Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 ngắn gọn, hay nhất bao gồm dàn ý chi tiết cùng 10 bài văn mẫu do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn sẽ là tài liệu quý giúp các em trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng làm bài để hoàn thành tốt bài tập môn Ngữ Văn của mình.
Đề bài: Các em hãy kể 1 câu chuyện về lòng trung thực đã được nghe, được đọc
Trung thực là một khía cạnh của nhân cách đạo đức con người được hiểu với nghĩa là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật. Trung thực chính là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Người trung thực là người không biết nói dối, họ sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật và sẵn sàng nhận lỗi khi phạm sai lầm. Ngay sau đây, mời các em tham khảo 15 bài mẫu Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 hay nhất nhé.
Dàn ý kể 1 câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 chi tiết
I. Mở bài:
– Ở phần mở đầu, các em sẽ dẫn dắt tới câu chuyện “Kể về lòng trung thực” mà em định kể hoặc viết trong bài. Ví dụ: em nghe hoặc đọc nó từ đâu (nghe mẹ hoặc bà kể, nghe thầy cô kể lại, hay là mình tự đọc, tự chứng kiến, và tự mình làm,…)
II. Thân bài:
– Ở phần nội dung thân bài, các em sẽ bắt đầu kể chi tiết câu chuyện. Diễn biến câu chuyện đó ra sao. Có phần nào quan trọng nhất, hoặc phần nào em tâm đắc nhất
– Các em nên kể theo từng đoạn nhỏ để người nghe hoặc người đọc dễ nắm bắt về tấm gương lòng trung thực. Và kết thúc của câu chuyện như thế nào.
III. Kết bài:
– Trong phần cuối cùng của bài viết, các em sẽ nêu lên những suy nghĩ, tình cảm của mình về câu chuyện. Về những bài học, đức tính mà em học được qua câu chuyện đó.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 1
Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, bạn Hoa của lớp 3B đã được tuyên dương trước toàn trường bởi đức tính trung thực của mình thể hiện qua hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của bạn.
Theo như lời của thầy hiệu trưởng kể lại thì ngày thứ Năm của tuần trước, lớp 3B tan học sớm hơn các lớp khác. Và trên đường đi học về, bạn Hoa đã nhặt được một chiếc hộp mà thường được dùng để đựng đồ ở các tiệm vàng bạc, ban đầu bạn chỉ có ý định nhặt chiếc hộp để làm đồ chơi nhưng khi nhặt lên bạn phát hiện ra trong đó có một chiếc dây chuyền. Vì lúc đó đã khá trưa nên bạn mang chiếc hộp đó về nhà và đến buổi chiều bố Hoa đèo Hoa ra cơ quan công an huyện để nhờ các chú công an tìm giúp người đánh mất. Các chú đều khen Hoa thật thà và trung thực, tin tức nhanh chóng được thông báo và chỉ một ngày sau người đánh rơi chiếc hộp đó đã tìm đến cơ quan công an để nhận lại đồ của mình.
Người đánh rơi là một bác đã khá nhiều tuổi, chiếc dây chuyền là món quà mà bác mua để dành tặng cho cô con gái sắp cưới của bác nhưng bác không cẩn thận nên đã để rơi, tìm lại được chiếc dây chuyền bác rất vui và xin các chú công an số điện thoại và địa chỉ của gia đình bạn Hoa để cảm ơn, bác tìm đến nhà và gửi Hoa một ít tiền để cảm ơn bạn nhưng bạn không nhận không phải vì số tiền mà bác đưa ít mà bạn nói đây là việc cần phải làm của mỗi người.
Và cuối cùng bác đã tìm đến tận trường của Hoa học thông báo cho thầy cô để khen thưởng Hoa về việc làm của mình. Trong buổi chào cờ, Hoa đã được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen vì đức tính thật thà, trung thực của bạn ấy, thầy còn nhấn mạnh đây chính là một tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo.
Việc làm của bạn thực sự là một việc làm rất ý nghĩa, thể hiện đức tính trung thực của cá nhân Hoa nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng ta nên học tập sự thật thà đó để trở thành một học sinh tiêu biểu làm đúng theo điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 2
Mẹ em là người rất yêu thích thơ văn, mẹ luôn dạy em qua những câu chuyện cổ và cả chuyện đời thường. Có một câu chuyện mẹ kể về lòng trung thực mà em vô cùng thích thú. Đó là xưa có một nhà làm nghề buôn bán, âm mưu chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thuỷ ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết.
Khi cân hàng bán cho khách thì họ dốc cán cân về phía móc; khi cân hàng mua vào thì lại dốc cán cân về đằng quả.
Do làm ăn điên đảo nên nhà ấy giàu bốc lên nhanh chóng. Đã lắm của lại có hai con trai, mặt mũi khôi ngô, học hành tấn tới. Thiên hạ ai cũng khen là nhà có phúc.
Một hôm, hai vợ chồng bàn với nhau về việc để phúc đức cho con sau này, không nên tiếp tục kéo dài việc làm ăn gian dối, đảo điên nữa.
Bàn xong, hai vợ chồng thuận tình sửa cái lễ sám hối, trên thì cúng Trời, Phật, dưới thì cúng tổ tiên. Rồi đem cái cân ra chẻ. Nhưng ghê thay, khi chẻ ra thì thấy trong cán cân có đọng một cục máu đỏ hon hỏn. Hai vợ chồng nhìn nhau hoảng sợ, từ đó ngày đêm lo làm việc thiện, tu nhân tích đức.
Cách vài năm sau, tự nhiên một đứa con trai lăn ra chết, tiếp đó đứa thứ hai cũng chết nốt. Hai vợ chồng vật vã khóc than, cho rằng mình đã thật bụng cải tà quy chính mà Trời, Phật không chứng quả.
Sau đó, hai vợ chồng cùng mơ thấy có ông Bụt đến bảo cho biết rằng:
– Vợ chồng ngươi hãy lo tu tỉnh làm ăn, đừng vội trách Trời không có mắt. Trước thấy chúng bay làm ăn lừa lọc, Trời đã sai hai con quỷ đầu thai làm con để phá tán cho hết những của phi nghĩa đi. May mà vợ chồng đã sớm hối cải, tu nhân tích đức, nên Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Vợ chồng cứ chí thú làm ăn rồi Trời sẽ cho hai đứa con khác.
Quả nhiên, về sau vợ chồng nhà ấy đã sinh được hai đứa con trai cũng rất Khoẻ mạnh, khôi ngô và học hành giỏi giang. Họ rất biết ơn Trời Phật và sống yên vui với tuổi già. Em hiểu rằng, khi ta biết sống lương thiện, thật thà thì sẽ gặp được may mắn và bình an. Mẹ em cũng thường dặn bảo em như thế.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 3
Xưa kia có hai người bạn chơi với nhau rất thân, hiềm vì một người thì giàu, còn một người nghèo. Người bạn giàu có cái tên là Đại Phú, còn người nghèo tên là Chí Quân.
Vợ chồng Đại Phú thấy bạn nghèo thì có ý muốn giúp đỡ vốn liếng để làm ăn. Chí Quân lòng dạ ngay thẳng ngại rằng lấy tiền của bạn đem về, rủi làm ăn thất bát thì lấy đâu mà trả cho bạn. Vì vậy nên từ chối việc giúp đỡ của bạn.
Nhà Đại Phú chẳng thiếu gì của quý, nhưng lại muốn có thêm của lạ nên hôm nọ lấy năm nén vàng đưa cho một người thợ bạc đặt làm con rùa vàng. Ngày kia, Chí Quân đến thăm bạn, Đại Phú liền đem con rùa vàng ra khoe. Chí Quân xem rồi để trong một cái đĩa, đoạn cùng bạn uống rượu đến say khướt nằm ngủ quên.
Lúc bấy giờ, con trai của Đại Phú đi học ở xa về, thấy con rùa vàng lấy đem đi chơi. Đến chừng Chí Quân ra về được một lát, Đại Phú mới sực nớ tới con rùa vàng, hỏi vợ thì vợ nói không có lấy cất. Đại Phú lấy làm bối rối, chẳng lẽ nghi cho người bạn tốt của mình ăn cắp con rùa vàng?
Ngày sau, Đại Phú đến nhà Chí Quân chơi, nhân tiếc con rùa vàng có hỏi mát bạn rằng:
– Này anh, hôm trước anh có lấy con rùa vàng của tôi đem về để cho chị coi không?
Nghe vậy Chí Quân nghĩ thầm rằng: Có lẽ bạn ta nghi ta ăn cắp con rùa vàng chăng? Nhưng chẳng lẽ bảo là không lấy thì chi cho khỏi phật lòng bạn mình, nên đành nhận là có lấy.
Đại Phú mới bảo ban: – Thôi được, anh cứ giữ con rùa vàng mà chơi. Tôi xin biếu anh.
Đại Phú về rồi, vợ chồng Chí Quân lấy làm lo lắng, làm sao có con rùa vàng để trả cho bạn. Vợ chồng bàn nhau bán nhà bán cửa cho ông Phú và xin làm người hầu hạ để có đủ tiền làm con rùa vàng trả cho bạn.
Ông Phú biết chuyện lấy làm động tâm, mới gọi người thợ bạc đến làm một con rùa vàng khác, trao cho vợ chồng Chí Quân đem về trả bạn và cũng không nhận vợ chồng Chí Quân làm người hầu hạ, mà chỉ cho ở nhờ.
Được ít lâu, người con trai của Đại Phú trở về nhà có đem theo con rùa vàng đã lấy độ trước, trả cho cha mẹ và nói: – Hôm nọ, con về nhà thình lình thấy con rùa vàng để trong đĩa nên con lấy cất đây, nếu gặp phải kẻ gian thì mất luôn rồi. Vậy con xin trả lại.
Thấy vậy, vợ chồng Đại Phú vô cùng ngạc nhiên. Rùa vàng con mình lấy đem đi chơi, rùa vàng nào bạn đem trả? Mới nghĩ ra, có lẽ người bạn nghèo sợ mình phiền trách nên làm con rùa khác để thế.
Bấy giờ Đại Phú mới đem con rùa vàng đến nhà Chí Quân để trả lại và xin lỗi bạn. Nhưng nhà đã bán rồi, vợ chồng bạn lại ở nhờ trong nhà ông Phú. Lập tức Đại Phú đến gặp ông Phú trao trả con rùa và xin đưa vợ chồng bạn về. Ông Phú từ chối như vầy:
– Anh có mượn rùa của tôi đâu mà trả? Còn vợ chồng Chí Quân tôi có bắt buộc gì đâu mà lãnh về? Còn Chí Quân nhận mình mắc nợ ông Phú nên không chịu về.
Câu chuyện trở thành rắc rối, cả ba mới đưa nhau đến cửa công để nhờ phân xử.
Lẽ tự nhiên quan trên không biết xử làm sao đối với ba người ngay thật và tốt bụng.
Câu chuyện không chỉ đề cao tính trung thực của con người, thà nhận phần xấu về mình còn hơn phải nói dối. Người bạn nghèo trong câu chuyện có thể thẳng thừng nói rằng mình không lấy rùa vàng nhưng đã không làm như thế. Trong cuộc sống, đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, bằng sự thấu hiểu thì thành quả nhận được bao giờ cũng xứng đáng.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 4
Ngày nọ, ông lão ăn xin gõ cửa một lâu đài tráng lệ. Ông nói với người quản gia: “Vì tình yêu của Chúa, xin hãy bố thí cho kẻ nghèo này”. Người quản gia trả lời: “Tôi phải hỏi ý kiến bà chủ đã”. Bà chủ là một quý bà hà tiện, bà nói: “Hãy cho ông lão tội nghiệp một ổ bánh mì. Một thôi nhé. Đưa bánh ngày hôm qua ấy”.
Ông lão trở về gốc cây nơi trú ngụ cả ngày lẫn đêm, ngồi xuống lôi ổ bánh vừa xin được ra ăn. Đột nhiên, răng ông cắn phải vật gì đó rất cứng. Ông lão hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra chiếc nhẫn vàng nạm kim cương mặt ngọc trai.
“Mình thật may mắn!”, ông lão nghĩ thầm. “Mình bán chiếc nhẫn này đi và sẽ có đủ tiền trong một thời gian dài”. Thế nhưng, lòng trung thực của ông lão ngay lập tức ngăn ý định đó lại: “Không, ta sẽ tìm chủ nhân của chiếc nhẫn và trả lại cho họ”.
Bên trong chiếc nhẫn có khắc hai chữ “J. X”. Ông lão liền đi thẳng đến cửa hàng và tìm hỏi cuốn niên giám điện thoại. Cả thị trấn chỉ có mỗi một gia đình có tên bắt đầu bằng chữ “X”: gia đình Xofaina.
Quyết tâm sống trung thực, ông lão vội đi tìm nhà Xofaina. Và rất bất ngờ vì đó chính là gia đình đã cho ông ổ bánh. Ông nói với người quản gia: “Tôi tìm thấy chiếc nhẫn vàng trong ổ bánh ngài mới cho tôi”. Bà chủ vui mừng khôn xiết: “May quá, tìm được chiếc nhẫn bị mất tuần trước rồi. Ta đã làm rơi nó khi coi thợ nhào bột làm bánh. Chữ ‘J.X’ là tên viết tắt tên của ta, Josermina Xofaina”.
Sau một hồi suy nghĩ, bà chủ nhà nói: “Hãy cho ông lão tội nghiệp đó bất kỳ cái gì ông ấy muốn, miễn là đừng đắt quá”. Ông quản gia quay qua hỏi ông lão: “Vì hành vi cao thượng, ông muốn nhận được phần thưởng gì?”.
Ông lão ăn xin nói: “Cho tôi một ổ bánh mì! Thế là đủ cho tôi rồi”. Thấy ông không có lòng tham, bà chủ bỗng nảy ra sáng kiến giữ ông lại để trông nom kho trong nhà. Từ đó bà hoàn toàn an tâm không bao giờ còn sợ mất trộm. Còn ông lão thì có việc làm đến suốt đời.
Bạn thân mến, bài học về lòng trung thực là câu chuyện chưa bao giờ cũ, thậm chí trong cuộc sống hiện nay điều đó lại còn là một câu hỏi lớn. Sống trung thực đồng nghĩa với hy sinh, can đảm, trả giá, thậm chí đôi khi còn chịu nhiều thiệt thòi, mất mát nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng đế sống ý nghĩa hơn là việc chỉ lo được gì và mất gì? Người trung thực trước mắt có vẻ thiệt thòi nhưng những cái mà họ nhận được luôn lớn hơn mong đợi, đó là sự tin tưởng của mọi người.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 5
Ngày xửa ngày xưa có một bác thợ mộc tên là Gepetto. Bác sống một mình vì bác không có gia đình. Sau những ngày làm việc vất vả, bác rất thích làm những búp bê bé xinh bằng gỗ. Một đêm, có một bà tiên đến thưởng cho công việc nặng nề của bác và biến một bức tượng gỗ nhỏ thành một chú bé thật. Gepetto vô cùng vui sướng đặt tên cho nó là Pinocchio và cho chú bé theo học ở ngôi trường tốt nhất của làng. Than ôi! Pinocchio không hề thích đi học và nó bị hai đứa trẻ lang thang nó gặp trên đường đi học lôi kéo. Chẳng bao lâu nó bị người làm nghề múa rối bắt và bị giam trong một cái lồng.
Pinocchio hối tiếc cuộc sống được đi học, nó cầu xin bà tiên đến cứu. Bà tiên xuất hiện yêu cầu nó kể lại toàn bộ sự thật, nhưng Pinocchio vẫn nói dối và cậu bé hoảng sợ nhận thấy mũi của nó cứ dần dần dài ra khi nó vẫn tiếp tục nói dối. Sau đó, khi bà tiện nghi hình phạt như vậy là quá đủ nên đã đưa cái mũi Pinocchio về hình dạng bình thường, cứu nó ra khỏi lồng và cho nó biết rằng bác Gepetto vì quá buồn phiền về sự mất tích của nó đã bỏ nhà ra đi.
Bác Gepetto đã bị một con cá voi khổng lồ nuốt vào trong bụng. Pinocchio nhận ra những lỗi lầm nó đã gây ra và quyết định đi cứu bác, nó lặn xuống biển. Nó chui vào bụng cá voi, ở đó nó gặp lại bác Gepetto. Họ cùng đốt một ngọn lửa to trong bụng cá voi. Quá đau đớn, con cá voi đã phải thả tất cả ra và thế là hai người bạn của chúng ta được giải thoát.
Trở về nhà, bác Gepetto lại bắt tay vào việc, còn Pinocchio từ đó tỏ ra là một đứa bé rất ngoan ngoãn.
Pinocchio là một cậu bé người gỗ, nếu như nói dối thì chiếc mũi sẽ bị dài ra. Câu chuyện được viết nhằm phê phán những đứa trẻ hư nói dối cha mẹ cũng như người lớn. Đồng thời cảnh báo hậu quả khôn lường nếu nói dối người khác, chúng ta sẽ bị trừng phạt bởi những tật xấu ấy.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 6
Em đã được đọc rất nhiều truyện cổ tích, truyện thiếu nhi…Một câu chuyện mà em nhớ mãi đó là chuyện Ba lưỡi rìu. Câu chuyện nói về lòng trung thực của con người rất đáng ngưỡng mộ.
Đó là anh tiều phu cùng kiệt ở một làng xa xôi nọ. Gia tài của anh chỉ có một chiếc rìu đốn củi để sống qua ngày. Một hôm, anh chặt củi bên bờ sông. Vừa chặt được vài nhát thì rìu gãy cán, văng lưỡi rìu xuống đáy sông. Anh tiều phu buồn rầu than thở:
– Khổ quá! Mình chỉ có mỗi chiếc rìu này, giờ đã mất, biết sống sao đây? Vừa lúc đó, một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện.
Cụ già bảo:
Thôi, con đừng buồn nữa! Ta sẽ giúp con tìm được chiếc rìu ấy. Nói xong, cụ già nhảy tõm xuống nước. Anh tiều phu chưa hết ngạc nhiên thì cụ già đã ngoi lên mặt nước, tay cầm lưỡi rìu bằng vàng và hỏi:
– Cái này có phải của con không?
Anh tiều phu đáp:
– Không! Thưa cụ, cái rìu vàng này không phải của con.
Cụ già lại lặn xuống nước, sau đó ngoi lên, trong tay cầm lưỡi rìu bằng bạc sáng lóa. Cụ đưa lưỡi rìu lên và nói:
– Cái này chắc là của con rồi!
Anh tiều phu lễ phép thưa:
– Không, cũng không phải của con cụ ạ! Lưỡi rìu của con bằng sắt.
Lần thứ ba, cụ già lại lặn xuống và đem lên một lưỡi rìu bằng sắt cũ kỹ và hỏi:
– Thế còn cái này?
Anh tiều phu kêu lên:
– Cái này mới là rìu của con đấy ạ?
Cụ già tươi cười trao lưỡi rìu cho anh tiều phu. Anh quỳ xuống cảm ơn cụ và đưa hai tay đỡ lấy lưỡi rìu. Cụ già xoa đầu anh và khen:
– Con là người thật thà, trung thực. Con không tham lam những gì không phải của mình. Vì thế ta thưởng cho con chiếc rìu vàng và chiếc rìu bạc kia. Con hãy nhận lấy!
Thế là anh tiều phu cùng kiệt khó nhưng trung thực ấy đã có được hai chiếc rìu quý. Còn cụ già tốt bụng kia chính là ông tiên thường xuống trần gian để thử lòng dạ con người và cứu giúp người cùng kiệt khó.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 7
Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt là nhặt được của rơi, trả lại cho người đánh mất.
Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chầm chậm, vừa đưa mắt tìm kiếm chủ nhân của nó..
Một lúc lâu sau, vẫn không thấy ai. Em đoán người đánh rơi chiếc túi đã đi xa hoặc không biết là mình đánh rơi. Mà nếu biết, chắc giờ này họ đang loay hoay tìm trên những đoạn đường đã qua. Người ấy là ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi ấy đựng những gì? Thế nào lại chẳng có tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc? Bao câu hỏi cứ dồn dập hiện lên trong óc em. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Những người chạy xe máy hay xe đạp trên đường không một ai chú ý tới em đang ngơ ngác với chiếc cặp trên vai và chiếc túi lạ trên tay.
Em nghĩ ngợi, phân vân mãi: Trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua áo quần mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Bỗng dưng, tiếng thầy Hiệu trưởng trong buổi lễ phát động như văng vẳng đâu đây: “Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi…”.
Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi!
Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.
Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:
– Có chuyện chi đó cháu?
– Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!
Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:
– Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản nhé !
Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai triệu tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em ghi tên và địa chỉ xuống phía dưới.
Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách Đội tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ.
Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cảm ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở hoặc đồ chơi nhưng em nhẹ nhàng từ chối.
Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 8
Hôm ấy, em đi chợ mua rau cho mẹ. Hàng cô Loan là hàng rau lớn nhất chợ Hạnh Thông Tây. Cô Loan bán rau củ cả giá bán lẻ và bán buôn nên rất đông khách hàng.
Em chào cô Loan rồi đưa tờ giấy ghi các món rau để cô lựa rau cho mẹ. Một vài món rau em biết chọn, em tự lựa và để vào túi ni-lông chờ cô tính tiền. Em mua không nhiều, chỉ độ hơn hai mươi ngàn tiền rau. Em đưa cô Loan tờ giấy bạc năm mươi nghìn. Cô Loan đếm tiền trả lại. Ơ hay, cô trả lại cho em những hai trăm mười tám ngàn đồng. Có lẽ tờ giấy bạc hai trăm nghìn có màu hơi giống tờ giấy bạc mười nghìn đồng nên cô Loan nhầm lẫn. Em lễ phép thưa:
– Thưa cô, cô trả lại tiền cho cháu nhầm rồi. Cháu chỉ đưa cho cô năm mươi nghìn mà!
Cô Loan cầm số tiền em đưa lại, rối rít:
– May quá, cô cảm ơn con nghen. Con thật thà đáng khen lắm!
Cô Loan trả lại đúng tiền cho em, em vui vẻ ra về.
Trên đường về nhà, lòng em lâng lâng vui lạ. Em vui sướng vì mình đã thật thà không tham lam số tiền cô Loan trả nhầm. Hôm đó, mẹ rất vui khi nghe em thuật lại chuyện.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 9
Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười. Mẹ kể chuyện của mẹ – một người trung thực.
Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa. Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt… tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa.
Mẹ kể: Có những hôm may mắn, vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.
Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi, có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.
Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, lần sau về lấy, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều.
Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.
Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật lý của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em.
Kể một câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 – Mẫu 10
Hôm ấy là ngày kiểm tra học kì môn Toán. Em đọc đề bài và chỉ làm được một câu duy nhất.
Em cắn bút đọc đi, đọc lại đề bài, không có một tý kiến thức nào lóe lên trong đầu. Em không đổi được đơn vị, không biết toán giải làm mấy bước tính. Cả cái hình vẽ tam giác, tứ giác cũng rối mù, rối tinh lên. Em nhìn xung quanh: các bạn cắm cúi viết, đưa tay nhẩm tính. Chỉ có mình em ngơ ngác, dốt đặc. Em chưa biết tính sao thì một tờ giấy tròn vo lăn nhẹ dưới chân. Em nhặt viên giấy, mở ra xem. Đầu trang giấy là dòng chữ: “Bạn viết nhanh lên. Sắp hết giờ rồi!”, dưới đó là bài giải đề bài đang kiểm tra. Thế này là tốt hay tệ đây? Em tự hỏi mình rồi quyết định gấp tờ giấy vuông lại. Em không thể trả lại tờ giấy được vì thầy giáo xem thi sẽ phạt. Hồi lâu, chuông báo hết giờ vang lên. Em nộp bài làm chỉ có một câu của mình rồi thu xếp ra về. Đóng cặp lại,ngâng đầu lên, em thấy Hùng đứng trước bàn mình. Hùng hỏi:
– Bạn chép kịp không?
Em chìa tờ giấy gấp vuông đưa trả lại cho Hùng nói nhỏ:
– Cảm ơn bạn nhưng mình không chép một câu nào cả. Mình làm được câu tính cộng mà thôi!
Hùng tròn mắt:
– Bạn sẽ không đạt điểm tốt trong kì thi.
Em gật đầu:
– Mình sẽ tự học và phải học chăm chỉ. Còn đến ba kì thi nữa cơ mà.
Bài kiểm tra lần ấy em chỉ đạt một điểm và một dấu chấm hỏi. Anh trai em suýt cho em một trận đòn dữ. Em chỉ nói rất nhỏ:
– Em xin hứa sẽ tự học chăm chi.
Em bắt đầu học và làm bài tập từ tiết đầu của năm học. Chỗ nào không hiểu em hỏi anh trai em. Ba lần thi sau. Em đều đạt điểm mười.
Chuyện xảy ra từ hồi em học lớp ba. Cái điểm một lần thi ấy làm các bạn thắc mắc. có bạn cười nhạo em. Riêng em,em vui vì mình đã quyết định đúng theo lời cô giáo dạy: “Phải trung thực khi làm bài!”.
************
Trên đây là 10 bài mẫu Kể 1 câu chuyện về lòng trung thực lớp 9 hay nhất do THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết văn và hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo dục