Một số cách mở bài hay cho đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Mở bài đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Bạn đang xem: Mở bài đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
1. Mở bài 1
“Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những trích đoạn có vị trí đặc biệt trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Xét về kết cấu, đoạn trích là sự đánh dấu sự khởi đầu mười lăm năm lưu lạc đau khổ; xét về phương diện chủ đề, nội dung, đây là những vần thơ thể hiện rõ bi kịch “bán mình chuộc cha” và bị hạ thấp về giá trị tài năng, nhân phẩm của Thúy Kiều khi trở thành một món hàng trong tay bọn buôn người. Dựa trên biến cố của gia đình viên ngoại họ Vương, tác giả Nguyễn Du đã tái hiện bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến tàn bạo, cất lên tiếng nói đanh thép tố cáo thế lực đồng tiền tàn bạo và bày tỏ sự xót xa, đau đớn trước bi kịch bị hạ thấp nhân phẩm, giá trị của con người.
2. Mở bài 2
“Một ngày lạ thói sai nhaLàm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”
Những câu thơ tác giả Nguyễn Du sử dụng để miêu tả biến cố bị vu oan, hãm hại của gia đình viên ngoại họ Vương đã thể hiện sự đánh giá về sự ảnh hưởng của đồng tiền đối với cuộc sống của con người. Sức mạnh vạn năng của đồng tiền một lần nữa được tác giả nhấn mạnh qua trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”. Bằng tài năng trong việc xây dựng nhân vật, tác giả Nguyễn Du đã phác họa thành công bức chân dung giả dối, bất nhân của tên buôn người họ Mã, qua đó tái hiện, phơi bày bức tranh xã hội phong kiến vô nhân đạo xem nhẹ và rẻ rúng giá trị đích thực của con người. Đồng thời, đoạn trích còn thể hiện đôi mắt cảm thương, sự đau đớn, xót xa của đại thi hào Nguyễn Du trước bi kịch về nhân phẩm của Thúy Kiều.
3. Mở bài 3
Trong nền văn học Việt Nam, Thúy Kiều cùng những thiên bạc mệnh xuất hiện trong trang thơ của Nguyễn Du chính là “tấm gương oan khổ” đại diện cho số phận đầy bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” thuộc phần “Gia biến và lưu lạc” được xem là nốt nhạc buồn thương khởi đầu cho hành trình mười lăm năm thấm đẫm nước mắt, khổ đau của Thúy Kiều. Sau khi tai họa ập xuống, Vương Ông và Vương Quan bị bắt giữ, Thúy Kiều rơi vào tình cảnh “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”. Nàng quyết định hi sinh hạnh phúc cá nhân để bán mình cứu cha và em trai. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” đã phác họa chân thực, sinh động bi kịch về nhân phẩm của Thúy Kiều khi trở thành một món hàng trong tay bọn buôn người.
4. Mở bài 4
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một bản trường thiên miêu tả chân thực số phận bi kịch và đầy oan khổ của nhân vật Thúy Kiều. Bên cạnh hệ thống nhân vật chính diện với những phẩm chất, tài năng đẹp đẽ, phi thường như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải,… nhà thơ Nguyễn Du còn tái hiện thành công bức chân dung của những nhân vật phản diện đại diện cho sự tàn bạo, bất công của xã hội phong kiến Việt Nam thời bấy giờ. Mã Giám Sinh là gương mặt tiêu biểu trong số những nhân vật phản diện với bản chất đê tiện. Thông qua trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều”, tác giả Nguyễn Du đã bóc mẽ sự xảo trá ẩn sau vẻ bề ngoài tưởng chừng như thanh lịch của tên buôn người họ Mã.
————-HẾT—————
Các bạn có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác bên cạnh Mở bài đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều để có thêm kiến thức về đoạn trích, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Kết bài đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Suy nghĩ về thân phận Thúy, Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du, Phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều, Kể lại bằng lời văn của mình nội dung đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục