Dân tộc thiêu số là những dân tộc có số dân ít, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dân số cả nước, đa số các dân tộc thiểu số đều tập trung sinh sống ở những khu vực giáp biên giới, vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn, vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra cộng đồng các dân tộc thiểu số ít người thường khó hòa nhập do họ sử dụng ngôn ngữ riêng, nhận thức còn hạn chế, có nhiều phong tục tập quán cổ hủ.
Ở nước ta thì chỉ có dân tộc Kinh được coi là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ dân số lớn trong tổng số dân số cả nước, còn 53 dân tộc còn lại đều được xếp vào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên hiện nay số dân của một số dân tộc ngày càng tăng lên như Tày, Thái, Mường….đồng thời địa bàn sinh sống đã tản ra, trình độ văn hóa, kinh tế phát triển mạnh.
Do đặc điểm của cộng đồng dân tộc thiểu số mà trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chú trọng đến việc phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục tại địa bàn các khu vực có dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần tạo lập sự bình đẳng, phát triển đồng đều trên cả nước.
Theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc thì “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy, thế nào là dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, như chúng ta đã biết “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia, đó là dân tộc Kinh với 85,7% dân số cả nước. Các dân tộc khác đều là dân tộc thiểu số.
Trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc, cụm từ “Dân tộc thiểu số” được thống nhất sử dụng trong hệ thống các văn bản pháp qui, các văn bản hành chính và không sử dụng khái niệm dân tộc bản địa. Tuy nhiên tại một số diễn đàn, hội thảo quốc tế, các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ… còn có sự nhầm lẫn khái niệm “người bản địa” và “người dân tộc thiểu số”.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, của văn bản hành chính để lợi dụng tuyên truyền, kích động một số dân tộc thiểu số với lập luận về các điều khoản được ghi trong tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa (như quyền sở hữu về đất đai, tài nguyên, quyền tự trị, tự quyết về chính trị, văn hóa…) để phá hoại chính sách đại đoàn kết, gây bất ổn về chính trị và an ninh quốc phòng.
Thực hiện đúng công tác dân tộc theo các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp qui của Nhà nước, các cơ quan chính quyền các cấp không được sử dụng cụm từ “dân tộc bản địa” để chỉ các dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi cố tình vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật.