Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2021 chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công xã hội học tập mới” diễn ra từ ngày 01/10/2021 đến 07/10/2021. Trong tuần lễ này không thể thiếu buổi giới thiệu sách, vậy mời các bạn cùng theo dõi mẫu kịch bản giới thiệu sách “Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh” trong bài viết dưới đây:
Kịch bản giới thiệu sách tuần lễ học tập suốt đời năm 2021
Trường tiểu học……….
KỊCH BẢN GIỚI THIỆU SÁCH“Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh”
Bạn đang xem: Kịch bản giới thiệu sách Tuần lễ học tập suốt đời Giới thiệu sách “Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh”
Múa mở màn “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (tốp múa nữ)
(LỜI DẪN)
(MC Nam)
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
(MC Nữ)
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.
Đội múa chào và đi vào trong sân khấu
(MC Nam): Bác Hồ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, của Cách Mạng Việt Nam. Cả cuộc đời Người là sự cống hiến hy sinh cho dân tộc và cho Tổ Quốc. Cuộc đời Người cũng là tấm gương sáng ngời về lối sống đạo đức trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là tấm gương tự học sáng tạo không ngừng vươn lên. Nhân kỷ niệm…………. và hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”, mong muốn phổ biến rộng rãi đến bạn đọc về tấm gương của Bác, chân dung của Bác, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng em ……………….. – những học sinh lớp …… xin được giới thiệu tới thầy cô cùng tất cả các bạn học sinh một cuốn sách viết về Bác. Cuốn sách với tên gọi“ Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh” do nhiều tác giả sưu tầm và biên soạn.
(MC Nữ): Sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2016.
(MC Nam): Cuốn sách dày 243 trang được in trên khổ giấy 14,5 x 20cm .
(MC Nữ): Bìa của cuốn sách là màu vàng nhạt nổi bật trên phông chữ màu xanh đậm. Trên cùng bìa sách chính là hình ảnh Bác Hồ kính yêu đang làm việc bên trang sách.
(MC Nam): Qua lời nói đầu, đi vào nội dung của cuốn sách chúng ta sẽ được đọc những mẩu chuyện kể rất đời thường về Bác. Nội dung cuốn sách cho thấy rõ phong cách Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh. Mỗi mẩu chuyện đều thể hiện phong cách rất giản dị, gần gũi nhưng thật tinh tế của Bác. Lối sống tác phong quần chúng của Bác luôn là chuẩn mực nhân cách người Cách Mạng nhưng lại không xa lạ với mỗi con người bình thường mà ai cũng có thể soi mình, học tập và noi theo.
Thầy cô và các bạn hãy cùng chúng em lật mở để khám phá từng trang sách nhé! Sách gồm 5 chương:
(MC Nữ): Chương I: Những mẩu chuyện về phong cách tư duy Hồ Chí Minh
(MC Nam): Chương II: Những mẩu chuyện về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh
(MC Nữ): Chương III: Những mẩu chuyện về phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh
(MC Nam): Chương IV: Những mẩu chuyện về phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh
(MC Nữ): Chương V: Những mẩu chuyện về phong cách sống của Hồ Chí Minh
(MC Nam): Đến với trang 74 của cuốn sách trong chương II “ Những mẩu chuyện về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh” với câu chuyện: “Những năm tháng không thể nào quên” được đại tướng Võ Nguyên Giáp kể và nhà văn Hữu Mai ghi lại.
Từ ngày về Hà Nội, Bác chưa bị sốt trở lại lần nào nhưng người Bác vẫn gầy. Những vết nhăn trên vầng trán và đuôi mắt ngày càng nhiều và đậm. Ở Bắc Bộ phủ sáng nào Bác cũng dậy từ 5 giờ để tập thể dục. Bác đã viết bức thư Sức khỏe và thể dục để kêu gọi đồng bào gắng tập thể dục, ở cuối thư, Bác viết: “ Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Hết giờ làm việc đến bữa, Bác xuống nhà ăn cùng chúng tôi và các chiến sĩ cảnh vệ. Bác cháu ngồi cùng bàn, có gì ăn nấy. Một hôm, Bác bận việc về muộn. Anh em người nọ tưởng người kia nên quên để phần thức ăn. Mọi người đều cảm thấy băn khoăn nhưng Bác vẫn vui vẻ ngồi vào bàn, ăn đủ mấy bát như thường lệ. Sau bữa trưa, Bác ngả đầu trên chiếc ghế ở phòng khách, chợp mắt 15 phút.Tỉnh dậy, Bác đọc báo, xem tin. Hồi còn ở chiến khu không có đèn dầu, buổi tối Bác đi nằm sớm. Về đây, Bác hay làm việc khuya. Các chiến sĩ nhiều đêm đứng gác, thấy trên buồng Bác đèn vẫn sáng. Bác dùng thời giờ ban đêm để đọc sách, xem tài liệu.
Bác viết rất nhiều thư, nhiều lời kêu gọi, nhiều bài báo để giải thích, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ lâm thời tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Mọi việc Bác nêu ra đều thiết thực, ngắn ngọn, cụ thể…
(MC Nữ): Mùa đông tới. Đoàn thể phụ nữ nhiều nơi đã nghĩ tới áo ấm của Bác trong những ngày gió lạnh. Những cô gái Hà Nội, các chị phụ nữ cứu quốc ở Quảng Yên… mang đến Bắc Bộ Phủ những chiếc áo len dày dặn. Lần nào cũng vậy, Bác đều cảm ơn và bảo, hãy mang hộ về cho một người già nhất và nghèo nhất ở địa phương.Vào buổi sớm, trời rét, một đồng chí đến làm việc với Bác, chỉ có chiếc áo mùa hè phong phanh. Bác vào buồng, lấy chiếc áo len của mình, đem cho đồng chí cán bộ.
(MC Nam): Các bạn thân mến, với ngòi bút tường thuật vô cùng chân thực , các tác giả của cuốn sách đã ghi lại và chắt lọc được những chi tiết hết sức đời thường của Bác trong cương vị Chủ tịch nước mà Người vẫn giản dị, thanh đạm, chan chứa tình yêu thương đối với đồng bào như những ngày hoạt động ở chiến khu. Đọc từng sang sách, chúng em thấy được lối sống phong cách làm việc khoa học, tinh thần ham học tập của Bác và càng thấm thía xúc động trước tình thương yêu bao la vô hạn của Bác đối với nhân dân.
(MC Nữ): Đặc biệt trong quan hệ giao tiếp, đối xử với mọi người xung quanh , Bác luôn thể hiện sự chân thành, bình dị, tự nhiên. Đó không phải là “nghệ thuật xã giao” để mua chuộc lòng người mà là sự trung thực của tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại luôn hòa nhã, luôn quan tâm chu đáo đến mọi người xung quanh làm cho bất cứ ai gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Chúng ta cùng đến với câu chuyện “Chiếc vòng bạc” của tác giả Hoàng Giai ở trang 155 của cuốn sách thuộc phần IV “Những mẩu chuyện về phong cách ứng xử Hồ Chí Minh” để thấy Bác đã ứng xử tuyệt vời với lời hứa như thế nào nhé!
CÂU CHUYỆN: “CHIẾC VÒNG BẠC”
* (MC Nam): Những ngày hoạt động Cách Mạng ở vùng núi Cao Bằng, Bác Hồ sống cùng bà con dân bản. Một lần, Bác tạm biệt bà con dân bản và các cháu để đi công tác
* Chuẩn bị nhân vật , trang phục và đạo cụ: Nhân vật (5 người):
+ Vai Bác Hồ: lớp, trang phục quần áo vải nâu (hoặc áo kaki trắng hoặc vàng), mũ cối, dép săng đan, 1 túi vải nâu vuông, râu (nếu có). Vóc dáng: Cao, gầy, giọng nói trầm ấm
+ Vai trưởng bản: ……, trang phục quần áo vải dân tộc màu đen (mũ nồi nếu có). Vóc dáng: cao to
+ Vai trẻ em dân tộc: 1 HS nam ……….., 2 HS nữ lớp Trang phục dân tộc Tày. Nữ mặc váy, nam mặc quần áo dân tộc. Vóc dáng: nhỏ nhắn
BẮT ĐẦU DIỄN
MÀN 1: BÁC HỒ CHÀO TẠM BIỆT DÂN BẢN ĐI CÔNG TÁC
Sau khi người dẫn đọc, các nhân vật đi ra sân khấu diễn
(Bác Hồ): – Hôm nay tôi phải tạm biệt dân bản để đi công tác. Bà con ở lại mạnh khỏe nhé! Còn các cháu thì phải ngoan ngoãn, giúp đỡ bố mẹ trồng rau, nuôi gà nhé!
(Cháu 1): – Vâng ạ, chúng cháu còn phải thường xuyên tắm rửa và giữ vệ sinh ạ!
(Bác Hồ): – Đúng rồi. Các cháu ăn ở sạch sẽ thì sẽ khỏe mạnh, không bị đau ốm.
(Cháu 2 Phạm Gia Bảo 5B): – Bao giờ Bác về Bác lại cho chúng cháu ra suối câu cá cùng Bác nhé!
(Bác Hồ): – Được rồi. Bác cháu mình lại cùng đi câu cá
(Cháu 3): – Bác ơi, cháu rất thích cái vòng bạc. Bác đi đến đâu có cái vòng bạc, Bác mua cho cho cháu nhé!
(Bác Hồ): – Được rồi, Bác sẽ mua cho cháu. Bây giờ Bác phải tạm biệt bà con dân bản thôi!
Dân bản (Đồng thanh nói): – Tạm biệt Bác ạ! Bác đi mạnh khỏe ạ !!!!
Bật nhạc: “Trông cây lại nhớ đến Người”. Các nhân vật và Bác Hồ từ từ vẫy tay chào nhau đi vào trong sân khấu từ 2 phía
* (MC Nam): Hơn 2 năm sau, Bác Hồ mới trở lại vùng núi này. Thấy Bác về, bà con dân bản cùng các cháu ùa ra đón Bác
BẮT ĐẦU DIỄN
MÀN 2: BÁC VỀ THĂM DÂN BẢN VÀ CHUYỆN “CHIẾC VÒNG BẠC”
Hết lời dẫn, các nhân vật đi ra sân khấu luôn
Dân bản (các nhân vật đồng thanh nói): – A, Bác Hồ đã về! Bác Hồ đã về!
(Bác Hồ): – Chào bà con dân bản và các cháu! Nhanh thật đấy, đã 2 năm trôi qua bây giờ Bác mới gặp lại dân bản mình. Bà con có khỏe không?
(Trưởng bản …….): – Bà con khỏe và rất nhớ Bác Hồ. Bác Hồ có khỏe không ạ?
(Bác Hồ): – Cảm ơn dân bản. Bác khỏe mà, còn các cháu nhỏ, các cháu có ngoan không?
(Cháu 1): – Thưa Bác, chúng cháu ngoan ạ!
(Cháu 2 ………): – Chúng cháu rất nhớ Bác ạ!
(Bác Hồ): – Bác rất vui khi thấy các cháu đều ngoan ngoãn và khỏe mạnh. À! Cháu bé năm xưa đây rồi! (Bác Hồ vỗ nhẹ vai cháu bé, cháu bé đi gần lên trên phía Bác một chút)
(Cháu 3): – Dạ. Bác Hồ bảo cháu điều gì ạ?
(Bác Hồ): – Bác đã mua cho cháu cái vòng bạc, để Bác đeo cho cháu nhé!
Bác Hồ lấy từ trong túi chiếc vòng bạc và đeo vào tay cháu bé. Cháu bé nói:
(Cháu 3): – Ôi, Bác Hồ vẫn còn nhớ mua vòng bạc cho cháu ư ? (vẻ mặt ngạc nhiên)
(Bác Hồ): Cháu có thích chiếc vòng này không?
(Cháu 3): (vẻ mặt vui mừng xúc động) – Chiếc vòng đẹp quá (ngắm chiếc vòng). Cháu thích lắm ạ. Cháu cảm ơn Bác (nói chậm)
(Trưởng bản …..): – Dân bản mình ơi, Bác Hồ bận trăm công nghìn việc mà vẫn còn nhớ mua cái vòng bạc cho cháu bé này.
(Bác Hồ): – Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu ; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng, nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa thì mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người.
Dân bản (Các nhân vật đồng thanh nói): – Thưa Bác, đúng vậy ạ! Chúng cháu cảm ơn Bác ạ!
Các nhân vật đi lên sân khấu cúi chào rồi đi vào
(MC Nữ): Các bạn thân mến! Câu chuyện “ Chiếc vòng bạc” tuy ngắn gọn, giản dị nhưng bài học từ câu chuyện này, thái độ, cách hành xử của Bác lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bác Hồ tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn giữ lời hứa với mọi người, đặc biệt là với các cháu nhỏ. Với ai đó lời đề nghị của em bé rồi sẽ bị lãng quên nhưng với Bác đó là mong ước, là hạnh phúc của em bé. Em bé đã đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Bác vì vậy Bác sẽ nhất định thực hiện lời hứa đó. Hành động của Bác có sức lan tỏa và trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Múa: Bác Hồ – một tình yêu bao la (tôp múa nữ)
* Lưu ý: Kết thúc bài múa, 2 bạn giới thiệu đọc lời kết đội múa giữ nguyên đội hình. (Khi đọc xong lời kết, tất cả cùng chào khán giả)
(LỜI KẾT)
(MC Nam):
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm trọn non sông mọi kiếp người
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Như tượng đồng phơi những lối mòn”
(MC Nữ): Kính thưa thầy cô và các bạn học sinh thân mến, Bác Hồ của chúng ta đã đi xa nhưng tấm gương đạo đức sáng ngời của Người vẫn còn sống mãi trong lòng thiếu niên nhi đồng và mỗi người dân Việt Nam. Những bài học giá trị về Người đã được đúc kết trong 243 trang sách của cuốn sách “ Những mẩu chuyện về phong cách Hồ Chí Minh”.
(MC Nam): Để hiểu rõ hơn nội dung của cuốn sách và tìm hiểu được nhiều câu chuyện hay hấp dẫn, ý nghĩa hơn nữa của cuốn sách, kính mời các thầy cô giáo cùng các bạn đón đọc cuốn sách này tại thư viện trường tiểu học Trần Phú
Đội múa dàn hàng ngang
(MC Nữ): Cuối cùng kết thúc buổi giới thiệu sách, hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” chúng em – những đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh nguyện làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy, rèn luyện đọc đức, không ngừng học hỏi, ham đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn và tri thức, xứng đáng làm con ngoan trò giỏi, cháu Bác Hồ kính yêu!
(2 bạn dẫn lớp 5D cùng đội múa cùng chào khán giả)
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Biểu mẫu giáo dục