Đề bài: Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả, đoạn trích và nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều.
2. Thân đoạn
* Xót xa, đau đớn khi nhớ về Kim Trọng:
– Thúy Kiều nhớ về đêm thề nguyền dưới trăng, nàng đã cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền và hẹn ước trăm năm.- Xót xa khi nghĩ đến Kim Trọng vẫn một lòng mong nhớ, chờ đợi trong vô vọng.
* Thương cho phận mình:
– Tính từ “bơ vơ” đã diễn tả nỗi cô đơn, trống vắng của nàng nơi đất khách.- Động từ “gột rửa” thể hiện nỗi mặc cảm, tủi nhục của nàng.- Nàng thương nhớ tình nhân, tự trách vì đã bội ước, mặc cảm vì tấm thân đã nhuộm màu sương gió “Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai”.
3. Kết đoạn
Nêu cảm nhận chung
II. Những Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất
1. Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 1 (Chuẩn)
“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa, Thúy Kiều bị Tú Bà giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. Ở đây, trong nỗi đau đớn, tủi hờn, nàng đã nhớ về Kim Trọng- mối tình đầu đẹp của nàng.
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.Tin sương luống những rày trông mai chờ.Bên trời góc bể bơ vơ,Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai”
Kim Trọng và Thúy Kiều từng thề nguyền, hẹn ước trăm năm dưới ánh trăng. Thế nhưng, biến cố bất ngờ ập đến, để làm tròn chữ hiếu, Thúy Kiều đành trao lại mối tình dang dở với chàng Kim cho Thúy Vân. Dù đã quyết định từ bỏ mối lương duyên với chàng Kim để làm tròn bổn phận của người con nhưng Thúy Kiều vẫn luôn thương nhớ, day dứt tự trách vì đã phụ tình chàng Kim. Ở lầu Ngưng Bích, nàng đã xót xa khi nghĩ đến Kim Trọng vẫn một lòng mong nhớ, chờ đợi trong vô vọng mà không biết rằng người con gái cùng chàng “kết tóc” năm nào đã chẳng thể quay lại được nữa. Tính từ “bơ vơ” đã diễn tả nỗi cô đơn, trống vắng của nàng nơi đất khách. Qua dòng suy nghĩ của Thúy Kiều, ta cảm nhận được nỗi đau đớn đến tột cùng. Nàng thương nhớ tình nhân, tự trách vì đã bội ước, mặc cảm vì tấm thân đã nhuộm màu sương gió “Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai”. Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn, đại thi hào Nguyễn Du đã tái hiện đầy xót xa tâm trạng thương nhớ, tự trách của Thúy Kiều khi nhớ về người yêu.
2. Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 2 (Chuẩn)
“Kiều ở lầu Ngưng Bích” đoạn trích thể hiện nỗi cô đơn, buồn tủi của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Trong cảnh giam hãm, mất tự do, Thúy Kiều đã nhớ về Kim Trọng. Nàng nhớ về đêm thề nguyền dưới trăng, nàng đã cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền và hẹn ước trăm năm. Nhớ về những ngày tháng tươi đẹp ấy càng khiến nàng xót xa, đau đớn khi đã phản bội lời ước. Thúy Kiều tưởng tượng ra cảnh Kim Trọng vẫn đang mong nhớ trong vô vọng “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” mà cảm thấy xót xa, đau đớn. Nhớ thương Kim Trọng, Thúy Kiều chua xót nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình. Nơi “chân trời góc bể” rộng lớn, mênh mông nhưng nàng lại chẳng thể tìm thấy được chốn bình yên cho tâm hồn, chỉ có thể “bơ vơ”, đơn độc như người lữ khách không nhà. Động từ “gột rửa” thể hiện nỗi mặc cảm, tủi nhục của nàng. Tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng vẫn vẹn nguyên, thế nhưng tấm lòng thủy chung của nàng đã chẳng thể giữ, “tấm thân” của nàng cũng nhuốm phong trần, sóng gió nào có thể rửa sạch? Đọc bốn câu thơ viết về nỗi nhớ của Thúy Kiều với người yêu, ta cảm nhận được tâm trạng cô đơn, đau khổ cùng nỗi nhớ, nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng nàng.
3. Đoạn văn phân tích nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 3 (Chuẩn)
Qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, tác giả Nguyễn Du đã dựng lên bức tranh tâm trạng đầy đau đớn, xót xa của nàng Kiều. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi và nỗi nhớ dành cho Kim Trọng và cha mẹ. Nàng nhớ về Kim Trọng, người đã cùng nàng ” thề nguyền dưới trăng”, thế nhưng những kí ước tươi đẹp ùa về lại làm cho nàng thêm đau khổ, day dứt. Thúy Kiều tưởng tượng ra cảnh chàng Kim vẫn ngày đêm mong ngóng tin tức của mình trong vô vọng. Nàng tự trách vì đã bội ước, bội bạc với chàng Kim. Lời thề nguyền vẫn còn đó, tình yêu đôi lứa vẫn đong đầy trong trái tim nàng nhưng sóng gió ập đến, đường đời chia hai ngả. Nàng nghĩ về phận đời hẩm hiu của mình và cuộc sống “chân trời góc bể bơ vơ”. Thành ngữ biến thể “bên trời góc bể” không chỉ gợi không gian rộng lớn nơi xứ người mà còn diễn tả cảm giác lạc lõng, cô đơn của Thúy Kiều. Nàng thấm thía nỗi đau của bản thân, nàng cũng hiểu được cái éo le, trắc trở của hoàn cảnh đang vây hãm mình. Nàng cũng hiểu rằng “tấm thân” đã chẳng thể gột rửa, tấm lòng son sắt, thủy chung với chàng Kim cũng chẳng thể vẹn nguyên như ban đầu. Bốn câu thơ nói về nỗi nhớ của Thúy Kiều với người yêu không chỉ thể hiện tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng của nàng mà qua đó còn thể hiện nỗi đồng cảm, xót thương của đại thi hào với người con gái tài sắc.
—————HẾT—————-
“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những trích đoạn thể hiện rõ nhất tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du. Tìm hiểu chi tiết về đoạn trích, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Viết đoạn văn phân tích nỗi nhớ cha mẹ của Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục