1. Mở bài số 1:
Thanh Hải là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, bởi vậy mà những sáng tác của ông trước năm 1975 thường hướng đến phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của dân tộc. Sau năm 1975 hòa chung với không khí giải phóng, những vần thơ của Thanh Hải cũng sôi nổi, tha thiết hơn khi hướng về cuộc sống mới, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. “Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ đặc sắc của Thanh Hải viết năm 1980, bài thơ là bức tranh mùa xuân rộn rã, tươi sáng của thiên nhiên, sự sống, đó cũng là lời nguyện ước chân thành, thiết tha của nhà thơ khi muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của bản thân để làm nên mùa xuân lớn của đất nước.
2. Mở bài số 2:
Mùa xuân là nguồn cảm xúc dạt dào trong thơ ca, bằng tài năng và những cảm nhận tinh tế, các nhà thơ, nhà văn đã đưa mùa xuân vào thế giới nghệ thuật với những đường nét, dáng vẻ thật đẹp, thật độc đáo, đó là “Mùa xuân con én đưa thoi” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là mùa xuân căng tràn sức sống ở “thời tươi” nhưng cũng ngắn ngủi, hữu hạn trong Vội vàng của Xuân Diệu “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”. Thanh Hải cũng đóng góp cho thơ ca một mùa xuân đặc biệt, mùa xuân ấy không quá sức lộng lẫy mà ấn tượng bởi vẻ đẹp giản dị với sắc tím của bông hoa, với âm thanh du dương, vang vọng của chim chiền chiện, và đặc biệt hơn cả mùa xuân ấy còn được điểm tô bởi cái tình của người thi sĩ, tình yêu thiên nhiên, đất nước thiết tha của nhà thơ được thể hiện trong lời nguyện ước chân thành: Muốn làm con chim, cành hoa để làm nên mùa xuân chung của đất nước.
3. Mở bài số 3:
Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác năm 1980 vào những ngày tháng cuối đời của nhà thơ. Bởi vậy, qua bài thơ độc giả không chỉ cảm nhận được bức tranh mùa xuân tươi tắn, sống động mà còn cảm động bởi tình cảm dạt dào, sâu lắng của nhà thơ dành cho thiên nhiên, đất nước. Tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước của nhà thơ không chỉ thể hiện qua những cảm nhận tinh tế về sự sống bừng nở của vạn vật khi xuân về mà còn là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” cùng lời nguyện ước chân thành muốn “lặng lẽ dâng cho đời” một mùa xuân nho nhỏ nhưng đầy nhiệt thành, tha thiết.
4. Mở bài số 4:
Trong bài Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải đã mở ra trước mắt người đọc một mùa xuân thật đặc biệt, đó không phải một “mùa xuân là cả một mùa xanh” của Nguyễn Bính, cũng không phải “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” trong thơ Hàn Mặc Tử mà là một mùa xuân nho nhỏ với sắc tím của cánh hoa, với tiếng du dương của chim chiền chiện, với cái long lanh của giọt sương. Có lẽ nét đặc biệt nhất trong bức tranh mùa xuân của Thanh Hải đó chính là sự hiện diện của một cái tôi yêu cuộc sống, yêu đất nước đến thiết tha, khắc khoải. Tình yêu ấy không chỉ bộc lộ trong niềm hân hoan, niềm tin trước cuộc sống mới của dân tộc sau giải phóng mà còn kết tinh trong nguyện ước chân thành, muốn dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của bản thân để góp phần làm nên vẻ đẹp mùa xuân lớn của đất nước.
——————-HẾT———————-