Chính sách giáo dục tại Việt Nam đang được đổi mới rất nhiều với mục đích là phù hợp với sự phát triển của kinh tế – văn hoá – xã hội hiện nay, mong muốn đào tạo được lực lượng lao động trẻ, có tri thức và kỹ năng phù hợp. Trong sự đổi mới đó phải kể đến việc thêm môn giáo dục địa phương (GDĐP) vào chương trình học của học sinh trung học phổ thông (cấp ba), trung học cơ sở (cấp hai) và cả cấp tiểu học (cấp 1). Vậy GDĐP là môn học gì? Học như thế nào? Đổi mới chương trình giáo dục địa phương như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây, hãy cùng trường THPT Ngô Thì Nhậm tìm hiểu nhé.
GDĐP là môn học gì?
GDĐP là chữ viết tắt của cụm từ Giáo dục địa phương, một môn học trong chương trình học của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Môn Giáo Dục Địa Phương cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…
Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tài liệu GDĐP được xem như sách giáo khoa. Trong năm học này, dù còn nhiều khó khăn nhưng một số trường học đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.
Đặc điểm của môn giáo dục địa phương
Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Từ khung thời lượng, các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) sẽ căn cứ nhu cầu thực tế để lựa chọn và xây dựng nội dung giáo dục phù hợp.
Môn Giáo Dục Địa Phương cần áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh.
Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề.
HS tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học.
Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống địa phương), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin.
Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, trải nghiệm, dự án nghiên cứu; tham quan; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tùy theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Có hai đặc điểm lớn đối với môn giáo dục địa phương ở đa số các trường học công lập cũng như dân lập trên cả nước, cụ thể:
Nhiều giáo viên cùng dạy
Các trường được chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt như: sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn… Vì nội dung GDĐP gồm nhiều phân môn, do đó các trường thường chủ động phân công giáo viên dạy các chủ đề theo môn học. Ví dụ, chủ đề về văn học sẽ do giáo viên Ngữ văn dạy, chủ đề âm nhạc sẽ do giáo viên môn Âm nhạc dạy… Trong cùng một nội dung GDĐP sẽ có nhiều giáo viên dạy. Điều này khiến nhà trường, giáo viên lúng túng trong khâu kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ.
Đơn cử tại Đồng Nai, tỉnh đã chủ động biên soạn tài liệu GDĐP và gửi về Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét, phê duyệt tài liệu. Tuy nhiên, tài liệu này đã không được phê duyệt sớm ngay từ đầu năm học. Vì vậy, các trường THCS, giáo viên phải căn cứ vào khung chương trình GDĐP lớp 6 (trong đó có nêu rõ tên chủ đề, nội dung, yêu cầu cần đạt, bài học…) do Sở GD-ĐT ban hành để tự tìm kiếm, biên soạn tài liệu, xây dựng nội dung bài dạy. Điều này đã gây nên rất nhiều khó khăn, vất vả cho giáo viên, đặc biệt là trong bối cảnh phải dạy học online.
Cô Trần Thị Bình, giáo viên Trường THCS Phú Sơn (xã Phú Sơn, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nao) chia sẻ, để dạy được nội dung GDĐP theo phân công của nhà trường trong khi chưa có tài liệu, giáo viên phải cố gắng lên mạng tìm kiếm tất cả hình ảnh liên quan đến nội dung bài học để biên soạn thành tài liệu, giúp học sinh học trực quan, sinh động hơn. Tuy nhiên, vì mỗi giáo viên được phân công dạy một phân môn khác nhau vào những thời điểm khác nhau nên khi học đến phân môn mới thì học sinh lại làm mất tài liệu của phân môn cũ. Do đó, đến khi kiểm tra cuối kỳ, giáo viên lại phải cung cấp lại tài liệu cho học sinh để các em ôn tập, kiểm tra.
Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh
Dù có không ít khó khăn, bất cập khi triển khai nội dung GDĐP trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên, theo nhận xét của đa số giáo viên, nội dung GDĐP có thể trở thành “mảnh đất màu mỡ” để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hoặc xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Điều này sẽ khiến cho nội dung GDĐP trở nền gần gũi, hấp dẫn với học sinh.
Yêu cầu của Bộ GD-ĐT về tài liệu GDĐP là phải được biên soạn theo hướng mở, giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu phải tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học lấy học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân…
Môn giáo dục địa phương ở cấp tiểu học có đặc điểm gì?
Nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học gồm một số vấn đề cơ bản về:
– Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương.
– Địa lí, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương.
– Một số nội dung về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương.
Ngoài việc tích hợp nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học trong hoạt động trải nghiệm, nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học còn được tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh… góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học.
Triển khai thực hiện giảng dạy môn giáo dục địa phương như thế nào?
Việc triển khai thực hiện môn học này đồi hỏi tính chủ động, khoa học và phù hợp. Để thực hiện đúng quy định của Bộ giáo dục và đào tạo về chương trình học giáo dục địa phương, ban lãnh đạo các trường học phải nhanh chống xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảng dạy đặc biệt là nhân lực. Một số trường hiện vẫn chưa đủ điều kiện để dạy và học môn giáo dục địa phương. Một số địa phương mới chỉ áp dụng từ lớp 6, tức là môn giáo dục địa phương chỉ dạy tại hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Khi triển khai thực hiện ở lớp 6, các nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.
Phân công giáo viên dạy riêng môn học mới
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, lớp 6 sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, cùng Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ GDĐT đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện.
Việc phân công giáo viên dạy môn học này, Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn tích hợp Lịch sử và Địa lí được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Đối với môn Khoa học tự nhiên, chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.
Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Do đó, kế hoạch dạy học môn học, nhà trường cần xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Phân công giáo viên dạy bộ môn phù hợp với năng lực
Về phân công giáo viên, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công thầy cô dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của thầy cô. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên môn học này trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô.
Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
Giáo viên dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Đánh giá thường xuyên với hoạt động trải nghiệm
Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ.
Bộ GDĐT hướng dẫn các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Đồng thời cần tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
Cán bộ quản lí, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Video về môn giáo dục địa phương
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tư vấn tuyển sinh