Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ được ban hành kèm Thông tư 17/2012/TT-BGTVT có chỉ rõ:
Xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400kg đối với môtô hai bánh hoặc sức chở từ 350kg đến 500kg đối với môtô 3 bánh.
Do đó, xe có dung tích xi-lanh là 50cm3 được xác định là xe mô tô.
Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, theo đó người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định Điều 60 Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Độ tuổi của người lái xe theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Theo quy định trên, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe tham gia giao thông, tuy nhiên cũng phải căn cứ vào độ tuổi mà được điều khiển loại xe nhất định.
Đối với xe mô tô, người điều khiển xe mô tô phải đủ 18 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe tham gia giao thông.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:
Như vậy, trường hợp người dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông là vi phạm Pháp luật về Giao thông đường bộ với lỗi vi phạm điều kiện về độ tuổi được điều khiển xe tham gia giao thông (đồng nghĩa việc chưa được cấp giấy phép lái xe ) và phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21, Nghị định 171/2013/NĐ-CPxử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:
Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Do đó, người dưới 16 tuổi chỉ bị phạt cảnh cáo và không phải chịu áp dụng hình thức phạt tiền đối với vi phạm này. Tuy nhiên, cá nhân hoặc tổ chức là chủ phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tai Điểm đ, Khoản 3, Điều 30 Nghị định này.
Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.
Như vậy, người dưới 16 tuổi khi có vi phạm về điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông thì phải chịu trách nhiệm bằng hình thức bị phạt cảnh cáo, chủ phương tiện giao xe cho người dưới 16 tuổi vi phạm điều kiện trên phải chịu trách nhiệm hành chính bằng hình thức phạt tiền được nêu cụ thể bên trên. Ngoài ra, có thể bị tạm giữ phương tiện 07 ngày.