Luận điểm là gì? Yêu cầu của luận điểm là gì? Cách trình bày luận điểm và bài tập vận dụng sẽ là nội dung chính mà THPT Ngô Thì Nhậm muốn gửi đến các em trong bài học hôm nay. Mời các em theo dõi để nắm vững kiến thức bài học hơn nhé.
Luận điểm là gì?
Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hoặc phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.
Luận điểm được chia làm 2 loại là:
- Luận điểm chính: Làm kết luận, cái đích của bài viết
- Luận điểm phụ: Dùng làm luận điểm xuất phát hay luận điểm mở rộng
Yêu cầu của luận điểm là gì?
– Luận điểm phải chính xác, rõ ràng, phù hợp và phải làm sáng tỏ vấn đề đặt ra
– Các luận điểm trong bài văn phải liên kết chặt chẽ, sắp xếp theo một trình tự hợp lí:
+ Luận điểm nêu trước chuẩn bị cơ sở cho luận điểm nêu sau
+ Luận điểm nêu sau dẫn đến luận điểm kết luận
Xác định luận điểm như thế nào?
Trước khi bắt đầu viết một chủ đề, người viết cần biết cách xác định các luận điểm. Một số cách xác định luận điểm thông thường như:
– Dựa vào các dữ liệu có sẵn trong đề bài.
– Dựa vào cách đặt các câu hỏi.
– Dựa vào cách thức nghị luận.
Trình bày luận điểm là gì?
Trình bày luận điểm chính là lập luận, là cách trình bày lí lẽ, trình bày luận chứng, cách nêu dẫn chứng. Có nhiều cách trình bày luận điểm.
Trình bày luận điểm theo phương pháp diễn dịch
Luận điểm chính là câu chủ đề, đứng đầu đoạn văn.
Ví dụ:
“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay”. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử”.
(Sự giàu đẹp của tiếng Việt – Đặng Thai Mai)
“Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”.
(Gửi đồng bào Nam Bộ – Hồ Chí Minh)
“Phải biết hỏi trong khi học thì mới tích cực và sâu sắc. Hỏi để hiểu sâu hiểu rộng nội dung đang học, để đi tới cùng chân lí. Kiến thức về xã hội nhân văn. về tự nhiên, về khoa học và kĩ thuật là vô cùng rộng lớn bao la. Nhờ biết hỏi mà ta vươn lên không ngừng, mở rộng tầm mắt, tích luỹ được nhiều tri thức mới mẻ. Không thể học một cách thụ động, chỉ biết thầy đọc trò chép, mà phải biết hỏi, đào sâu suy nghĩ về mọi ngóc ngách của vấn đề đang học. Học đâu chỉ giới hạn ở lớp ở trường, trong mấy quyển sách giáo khoa? Hỏi để học ở thầy, ở bạn, ở trong cuộc sống. Biết hỏi mới tiến bộ, tránh giấu dốt!”.
(Học và hỏi – Lê Phan Quỳnh)
Bạn đang xem: Luận điểm là gì? Yêu cầu của luận điểm là gì? Cách trình bày luận điểm
Trình bày luận điểm theo phương pháp quy nạp
Luận điểm là câu chủ đề đặt ở cuối đoạn văn:
Ví dụ.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)
“Ở Việt Nam ta có câu tục ngữ “Có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ “Dân dĩ thực vi thiên”. Hai câu ấy tuy đơn giản, nhưng rất đúng lẽ.
Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kì quan trọng”.
(Hồ Chí Minh – Tháng 4 năm 1962)
Các luận điểm, luận cứ trong một bài văn nghị luận phải được trình bày theo một trật tự, trình tự hợp lí; liên kết với nhau, hô ứng nhau một cách chặt chẽ.
– Cách diễn đạt cần trong sáng, mạch lạc. Câu văn cần ngắn gọn, tránh dài dòng lê thê. Giọng văn là điều cần quan tâm đặc biệt. Hoa hòe hoa sói, ngụy biện, suy diễn một chiều, công thức cứng nhắc… sẽ làm cho bài nghị luận nhạt nhẽo. Hiện tượng nói dài, nói dai, nói nhảm, trống rỗng… ta luôn bắt gặp đó đây. Tính thuyết phục của văn nghị luận cần ghi nhớ và coi trọng.
Ví dụ:
“Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)
– Tội ác lớn nhất về kinh tế của thực dân Pháp đối với đất nước ta trong suốt 80 năm trời là luận điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên.
– Luận điểm được trình bày bằng 5 luận cứ (mỗi tội ác là một luận cứ) theo một hệ thống, một trật tự rất chặt chẽ. Lí lẽ đanh thép, giọng văn hùng hồn, gây ấn tượng mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục.
Ví dụ:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh; nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy. Vậy nên các đấng thánh đế, minh vương không ai không coi việc bồi dưỡng nhân tài, tin dùng kẻ sĩ, vun đắp nguyên khí là việc làm trước tiên…”
(Trích Bia Tiến sĩ, Văn miếu Thăng Long)
“Khi sống sung túc, phẩm hạnh lớn nhất là sự điều độ, còn khi gặp tai họa, phẩm hạnh lớn nhất là sự kiên cường.
Có ba điều đạt tới hạnh phúc: thân xác khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, và trái tim trong sạch”…
Vai trò của luận điểm trong văn nghị luận
Có thể nói, luận điểm đóng vai trò chủ chốt trong bài văn, thường là câu ở dạng khẳng định hoặc phủ định. Chỉ cần dùng phép liên kết câu, từ những luận điểm, ta có thể làm thành bài văn hoàn chỉnh.
01 bài văn nghị luận, 01 bài thuyết trình nhất thiết phải có luận điểm. Luận điểm giúp cho tác giả đạt được mục đích nghị luận.
- Luận điểm đóng vai trò liên kết các đoạn văn thành một văn bản hoàn chỉnh.
- Luận điểm giúp định hướng được cho độc giả (người đọc, người nghe).
Bên cạnh đó, hệ thống luận điểm chính là nền tảng, là cơ sở của nội dung văn bản. Luận điểm trong văn bản nghị luận được ví giống như cái khung cốt lõi trong cấu trúc tòa nhà, như xương sống của cơ thể con người.
Bài tập vận dụng về luận điểm
Bài 1: Chỉ ra các luận điểm trong đoạn trích sau:
Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi, đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong tòa ngọc, cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ…”. Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng dân tộc, chúng ta đã rửa mối “hận nghìn năm” của Nguyễn Trãi!
(Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc)
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn văn sau nêu lên luận điểm “Nguyễn Trãi là người anh hùng dân tộc”:
Luận điểm chính trong bài nằm ở câu mở đầu: “Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi… chưa có bao giờ”
Các luận điểm sau làm cơ sở:
+ Nguyễn Trãi không phải là ông tiên mà là người Việt Nam tận tụy cho tâm hồn cao quý, thấu hiểu nỗi lòng người dân.
+ Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, tinh hoa của dân tộc.
+ Nguyễn Trãi xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta.
Bài 2: Luận điểm là gì? Hãy cho biết trong những câu sau đâu là luận điểm và giải thích vì sao?
a) Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
b) Đẹp thay Tổ quốc Việt Nam!
c) Chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu và sản xuất.
d) Tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh
Lời giải chi tiết:
Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hoặc phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.
Các câu là luận điểm là: (a) và (d) vì:
– Là một câu khẳng định,
– Thể hiện quan điểm, tư tưởng của người viết.
Bài 3: Từ các câu danh ngôn dưới đây, hãy rút ra những luận điểm đúng đắn về việc đọc sách.
(1) Đọc sách là cách học tốt nhất, theo dõi những tư tưởng vĩ đại của vĩ nhân, là cách học thú vị nhất.
(A. Pu-skin)
(2) Người nào chỉ đọc đôi chút cũng đã có trình độ cao hơn nhiều so với người không đọc gì cả.
(V. Bi-ê-lin-xki)
(3) Đọc sách mà không suy nghĩ khác nào ăn mà không tiêu.
(E. Bur-ke)
(4) Đọc cuốn sách hay cũng như được trò chuyện với người bạn thông minh.
(L. Tôn-xtôi)
(5) Không có quyển sách nào hay đối với người dốt, không có tác phẩm nào dở đối với người thông minh.
(Đ. Đi-đơ-rô)
(6) Nền văn hoá ở một nước cao hay thấp không phải chỉ ở các nhà văn mà chính là ở độc giả.
(Nhất Linh)
Lời giải chi tiết:
Tham khảo các luận điểm:
- Đọc sách là một cách học tích cực nhất.
- Việc đọc sách chỉ có ích khi người đọc biết suy ngẫm, đọc đúng cách.
- Trong việc đọc, sách là quan trọng nhưng người đọc còn quan trọng hơn.
- Trình độ đọc cho thấy trình độ văn hoá.
Bài 4: Đọc lại truyện ngụ ngôn Việt Nam Thầy bói xem voi và tự rút ra một số luận điểm về cách suy nghĩ, đánh giá và việc tiếp thu ý kiến của người khác.
Lời giải chi tiết:
- Phải xem xét sự vật, hiện tượng dưới nhiều góc độ thì mới có thể đưa ra được nhận định đúng đắn, toàn diện.
- Không nên chỉ dựa vào sự nhìn nhận của mình, cần biết lắng nghe nhiều ý kiến khác để có được nhận định toàn diện, khách quan về một đối tượng nào đó.
- Cần biết tôn trọng ý kiến của người khác, không nên bảo thủ, biến tranh luận thành cãi vã, xung đột gây mất đoàn kết.
Bài 5: Hoạ sĩ Trung Quốc nổi tiếng thời Đường là Diêm Lập Bản lần thứ nhất xem tranh Trương Tăng Do đời nhà Lương chê là không có gì. Lần thứ hai xem tranh họ Trương lại khen là tranh khá. Lần thứ ba xem kĩ thì khen là tranh có chỗ kì diệu. Từ mẩu chuyện trên, có thể rút ra những luận điểm nào về cách xem tranh, cách thưởng thức nghệ thuật?
Lời giải chi tiết:
- Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi đi từ nông đến sâu.
- Thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi trải nghiệm của người thưởng thức.
- Người tiếp nhận có vai trò rất quan trọng trong thưởng thức nghệ thuật.
- Vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật do người thưởng thức
Bài 6: Đoạn văn sau đây trình bày luận điểm gì và sử dụng các luận cứ nào? Hãy nhận xét về cách sắp xếp luận cứ và cách diễn đạt của đoạn văn?
Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt trốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ tế hanh đã đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường.
(Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam)
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn trình bày luận điểm: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm.”
Các luận cứ được sử dụng : “Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cành sinh hoạt chốn quê hương.”
“Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật”.
Cách trình bày luận cứ theo cách luận cứ sau phát triển cao hơn luận cứ trước. Luận cứ sau biểu hiện mức độ tinh tế cao hơn luận cứ trước.
Bài 7: Diễn đạt ý của mỗi câu văn sau thành một luận điểm ngắn gọn và rõ ràng.
Câu văn
Luận điểm
a) Trước hết là cần phải tránh xa cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải” làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”
(Hồ Chí Minh, Cách viết)
………………………………..
………………………………..
………………………………….
b) Ngoài việc đam mê viết, các thích thứ hai của Nguyên Hồng là được truyền nghề cho các trẻ.
(Nguyễn Tuân)
………………………………..
………………………………..
………………………………….
c) Mỗi con người đều hiểu rằng môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. ………………………………..
………………………………..
………………………………….
Lời giải chi tiết:
Câu văn
Luận điểm
a) Trước hết là cần phải tránh xa cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải” làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”
(Hồ Chí Minh, Cách viết)
Cần phải viết ngắn gọn, rõ ràng. b) Ngoài việc đam mê viết, các thích thứ hai của Nguyên Hồng là được truyền nghề cho các trẻ.
(Nguyễn Tuân)
Nguyên Hồng không chỉ đam mê viết mà còn muốn truyền nghề cho các bạn trẻ. c) Mỗi con người đều hiểu rằng môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Bảo vệ môi trường sống là điều rất quan trọng.
Bài 8: Viết đoạn văn trình bày luận điểm: Học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của học sinh
Lời giải chi tiết:
Bạn hãy thử tưởng tượng, chúng ta có thể làm được gì nếu thiếu đi tri thức và hiểu biết? Học tập chính là con đường để mỗi người tiếp thu và rèn luyện bản thân, nắm bắt được tri thức. Bạn ước mơ được trở thành một kĩ sư, phi công, giáo viên, bác sĩ… đòi hỏi bạn cần có sự nỗ lực trong học hành để đạt đến vinh quang đó. Các bạn học sinh hiện nay có rất nhiều mối quan tâm như các trò chơi giải trí, mối quan hệ bạn bè hay những sở thích, đam mê… Đó là những nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân nhưng nhiều người đã mải mê theo đuổi chúng mà bỏ quên học hành. Dần dần, những lỗ hổng kiến thức khiến bạn chán nản việc học, ngày càng tụt lùi lại phía sau so với bạn bè. Mỗi chúng ta chỉ có 12 năm để học tập và chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp, Quãng thời gian tưởng chừng là dài nhưng lại trôi qua rất nhanh chóng. Do đó, học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với mỗi bạn học sinh.
Bài 9: Viết đoạn văn trình bày luận điểm: Quê hương là điểm tựa cho mỗi con người
Lời giải chi tiết:
Quê hương là điểm tựa cho mỗi con người. Bởi ở nơi ấy, chúng ta được sinh ra, là chiếc nôi êm đềm ru ta khôn lớn theo tháng ngày. Quê hương là nơi có gia đình, có những người luôn yêu thương và che chở cho chúng ta, có thể sẻ chia cùng nhau mọi buồn vui trong cuộc sống. Quê hương là điểm tựa vì nơi ấy có lũ bạn thân, lớn lên cùng ta từ thuở cắp sách tới trường, đùa vui cùng nhau với bao trò nghịch ngợm. Mỗi khi mệt mỏi hay đạt được niềm vui, trỏ về quê hương là ta được trở về với chính mình, được buồn vui trong lòng mẹ Quê hương thực sự là bến đỗ tinh thần bình yêu cho chúng ta trong cuộc sống đầy sóng gió này.
Bài 10: Viết đoạn văn trình bày luận điểm: Việc chạy theo mốt ăn mặc có nhiều tác hại
Lời giải chi tiết:
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp thời trang, các xu hướng ăn mặc thay đổi liên tục đặc biệt là đối với giới trẻ. Có nhiều bạn liên tục thay đổi trang phục của mình và cho đó là hợp thời, đúng “mốt”. Tuy nhiên, việc chạy theo “mốt” sẽ khiến bạn tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc mua sắm, thay đổi quần áo. Bên cạnh đó, việc chạy theo mốt nhưng quần áo không đúng lứa tuổi, không phù hợp với hình thể chỉ khiến bạn tự làm xấu hình ảnh của mình hơn. Mặt khác, bạn mặc những chiếc áo ngẵn cũn cỡn, hình ảnh trên áo không phù hợp hay chiếc quần rách… không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Như vậy, việc chạy theo “mốt” ăn mặc cũng gây ra nhiều tác hại cho chúng ta.
*********
Trên đây là nội dung bài học về Luận điểm là gì? Yêu cầu của luận điểm là gì? Vai trò và Cách trình bày luận điểm. Hy vọng sẽ giúp các em học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức về luận điểm để từ đó làm bài tốt và đạt điểm cao nhé.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo dục