành phụ tá đắc lực và được vua sùng ái, tin yêu hết mực.
Bởi thế, năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Ở lần nhiếp chính này, Đại Việt bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn, nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán, táo bạo của Nguyên Phi mà loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống, đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn, giữ cảnh thái bình thịnh trị.
Lần nhiếp chính thứ hai của Ỷ Lan là khi Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời (1072), thái tử Lý Càn Đức chỉ mới 7 tuổi lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Giai đoạn này, quân Tống phát đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quốc gia lâm nguy, Thái hậu Ỷ Lan vừa dạy dỗ con thơ vừa cùng các triều thần nhà Lý lo việc nước. Bà cùng Thái sư Lý Đạo Thành huy động sức người sức của, vận chuyển binh lương ra tiền tuyến cho Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc, lập lên chiến công hiển hách. Nhờ vậy, giang sơn xã tắc Đại Việt được giữ vững và tiếp tục mở mang phát triển, tạo nên một thời kỳ cường thịnh rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà mà có người còn gọi đó là thời kỳ Ỷ Lan.
Ỷ Lan cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam quan tâm đến thân phận phụ nữ. Bà không chỉ mong muốn giải phóng, mang lại hạnh phúc cho phụ nữ mà còn muốn mang lại sự bình ổn về giới, cân bằng âm dương, bởi đó là nền tảng cơ bản để xây dựng một hình thái xã hội lý tưởng nhất.
Giới nghiên cứu lịch sử đương đại đánh giá, có lẽ do cốt cách của bà từ thuở hàn vi vốn xuất thân là một thôn nữ nên bà hiểu biết về xã hội, đồng cảm được với những phận người cùng khổ! Cũng có người lý giải, sở dĩ Ỷ Lan có được một tâm hồn như thế bởi bà là người sùng đạo Phật nên thấm nhuần tư tưởng từ bi của Phật giáo… Chính bởi vậy, tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất hàng trăm ngôi chùa, đền ở nhiều vùng quê châu thổ Sông Hồng, trong đó ngôi chùa Phật Tích ở Tiên Du có đóng góp công lao rất lớn của bà.
Năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan từ trần, thọ 73 tuổi. Mùa thu tháng 8 cùng năm ấy, bà được an táng ở Thọ Lăng Thiên Đức thuộc phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn. Cuộc đời Nguyên Phi Ỷ Lan để lại cho hậu thế nhiều bài học quý về tinh thần tự học, về tài trị nước, đức độ nhân từ, lại có công sinh thành, dưỡng dục một vị minh quân “trí tuệ hiếu nhân” là vua Lý Nhân Tông cho đất nước… Công lao ấy của Ỷ Lan Nguyên Phi muôn đời vẫn còn nhắc mãi. Tri ân công đức của bà với non sông Tổ quốc, nhân dân đã xây chùa, đền thờ bà ở nhiều nơi và tôn vinh là Phật Bà Quan Âm. Người dân Kinh Bắc gọi bà – người con gái của quê hương là Bà Tấm xứ Bắc.
Hành trình của Nguyên phi Ỷ Lan, từ cô thôn nữ hái dâu đến người thay vua trị vì đất nước
Đây có lẽ là bà Hoàng “lắm tài nhiều tội” và quyền lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam phong kiến.
Không riêng gì các quốc gia có nền quân chủ phong kiến nổi tiếng như Trung Hoa mới có những bà Hoàng, bà Hậu vang danh về cả công lẫn tội được cả thế giới biết đến mà ngay tại Việt Nam chúng ta, trong lịch sử cũng có một vị Hoàng phi vô cùng nổi tiếng là “lắm tài nhiều tội”. Bà có xuất thân nghèo hèn mà lại một bước lên ngôi phi của Hoàng thượng, sau đó thậm chí còn có giả thuyết cho rằng bà bức tử cả chính thất Hoàng hậu và 72 phi tần, nghiễm nhiên ngồi vào vị trí Hoàng Thái hậu xong nắm trọn quyền lực trong tay, kể cả chính sự. Vị Hoàng phi đặc biệt của lịch sử nước Việt đó chính là Nguyên phi Ỷ Lan.
Theo sử liệu ngày nay còn lưu lại, Nguyên phi Ỷ Lan vốn có xuất thân hèn mọn là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi (còn có tên là làng Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sinh vào khoảng những năm 1044. Tên thật của bà khá mơ hồ huyền sử, có tài liệu ghi là bà tên Lê Khiết Nương, có thuyết thì bảo là Lê Thị Khiết, cũng có thuyết nói là Lê Thị Yến Loan. Tuy nhiên đều đó chẳng còn quan trọng, bởi sau này người ta chỉ nhắc đến bà với danh xưng Nguyên phi Ỷ Lan.
Sử sách cũng có ghi chép về cơ duyên đưa bà một bước lên được vị trí vạn người mơ ước phải nói là khá lãng mạn. Tương truyền vào năm Quý Mão 1063, Vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Thượng Dương đã bước vào tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con kế nghiệp, nên vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo, và trong một buổi sáng mùa xuân khi trên đường đi viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành), vua có đi ngang một ngôi làng, tại đây dân làng mở hội nghênh đón rất đông, già trẻ lớn bé đều quỳ hai bên đường để có thể được một lần nhắm nhìn long nhan.
Tuy nhiên, chỉ có riêng một cô thôn nữ là khác biệt, nàng không hề háo hức phấn khởi như những người khác mà chỉ e thẹn đứng tựa mình vào gốc cây lan để chờ đoàn người triều đình đi qua. Vua lấy làm lạ, bèn cho gọi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung khí khái nhưng lại toát lên nét thùy mị tới quỳ xuống tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng”.
Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa, trông nghèo nàn, lại ít chữ nghĩa nhưng cử chỉ thì đoan trang dịu dàng, lời nói phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa rành rành. Vua đem lòng quý mến, coi nàng như một món quà nhỏ, sai người đưa theo nàng về cung. Thế là bằng cơ duyên tình cờ, cũng có phần may mắn đó, cô thôn nữ hái dâu nuôi tằm nghèo hèn ngày nào đã trở thành một người con gái cung đình. Ban đầu Vua Lý Thánh Tông phong nàng làm cung nhân, sau đó đổi thành Ỷ Lan phu nhân. Ý Lan có nghĩa là tựa vào gốc cây lan, cái tên này dụng ý của vua có nghĩa là muốn kỷ niệm ngày gặp mặt giữa hai người.
Thế rồi chuyện tình lãng mạn cũng có cái kết tốt đẹp, vào năm 1066 Ỷ Lan phu nhân hạ sinh Hoàng tử Lý Càn Đức. Nhưng ngay hôm sau, vì Lý Thánh Tông không có con trai kế nghiệp nào khác nên Hoàng tử Lý Càn Đức liền được sắc phong thành Hoàng Thái tử, vị trí sẽ nắm quyền kế vị đầu tiên khi vua cha qua đời. Ỷ Lan vì thế cũng được sắc phong làm Thần phi. Năm 1068, Thần phi sinh thêm con trai nữa và được vua phong làm Nguyên phi, địa vị trong hậu cung chỉ sau Dương Hoàng hậu.
Tuy chỉ là phận nữ nhi nhưng kể từ lúc vào cung cho đến khi đạt được đến vị trí Nguyên phi, Ỷ Lan vẫn luôn luôn tỏ ra mình là một người hiếu tri và trí thông minh kỳ lạ. Nàng thích đọc sách và nhiên cứu những phương pháp trị nước để giúp chồng trấn giữ giang sơn. Đó cũng chính là lý do khiến vua Lý Thánh Tông cảm phục và yêu thương nàng hơn, thậm chí ông còn giao cả việc nhiếp chính cai quản chuyện xã tắc cho Nguyên phi Ỷ Lan khi ông thân chinh đi diệt giặc phương xa. Không chỉ vậy, đất nước trong tay Nguyên phi Ỷ Lan tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đời sống muôn dân được cải thiện rõ rệt khiến vị thế của bà càng lúc càng cao.
Tháng Giêng, năm 1072, vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà, thọ 48 tuổi, trị vì được 18 năm. Hoàng thái tử Lý Càn Đức lên ngôi kế nghiệp, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Nhân Tông kế nghiệp khi mới 6 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Linh Nhân Thái phi, tôn Dương Hoàng hậu làm Thượng Dương thái hậu. Theo luật xưa, khi hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì Thái hậu sẽ được quyền nhiếp chính. Như vậy, chỉ vì các quy định của triều đình mà Ỷ Lan, vừa là mẹ vua, vừa là một người có tài chính trị nhưng lại mất quyền nhiếp chính vào tay Thượng Dương Thái hậu – người không thể sinh nổi cho vua một mụn con. Điều này khiến bà tức tối và tìm cách chiếm quyền nhiếp chính.
Có giả thuyết cho rằng Ỷ Lan đã bàn mưu tính kế cùng người thân cận, giả ốm để chờ Hoàng thượng nhỏ tuổi tới thăm, nhằm tận dụng hoàn cảnh cũng như mối quan hệ mẹ con để đánh vào tình cảm của Lý Nhân Tông. Đúng như tính toán của bà, khi nghe tin mẹ ốm, Hoàng thượng đã vội vã vào cung thăm hỏi. Ỷ Lan không bỏ lỡ cơ hội khóc lóc, than vãn về sự bất công trong triều đình và khéo léo truyền đạt ý muốn được nhiếp chính của mình đến với nhà vua. Màn kịch hoàn hảo của Ỷ Lan đã khiến Lý Nhân Tông hoàn toàn bị bà chi phối.
Dưới sự dẫn dắt của Ỷ Lan, vị vua trẻ đã quyết định đày Thượng Dương Thái hậu cùng 72 cung nữ thân cận vào lãnh cung, phong mẹ mình trở thành Thái hậu mới. Vậy là với đầu óc mưu lược của mình, Ỷ Lan đã giành lại được địa vị tối cao trong triều đình nhà Lý, thao túng quyền lực đằng sau tấm rèm nhiếp chính mỗi khi lên triều. Chưa dừng lại ở đó, vì sợ Thượng Dương Thái hậu còn sống sẽ làm ảnh hưởng đến vị trí của mình, Ỷ Lan đã tìm cách bức tử cả bà cùng 72 cung nữ.
Và cái kết là cả chủ tớ vị Hoàng hậu cũ đã chết tức tưởi. Thượng Dương Thái hậu đã phải tự sát bằng dải lụa trắng mà vua ban cho. 72 cung nữ phải từ giã cõi đời.
Năm 1076, triều Tống phát đại binh sang xâm chiếm nước Đại Việt. Thái hậu Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt và một số quần thần bày mưu chống địch, kết quả quân đại Tống hùng hổ toan làm cỏ nước Đại Việt đã phải cam chịu thất bại rút quân về nước. Trong chiến thắng này, công lao của Thái hậu Ỷ Lan là vô cùng lớn. Như thế, cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi năm nào, sau 13 năm tiến cung, không chỉ trở thành một Nguyên phi bình thường mà còn trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam.
Về già, vốn là một người sùng đạo Phật, Thái hậu Ỷ Lan càng để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo. Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 chùa, đền. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương Thái hậu và 72 thị nữ nên mới làm như vậy. Đến năm 1117 Thái hậu Ỷ Lan qua đời, kết thúc cuộc đời của một bà Hoàng “lắm tài nhiều tội”, có xuất thân nghèo hèn, đặc biệt bậc nhất trong dòng lịch sử Việt Nam.
Nguyên Phi Ỷ Lan trong thần tích, cổ tích
Về thân thế, con người và sự nghiệp Ỷ Lan trong thần tích, phải kể đến bản diễn ca thần tích: Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ về Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) tương truyền do Thị nội cung tần Trương Thị Ngọc Trong sáng tác. Bản diễn ca này được chép trong cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả (tài liệu hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.959) gồm 606 câu, dưới bản Diễn ca thần tích tác giả ghi thời gian hoàn thành là tháng 8 năm 1759 (tức năm Cảnh Hưng thứ 20 đời Lê Hiển Tông).
Tác giả Tân An trong bài viết Nữ sĩ Trương Thị Ngọc Trong (Báo Nhân dân cuối tuần, số ra ngày 13/3/2012) đã tóm tắt nội dung bài diễn ca thần tích như sau:
– Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Khiết Nương (nàng Khiết), cha là người nông dân họ Lê, người thôn Thổ Lỗi (như diễn ca viết Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê), huyện Gia Lâm. Năm Khiết Nương 12 tuổi thì mẹ đẻ mất, cha lấy mẹ kế họ Ðồng; không lâu sau thì cha cũng qua đời, Khiết Nương sống với mẹ kế. Hai người rất thương quý nhau. Khiết Nương thường đi lễ chùa làng, cầu duyên.
– Năm Giáp Thìn 1064, vua Lý Thánh Tông đã 38 tuổi mà chưa có con, đến chùa Thổ Lỗi cầu tự, rồi cho tổ chức hội để tuyển cung nữ tại vùng quê này. Trong khi mọi người nô nức đi hội, là con nhà nghèo, Khiết Nương vẫn đi làm cỏ ngoài ruộng. Một ông bán dầu đi qua, trò chuyện với Khiết Nương, thấy ở trên đầu nàng có đám mây ngũ sắc, đã đoán rằng Khiết Nương sẽ là cung phi. Vua Lý Thánh Tông thấy Khiết Nương một mình bên đám cỏ lan, lấy làm lạ, đã cho gọi vào hỏi chuyện, rồi cho đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân.
– Một thời gian sau, theo lời vua, Ỷ Lan sai một Thái giám là Nguyễn Bông đi cầu tự. Tới chùa Thánh chúa ở làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bông gặp nhà sư Ðại Ðiên, được bày kế đầu thai để làm vua ở kiếp sau. Nguyễn Bông rình nhìn trộm Ỷ Lan tắm, bị bắt quả tang và chịu án chém (ở làng Vòng có cánh đồng Bông, tương truyền là nơi xử tội Nguyễn Bông), Ỷ Lan có thai, đủ mười tháng thì sinh Thái tử Càn Ðức và được phong làm Thần phi. Vài năm sau, bà lại sinh Hoàng tử (sau được phong là Sùng Hiền hầu).
– Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Ðức nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi nên Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tạm cầm quyền chính trị. Trong thời gian nhiếp chính, bà có cho xây dựng nhiều chùa chiền ở nhiều nơi… Lý Nhân Tông không có con. Học trò của sư Ðại Ðiên cho rằng, Lý Nhân Tông do Thái giám Nguyễn Bông đầu thai nên không thể có con. Lý Nhân Tông cùng Thái hậu bèn nuôi con trai của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán và lập làm Thái tử. Dương Hoán lại là hóa thân của thiền sư Từ Ðạo Hạnh, sau lên ngôi với hiệu Lý Thần Tông. Cuối bài diễn ca nêu rằng, Khiết Nương nhờ tin vào đạo Phật, có công đức nên được giàu sang danh vọng, khi mất hóa thành Phật.
Câu kết diễn ca viết rằng:
Ðời sau lấy đấy làm gương
Làm phúc được phúc, tỏ tường chép ghi.
Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn trước hết là tác phẩm văn chương, viết bằng chữ Nôm dưới thể “lục-bát”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chất “sử” trong bài diễn ca, theo tác giả Tân An: “những sự kiện chính yếu như việc vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Thổ Lỗi, thấy Ỷ Lan bên đám cỏ lan, như việc Ỷ Lan phu nhân sinh thái tử Càn Ðức, việc Ỷ Lan Hoàng Thái hậu tạm nắm quyền chính sự… khá khớp với chính sử đã chép”.
Bạn đang xem: Nguyên Phi Ỷ Lan là ai? Cuộc đời của Nguyên Phi Ỷ Lan
Ngoài ra, năm 1998, Hoàng Xuân Hãn công bố cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Phần viết về Ỷ Lan (Chuyện Ỷ Lan – tập 3 phần III Văn học, Nxb Giáo dục) từ trang 971 đến trang 1054 dựa trên cở sở khảo cứu bản phiên âm thần tích của Trương Thị Ngọc Trong. Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn bố cục Chuyện Ỷ Lan làm 3 phần chính, sau bài tựa là các mục: 1/ Gốc chuyện; 2/ Tác giả chuyện Nôm; 3/ Văn bản và cuối cùng là bảng kê các từ hay nghĩa cổ.
Liên quan đến Chuyện Ỷ Lan, TS. Trương Đức Quả đã Góp thêm cách hiểu một số từ trong chuyện Ỷ Lan (bài viết in trên Tạp chí Hán Nôm, số 1 (74) 2006, Tr.63-68). Mục đích của tác giả khi công bố bài viết là muốn “góp thêm một cách hiểu về tác giả và cách hiểu một số từ trong Chuyện Ỷ Lan của cố học giả Hoàng Xuân Hãn”.
Ngoài thần tích, Ỷ Lan còn là đối tượng khảo cứu của bộ Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam. Phần “Khảo dị” về chuyện cổ tích Tấm Cám (Nxb Giáo dục, 1957), Nguyễn Đổng Chi có dẫn một dị bản khác về chuyện Tấm Cám. Dị bản này đã có những lí giải tương đối hợp lý cho câu hỏi vì sao Ỷ Lan lại được gọi là Bà Tấm (chùa do Hoàng Thái hậu xây dựng được dân gian gọi là Chùa Bà Tấm). Theo đó, nhân vật Cám là chị, nhân vật Tấm là em “Ở làng Thổ-lỗi (hay Siêu-loại) huyện Gia Lâm có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tinh chuyên trồng dây nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm”. Phần tiếp theo của truyện “cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh nhân”.
Bản “Khảo dị” của Nguyễn Đổng Chi còn cung cấp thêm nhiều thông tin khác, liên quan đến tích “Nguyễn Bông đầu thai”, “hoàng hậu họ Dương” và “bảy mươi mốt cung nữ” … Tác giả Nguyễn Đổng Chi đã dẫn tư liệu từ cuốn Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích nhưng đáng tiếc là nguồn tài liệu này đến nay không còn.
Còn theo Nguyễn Khắc Thuần: chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách “Thiền uyển tập anh” rất có giá trị sau này (Việt sử giai thoại – tập 2, Lược truyện về Ỷ Lan, tr.34). Với vị thế là tác giả bài kệ Ngộ đạo nổi tiếng, PGS. TS. Nguyễn Đăng Na trong cuốn Văn học thể kỷ X-XIV (Nxb Khoa học xã hội, 2004) đã xếp Ỷ Lan là một trong những “tác gia văn học thời Lý – Trần”.
Như vậy có thể thấy, nguồn tư liệu dân gian đã bổ sung, góp phần giải mã không ít vấn đề còn bỏ ngỏ. Từ chuyện Ỷ Lan có khí chất của một Nguyên phi và sau này là Hoàng thái hậu (trên đầu có đám mây ngũ sắc) đến việc Bà không thể có cháu nội (con trai – Lý Nhân Tông – là một thái giám đầu thai) và cả những kiến giải về hệ thống cổ tự do Ỷ Lan chỉ đạo xây đựng được gọi tên là Chùa Bà Tấm.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp