Việc bị sỉ nhục, lăng mạ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Khi gặp phải vấn đề này, nhiều người đã không biết cách đón nhận và giải quyết mà trở nên trầm cảm, sa sút tinh thần. Vậy làm sao có đủ bản lĩnh để đối mặt, vượt qua những đau khổ khi bị sỉ nhục? Cùng tìm hiểu cách ứng xử khi bị người khác sỉ nhục theo quan điểm Phật giáo trong bài viết dưới đây nhé.
1. Bị người khác sỉ nhục – 1 trong 8 ngọn gió phải trải qua trong cuộc đời
Trước khi đưa ra giải pháp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về sự thật của cuộc đời: “Cuộc đời này quả thật không phải là toàn vẹn. Chúng ta sống ở đời phải gặp những sóng gió, ít ai được một cuộc đời phẳng lặng từ ngày sinh ra đến ngày nhắm mắt. Cuộc đời là “sóng”, gọi là “biển đời”, biển có bao giờ mà không có sóng đâu. Và chúng ta nhớ tám ngọn gió trong kinh Phật nói thường xuyên thổi đến với mỗi chúng ta, gọi là bát phong: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc”.
Đối với việc bị sỉ nhục, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng: vấn đề này thuộc một trong bát phong của cuộc đời mà ai cũng phải trải qua: “Ở đây bạn ấy hỏi đến ngọn gió “hủy”, hủy nhục mình, sỉ nhục mình, vu khống cho mình, làm nhục mình. Đấy là một ngọn gió, nó sẽ đến trong đời chúng ta không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Không mấy ai được toàn vẹn cả đâu. Đến Đức Thế Tôn của chúng ta còn bị người ta hủy nhục, ganh ghét, đố kỵ, ác hại Phật, hãm hại. Chúng ta thấy Đức Thế Tôn còn bị thì huống hồ là chúng ta.
Cuộc đời này không bằng phẳng, êm đẹp, mà luôn tồn tại những sóng gió, bão táp. Ngay cả Đức Phật Thích Ca – bậc trí tuệ toàn giác, có tâm từ bi yêu thương tất cả chúng sinh mà còn bị hủy nhục, lăng mạ, ganh ghét. Vậy việc chúng ta bị sỉ nhục, đố kỵ cũng là điều rất bình thường trong cuộc sống.
2. Khi bị người khác sỉ nhục phải làm sao? Cách ứng xử khi bị người khác sỉ nhục?
Bình tĩnh nhận định xem lời sỉ nhục đó là đúng hay sai
Thứ nhất, ta phải nhận định, việc người ta sỉ nhục mình, nói xấu mình, cha mẹ mình, thân nhân của mình là đúng hay sai? Nếu mà họ sỉ nhục, chửi rủa mình mà đúng sự thật. Nghĩa là do mình có làm việc sai trái, lỗi lầm khiến cho họ chửi vả, sỉ nhục mình. Mình nhận ra đúng thật là mình sai thì mình phải hoan hỷ tiếp nhận và sửa chữa, tu dưỡng để cho mình hoàn thiện, tốt đẹp hơn. Chúng ta phải bình tĩnh mà xem lại.
Như vậy, khi bị người khác sỉ nhục, lăng mạ, chúng ta cần bình tâm lại để lắng nghe, nhận định xem điều họ nói là đúng hay sai. Nếu họ nói sự thật, chúng ta không nên sân giận mà cần tiếp nhận để hoàn thiện bản thân.
Lên tiếng khi lời sỉ nhục không đúng sự thật
Trong trường hợp lời sỉ nhục của người khác là sai sự thật, thậm chí làm tổn hại uy tín, danh dự, nhân phẩm của chúng ta thì chúng ta nên bình tĩnh để có cách ứng xử phù hợp.
Thứ hai, nếu sự hủy nhục, chửi bới đó mà sai, không đúng sự thật thì làm sao? Trong kinh Đức Phật dạy chư Tăng, nếu một ai đó nói xấu, hủy nhục chúng Tăng, vu khống cho chúng Tăng; trong Tăng đoàn không có việc đấy thì chư Tăng phải lên tiếng, nói rõ rằng: Việc này không có trong chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi; điều đó là không đúng sự thật; nói không đúng sự thật với chúng tôi. Đức Phật dạy chư Tăng như vậy.
Vậy người thế gian chúng ta cũng thế. Nếu họ sỉ nhục, chửi mình không đúng sự thật, họ sỉ vả mình không có căn cứ thì chúng ta có quyền lên tiếng. Chúng ta lên tiếng việc đó không đúng, đề nghị phải xem xét lại. Còn nếu họ làm nữa thì chúng ta có thể mời đến sự can thiệp của pháp luật. Nhà nước chúng ta có luật, nếu vu khống, sỉ nhục, làm nhục người khác là vi phạm pháp luật, có thể đến cả tội hình sự.
An nhẫn khi biết là nghiệp quả
Nếu chúng ta biết việc hủy nhục, chửi bới này là nghiệp quả thì chúng ta an nhẫn, chịu đựng để vượt qua. Có những trường hợp, bị sỉ nhục là nghiệp quả do nghiệp tiền kiếp mình đã gây nên kiếp này chúng ta phải bị trả. Nếu chúng ta mà biết được đây là nghiệp quả thì chúng ta an nhẫn.
Còn chúng ta chưa phải bậc Thánh, chưa biết có phải là nghiệp quả cũ hay không thì chúng ta cứ như điều thứ hai. Nếu thật đời này không có thì chúng ta nói rõ chúng tôi không có việc đó. Đề nghị các vị khi nói phải xem xét lại và cần mời pháp luật can thiệp. Chúng ta xử lý đúng luật như vậy.
3. Lăng mạ người khác bao nhiêu nghiệp nhận lại bấy nhiêu
Trong cuộc sống này những lời nói quan tâm, an ủi có thể xoa dịu mọi vết thương, làm tâm trạng bớt ủ rủ. Lời nói nhã nhặn, lời khuyên kịp thời sẽ làm thay đổi kịp thời những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng ngược lại có những lời nói ác khẩu, sỉ nhuc là đang đẩy chính con người vào con đường tội lỗi.
Theo luật nhân quả thì một việc làm, một câu nói, một ý niệm suy nghĩ đều dẫn đến một kết quả nhất định. Những lời lẽ thâm độc, làm nhục người khác chính là thể hiện của người không có đạo đức, thiếu văn minh. Từ đó hạ thấp uy tín của bản thân mình.
Thời nay rất nhiều người dùng lời lẽ thô tục để xúc phạm người khác qua mạng xã hội. Họ cho rằng lời nói đó sẽ không nguy hại, nhưng sự thật thì những lời nói không được kiểm soát, lâu ngày sẽ trở thành thói quen khiến bạn thích làm nhục người khác. Trong Phật giáo gọi đó là nghiệp, mà đã là nghiệp thì sẽ chi phối đời sống của người đó.
Phật dạy về lời sỉ nhục rằng thà chịu lăng mạ, hãm hại của người khác nhưng tuyệt đối đừng nảy sinh ra việc trả thù có như vậy mới tránh được nghiệp báo.
Nếu như chỉ biết oán đời trách người, sinh ra cái là ôm thù hận thì chẳng biết đời nào có thể chấm dứt. Càng ôm sự hận thù thì đừng mong được hưởng phúc đức, cuộc sống an yên.
Một người biết lăng nghe lời Phật dạy thì đó là người hiểu được đạo lý. Dù có phát sinh những việc không vui thì hãy học thói quen coi đó là gió thoảng mâu bay.
Khi bạn giữ được sự tĩnh tâm, thì bạn sẽ nhận ra rằng việc ‘ăn miếng trả miếng”, mắng chửi người khác là một việc không nên. Hãy cứ đáp trả những người làm mình tổn thương bằng nụ cười duyên dáng, đó mới là người khôn ngoan.
4. Câu chuyện về cách hành xử của Đức Phật khi bị mắng chửi
Câu chuyện thứ 1:
Khi còn tại thế, một lần, Đức Phật đi giáo hóa tại vùng Bà La Môn.
Khi đến đây, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Đức Phật nhiều quá nên sinh lòng ghen ghét. Họ ra đón đường và mắng chửi Đức Phật.
Trước những lời nhiếc móc, sỉ nhục khó nghe, Đức Phật vẫn đi thong thả, còn những người kia cứ tiếp tục đi theo sau chửi.
Thấy Đức Phật thản nhiên làm thinh, các tu sĩ Bà La Môn càng thêm tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Cù-đàm có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Câu chuyện thứ 2:
Một ngày nọ, khi Đức Phật đang ở trong tinh xá giữa rừng trúc, có một tu sĩ theo đạo Bà La Môn mang vẻ mặt hùng hổ xông vào.
Bởi vì những người thân trong gia tộc của tu sĩ Bà La Môn này đều xuất gia theo Đức Phật, khiến người này vô cùng tức giận, độc mồm độc miệng chửi bới xối xả Đức Phật.
Trước những lời nói khó nghe đó, Đức Phật chỉ im lặng lắng nghe sự vô lý của người này. Đợi cho đến khi ông ta chửi xong, Đức Phật mới hỏi:“Bà La Môn à! Nhà ngươi có khi nào đột nhiên có khách không!”.
Bà La Môn vẫn tức tối, đáp: “Đương nhiên là có, hà tất chi phải hỏi!”.
Đức Phật điềm tĩnh hỏi tiếp: “Vậy có khi nào ngươi làm cơm tiếp đãi họ không?”.
Bà La Môn tỏ vẻ khinh thường, trả lời: “Đương nhiên là có”.
Phật Đà lại hỏi tiếp: “Giả sử lúc đó, vị khách từ chối không ăn, vậy thì những món ăn này thuộc về ai?”.
Bà La Môn trả lời: “Nếu khách không ăn, thì tất nhiên là tôi phải ăn rồi”.
Đức Phật nhìn Bà La Môn với ánh mắt từ bi, rồi nói:
“Bà La Môn à, hôm nay người đứng trước mặt ta, nói những lời rất xấu tệ, nhưng ta lại không nhận chúng. Những lời nhục mạ này cũng giống như món ăn kia, nếu ta không nhận, thì chẳng phải ngươi sẽ phải nhận hết hay sao?”.
Sau đó, Đức Phật còn thuyết giảng thêm rằng:
“Người căm giận mình, mình căm giận lại là chuyện không nên. Người khác căm giận mình, mình không căm giận họ, chính là đã đạt được hai thành công: Dùng chính niệm tự trấn tĩnh, chính là chiến thắng chính mình, cũng là chiến thắng người khác”.
Vị tu sĩ Bà La Môn này về sau đã xuất gia theo Đức Phật và đạt quả vị La Hán.
Qua 2 câu chuyện bên trên có thể thấy, có người mắng, có người kêu tên Đức Phật để chửi những Ngài không nhận. Đó chính là trí huệ đỉnh cao của Ngài.
Còn người phàm chúng ta lại rất dễ để tâm đến những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu, chưa chắc đã nhằm trực tiếp vào mình để rồi sinh buồn sinh giận. Như vậy mới thấy, Đức Phật không hề chấp không hề buồn với những lời cuồng dại của chúng sanh.
5. Luật nhân quả là gì?
Luật nhân quả là khi chúng ta chịu trách nhiệm trước những hành động mà chúng ta đã làm. Gieo nhân nào thì gặp quả ấy, nhân quả ở đời vốn rất công bằng, rõ ràng và chính xác.
Theo lời Đức Phật dạy về nhân quả, thì sẽ không có người bắt giữ hay giam cầm mà do chính tòa án lương tâm của người ấy phán xử một cách công minh. “Ai làm điều ác thì sẽ gặt lấy quả khổ đau”.
Đức Phật cũng từng dạy : “ Dù lên núi cao hay xuống vực thẳm cũng không tránh được nghiệp quả. Luật nhân quả oan nghiệp đời trước, kiếp này phải trả, đó là lẽ thường”.
Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta đón nhận những khổ đau bất thường một cách hiển nhiên như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Và chỉ khi tin vào nhân quả, chúng ta mới học cách sống lương thiện, làm việc gì cũng suy nghĩ trước sau.
Video về Cách ứng xử khi bị người khác sỉ nhục theo quan điểm Phật giáo
https://www.youtube.com/watch?v=CXIUA3qMxJs
Kết luận
Phật dạy về lời sỉ nhục rằng thà chịu lăng mạ, hãm hại của người khác nhưng tuyệt đối đừng nảy sinh ra việc trả thù có như vậy mới tránh được nghiệp báo. Nếu như chỉ biết oán đời trách người, sinh ra cái là ôm thù hận thì chẳng biết đời nào có thể chấm dứt. Đó cũng chính là cách ứng xử khi bị người khác sỉ nhục theo quan điểm Phật giáo.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp