Đề bài: Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Em hãy giải thích câu nói trên.
Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng….
Bạn đang xem: Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng…
I. Dàn ý Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng
II. Bài văn mẫu Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng
Thế hệ học sinh chúng ta là một nhân tố quan trọng đối với vận mệnh, tương lai và sự phát triển của đất nước, việc chúng ta là những người như thế nào và sẽ trở thành như thế nào sẽ quyết định đến bộ mặt và sự tồn vong của cả quốc gia, dân tộc. Ý thức được điều đó chúng ta phải học tập, tu dưỡng và rèn luyện sao cho xứng đáng là một chủ nhân tương lai đất nước, Bác Hồ đã có lời răn dạy thế hệ học sinh chúng ta rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, có tài đức vẹn toàn mới có thể đưa đất nước đi lên sánh vai với cường quốc năm châu.
Bác Hồ – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, Bác là tấm gương đạo đức ngời sáng, những lời răn dạy của Bác giản dị, gần gũi lại vừa thiết thực, sâu sắc, từng lời bác dạy in sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Trong lời dạy của Bác “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” đề cập tới hai phạm trù là “tài” và “đức”, thứ nhất “tài” ở đây là tài năng, tài trí của mỗi con người và “đức” là đức hạnh, phẩm chất, đạo đức của một con người. Cả tài và đức đều là những thứ phải trải qua cuộc sống, rèn luyện và trau dồi mới có được và trong cuộc sống của cá nhân mỗi người cả hai đều có vai trò quan trọng tương đương nhau, đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng bổ sung cho nhau và luôn song hành với nhau, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó rất khó khăn để chúng ta đối mặt với cuộc sống. Vậy tại sao “Có tài mà không có đức là người vô dụng”? Một người được trời phú cho tài năng thiên bẩm vượt trội hơn người, hoặc nhờ sự phấn đấu rèn luyện mà có được tài năng nhưng lại không có đạo đức thì việc sử dụng tài năng của người đó hoặc là sai trái hoặc là ích kỉ. Sai trái vì họ có thể làm điều trái với luân thường đạo lí, trái pháp luật, ích kỉ vì họ chỉ dùng tài đó cho lợi ích của mình, đạt được mục đích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích của tập thể. Ví dụ như những bạn học sinh giỏi, học rất giỏi nhưng khi các bạn khác hỏi bài lại bày sai cho bạn hoặc ích kỉ không chia sẻ kiến thức, những người như thế dù có tài giỏi đến đâu cũng khó để hòa đồng với mọi người, ngược lại còn bị mọi người xa lánh, ghét bỏ. Dần dần sẽ chẳng có ai cần đến sự tài giỏi của họ nữa và họ sẽ trở thành người vô dụng vì là người không có đạo đức, phẩm chất.
Ngược lại “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, sự thật là như vậy vì đức độ, phẩm hạnh tốt có thể giúp ta có được những mối quan hệ tốt, có được sự tôn trọng, yêu mến của mọi người nhưng khi làm những việc cần đến trình độ, tài năng mà ta lại không có thì ta không thể làm tốt việc đó được. Ví dụ như một cô lao công rất tốt bụng nhưng khi gặp người bị ngất xỉu trên vỉa hè lại không biết làm cách nào cho người đó tỉnh lại. Những người có đức lại càng phải có tài bởi họ sẽ dùng tài đó vào những việc đúng đắn, hợp tình hợp lý và luôn vì lợi ích chung nhất. Cũng giống như một người học sinh ngoan ngoãn lễ phép nhưng học yếu kém thì khó có thể tốt nghiệp, tuy nhiên chỉ cần chăm chỉ học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức, chắc chắn việc học sẽ được cải thiện, bản thân sẽ hoàn thiện được cả tài lẫn đức. Như vậy, lời dạy bảo của Bác Hồ chính là muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của tài và đức, đồng thời phải không ngừng học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những con người tài đức vẹn toàn, hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội.
Là một người học sinh, thế hệ măng non – chủ nhân tương lai của đất nước, học sinh chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân rằng muốn thành công và muốn giúp ích cho xã hội phải cố gắng học tập, rèn luyện sao cho tài đức vẹn toàn. Luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ và luôn luôn học tập theo tấm gương của Bác – một tấm gương ngời sáng tài đức vẹn toàn.
——————HẾT———————
Tài, đức là những yếu tố quan trọng và cần thiết cần có trong mỗi con người và để tìm hiểu về mối quan hệ khăng khít giữa tài và đức, bên cạnh bài Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, các em có thể tham khảo thêm một vài bài văn hay lớp 7 khác: Suy nghĩ về câu nói: Đạo đức là ngọn đèn sáng chiếu rọi, Suy nghĩ về câu nói: “Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài…”, Suy nghĩ về việc tu dưỡng và học tập của bản thân qua câu nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động, Nghị luận “Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”,…
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục