Đồng bào là gì?
“Đồng bào là một cách gọi giữa những người Việt Nam, có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Từ đồng bào được sử dụng dựa trên truyền thuyết Trăm trứng nở trăm con. Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng và nở ra một trăm người con là dân tộc Việt Nam ngày nay.”
Đồng bào đơn giản chỉ có nghĩa là người dân có cùng quốc tịch, là công dân của cùng một nước.
Vì sao người Việt Nam ta gọi nhau là đồng bào?
– Việc người Việt thân mật gọi nhau là đồng bào là để chỉ mối quan hệ thân thiết, từ đồng bào có nghĩa là cùng một bào thai, tức là cùng một mẹ sinh ra như câu chuyện cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ vậy. Việc gọi nhau như vậy cũng đã thể hiện người Việt đã xem nhau là anh em trong đại gia đình Việt Nam.
– Hai tiếng đồng bào thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ nhau của tất cả các dân tộc sống trên dãy đất Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền núi, từ miền đất liền đến miền hải đảo xa xôi.
– Vì vậy, từ đồng bào rất hay được sử dụng trong văn nói và văn viết.
Ví dụ: Trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng của buổi sáng ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Người đã hỏi hàng vạn nhân dân đang dự buổi công bố Tuyên ngôn độc lập là: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.