Ngô Chí Dũng VNVC là ai?
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, VNVC được thành lập vào tháng 11/2016, vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Ngô Chí Dũng, sở hữu 40% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Hà và bà Nguyễn Thị Xuân cùng sở hữu 30%.
Doanh nghiệp có trụ sở chính tại 180 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội với người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Chí Dũng (sinh năm 1974, Hà Nội). Người này đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNVC.
Thông tin về VNVC
VNVC có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng, cụ thể là tiêm chủng. Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký thêm 21 ngành nghề kinh doanh khác gồm bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược.
Hiện tại, đơn vị phân phối này sở hữu hệ thống tiêm chủng có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam với khoảng 50 trung tâm tiêm chủng, 50 kho bảo quản vaccine trên toàn quốc. Doanh nghiệp cũng giới thiệu có đội ngũ 2.000 bác sĩ, gần 3.000 điều dưỡng viên.
Năm 2019, VNVC ghi nhận 2.334 tỷ đồng doanh thu thuần và 601 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là năm đầu tiên công ty báo lãi với mức lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng.
Trước đó, công ty lỗ 7,5 tỷ đồng và 39 tỷ đồng vào các năm 2017 và 2018. Doanh thu thuần của năm 2017 là 32 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 7,6 tỷ đồng, trong khi con số của năm 2018 lần lượt là 446 tỷ đồng và 120 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, quy mô vốn điều lệ công ty cũng được bổ sung. Vốn điều lệ của VNVC tăng lên 80 tỷ đồng rồi tăng tiếp lên 140 tỷ đồng vào tháng 7/2020.
Hệ sinh thái ngành dược của doanh nhân Ngô Chí Dũng
Bên cạnh VNVC, Công ty cổ phần Dược phẩm Eco (Eco Pharma) và Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh cũng nằm trong hệ sinh thái ngành dược của doanh nhân Ngô Chí Dũng.
Tại Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh, ông Dũng nắm giữ tới 50% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 9/2007, hiện do bà Ngô Thị Ngọc Hoa (sinh năm 1975) làm người đại diện pháp luật, đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, địa chỉ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Với diện tích hơn 10.000 m2, bệnh viện gồm khu khám, chữa bệnh hiện đại, khu nghỉ dưỡng, khu dịch vụ, nhà hàng.
Doanh thu của bệnh viện này trong năm 2019 đạt 661 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018. Lợi nhuận gộp là 123 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ báo lãi 1,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, Eco Pharma được nhớ đến với các sản phẩm được quảng cáo nhiều trên TV như “Sâm Alipas – Tăng cường sinh lực phái mạnh” hay “Sâm Angela Gold – Sức khỏe, sắc đẹp”. Công ty này chuyên nhập khẩu, phân phối các mặt hàng dược phẩm, vaccine – sinh phẩm, nguyên liệu dược, thiết bị – dụng cụ y tế và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Doanh nghiệp đồng thời sở hữu chuỗi nhà thuốc.
Giai đoạn 2017-2019, Eco Pharma đều ghi nhận doanh thu trên 1.200 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu (83 tỷ đồng). Năm 2019, doanh thu của công ty đạt 1.681 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018; lợi nhuận gộp đạt 549 tỷ đồng, tăng 10%. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi hơn 12 tỷ đồng.
Ông Ngô Chí Dũng còn là đại diện của Công ty cổ phần Eplus Research. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thuốc và dụng cụ y tế, ngoài ra là nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận.
Công ty có doanh thu thuần trong năm 2017 và 2019 lần lượt là 1,6 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng, trong khi năm 2018 không phát sinh doanh thu. Lợi nhuận gộp của Eplus Research trong năm 2019 đạt 151 triệu đồng.