Đề bài: Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
Bạn đang xem: Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
I. Dàn ý Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em (Chuẩn)
1. Mở bài:Giới thiệu khái quát về truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm
2. Thân bài:
* Bối cảnh nước ta lúc bấy giờ:– Giặc Minh đô hộ, bạo ngược nhân dân- Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chống giặc nhưng đều thất bại
* Hoàn cảnh Lê Thận và Lê Lợi nhặt được gươm thần– Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần- Lê Thận đánh cá nhặt được lưỡi gươm- Lê Lợi vào rừng nhặt được chuôi gươm
* Nhờ có gươm thần quân ta đánh đâu thắng đó– Gươm thần giúp nghĩa quân lớn mạnh, dâng cao khí thế đánh giặc- Kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, đất nước thanh bình, nhân dân yên ổn, hạnh phúc.
* Trả lại gươm thần cho rùa vàng– Vua Lê Lợi đi thuyền dạo trên hồ Tả Vọng- Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại gươm thần- Vua rút gươm ra trao trả cho rùa vàng
3. Kết bài:
Ý nghĩa tên gọi Hồ Gươm
II. Bài văn mẫu Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em
1. Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em, mẫu số 1 (Chuẩn)
Nếu ai đã có dịp đặt chân đến thủ đô Hà Nội chắc chắn sẽ biết đến Hồ Gươm, đây không chỉ là một địa điểm vui chơi nhộn nhịp nổi tiếng nhất Hà thành mà còn là địa danh mang dấu tích lịch sử dân tộc. Sau đây em xin kể lại cho mọi người cùng nghe về Sự tích Hồ Gươm.
Nước ta dưới thời bị giặc Minh đô hộ vô cùng khổ cực, dân chúng lầm than bị bóc lột, đày đọa coi như cỏ rác. Lúc bấy giờ có nghĩa quân Lam Sơn đã nhiều lần nổi dậy chống giặc nhưng vì non yếu nên đều bị thua. Đức Long Quân nơi biển khơi nhìn thấy tinh thần và ý chí của nghĩa quân cũng như sự lầm than của con dân nên đã quyết định cho mượn gươm thần để đánh giặc.
Lê Thận là một ngư dân ở Thanh Hóa, trong một lần đi kéo lưới, cả ba lần kéo lưới đều vớt được một thanh sắt, về sau soi dưới ngọn lửa mới biết là thanh gươm bèn đem về nhà cất. Bỗng một hôm Lê Lợi đến nhà Lê Thận, thanh gươm bỗng phát sáng hiện rõ hai chữ “Thuận Thiên”, cả hai vẫn chưa biết đây là báu vật. Tuy nhiên có một lần Lê Lợi bị giặc truy đuổi phải chạy vào rừng sâu, tại đây Lê Lợi nhặt được một chuôi gươm nạm bằng ngọc rất đẹp, nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi bèn đem tra gươm vào chuôi ai ngờ vừa như in, mọi người mới biết đây là gươm thần.
Có gươm thần trong tay Lê Lợi cùng nghĩa quân rèn luyện ngày đêm, ngày càng tinh nhuệ và lớn mạnh, đánh đâu thắng đó, sau nhiều cuộc chiến nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng giặc Minh, đuổi hết quân đô hộ trả lại sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Một năm sau khi Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ Tả Vọng, lúc này đức Long Quân bèn sai rùa vàng lên đòi lại gươm thần. Giặc đã tan, đất nước đã thanh bình, Lê Lợi nhìn thấy rùa vàng nổi lên há miệng chờ liền hiểu ý rút thanh gươm ra trao trả cho rùa vàng. Rùa vàng ngậm thanh gươm rồi lặn xuống nước.
Hồ Tả Vọng từ đó đã được đổi tên thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm xuất phát từ sự việc trao trả gươm này.
2. Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em, mẫu số 2 (Chuẩn)
Sự tích Hồ Gươm là một truyện truyền thuyết mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc, ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa của quân và dân ta chống lại giặc Minh. Bên cạnh đó, qua sự tích này chúng ta hiểu được ý nghĩa tên gọi “Hồ Gươm” và sự có mặt của cụ rùa trong hồ.
Vào thế kỉ XV giặc Minh đô hộ nước ta, dưới ách thống trị của giặc Minh, nhân dân ta bị bạo ngược vô cùng tàn ác, bóc lột, đàn áp đến cùng cực, nhân dân ta vô cùng căm ghét. Sự tập hợp của những anh hào nghĩa khí tư khắp nơi trên cả nước đã tạo nên nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, tuy nhiên vì buổi đầu khởi nghĩa và lực lượng còn non yếu thô sơ nên đã nhiều lần thất bại. Long Quân thương cho dân chúng lầm than nên đã quyết định cho mượn gươm thần để dẹp giặc. Long Quân để lưỡi gươm ở dưới sông, còn chuôi gươm lại để ở trong rừng. Khi đó có một người dân chài tên Lê Thận, một lần đi kéo lưới cả ba lần đều kéo trúng thanh gươm, ban đầu nghĩ là thanh sắt nhưng khi soi đèn biết được là thanh gươm liền đem cất trong nhà. Về sau Lê Thận gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn, trong một lần Lê Lợi đến thăm nhà đã vô tình nhìn thấy thanh gươm phát sáng hiện lên chữ “Thuận Thiên”, nhưng lúc ấy mọi người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thanh gươm.
Một hôm quân Lam Sơn thua trận, Lê Lợi bị giặc đuổi phải chạy vào rừng và nhặt được chuôi gươm nạm ngọc rất đẹp. Lê Lợi đem chuôi gươm về lắp vào thanh gươm ở nhà Lê Thận ai ngờ thanh gươm liền phát sáng mọi người liền biết đây là ý trời cho mượn gươm thần trừ bạo. Nhờ có gươm thần phò trợ, nghĩa quân Lam Sơn bách chiến bách thắng, tiếng tăm vang xa, binh lực dồi dào, chẳng bao lâu sau đã đánh đuổi sạch giặc Minh. Sau khi dẹp giặc yên dân, Lê Lợi lên làm vua, trong một lần đi thuyền trên hồ Tả Vọng đã bắt gặp rùa vàng. Rùa vàng đó chính là sứ giả mà Long Quân sai đến lấy lại gươm thần, Lê Lợi hiểu ý bèn cảm ơn và trao trả gươm thần cho rùa vàng, rùa liền ngậm thanh gươm rồi lặn biến mất.
Từ sự tích này, mỗi khi người dân nhắc đến tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm đều nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ của quân và dân ta. Được sống trong hòa bình và ấm no như ngày hôm nay ta phải luôn nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc.
3. Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm bằng lời văn của em, mẫu số 3 (Chuẩn)
Mỗi một câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đều chứa đựng những giá trị tư tưởng, đạo lý sâu sắc nhằm lưu truyền đến thế hệ sau. Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm cũng không là ngoại lệ, truyện vừa ca ngợi cuộc kháng chiến của dân ta, vừa khẳng định một điều cuộc đấu tranh vì chính nghĩa sẽ được cả trời đất và thần dân ủng hộ và chiến thắng.
Nước Nam vào thế kỉ thứ XV bị giặc Minh ở phương Bắc tràn sang đô hộ. Chúng không chỉ xâm lược mà còn ngang nhiên đàn áp, bạo ngược với dân, coi dân ta như cỏ rác, lòng dân oán hận. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) có một nghĩa quân nổi dậy chính là nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu.
Nghĩa quân nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa nhưng vì lực lượng còn yếu không thắng được giặc Minh. Thấy vậy đức Long Quân đã cho mượn gươm thần để nghĩa quân dùng giết giặc cứu nước. Lê Thận là một người hàng chài ở Thanh Hóa, trong một lần đi kéo cá vô tình kéo lên một thanh sắt, lạ thay cả ba lần kéo đều là thanh sắt đó, về sau xem kỹ mới biết đó là thanh gươm. Lê Thận đem thanh gươm về nhà cất, không lâu sau ông cũng tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn. Có lần Lê Lợi về nhà Lê Thận chơi, như nhận ra chủ nhân, thanh gươm thấy Lê Lợi liền phát sáng hiện rõ chữ “Thuận Thiên”. Lần nữa, khi Lê Lợi bị giặc đuổi chạy vào rừng, nhìn thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa bèn xem thử, ông liền phát hiện ra chuôi gươm bằng ngọc phát sáng long lanh. Nghĩ đến thanh gươm ở nhà Lê Thận bèn mang về, không ngờ chuôi gươm và thanh gươm lắp vào vừa như in, hóa thành chiếc gươm thần. Lê Thận dâng gươm cho Lê Lợi, nhờ có gươm thần, Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân ngày càng tinh nhuệ và lớn mạnh, trận chiến nào cũng chiến thắng vang dội khiến cho quân Minh cũng phải bạt vía. Gươm thần đã cùng nghĩa quân quét sạch bóng quân thù, đất nước thái bình, Lê Lợi lên Làm vua dời kinh đô về Thăng Long. Sau một năm, trong một lần dạo thuyền trên hồ Tả Vọng, Lê Lợi bỗng thấy rùa vàng ngoi lên mặt nước nói rằng “Xin bệ hạ hoàn gươm trả lại cho Long Quân”, cùng lúc đó thanh gươm bên người Lê Lợi rung lên. Vua Lê Lợi hiểu ý liền nâng thanh gươm trao trả cho rùa vàng, rùa vàng nhận lấy mang thanh gươm lặn xuống nước.
Từ sự việc trả lại gươm cho Long Quân tại hồ Tả Vọng, hồ này đã được đổi tên thành Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm. Cụ rùa ở Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng, nhân chứng lịch sử, đáng tiếc là cụ rùa đã chết vào năm 2016.
——————-HẾT———————
Kho tàng truyện truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam vô cùng phong phú, các em có thể tham khảo thêm các bài văn sau để cùng cố thêm kỹ năng của mình: Kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em, Kể lại truyện cổ tích Sọ dừa bằng lời văn của em, Hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ, những bài văn mẫu hay nhất, Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục