Đề bài: Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về bài Ông đồ
Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về bài Ông đồ
Bạn đang xem: Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về bài Ông đồ
1. Đoạn văn 1:
Ông đồ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà thơ Vũ Đình Liên. Được viết trong phong trào Thơ mới nhưng Ông đồ lại là một niềm hoài cổ về một quá khứ vàng son trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Nếu như Thơ mới tôn sùng cái tôi cá nhân, đắm chìm trong nó, thì Ông đồ lại là cái ngoảnh mặt đầy xót xa của Vũ Đình Liên về một hình ảnh cuối cùng của nền Nho học đã từng phát triển rực rỡ của đất nước ta. Ông đồ lấy hình ảnh của một thầy đồ ngồi trên phố, viết chữ Nho, câu đối cho mọi người mọi nhà trong dịp lễ tết, xuân sang. Hình ảnh đó in sâu vào tâm trí con người ta vào những năm tháng rực rỡ nhất của nền Nho học:
“Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏBên phố đông người qua”
Những nét bút “như rồng múa phượng bay” khiến cho bao người phải “tấm tắc”, đã chứng tỏ sự tài hoa của một thầy đồ. Thế nhưng, thời đại thay đổi, Hán học suy tàn, những cái mới từ phương Tây ào tới và Nho học đã đánh mất vị thế của mình. Giờ đây, ngồi trên hè phố quen thuộc, thế nhưng, chẳng còn ai nhớ tới một thầy đồ già cặm cụi bên nghiên mực, giấy đỏ nữa! Những tủi sầu dâng lên ngập tràn trong lòng người thầy đồ, mực đọng trong nghiên, giấy đỏ chẳng còn thắm. Ông đồ vẫn ngồi đó, giữa phố xá nhộn nhịp nhưng dường như chẳng còn ai nhớ đến, quan tâm tới sự tồn tại của ông đồ già ngày xưa nữa!
“Ông đồ vẫn ngồi đóQua đường không ai hay”
Lời thơ ngắn ngủi, thế nhưng nó lại gợi lên một niềm hoài cổ, xót xa tới đau lòng! Cảnh vật mênh mang nhưng tàn tạ, thấm đượm nỗi buồn vào trong lòng người.
Khép lại bài thơ là một dòng câu hỏi, nhẹ nhàng thế nhưng lại khiến người đọc phải lặng người bởi nỗi niềm thương tiếc, trống vắng. Hoa đào năm nay lại hồng thắm, rực rỡ đua chen, còn ông đồ già nay chẳng còn thấy nữa!
“Năm nay hoa đào nởKhông thấy ông đồ xưa”
Nỗi niềm thương xót cho ông đồ già là sự hoài cổ, thương tiếc cho một lớp người đã lùi vào dĩ vàng, thương tiếc cho một quá khứ văn hóa vàng son của dân tộc bị lụi tàn bởi ngoại bang xâm lăng. Từng câu thơ là từng lời đồng cảm sâu sắc của Vũ Đình Liên dành cho lớp Nho sĩ cuối mùa, kết hợp cùng với nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa đã làm nên một Ông đồ đi sâu vào lòng người đọc. Ông đồ là một kiệt tác của Vũ Đình Liên, là nỗi niềm hoài cổ, trân trọng, xót xa cho một lớp người Nho sĩ, một quá khứ vàng son của dân tộc. Ông đồ chính là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Vũ Đình Liên.
2. Đoạn văn 2:
Tất cả mọi thứ rồi cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng, để lại cho chúng ta những niềm tiếc thương, hoài niệm. Bắt nguồn từ cảm hứng ấy, Vũ Đình Liên đã viết lên Ông đồ – một tác phẩm chứa đựng sự hoài cổ, day dứt về một lớp người đã từng vang bóng một thời.
Ông đồ là những nhà nho, thi cử không đỗ đạt làm quan mà nhận dạy chữ Thánh hiền. Ông đồ xuất hiện trong bài thơ của Vũ Đình Liên là một người như thế! Ông xuất hiện mỗi độ hoa đào nở, cùng với giấy đỏ và nghiên mực, bút lông viết những câu đối chúc mừng năm mới. Ông đã có những ngày tháng vang danh khi Nho học còn được trọng vọng. Người người nhà nhà đều đến xem, đến thuê ông đồ viết những con chữ, câu đối “rồng bay phượng múa” mang về nhà như một điều may mắn.
Thế nhưng, khi phương Tây ào tới như một cơn gió, mang theo những lớp văn hóa mới lạ thì ông đồ chính thức bị gạt khỏi xã hội. Nho học bị lụi tàn, ông đồ trở thành một kẻ thừa trong xã hội, “qua đường không ai hay”, dù ông vẫn ngồi đó, giữa phố đông đúc người qua lại. Câu hỏi “người thuê viết nay đâu?” cất lên trong sự ngơ ngác, tiếc nuối, cảm thương của Vũ Đình Liên dành cho lớp Nho sĩ cuối mùa này. Ông đồ buồn bã, ngắm dòng người qua lại trong nỗi sầu vô tận. Nỗi buồn, nỗi sầu ấy của ông thấm sang cảnh vật, thấm sau cái nỗi buồn tê tái của nhân tình thế thái:
“Giấy đỏ buồn không thắmMực đọng trong nghiên sầu”
Dưới cơn mưa xuân bay bay, ông đồ già ngồi nhìn dòng người qua lại, nhớ lại dĩ vãng đã qua, lẻ loi, cô đơn, buồn tủi. Từng chiếc lá vàng chao lượn, cơn mưa bụi giăng giăng khắp lối, giăng kín cả lòng người một nỗi buồn thê lương:
“Lá vàng rơi trên giấyNgoài trời mưa bụi bay”
Vài dòng thơ ngắn ngủi nhưng lại gợi ra biết bao điều, từ nỗi buồn thương, đến sự hoài tưởng, hoài niệm, đến cả nỗi xót xa khiến cho lòng người thêm nuối tiếc.
Khép lại bài thơ là một câu hỏi, đọc lên nghe mà xót xa vô cùng:
“Năm nay hoa đào nởKhông thấy ông đồ xưaNhững người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?”
Hoa đào nở đã đỏ thắm nhưng ông đồ xưa nay đã vắng bóng xa xôi. Thương cho ông đồ, thương cho lớp người cũ đã lùi vào dĩ vãng và lớp văn hóa từng vàng son một thời. Niềm cảm thương ông đồ của Vũ Đình Liên cũng là niềm cảm thương sâu sắc của mỗi chúng ta đối với lớp thầy đồ xưa cũ. Ngôn từ giàu hình ảnh, kết hợp với các biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, … đã làm nên một Ông đồ thành công.
Tác phẩm Ông đồ chứa chan niềm cảm thương sâu sắc của tác giả với một thời quá khứ vàng son và đó cũng là một tác phẩm tạo nên dấu ấn riêng đậm nét của Vũ Đình Liên.
3. Đoạn văn 3:
Nổi lên trong phong trào Thơ mới với tác phẩm Ông đồ, Vũ Đình Liên đã khiến cho người đọc phải bồi hồi suy tư về một hình ảnh đẹp đã khắc sâu vào lòng mỗi thế hệ con người Việt Nam về thời kỳ vàng son của văn hóa Nho học – hình ảnh ông đồ.
Ông đồ vốn là những người thi cử không đậu làm quan, ở nhà mở lớp dạy chữ Thánh hiền. Đây được coi như một trong những lớp người tài hoa vào thời kỳ đó, khi mà người ta còn chuộng văn hóa Nho học. Thế nên, vào mỗi dịp đầu xuân, ông đồ lại bày giấy đỏ, bút lông, nghiên mực trên phố để viết câu đối, lời chúc may mắn cho mọi người vào năm mới. Cái vòng lặp thời gian, ông đồ gắn liền với hoa đào thắm, hoa đào nở, ông lại làm công việc của mình với biết bao sự trân trọng, những lời ngợi khen. Từng nét chữ tung bay trên giấy thắm “như rồng múa phượng bay”, biết bao lời “tấm tắc ngợi khen tài” vang lên, đây như là kỉ niệm về một thời tươi đẹp của ông.
Thế nhưng, thế thời thay đổi, văn hóa phương Tây ào tới, Hán học suy vi, ông đồ già trở thành một vị khách trong xã hội. Phố phường vẫn nhộn nhịp như thế ấy mà chẳng còn ai tha thiết tới những câu đối, những nét chữ khi xưa đã từng một thời hâm mộ mà khiến cho người ta tự hỏi “người thuê viết nay đâu?”. Đã qua rồi cái thời mà ông đồ được trọng vọng, được quây quanh bởi những lời ngợi khen. Giờ đây, ông đồ già ngồi nhìn dòng người đông vui qua lại trong buồn bã, cái buồn cái sầu ấy của ông thấm sang từng trang giấy đỏ, nghiên mực, bút lông. Nỗi buồn tê tái của nhân tình thế thái:
“Giấy đỏ buồn không thắmMực đọng trong nghiên sầu”
Cảnh buồn mà lòng người cũng tái tê không kém. Từng giọt mưa xuân lất phất bay cùng những chiếc lá vàng đậu trên mặt giấy, gợi lên một nỗi buồn không thể thấm thía hơn. Ông đồ già ngồi đó mà “qua đường không ai hay”, chẳng ai còn nhớ tới sự có mặt của ông giữa phố xá, bởi họ còn bận theo đuổi những cái mới, “cái Tây”. Từng dòng thơ ngắn ngủi ấy vậy mà làm trào dâng trong lòng người cảm xúc khó tả, sự tiếc nuối, xót xa, đau đớn.
Khép lại bài thơ, Vũ Đình Liên dường như càng đau xót hơn, hoài niệm hơn khi “năm nay hoa đào nở” như một lẽ đương nhiên, một sự thường lệ, nhưng lại chẳng còn được thấy hình ảnh của người thầy đồ kế bên nữa:
“Năm nay hoa đào nởKhông thấy ông đồ xưaNhững người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?”
Ông đồ đã rời xa như một lẽ tất yếu của quy luật xã hội, thế nhưng, người ta lại không khỏi bồi hồi mà thương ông, thương cho những lớp người xưa cũ đã ra đi, thương cho lớp văn hóa lâu đời bị mai một. Kết hợp với ngôn từ giàu hình ảnh cũng biện pháp nghệ thuật đặc sắc, Vũ Đình Liên đã tạo nên cho tác phẩm Ông đồ đi vào lòng người đọc. Ông đồ – niềm hoài cổ, xót thương cho những giá trị văn hóa bị mài mòn, mai một bởi sự ” u hóa” của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Nó cũng là tác phẩm khẳng định tên tuổi của Vũ Đình Liên trên thi đàn Việt Nam.
———————-HẾT————————-
Tìm hiểu về bài thơ Ông đồ để thấy được hình tượng của ông đồ khi xã hội thay đổi, Nho học thất thế cũng như mối đồng cảm của nhà thơ Vũ Đình Liên với ông đồ, bên cạnh đoạn văn ngắn trên đây, các em có thể tìm hiểu thêm: Cảm nhận về bài thơ Ông đồ, Cảm nhận khổ thơ 1 2 bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ, Phân tích, bình giảng: Ông đồ của Vũ Đình Liên.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục