Di sản văn hóa là gì?
Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại (như các di tích, hiện vật, các loại hình văn học, nghệ thuật, các nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức và kỹ năng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công,…) còn tồn tại đến ngày nay, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng.
Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.
Di sản văn hóa vật thể là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định rõ về khái niệm Di sản văn hóa vật thể như sau:
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Qua quy định trên, có thể hiểu một cách đơn giản di sản văn hóa vật thể bao gồm: các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Các di sản văn hóa vật thể là những thực thể tồn tại trong cuộc sống đời thực, con người có thể nhìn thấy, sờ nắm, chạm vào được.
Mỗi di sản văn hóa vật thể như những chiếc thuyền trở văn hóa ngàn đời của cha ông, trải qua bao bão táp biến đổi của thời cuộc để đáp xuống cuộc sống hiện đại ngày nay, tái hiện cho thế hệ trẻ người Việt hiện tại hay mai sau thấy được những giá trị truyền thống, phong tục tập quán, trí tuệ… của lớp người đi trước. Đồng thời giúp con người hiện đại hiểu thêm về truyền thống dân tộc, những ký ức lịch sử đã từng bị phủ bụi mờ bởi thời gian niên đại xa xăm, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc, tình yêu thương với quê hương đất nước, lòng tự hào về nét đặc sắc trong văn hóa chỉ riêng mỗi dân tộc mình có của mỗi người con đất Việt.
Di sản văn hóa phi vật thể là gì?
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái hiện và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Các di sản văn hóa phi vật thể cụ thể như sau:
- Tiếng nói, chữ viết
- Ngữ văn dân gian
- Nghệ thuật trình diễn dân gian
- Tập quán xã hội và tín ngưỡng
- Lễ hội truyền thống
- Nghề thủ công truyền thống
- Tri thức dân gian
Đặc trưng của di sản văn hóa
Để hiểu rõ hơn về Di sản văn hóa vật thể là gì? cần nắm được đặc trưng của di sản văn hóa như sau.
– Di sản văn hóa kiến tạo phát triển
+ Các di sản văn hóa trải khắp đất nước có lịch sử hình thành với tính chất, ý nghĩa khác nhau. Đây chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch làm nên những nét đẹp đặc trưng cho mỗi vùng miền.
+ Di sản văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam. Mang đến các nét đẹp riêng từ mộc mạc, yên bình, đến các công trình kiến trúc với giá trị còn mãi theo thời gian, tất cả làm nên những đặc điểm của Việt nam trong mắt bạn bè quốc tế.
– Di sản văn hóa trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển
+ Văn hóa cũng là đặc trưng cần phải bảo tồn và giữ vững tạo ra các nét riêng biệt đối với truyền thống lâu đời của một quốc gia, hòa nhập trong thị trường nhưng không bị hòa tan.
+ Di sản văn hóa được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, phát huy giá trị từ đời này sang đời khác, đây là các trách nhiệm đến từ ý thức nhưng cũng là các quy định, nghĩa vụ được nhà nước xác định cho mỗi công dân.
+ Các giá trị văn hóa đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. Như yếu tố phát triển với các ngành dịch vụ kể đến như du lịch. Kéo theo một loại các tác động với nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ ăn uống,… Từ đó mà mang đến tiếp cận cũng như các cải thiện đối với nền kinh tế.
– Trong tổ chức quản lý
+ Nhà nước thống nhất việc quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân, đảm bảo trong hiệu quả theo dõi cũng như kịp thời xử lý với các hành vi tác động xấu.
+ Đảm bảo trong hiệu quả sở hữu, sử dụng và khai thác hiệu quả, hướng đến bảo vệ và giữ nguyên, thúc đẩy các giá trị văn hóa dân tộc.
Giá trị của di sản văn hóa
Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
- Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của thế hệ cha ông, tạo tiền để để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Bên cạnh đó, đây còn là nền tảng để chúng ta tiếp cận với những nền văn hóa trên toàn thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
- Di sản văn hóa tham gia và thể hiện sự đang dạng của văn hóa thế giới nói chung, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng. Di sản văn hóa luôn có sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng cách biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa nhân loại.
- Di sản văn hóa là động lực để phát triển ngành công nghiệp không khói (ngành du lịch)
Hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.
Một trong những di sản nổi tiếng thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, đây là di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất – địa mạo, giá trị đa dạng sinh học, giá trị văn hóa – lịch sử,…. Không chỉ vậy, vịnh Hạ Long còn được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Với những điều kiện tự nhiên ưu đãi và những danh hiệu của mình, ngày nay, vịnh Hạ Long đã trở thành trung tâm du lịch thu hút lượng khách đông đảo hàng đầu tại nước ta.
Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tính đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành tài sản chung của văn hóa nhân loại. Không chỉ vậy, nó còn có 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3.500 di tích quốc gia, 122 di tích quốc gia đặc biệt.
Nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa
– Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
– Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hoá;
– Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hoá;
– Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hoá;
– Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
– Tổ chức, chỉ đạo khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
– Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
– Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hoá.
Những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa
Theo Điều 13 Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:
Những hành vi làm sai lệch di tích:
- Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;
- Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.
Những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
- Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;
- Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
- Lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành vi khác trái pháp luật.
Những trường hợp sau đây bị coi là đào bới trái phép địa điểm khảo cổ:
- Tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy và các địa điểm khảo cổ khác;
- Tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước.
Quy định về quyền và nghĩa vụ đối với di sản văn hoá
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đối với di sản văn hoá
Theo Điều 14 Luật Di sản văn hoá 2001 quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đối với di sản văn hoá như sau:
– Sở hữu hợp pháp di sản văn hoá;
– Tham quan, nghiên cứu di sản văn hoá;
– Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
– Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;
– Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hoá.
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu di sản văn hoá
Theo Điều 15 Luật Di sản văn hoá 2001 quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu di sản văn hoá như sau:
– Có các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức tại mục 5.1;
– Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hoá có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị huỷ hoại, bị mất;
– Gửi sưu tập di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;
– Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá;
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý di sản văn hoá
Theo Điều 16 Luật Di sản văn hoá 2001 quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý di sản văn hoá như sau:
– Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hoá;
– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hoá;
– Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hoá bị mất hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại;
– Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá;
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Một số giải pháp phát huy vai trò của di sản văn hóa
Di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, sử dụng di sản văn hóa như nguồn lực trong phát triển, tạo nên một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và mang đậm bản sắc. Chính vì vậy, chúng ta cần một số giải pháp để phát huy giá trị của di sản văn hóa:
- Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa.
- Giảm thiểu vấn đề thương mại hóa, sân khấu hóa di sản. Trong việc trình diễn di sản, cần cân nhắc kỹ lưỡng và cân đối hài hòa giữa nhu cầu thị trường và giá trị của di sản.
- Xây dựng chiến lược truyền thông sâu rộng về di sản văn hóa và phát triển.
Các di sản văn hóa vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
- Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thế kỷ XI dưới triều nhà Lý ở Việt Nam, đánh dấu nền độc lập của Đại Việt. Được xây dựng trên tàn tích của một pháo đài Trung Quốc vào thế kỷ VII, nơi đây là trung tâm chính trị và quyền lực của Đại Việt trong suốt 13 thế kỷ.
- Ngày nay Hoàng thành cùng khu khảo cổ số 18 Hoàng Diệu phản ánh nền văn hóa Đông Nam Á đặc sắc nơi Đồng bằng Sông Hồng, cửa ngõ thông thương giữa Trung Hoa cổ đại và Vương quốc cổ Champa.
Đô thị cổ Hội An
- Phố cổ Hội An là một ví dụ nổi bật cho một cảng thương mại của Đông Nam Á vào thế kỷ XV tới thế kỷ XIX.
- Các kiến trúc và đường sá của Hội An phản ánh những nét ảnh hưởng của văn hóa bản địa và ngoại quốc đã tạo nên nét độc đáo cho di sản này.
Quần thể danh thắng Tràng An
- Tọa lạc tại phía Nam của Lưu vực sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An là một quần thể thắng cảnh gồm các núi đá vôi địa hình cacxtơ xen kẽ các thung lũng và các vách đá dốc.
- Các cuộc khám phá đã chỉ ra rằng nơi đây xuất hiện chứng tích khảo cổ của loài người cách đây hơn 30.000 năm. Quần thể còn bao gồm chùa, đền thờ, ruộng lúa và các làng nhỏ.
Quần thể di tích Cố đô Huế
- Với vai trò là kinh thành của một Việt Nam thống nhất năm 1802, Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo dưới triều nhà Nguyễn cho tới năm 1945.
- Dòng sông Hương chảy qua kinh thành, cấm cung và nội thành mang lại cho kinh thành một phong cảnh thiên nhiên tuyệt diệu.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
- Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích 126.236 héc ta và có chung đường biên giới với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
- Vườn quốc gia bao gồm các cao nguyên đá vôi và rừng nhiệt đới. Bao gồm các đa dạng địa lý tuyệt vời, nhiều hang động và sông ngầm, vườn quốc gia có một hệ sinh thái phong phú cùng nhiều loài sinh vật đa dạng.
Vịnh Hạ Long
- Vịnh Hạ Long nằm trong Vịnh Bắc Bộ là một quần thể gồm hơn 1.600 đảo lớn nhỏ, tạo nên một phong cảnh tuyệt đẹp giữa biển với những cột đá vôi nhô lên.
- Hầu hết những hòn đảo đều không có người và không có sự tác động của con người do đặc tính dốc của chúng. Ngoài vẻ đẹp kỳ diệu, vịnh Hạ Long còn sở hữu hệ sinh thái đặc sắc.
********************
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp