Quy định chung về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn như thế nào?
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
– Tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
– Tiếp nhận và xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng;
– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng.
– Chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
– Chỉ đạo việc thực hiện các quy định tại điểm 1 trên;
– Gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng.
– Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
3. Người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện nhiệm vụ, công vụ đúng qui định của pháp luật;
– Gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh qui định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, qui tắc ứng xử, qui tắc đạo đức nghề nghiệp;
– Kê khai tài sản theo qui định của Luật Phòng, chống tham nhũng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của việc kê khai đó.
Qui định chung về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng chống tham nhũng là gì?
Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
Qui định chung về trách nhiệm phối hợp của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, toà án của cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phòng, chống tham nhũng là gì?
1. Cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước điều tra, viện kiểm sát, toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc phát hiện hành vi tham nhũng và phải có trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, quyết định của mình trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc tham nhũng.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, toà án trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
3. Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.
Luật Phòng, chống tham nhũng nghiêm cấm các hành vi nào?
1. Các hành vi qui định tại điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng.
2. Đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
3. Lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân khác.
Nguyên tắc, nội dung và hình thức công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui đinh như thế nào?
1. Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, dân chủ.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước và các nội dung khác theo qui định của Chính phủ.
3. Hình thức công khai bao gồm:
– Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;
– Phát hành ấn phẩm;
– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
– Đưa lên mạng thông tin điện tử;
– Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ngoài những trường hợp pháp luật có qui định hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai theo qui định tại điểm 3 trên.
Công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?
1. Việc mua sắm công và xây dựng cơ bản phải được công khai theo qui định của pháp luật.
2. Trường hợp mua sắm công và xây dựng cơ bản mà pháp luật qui định phải đấu thầu thì nội dung công khai bao gồm:
– Kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển, mời thầu;
– Danh mục nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, kết quả lựa chọn nhà thầu;
– Thông tin về cá nhân, tổ chức thuộc chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý hoặc đối tượng khác vi phạm pháp luật về đấu thầu; thông tin về nhà thầu bị cấm tham gia và thông tin về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;
– Văn bản qui phạm pháp luật về đấu thầu, hệ thống thông tin dữ liệu về đấu thầu;
– Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu trên phạm vi toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo tổng kết công tác đấu thầu của bộ ngành, địa phương và cơ sở;
– Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu.
Qua bài viết trên, THPT Ngô Thì Nhậm đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về hành vi tham nhũng, nguyên nhân và biểu hiện, quy định của pháp luật về xử lý các hành vi tham nhũng,… Các bạn có thể truy cập website THPT Ngô Thì Nhậm để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp